Iran kêu gọi ông Trump thay đổi chính sách ’sức ép tối đa’
Iran đã thúc giục ổng thống đắc cử Donald Trump xem xét lại chính sách “gây sức ép tối đa” mà ông đã theo đuổi đối với Tehran trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Ông Donald Trump phát biểu tại Milwaukee, Wisconsin, Mỹ, ngày 18/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo hãng tin AFP, ngày 9/11, Phó Tổng thống Iran, Mohammad Javad Zarif đã thúc giục Tổng thống đắc cử Donald Trump xem xét lại chính sách “gây sức ép tối đa” mà ông đã theo đuổi đối với Tehran trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
“Ông Trump phải chứng minh rằng ông không theo đuổi những chính sách sai lầm trong quá khứ”, Phó Tổng thống Iran phụ trách các vấn đề chiến lược, Mohammad Javad Zarif, nói với các phóng viên.
Ông Zarif, một nhà ngoại giao kỳ cựu từng giữ chức bộ trưởng ngoại giao Iran, đã giúp ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc phương Tây, bao gồm cả Mỹ. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị phá vỡ vào năm 2018 sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận dưới thời ông Trump. Sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã áp đặt lại các lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Đáp lại, Tehran hủy bỏ các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận hạt nhân và kể từ đó đã làm giàu uranium lên tới mức 60%, chỉ thấp hơn 30% so với cấp độ hạt nhân. Iran đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc của các nước phương Tây rằng họ đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân.
Hãng tin AFP đưa tin, Phó Tổng thống Zarif cũng cho rằng, cách tiếp cận chính trị của ông Trump đối với Iran đã dẫn đến sự gia tăng mức độ làm giàu uranium.
“Ông ấy hẳn đã nhận ra rằng chính sách gây sức ép tối đa mà ông khởi xướng đã khiến mức độ làm giàu của Iran tăng từ 3,5% lên 60%”, ông Zarif nói. “Là một người biết tính toán, ông Trump nên tính lại bài toán và xem xét những ưu điểm, nhược điểm của chính sách này là gì và liệu ông ấy có muốn tiếp tục hay thay đổi chính sách có hại này không”, Phó Tổng thống Zarif nói thêm.
Trước đó, hôm 7/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Esmaeil Baghaei cho biết ông hy vọng cuộc trở lại Nhà Trắng của tổng thống đắc cử Mỹ sẽ cho phép Washington “sửa đổi những cách tiếp cận sai lầm trong quá khứ”.
Ngày 5/11, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông “không muốn gây tổn hại cho Iran”.
“Các điều khoản của tôi rất dễ dàng. Họ không thể có vũ khí hạt nhân. Tôi muốn họ trở thành một quốc gia rất thành công”, ông nói sau khi bỏ phiếu.
Video đang HOT
Tờ Wall Street Journal (WSJ) hôm 8/11 dẫn các nguồn tin cho biết, Tổng thống đắc cử Trump đang cân nhắc việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran, nhằm làm suy yếu khả năng hỗ trợ của nước này đối với các tổ chức như Hamas và Hezbollah.
Kế hoạch này được xem như một phiên bản nâng cấp của chiến lược “gây sức ép tối đa” mà ông Trump đã áp dụng trong nhiệm kỳ đầu.
Theo WSJ, lần này, sự quyết liệt có thể sẽ càng gia tăng do các cáo buộc cho rằng Tehran từng lên kế hoạch ám sát ông và các cố vấn an ninh hàng đầu sau khi ông rời nhiệm sở.
Ông Trump từ lâu nổi tiếng với lập trường cứng rắn đối với Iran. Trong nhiệm kỳ đầu, ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 – một thỏa thuận nhằm kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Ông cho rằng thỏa thuận này chưa đủ mạnh để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran và đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt về dầu mỏ, thương mại và tài chính.
Năm 2020, ông Trump ra lệnh ám sát tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds của Iran, làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Cũng theo WSJ, nhóm của ông Trump đã lên kế hoạch giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Iran, bao gồm giám sát chặt chẽ các cảng biển và truy quét các thương nhân nước ngoài giao dịch với Iran.
Một cựu quan chức Nhà Trắng cho biết, ông Trump cũng sẽ tăng cường cô lập Iran về tài chính và ngoại giao, đồng thời khai thác các điểm yếu nội bộ của Tehran.
Những động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Đông đang chìm trong xung đột. Israel đang phải đối đầu với Hamas tại Dải Gaza và Hezbollah tại Liban – hai tổ chức được Iran hậu thuẫn.
Tương lai những vụ án nhằm vào ông Trump
Cuộc trở lại Nhà Trắng một cách phi thường của ông Trump chắc chắn sẽ tác động đến bốn vụ án hình sự đang nhằm vào ông.
