Iran khẳng định sẽ không từ bỏ thỏa thuận hạt nhân
Ngày 24/9, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tuyên bố Tehran không muốn từ bỏ các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc trên thế giới, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện ( JCPOA).
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các cường quốc phương Tây bày tỏ thất vọng về tiến độ chậm chạp của đàm phán.
Phát biểu với hãng thông tấn IRNA bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 76 ở New York (Mỹ), Ngoại trưởng Abdollahian nêu rõ: “Chúng tôi không tìm cách rời khỏi bàn đàm phán. Chúng tôi chắc chắn sẽ theo đuổi một cuộc thương lượng phục vụ các quyền và lợi ích của đất nước chúng tôi… Chúng tôi đang xem xét các cách liên quan vấn đề quay trở lại đàm phán… chúng tôi sẽ trở lại bàn đàm phán sớm nhất có thể”.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong bài phát biểu được ghi âm tại Tehran và gửi tới Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) lần thứ 76 ở New York (Mỹ) ngày 21/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó, trong bài phát biểu được ghi âm trước gửi tới Phiên thảo luận cấp cao ĐHĐ LHQ ngày 21/9, tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã lên tiếng ủng hộ các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận JCPOA và kêu gọi Mỹ thực hiện cam kết chấm dứt toàn bộ các biện pháp trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Trong tuần này, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Washington thất vọng khi không có bất kỳ “tín hiệu tích cực nào” cho thấy Iran đã sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng. Chính phủ các nước châu Âu cũng cho biết họ không thấy Ngoại trưởng Iran Amir-Abdollahian đề cập vấn đề cụ thể trong các cuộc họp bên lề ĐHĐ LHQ.
Sau 6 vòng đàm phán tại Vienna kể từ tháng 4 vừa qua nhằm khôi phục JCPOA cũng như đưa Mỹ trở lại thỏa thuận, các bên cho biết giữa Tehran và Washington vẫn còn tồn tại những bất đồng nghiêm trọng liên quan tới việc khôi phục thỏa thuận. Kể từ sau vòng đàm phán thứ 6 kết thúc vào ngày 20/6, các cuộc đàm phán này đã bị ngưng trệ.
Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Đáp lại, Tehran đã dần từ bỏ việc thực thi các cam kết trong thỏa thuận kể từ tháng 5/2019.
Iran nhấn mạnh mục tiêu đàm phán hạt nhân
Ngày 4/9, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán với các cường quốc thế giới để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, trong đó hướng tới mục tiêu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, song không phải với "sức ép" của phương Tây.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi phát biểu tại cuộc họp nội các ở Tehran ngày 26/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Raisi cho biết thêm rằng Tehran tìm kiếm các cuộc đàm phán nhằm dỡ bỏ trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạo Iran nói: "Người phương Tây và người Mỹ đang cùng gây sức ép...chúng tôi sẽ có các cuộc đàm phán về chương trình nghị sự của chúng tôi mà không có sức ép. Chúng tôi tìm kiếm các cuộc đàm phán có định hướng mục tiêu nhằm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với người Iran".
Trước đó, Ngoại trưởng Iran cho rằng các cuộc đàm phán bị đình trệ về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân giữa nước này với các cường quốc nhiều khả năng sẽ chỉ có thể được nối lại sau khoảng 2-3 tháng tới. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn phát trên truyền hình nhà nước tối 31/8 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian khẳng định Tehran không tìm cách "bỏ chạy khỏi bàn đàm phán" đồng thời cho biết các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna (Áo) là "vấn đề về chính sách đối ngoại và chương trình nghị sự của chính phủ". Ông thể hiện lập trường của Chính phủ Iran coi một cuộc đàm phán thực sự là phải tạo ra những kết quả rõ ràng cho phép đảm bảo các quyền lợi của quốc gia. Theo ông Hossein Amir-Abdollahian, các nước tham gia đàm phán biết rất rõ rằng Chính phủ mới của Iran cần từ 2-3 tháng để ổn định và bắt đầu đưa ra các quyết sách.
Trong khi đó, ngày 1/9, Pháp và Đức đã hối thúc Tehran nhanh chóng trở lại đàm phán hạt nhân. Thông báo của Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, trong một cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đã nhấn mạnh với người đồng cấp Iran Hossein Amirabdollahian về tầm quan trọng và sự khẩn thiết của việc nối lại đàm phán ngay lập tức, vốn bị gián đoạn kể từ tháng 6 đến nay. Bộ Ngoại giao Đức cùng ngày thông báo Berlin đã hối thúc Tehran trở lại bàn đàm phán một cách xây dựng và sớm nhất có thể sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đưa ra báo cáo cho hay Iran đã tăng tốc làm giàu urani lên gần cấp độ vũ khí. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức khẳng định "cánh cửa thời gian sẽ không mở vô hạn". Hồi tháng trước, Pháp, Đức và Anh đã bày tỏ quan ngại về báo cáo của IAEA xác nhận rằng Iran đã lần đầu tiên sản xuất urani được làm giàu tới 20% độ tinh khiết phân hạch và nâng công suất sản xuất urani được làm giàu lên 60%.
Iran đã dần đình chỉ thực hiện các cam kết của nước này trong thỏa thuận hạt nhân JCPOA từ tháng 5/2019, một năm sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran. Ủy ban hỗn hợp JCPOA, có sự tham dự gián tiếp của phái đoàn Mỹ, bắt đầu các cuộc họp trực tiếp từ ngày 6/4 ở Vienna để tiếp tục các cuộc thảo luận trước đó về khả năng Mỹ quay trở lại thỏa thuận và cách thức đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận này. Sau 6 vòng đàm phán, các bên cho biết vẫn còn bất đồng nghiêm trọng giữa Mỹ và Iran về việc khôi phục thỏa thuận.
IAEA thúc đẩy đối thoại với Iran Ngày 12/9, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã đến Tehran để hội đàm với các quan chức Iran. Dự kiến ông sẽ gặp lãnh đạo mới của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI), ông Mohammad Eslami, và sau đó trở về Vienna (Áo) để có cuộc báo tại đây ngay trong ngày. Tổng...