Iran khoe ‘thành phố tên lửa’ dưới lòng đất
Tướng Vệ binh Cách mạng Iran cho biết nước này có nhiều thành phố tên lửa dọc bờ biển nhằm gửi cảnh báo đến “những kẻ thù của Iran”.
“Iran đã thiết lập hàng loạt thành phố tên lửa ngầm ở dọc bờ biển giáp vịnh Ba Tư và vịnh Oman, chúng sẽ là cơn ác mộng với những kẻ thù của Iran”, chuẩn đô đốc Ali Reza Tangsiri, tư lệnh hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ( IRGC), hôm qua cho biết.
Chỉ huy hải quân IRGC cho biết lực lượng này đã triển khai 23.000 binh sĩ và 428 hải đội hiện diện khắp các vùng biển phía nam Iran. “Các loại tên lửa tầm xa và phương tiện quân sự thế hệ mới sẽ vượt ngoài sức tưởng tượng của các kẻ thù”, chuẩn đô đốc Tangsiri nói thêm.
Bên trong hầm ngầm chứa tên lửa đạn đạo Iran. Video: IRNA.
Ngoài kho tên lửa hành trình và đạn đạo uy lực, Tehran đã xây dựng mạng lưới hầm ngầm kiên cố và được ngụy trang rất kỹ, nhằm bảo vệ lực lượng chiến lược trước đòn phủ đầu của đối phương và tung đòn trả đũa bất ngờ. Đây là một phần của những “thành phố ngầm” chuyên chế tạo tên lửa đạn đạo của Tehran, giúp nước này sở hữu cơ sở hạ tầng khép kín, được gia cố để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị tên lửa chiến lược.
Iran đã nhiều lần hé lộ các cơ sở như vậy từ năm 2015. Chúng không chỉ là nơi lưu trữ và lắp ráp tên lửa đạn đạo, mà còn có những giếng phóng kiên cố cho phép khai hỏa tên lửa mà không để lộ bệ phóng, tránh nguy cơ bị đối phương phát hiện và tập kích.
Hệ thống đường hầm bí mật được trang bị nhiều cửa chống nổ và cơ cấu đóng mở tự động, chỉ cho phép một cánh cửa được mở vào bất kỳ thời điểm nào. Điều này giúp cô lập các vụ nổ từ vũ khí xuyên phá hoặc sự cố tên lửa, khiến chúng chỉ gây hư hại được một đoạn hầm thay vì lan truyền và phá hủy toàn bộ căn cứ.
Những khoản đầu tư khổng lồ cho hệ thống hầm ngầm giúp Iran duy trì khả năng răn đe, đủ sức buộc Mỹ và đồng minh trả giá đắt nếu nổ ra chiến tranh ở Trung Đông. Nó đủ sức biến một xung đột có giới hạn trở thành cuộc chiến phức tạp, mang quy mô lớn hơn nhiều so với dự kiến.
Iran sẽ bồi thường vụ bắn nhầm máy bay khiến 176 người chết
Iran chấp nhận bồi thường cho gia đình nạn nhân nước ngoài trên máy bay của hãng hàng không quốc tế Ukraine bị tên lửa bắn nhầm hồi tháng 1.
"Chúng tôi đã ký thỏa thuận rằng chúng tôi sẽ đàm phán với Iran về việc bồi thường cho gia đình các nạn nhân", Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde hôm nay ra tuyên bố cho biết, đề cập đến vụ máy bay chở khách bị tên lửa phòng không Iran bắn nhầm hồi đầu năm, khiến 176 người thiệt mạng.
Ngoại trưởng Linde nói thêm rằng thỏa thuận này đạt được sau cuộc đàm phán giữa Iran và các quốc gia có công dân tử nạn.
Máy bay Boeing 737-800 số hiệu PS752 của Hãng hàng không Quốc tế Ukraine (UIA) chở 176 người bị trúng tên lửa ngay sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Imam Khomeini tại Tehran, Iran, sáng 8/1. Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) sau đó thừa nhận bắn nhầm máy bay do tưởng đó là tên lửa hành trình Mỹ.
Hiện trường máy bay chở khách Ukraine bị Vệ binh Cách mạng Iran bắn nhầm hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.
Nạn nhân trên máy bay phần lớn là người Iran, Canada, nhưng cũng bao gồm công dân từ các nước Thụy Điển, Anh, Afghanistan và Ukraine, trong đó có 9 thành viên phi hành đoàn.
Hiện chưa rõ số tiền sẽ được Iran chi trả, nhưng Ngoại trưởng Thụy Điển nói Tehran chắc chắn sẽ tuân theo thỏa thuận bồi thường.
Iran nhiều lần đưa ra tuyên bố trái ngược về cách xử lý hộp đen máy bay, khi từng tuyên bố tự giải mã hoặc có thể gửi nó tới Cục Điều tra và Phân tích An toàn Hàng không Dân dụng Pháp (BEA). Tuy nhiên, Bộ trưởng Đường bộ và Phát triển đô thị Iran Mohammad Eslami tháng trước cho biết sẽ gửi hộp đen cho Ukraine.
Theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), hộp đen máy bay sẽ được phân tích tại quốc gia nơi tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, các quốc gia liên quan là Ukraine, Canada và Mỹ đã nhiều lần gây sức ép buộc Iran gửi các hộp đen sang Pháp để phân tích.
Ukraine tham gia cuộc điều tra với tư cách là quốc gia nơi máy bay đăng ký và vận hành. Mỹ, với vai trò là nước thiết kế và sản xuất máy bay, tham gia đại diện cho Boeing. Canada là nước có nhiều người thiệt mạng trên chuyến bay nhất, với 55 công dân và 30 thường trú nhân.
Iran lên tiếng sau cảnh báo 'xua tàu lạ' của Mỹ Tehran tuyên bố hải quân Iran vẫn sẽ hoạt động bình thường sau khi Washington yêu cầu tàu nước ngoài ở vịnh Ba Tư tránh xa chiến hạm Mỹ. "Các đơn vị hải quân của Cộng hòa Hồi giáo Iran ở vịnh Ba Tư và vịnh Oman sẽ tiếp tục nhiệm vụ bình thường theo những nguyên tắc chuyên nghiệp như trước đây",...