Ông Trump ra trình diện tại tòa án quận Manhattan, bang New York vào ngày 2/10/2023. Ảnh: TTXVN phát
Chiến thắng vang dội của ứng cử viên Donald Trump, người sẽ một lần nữa đảm nhiệm chức tổng thống trong một cuộc trở lại có lẽ là phi thường nhất trong lịch sử chính trường Mỹ, với nhiều tiền lệ bị phá vỡ vào sáng 6/11. Đã hơn một thế kỷ trôi qua kể từ khi một tổng thống giành lại Nhà Trắng sau một kỳ bầu cử thất bại, và chưa bao giờ một người bị kết án là có tội lại được bầu làm nhà lãnh đạo quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
Chiến thắng của ông Trump cũng mang lại sự tập trung quyền lực chưa từng có trong tay ông. Đảng Cộng hòa đã giành được quyền kiểm soát Thượng viện và đang trên đường tiếp quản Hạ viện, sau khi các phiếu bầu cuối cùng được kiểm, một quá trình vẫn có thể mất vài ngày. Ngoài ra, Tòa án Tối cao hiện có đa số siêu bảo thủ với 6 thẩm phán, điều chưa từng thấy kể từ những năm 1930, trong đó có 3 thẩm phán do chính ông Trump bổ nhiệm. Sự củng cố quyền lực này trên khắp các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp vẽ nên bức tranh ấn tượng về một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng ở cả ba cơ quan quyền lực tại Washington.
Trong khi đó, sự không chắc chắn lớn đầu tiên về vị tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới liên quan đến tương lai pháp lý của ông và cách sự tập trung quyền lực như đã nói ở trên có thể ảnh hưởng đến các vụ án chống lại ông. Ngoài bản án liên quan đến các khoản chi mua sự im lặng của nữ diễn viên phim người lớn Stormy Daniels, ông Trump còn phải đối mặt với ba phiên tòa hình sự lớn khác. Một vụ ở Florida, liên quan đến việc xử lý các tài liệu mật tại Mar-a-Lago, mà ông đã mang đi dù không được phép sau khi rời Nhà Trắng. Một vụ án khác là ở Atlanta, nơi ông đang bị xét xử vì tội phá hoại bầu cử ở bang Georgia vào năm 2020. Vụ án thứ ba là ở Washington, D.C., liên quan đến vai trò của ông trong các sự kiện dẫn đến cuộc nổi loạn ngày 6/1/2021.
Tương lai nào đang chờ đợi ông Trump ở New York?
Lịch trình đầu tiên trong phiên tòa xét xử ông Trump hậu bầu cử được ấn định vào ngày 26/11, khi tòa đọc bản án. Phiên tòa này đã bị hoãn lại hai lần, một phần là nhờ vào chiến thuật trì hoãn thông minh của nhóm luật sư bào chữa. Juan Merchan, thẩm phán giám sát vụ án, có thời hạn đến 13/11 để quyết định có hủy bỏ hoàn toàn bản án hay không, dựa trên phán quyết của Tòa án Tối cao vào đầu tháng 7, theo đó trao cho ông Trump, và bất cứ ai ở vị trí tương tự, quyền miễn trừ một phần đối với các nghĩa vụ chính thức. Nếu thẩm phán Merchan xác định rằng phán quyết này áp dụng cho vụ án hiện tại, bị cáo sẽ không phải đối mặt với bản án.
Ông Trump ngồi cùng nhóm luật sư khi trình diện tại Tòa án New York ngày 4/4/2023, trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự. Ảnh: TTXVN phát
Tuy nhiên, nếu thẩm phán quyết định khác, luật sư của ông Trump dự kiến sẽ yêu cầu hoãn phiên tòa để nộp đơn kháng cáo, mà Merchan có khả năng sẽ chấp thuận. Sau khi tất cả các đơn kháng cáo đã được giải quyết, vụ án này có thể sẽ lại nằm lại Tòa án Tối cao, với đa số thân ông Trump. Sự chậm trễ tiềm ẩn này đặt ra một thách thức độc đáo, đó là khi đó, vấn đề không còn là tuyên án một ứng cử viên nữa mà là một tổng thống đương nhiệm - một tình huống chưa từng có tiền lệ. Với những sự phức tạp này, thẩm phán Merchan có một lựa chọn khác: áp dụng mức án thấp hơn mức án tối đa 4 năm đối với một trường hợp như trường hợp của ông Trump, chẳng hạn như quản chế, quản thúc tại gia, phục vụ cộng đồng hoặc phạt tiền.
Và ba vụ án còn lại thì sao?
