Iran cảnh báo Arab Saudi đang ‘đổ dầu vào lửa’
Iran cho rằng Riyadh luôn muốn đối đầu với Tehran, kêu gọi cần sớm chấm dứt tình trạng này để giảm căng thẳng.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tổ chức họp báo tại Tehran ngày 6/1. Ảnh: AFP.
“ Arab Saudi phản đối cách ngoại giao của Iran trong hai năm rưỡi qua”,AFP dẫn lời Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phát biểu trong buổi họp báo với người đồng cấp Iraq Ibrahim al-Jaafari ở thủ đô Tehran hôm qua.
Ông Zarif cho biết Arab Saudi đã hành động ngược lại với những nỗ lực của Iran, phản đối thỏa thuận hạt nhân, cáo buộc Riyadh còn “thực hiện biện pháp chống Tehran” bằng cách giữ giá dầu thấp.
“Xu hướng tạo ra căng thẳng này phải chấm dứt. Chúng ta cần đoàn kết… và dừng những kẻ đang đổ dầu vào lửa”, ông Zarif nói.
Các nhà ngoại giao Iran hôm qua đã trở về nước theo yêu cầu từ Arab Saudi. Arab Saudi ngày 3/1 cắt đứt quan hệ với Iran sau khi đại sứ quán của nước này ở Tehran bị ném bom xăng ngày 2/1 liên quan đến việc Riyadh xử tử giáo sĩ dòng Shiite Nimr al-Nimr.
Căng thẳng giữa Iran và Arab Saudi tăng cao sau khi Tehran cùng các cường quốc thế giới đạt thỏa thuận hạt nhân tháng 7/2015. Thỏa thuận, nếu được thực hiện toàn bộ, sẽ xóa bỏ lệnh trừng phạt áp đặt lên ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt Iran, tạo ra thách thức đối với vị trí của Arab Saudi ở Trung Đông.
Giá dầu thế giới đã giảm hơn 60% kể từ giữa năm 2014. Arab Saudi, quốc gia trụ cột trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC), từ chối cắt giảm sản lượng nhằm giành thêm thị phần, giảm thu nhập của các nước sản xuất dầu khác, trong đó có Iran.
Như Tâm
Video đang HOT
Theo VNE
Cuộc chiến giấu mặt giữa Iran và Arab Saudi
Vụ xử tử giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite là giọt nước tràn ly khiến mâu thuẫn âm ỉ giữa Iran và Arab Saudi bùng phát, thổi bùng xung đột trong khu vực.
Một người dân Iran cầm ảnh của giáo sĩ Nimr, người vừa bị Arab Saudi xử tử. Ảnh:Reuters
Ngồi uống trà trên chiếc sofa truyền thống của người Yemen, người đàn ông 41 tuổi Sultan Zaied, một nhân viên kế toán ở thủ đô Sanas, cho rằng cuộc chiến ngoại giao giữa Arab Saudi và Iran đã làm gia tăng đáng kể căng thẳng ở Yemen, và cuộc khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn.
"Họ đang tấn công mọi thứ", ông nói, ám chỉ tới các cuộc không kích của liên quân do Arab Saudi dẫn đầu nhắm vào phiến quân Houthi, những người được cho là do Iran hậu thuẫn. "Đây là bằng chứng cho thấy các nỗ lực đàm phán đang thất bại".
Trong khi nhiều quốc gia và tổ chức vũ trang ở Trung Đông đang tập hợp sau hai người khổng lồ khu vực là Iran và Arab Saudi, giới phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước sau vụ Riyadh xử tử giáo sĩ nổi tiếng dòng Shiite Nimr al-Nimr với tội danh "kích động bạo lực, ủng hộ khủng bố" đã tác động lên khắp khu vực.
Các chuyên gia phân tích cho rằng nếu cuộc khủng hoảng này tiếp tục lan rộng, các cuộc chiến ở Trung Đông, nhất là chiến dịch chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và khó có thể sớm kết thúc trong hòa bình.
"Cuộc khủng hoảng ngoại giao này đã làm tiêu tan triển vọng hòa bình cho Syria và tình hình tương tự cũng sẽ diễn ra với Yemen", ông Giorgio Cafiero, sáng lập viên tổ chức tư vấn Gulf State Analytics, nhận định.
Phiến quân IS có lẽ là kẻ được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng này, bởi nó đang góp phần làm gia tăng hỗn loạn trong khu vực, điều kiện rất tốt cho các tổ chức khủng bố như IS trỗi dậy và phát triển, ông Cafiero nói.
Kuwait mới đây đã tham gia vào các quốc gia có đông đảo người Sunni cắt đứt hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran sau vụ khủng hoảng, gồm Bahrain, Sudan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của Arab Saudi.
Sau khi giáo sĩ Nimr bị xử tử, đại sứ quán của Arab Saudi ở Tehran đã bị đốt phá, và Riyadh ngay sau đó đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran.
