Iran nhờ Mỹ, Pháp giúp việc bất ngờ này
Iran cần hỗ trợ kỹ thuật từ Pháp và Mỹ để phân tích dữ liệu từ máy bay chở khách Ukraine vô tình bị bắn hạ, Cơ quan Hàng không Quốc gia của Iran cho biết trong một báo cáo sơ bộ được công bố hôm thứ Hai.
Các máy ghi âm chuyến bay, thường được gọi là hộp đen, chịu thiệt hại vật chất mặc dù bộ nhớ vẫn còn nguyên vẹn sau khi chiếc máy bay chở 176 người của hãng hàng không Ukraine International Airlines bị trúng hai tên lửa trong vòng ba phút sau khi cất cánh từ sân bay của Tehran vào ngày 8/1, báo cáo trên cho biết.
Các nhân chứng đã nhìn thấy một vụ cháy trên bầu trời và chiếc máy bay đã phát nổ rồi rơi xuống đất.
“Đại diện Ukraine đang điều tra vụ việc và các chuyên gia đồng ý rằng máy ghi dữ liệu là một thiết bị công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Nhưng vì những hư hỏng bên ngoài, họ cần một số chuyên gia để sửa chữa để đảm bảo những máy ghi dữ liệu sẽ được phân tích ở Iran”, báo cáo cho biết thêm.
Video đang HOT
Theo đó, một yêu cầu trợ giúp kỹ thuật đã được gửi đến Cục điều tra và phân tích về an toàn hàng không dân dụng ở Pháp và Ủy ban an toàn giao thông quốc gia ở Mỹ. Tuy nhiên, Iran cho biết, đề nghị giúp đỡ của họ đã không được phía Mỹ, Pháp phản hồi tích cực.
Canada, Thụy Điển, Mỹ, Pháp, Anh và Ukraine đang yêu cầu tham gia vào quá trình điều tra chứ không phải là quan sát viên.
Trước đó, Iran từng tuyên bố sẽ gửi hộp đen máy bay tới Ukraine nhưng đến nay vẫn chưa gửi.
“Iran đang làm việc để khôi phục dữ liệu và bản ghi cabin và có thể gửi máy ghi âm chuyến bay tới Ukraine hoặc Pháp. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định”, báo cáo viết.
Theo danviet.vn
Iran không loại trừ khả năng rút khỏi NPT
Ngày 20/1, Iran thông báo sẽ xem xét rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) nếu tranh chấp liên quan tới chương trình hạt nhân của quốc gia này bị đưa ra Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Hồi tuần trước, Anh, Pháp và Đức đã kích hoạt quy trình giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5 1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) vì cho rằng Tehran đã vi phạm thỏa thuận. Nếu không được giải quyết trước ủy ban chung, vấn đề sẽ được tiếp tục đưa lên một ban cố vấn và cuối cùng có thể lên tới HĐBA LHQ, dẫn tới việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của LHQ với Tehran. Iran cáo buộc các quốc gia châu Âu không có động thái gì trước việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran.
Trang web chính thức của Quốc hội Iran dẫn lời Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif cho rằng động thái mới của các nước châu Âu "không có căn cứ pháp lý" và nếu các bên này tiếp tục tiến xa hơn, Iran sẽ xem xét rút khỏi NPT.
Ngoại trưởng Iran cũng khẳng định quốc gia này đã dừng các bước nhằm thu hẹp cam kết cần tuân thủ trong thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015. Nếu các quốc gia châu Âu trở lại tuân thủ các cam kết, Iran cũng sẽ ngừng việc thu hẹp các cam kết tuân thủ. Ngược lại, nếu các nước này tiếp tục có động thái như thời gian qua, Iran sẽ có những lựa chọn khác.
Ông Zarif nêu rõ trong 3 lá thư gửi hồi năm 2018, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cảnh báo cựu Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini về những hậu quả tương tự. Nội dung thư nêu rõ nếu vấn đề bị đưa ra đến HĐBA thì Iran sẽ cân nhắc rút khỏi NPT sau khi xem xét các phương án khác.
Theo thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), Iran chấp thuận hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tuy nhiên, thỏa thuận dần suy yếu sau khi Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran từ tháng 5/2018.
Một năm sau, Tehran liên tục thực hiện các bước đi "thu hẹp" cam kết cần tuân thủ trong thỏa thuận, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Đầu năm 2020, căng thẳng Mỹ- Iran tiếp tục leo thang sau vụ Mỹ không kích sân bay quốc tế Baghdad khiến một Tư lệnh cao cấp của Iran Qasem Soleimani thiệt mạng. Tehran ngay sau đó đã đáp trả bằng cuộc tập kích tên lửa vào hai căn cứ có binh lính Mỹ và liên quân quốc tế đồn trú tại Iraq.
Theo Lê Ánh (TTXVN)
Iran dọa xét lại sự hợp tác với IAEA Người phát ngôn Quốc hội Iran Ali Larijani cảnh báo nước này sẽ xem xét lại việc hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nếu các cường quốc châu Âu áp dụng cách tiếp cận bất công trong sử dụng cơ chế tranh chấp thuộc thỏa thuận hạt nhân 2015. Iran chấm dứt tuân thủ những giới hạn...