Không giống như vụ án hình sự ở Manhattan, ba vụ kiện khác chống lại ông Trump liên quan đến tội phạm liên bang. Hai trong số những vụ này một ở Florida và một ở Washington có một điểm chung: cả hai đều bị truy tố bởi công tố viên đặc biệt Jack Smith, đối thủ chính của ông Trump và là cái tên đứng đầu trong "danh sách kẻ thù" của ông - theo lời ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris.
Ông Trump đã thề sẽ loại bỏ Smith: "Tôi sẽ sa thải ông ta trong vòng hai giây". Một sự sa thải như vậy sẽ cho phép ông Trump, sau khi giành lại quyền kiểm soát Bộ Tư pháp (nơi công tố viên Smith phục vụ), bãi bỏ những cáo buộc đó.
Bình luận của ông Trump về việc sa thải công tố viên Smith đặt ra một câu hỏi khác: công tố viên đặc biệt - một nhân vật có truyền thống lâu đời trong lịch sử tổng thống Mỹ, từ Richard Nixon đến Bill Clinton - định xử lý như thế nào về vấn đề này? Điều đó phụ thuộc vào việc liệu địa vị của tổng thống đắc cử có được coi là tương đương với vị trí của một tổng thống đương nhiệm hay không. Nếu họ được coi là như nhau, thì ngày tại nhiệm của Smith có thể sẽ được đếm. Tuy nhiên, nếu không, ông Smith sẽ có thời gian cho đến ngày 20/1 - ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai - để tiếp tục nỗ lực của mình.
Trong khi đó, vụ án ở Washington đã thúc đẩy phán quyết của Tòa án Tối cao cấp quyền miễn trừ cho một số hành động nhất định được một vị tổng thống thực hiện khi đương chức. Câu hỏi quan trọng hiện nay là phán quyết này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vụ án của ông Trump.
Còn trong vụ án tài liệu ở Mar-a-Lago, ông Trump có một đồng minh trung thành là thẩm phán giám sát vấn đề này, Aileen Cannon. Vào tháng 7, Cannon đã bác bỏ vụ án, hai ngày sau vụ ám sát đầu tiên nhằm vào ông Trump, với lý do rằng vai trò của một công tố viên đặc biệt là vi hiến. Nhưng quyết định đó đã bị kháng cáo.
Với vụ án ở Atlanta, đây là một rắc rối pháp lý khác mà đội ngũ bào chữa của ông Trump đã tìm cách trì hoãn. Kết quả có thể phụ thuộc vào việc liệu Biện lý Quận Fulton Fani Willis có bị loại do có báo cáo về mối quan hệ lãng mạn với một công tố viên đặc biệt hay không. Câu hỏi đó dự kiến sẽ không được giải quyết cho đến năm 2025. Có vẻ như nếu Willis bị loại khỏi vụ án, sẽ không ai muốn hoàn thành những gì bà đã bắt đầu, khi ông Trump đã trở lại Phòng Bầu dục.
Liệu ông Trump có thể tự ân xá cho mình không?
Ông có thể làm điều đó, ngoại trừ một trường hợp: vụ án ở New York. 34 cáo buộc mà ông bị kết án là các tội cấp tiểu bang và quyền lực liên bang của một tổng thống không mở rộng đến các vấn đề của tiểu bang.
Liệu ông Trump có thể trở thành tổng thống trong trường hợp rất khó xảy ra là ông bị đưa vào tù không?
Câu trả lời ngắn gọn là "Có". Mặc dù có vẻ như các vấn đề pháp lý của ông có thể khiến cử tri không muốn bỏ phiếu cho ông, nhưng rõ ràng là điều đó đã không xảy ra.
Hiến pháp Mỹ không chỉ cho phép ông Trump ra tranh cử - ngay cả khi ông bị kết tội trọng tội - mà còn không cấm một người bị kết tội trở thành tổng thống, ngay cả khi họ bị giam giữ!
Ngoại lệ duy nhất là đối với bản án về một tội rất cụ thể: nổi loạn. Mặc dù người ta có thể tranh luận liệu vai trò của ông Trump trong vụ tấn công Điện Capitol vào ngày 6/1/2021 có phù hợp với định nghĩa đó hay không, nhưng điều đáng chú ý là không có cáo buộc nào trong số 91 cáo buộc mà ông phải đối mặt trong bốn vụ án chống lại ông là về tội nổi loạn.
Dự báo biện pháp đối phó với Mỹ của Trung Quốc khi ông Trump trở lại Bắc Kinh được dự báo sẽ đứng trước nhiều biến động và sự cạnh tranh hơn với Mỹ, mặc dù nền kinh tế đang chậm chạp của họ có thể hạn chế các lựa chọn "phản công". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Bắc Kinh. Ảnh: THX/TTXVN Theo tờ New York Times, trong năm qua, Mỹ và Trung Quốc...