Iran bác tin nghị sĩ nước này chết vì Covid-19
Tờ The Indepdent ngày 1/3 cho hay chính quyền Iran ra thông báo chính thức bác tin một nghị sĩ nước này, ông Mohammad Ali Ramazani Dastak qua đời vì nhiễm virus Covid-19 cách đây vài ngày.
Cụ thể, Tehran khẳng định ông Ramazani Dastak qua đời là do các bệnh lý mắc từ trước và một số chấn thương thời chiến tranh. Ngoài ra, xét nghiệm bệnh phẩm của Nghị sĩ này cũng cho ra kết quả âm tính chứ không phải dương tính như một số báo đài Iran đã đưa tin.
Nghị sĩ Iran Mohammad Ali Ramazani Dastak. (Ảnh: IRNA)
Ngoài ra, thông cáo cũng chỉ trích Mỹ thời gian qua cố tình tung tin giả gây hoang mang dư luận khi nhiều quan chức Washington lên tiếng nghi ngờ Tehran cố tình che giấu tình hình dịch trong nước, trong đó có Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Được biết, hãng tin Iranian Students News Agency trước đó cùng ngày cho hay Nghị sĩ Ramazani Dastak được cho nhập viện vào ngày 25/2 với các triệu chứng được mô tả giống “với các triệu chứng cúm và những vết thương do hóa chất” từ cuộc chiến tranh Iran – Iraq. Ông Mohammad Ali Ramazani Dastak chỉ vừa nhậm chức Nghị sĩ đại diện cho TP Astana Ashrafieh hồi tuần trước.
Đến nay có một loạt quan chức cấp cao của Iran dương tính với virus. Trong số này có Phó Tổng thống, Thứ trưởng Bộ Y tế và năm Nghị sĩ.
Đó là Phó Tổng thống Masoumeh Ebtekar, Nghị sĩ Quốc hội kiêm chủ nhiệm Ủy ban Chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia Mojtaba Zolnour, Nghị sĩ Mahmoud Sadeghi, Thứ trưởng Bộ Y tế Iraj Harirchi, Thị trưởng TP Tehran Morteza Rahmanzadeh, chủ nhiệm Ban quản lý dịch COVID-19 tại TP Qom – ông Mohamad Reza Ghadir và cựu Đại sứ Iran tại Vatican Hadi Khosroshahi.
Là quốc gia ở vị trí “giao lộ” của nhiều tuyến đường nối kết trong khu vực, tờ The New York Times cho rằng Iran nhiều khả năng nguồn lây nhiễm chính dịch bệnh Covid-19 cho các quốc gia láng giềng khác cũng như một số nước châu Âu.
Tính đến sáng ngày 1/3, Iran ghi nhận 593 ca lây nhiễm Covid-19 với 43 ca chết người. Dù vậy, nhiều chuyên gia y tế ước tính số ca nhiễm trên thực tế có thể cao hơn nhiều, có lẽ còn trên 1.000 ca, bởi tỉ lệ chết người của căn bệnh Covid-19 tại Iran lúc này nếu tính trên số liệu chính thức là khoảng 9%.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới ước tính tỉ lệ tử vong của bệnh COVID-19 chỉ xấp xỉ 2%.
Trong động thái nhằm ngăn đà bùng phát của dịch bệnh, chính quyền Iran mới đây thông báo đóng cửa tất cả các trường học trong ba ngày, bắt đầu từ 29/2. Một ngày trước đó, Tehran đã hủy lễ cầu nguyện ngày thứ Sáu hàng tuần tại thủ đô Tehran và 31 tỉnh thành trên toàn quốc.
Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpour cũng kêu gọi người dân tránh những chuyến đi không cần thiết trong nước. Ông Jahanpour cho hay chính phủ đóng cửa các rạp chiếu phim và tạm thời cấm tổ chức các sự kiện văn hóa cũng như hội nghị thêm một tuần, theo hãng tin Reuters.
Video: Thứ trưởng Bộ Y tế Iran ho, đổ mồ hôi khi họp báo
(Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM)
Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa Mỹ và Taliban bắt đầu có hiệu lực
Nếu thỏa thuận thành công sẽ giúp Mỹ có thể đưa quân đội về nước và chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm với Taliban.
Từ trái qua phải: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hôm 14/2. Ảnh: AP
Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, hay còn gọi "thỏa thuận giảm bạo lực" trong vòng một tuần, bắt đầu có hiệu lực từ 2h30 phút sáng 22/2 (theo giờ Hà Nội), VOV đưa tin.
Trước đó, hãng tin AP ngày 14/2 cho hay Mỹ và Taliban đã đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và nếu thành công, sẽ mở đường cho một thỏa thuận hòa bình khác mà theo đó Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan và chấm dứt cuộc chiến 18 năm.
"Mỹ và Taliban đã đàm phán về đề xuất giảm bạo lực trong vòng bảy ngày, thực hiện trên toàn bộ đất nước, kể cả với Lực lượng chính phủ Afghanistan", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, đang tham dự một hội nghị an ninh quốc tế tạị Đức, cho biết. "Theo quan điểm của chúng tôi, bảy ngày là đủ".
Nếu thực hiện thành công, lễ ký thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban sẽ diễn ra vào ngày 29/2 tới, qua đó sẽ chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 20 năm qua ở quốc gia Tây Nam Á này và đưa quân đội Mỹ về nước.
Theo Tiền Phong, thỏa thuận này cho thấy nỗ lực chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhất của Mỹ và hoàn thành cam kết của Tổng thống Trump là rút quân về nước. Tuy nhiên, theo ông Esper, các bước tiếp theo sẽ dựa trên các điều kiện bên trong Afghanistan, báo hiệu thỏa thuận ngừng bắn có thể trở nên tồi tệ nếu Taliban hoặc các đồng minh vi phạm các điều khoản.
Giới phân tích cho rằng, kế hoạch này được xem là một canh bạc đối với Tổng thống Donald Trump. Nếu kế hoạch thành công, ông Donald Trump có thể tuyên bố đã thực hiện bước đầu tiên trong cam kết vận động tranh cử năm 2016 là đưa quân đội Mỹ về nước. Nhưng nếu thất bại, Tổng thống Donald Trump có thể bị các đối thủ đảng Dân chủ lên án là sẵn sàng hy sinh an toàn của các binh sỹ và lợi ích của nước Mỹ vì mục đích chính trị cá nhân.
Hoa Vũ ( T/h)
Theo ĐS&PL
Mỹ đề nghị giúp chống dịch virus corona, Trung Quốc 'chưa nhận lời' Tổng thống Trump cho biết đã đề nghị hỗ trợ Trung Quốc chống dịch virus corona, nhưng một cố vấn cao cấp cho biết Bắc Kinh chưa nhận đề nghị này. "Chúng ta sẽ xem tình hình thế nào, nhưng chúng tôi chặn nó rồi, đúng vậy", Tổng thống Trump dường như muốn giảm nhẹ nỗi lo từ virus corona đang lây lan...