Iran cảnh báo dừng hoạt động thanh sát hạt nhân của IAEA
Iran tuyên bố sẽ dừng cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hoạt động thanh sát nếu các bên tham gia JCPOA không tuân thủ đầy đủ thỏa thuận.
Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan, cách thủ đô Tehran 420km về phía nam. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Ngày 25/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh tuyên bố Iran sẽ ngừng thực thi Nghị định thư bổ sung của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về việc cho phép thanh sát các cơ sở hạt nhân của Tehran, nếu các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện – JCPOA) không thực hiện đầy đủ các cam kết.
Phát biểu tại cuộc họp báo định kỳ hằng tuần, ông Khatibzadeh cho biết Luật Kế hoạch hành động chiến lược của Iran quy định rõ rằng, nếu các bên tham gia JCPOA không tuân thủ đầy đủ thỏa thuận này, Iran sẽ dừng cho phép các hoạt động thanh sát, kiểm tra liên quan tới Nghị định thư bổ sung của IAEA mà Tehran đang tự nguyện thực hiện. Tuy nhiên, ông khẳng định Iran sẽ không trục xuất các thanh sát viên của IAEA và hợp tác giữa Tehran và cơ quan này sẽ không bị gián đoạn.
Trước đó cùng ngày, quan chức trên tuyên bố Iran sẽ thực hiện lại các cam kết hạt nhân của mình nếu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Thỏa thuận JCPOA, được Iran ký năm 2015 với Nhóm P5 1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani. Iran khẳng định nước này đủ năng lực làm giàu urani ở độ tinh khiết 90% – mức để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Ông Joe Biden, người nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 vừa qua, đã đề cập khả năng Mỹ quay trở lại thỏa thuận. Một dấu hiệu cho thấy ý định nhanh chóng tiếp cận vấn đề hạt nhân Iran của ông Biden là việc ông đề cử ông William Burns, một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu, vào vị trí người đứng đầu Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA). Ông Burns chính là người đã kết nối các cuộc đàm phán bí mật với Tehran để tạo cơ sở cho việc ký kết thỏa thuận năm 2015.
Iran tuyên bố sẽ trục xuất thanh sát viên hạt nhân Liên hợp quốc
Hãng tin Reuters ngày 9/1 dẫn nguồn tin từ Quốc hội Iran cho biết nước này sẽ trục xuất các thanh sát viên hạt nhân của Liên hợp quốc nếu các lệnh trừng phạt chống Tehran không được dỡ bỏ trước ngày 21/2.
Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan, cách thủ đô Tehran 420 km về phía nam. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trước đó, tháng 11/2020, Quốc hội Iran đã thông qua đạo luật yêu cầu chính phủ dừng hoạt động thanh sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đối với các cơ sở hạt nhân tại Iran, đồng thời đẩy nhanh tiến độ làm giàu urani vượt ngưỡng giới hạn được quy định trong thỏa thuận hạt nhân 2015.
Hội đồng Giám hộ Iran đã phê chuẩn nghị quyết này hôm 2/12 vừa qua, đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ thực thi quy định trên. "Theo luật, nếu Mỹ không dỡ bỏ cấm vận tài chính, ngân hàng và dầu mỏ trước ngày 21/2, chúng tôi sẽ trục xuất toàn bộ thanh sát viên IAEA khỏi Iran và sẽ chấm dứt vĩnh viễn việc tuân thủ Điều khoản Bổ sung (AP) về bảo đảm an toàn hạt nhân", nghị sĩ Ahmad Amirabadi Farahani cho biết.
Trước đó, Iran hôm 4/1 đã nối lại hoạt động làm giàu urani với độ tinh khiết 20% sau khi được Quốc hội nước này phê chuẩn. Nước này cũng đã thực hiện đúng quy trình thông báo tới Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về kế hoạch này.
IAEA xác nhận Iran bắt đầu quá trình làm urani lên mức 20% Ngày 4/1, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận rằng Iran đã bắt đầu quá trình làm giàu urani lên tới 20% mức tinh khiết, mức mà Tehran đạt được lần cuối trước khi có Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA - tên gọi của thỏa thuận hạt nhân năm 2015) với các cường quốc thế giới....