Người dân Iran mang khẩu hiệu đòi báo thù cho giáo sĩ Nimr. Ảnh: AP
Nguồn gốc mâu thuẫn
Theo chuyên gia Mark Fitzpatrick thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở Mỹ, cuộc xung đột hiện nay giữa Iran và Arab Saudi có nguồn gốc lịch sử từ lâu đời, và vụ hành quyết giáo sĩ Nimr chỉ là một giọt nước làm tràn ly.
"Kuwait, UAE và Bahrain là các nước có nhiều điểm chung với Arab Saudi trong quan điểm coi Iran là một mối đe dọa, và mối đe dọa này càng khiến họ lo lắng sau khi Iran đạt thỏa thuận hạt nhân với phương Tây", ông Fitzpatrick nói.
Nếu thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc phương Tây được thực thi, Tehran sẽ được nới lệnh cấm vận và tăng cường hoạt động kinh tế của mình, thúc đẩy hoạt động viện trợ cho các tổ chức vũ trang trong khu vực như Hezbollah hay Houthi ở Yemen. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ không dừng lại ở khía cạnh kinh tế, ông Fitzpatrick cho biết.
"Cuộc xung đột này ngày càng thể hiện sự chia rẽ giữa người Shiite và người Sunni, đồng thời phản ánh mâu thuẫn có từ xa xưa giữa các nước vùng Persia với các nước Arab. Đây là một phần do lịch sử, và một phần do mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa các quốc gia trong khu vực", ông cho hay.
Chuyên gia Max Abrahms, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Northeastern thì cho rằng cả Iran và Arab Saudi đều đang sử dụng cuộc xung đột này như một trò chơi quyền lực phục vụ các mục đích chính trị trong nước.
"Chính phủ Iran và Arab Saudi là sự phản chiếu lẫn nhau. Bằng cách chĩa mũi dùi vào nước khác, họ sẽ lôi kéo được sự ủng hộ của những người theo đường lối cứng rắn trong thời điểm cả hai chính phủ đều đang bị coi là mềm yếu vì nhiều lý do khác nhau", theo ông Abrahms.
Hậu quả lâu dài
Chuyên gia Cafiero cho rằng với việc các cường quốc khu vực mải công kích lẫn nhau và không chịu ngồi vào bàn đàm phán, cơ hội giải quyết các cuộc chiến ở Syria, Yemen và Libya bằng biện pháp hòa bình ngày càng ít hỏi hơn.
Có thể cuộc khẩu chiến hiện nay giữa Iran và Arab Saudi sẽ không dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai nước, nhưng nhiều khả năng hai cường quốc khu vực này sẽ tăng cường các hoạt động can dự của mình ở Syria và Yemen, nơi cuộc chiến ủy nhiệm giữa hai nước ngày càng thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.
Iran và Arab Saudi có thể đẩy mạnh cuộc chiến ủy nhiệm trong khu vực. Đồ họa:VOA
"Trong thời gian tới, khả năng cao là hai bên sẽ thúc đẩy các cuộc chiến ủy nhiệm quyết liệt hơn nữa", ông nói.
Theo giáo sư Abrahms, bản chất giáo phái của cuộc xung đột hiện nay giữa Iran và Arab Saudi, bất cứ vì lý do gì, cũng có thể khoét sâu thêm chia rẽ trong khu vực. Những giọng điệu hằn học đã càng thổi bùng ngọn lửa chiến tranh, trong khi cộng đồng người Shiite lại càng bất bình hơn với người Sunni, thể hiện bằng những tuyên bố đòi trả thù cho giáo sĩ Nimr đến từ các quan chức Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.
Người Shiite trên khắp Trung Đông và nhiều nước khác trên thế giới cũng đã bày tỏ nỗi giận dữ đối với hành động xử tử giáo sĩ Nimr của Arab Saudi, và những nỗi tức giận này khó có thể được xoa dịu trong tương lai gần, ông Abrahms nói.
"Xét trên diện rộng, các cuộc xung đột ở Trung Đông hiện nay là hậu quả của mâu thuẫn giáo phái này. Căng thẳng bùng phát giữa Iran và Arab Saudi ngay từ những ngày đầu năm 2016 sẽ là điềm báo rất xấu cho tương lai của toàn Trung Đông", chuyên gia này nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Kuwait triệu đại sứ tại Iran về nước Kuwait hôm nay triệu đại sứ của nước này tại Iran về nước, không lâu sau khi Arab Saudi và Bahrain cắt đứt quan hệ với Iran. Phụ nữ Iran biểu tình phản đối Arab Saudi xử tử giáo sĩ dòng Shiite Nimr al-Nimr tại thủ đô Tehran ngày 4/1. Ảnh: AFP. "Một nguồn tin chính thức từ Bộ Ngoại giao Kuwait cho...