IPU-132 thông qua Nghị quyết về chống khủng bố
Chiều 31/3, Đại hội đồng IPU-132 đã họp phiên toàn thể thông qua Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp với nội dung chống hành động khủng bố của các tổ chức như IS, Boko Haram tấn công dân thường vô tội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Các đại biểu tham dự IPU-132 trong phiên thảo luận ngày 31/3.
Các đại biểu đã thể hiện sự thống nhất chống lại chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Chủ đề khẩn cấp được bàn trong IPU-132 được đề xuất bởi Australia và Bỉ ngày 29/3, đã đạt hơn 2/3 số phiếu ủng hộ và được chọn làm chủ đề khẩn cấp đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng kỳ này.
Trong bối cảnh nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Irắc và vùng cận Đông đã chấp nhận liên kết với phiến quân Boko Haram ở Nigiêria, Nghị quyết bày tỏ quan ngại sâu sắc vì chủ nghĩa khủng bố tiếp tục đe dọa hòa bình và an ninh thế giới. Tư tưởng độc hại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang kích động các vụ tấn công khủng bố ở những khu vực khác trên toàn thế giới, ví dụ như ở Brussels (Bỉ), Paris (Pháp), Sydney, Australia và gần đây nhất ở thủ đô Tunis, Tuynidi.
Đại hội đồng IPU cho rằng đây là hành động tấn công vào những nền dân chủ trên thế giới và kêu gọi tất cả các nghị viện lên án các vụ tấn công khủng bố không chỉ của riêng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng và Boko Haram.
Đại diện phái đoàn nghị sỹ Campuchia bày tỏ: “Những người trẻ chiếm hơn 50% dân số thế giới có thể là nguồn cơn của vấn đề này và cũng chính là giải pháp cho vấn đề này. Họ đang là đối tượng dễ bị các tổ chức khủng bố lôi kéo. Chính vì thế, tôi tin rằng trong tương lai chúng ta cần phải tăng cường tiếp cận người trẻ tuổi, cho họ cơ hội để chia sẻ cách suy nghĩ, tầm nhìn, để họ trở thành một phần của giải pháp thay vì là một phần của vấn đề”.
Video đang HOT
Nội dung của Nghị quyết thể hiện, Nghị viện các nước khẳng định cần phải chống khủng bố dưới mọi hình thức, hành động chống khủng bố phải phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; lên án mạnh mẽ các hoạt động tài trợ cho khủng bố; cần nhận thức rõ ràng rằng khủng bố không có bất cứ liên hệ nào với tôn giáo, dân tộc, văn minh hay bất cứ nhóm dân tộc nào.
Nghị quyết cũng đã kêu gọi các nước đưa ra chiến lược chung về quản lý công dân tham gia các tổ chức này và đề xuất những biện pháp trao đổi thông tin giữa các nước; yêu cầu các nước sử dụng các kênh lập pháp để đóng góp cho việc thực thi các nghị quyết của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chống khủng bố.
Đại diện Ban dự thảo báo cáo cho biết, Ban dự thảo Nghị quyết đã nhất trí không nhất thiết chỉ tập trung vào hai nhóm khủng bố cụ thể mà cần phải được áp dụng đối với tất cả các nhóm khủng bố, tổ chức khủng bố; lưu ý rằng tất cả các chính phủ, nghị viện cần tiến hành đối thoại để có thể có những biện pháp hữu hiệu trong việc chống lại khủng bố.
Ban dự thảo cũng đã xây dựng dự thảo phản ánh ý chí của tất cả các nghị viện thành viên của IPU trước mối đe dọa khủng bố, bởi vì khủng bố có thể ảnh hưởng tới bất cứ cá nhân nào trong số chúng ta. Chính vì vậy, cần xây dựng những biện pháp hữu hiệu và xây dựng dự thảo phải chi tiết, rõ ràng.
P.Thảo
Theo Dantri
IPU-132 hy vọng thông qua Nghị quyết về quyền con người
Đây là Nghị quyết quan trọng, thể hiện mối quan hệ giữa luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người.
Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132), hôm nay (30/3) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền thảo luận Dự thảo nghị quyết "Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người"(hoàn thiện công việc từ Đại hội đồng 131).
Các đại biểu tham gia IPU-132
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nghiệm Ủy ban luật pháp của Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền IPU-132 sẽ thảo luận một phiên hết sức quan trọng. Ủy ban sẽ tiến hành thảo luận Dự thảo Nghị quyết về luật pháp quốc tế trong mối liên hệ với chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào nội bộ của nhau và nhân quyền.
Đây là nghị quyết được soạn thảo từ IPU-131 và do còn ý kiến khác nhau nên chưa được thông qua. Lần này, Dự thảo tiếp tục được đưa ra thảo luận tại Hà Nội và hy vọng Dự thảo sẽ được thông qua lần này.
Theo ông Nguyễn Minh Thông, đây là Nghị quyết quan trọng, thể hiện mối quan hệ giữa luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người. Việt Nam đóng góp quan trọng trong quá trình thảo luận tại kỳ trước. Việt Nam đề cao luật pháp quốc tế và cho rằng luật pháp quốc tế cần phải được tuân thủ một cách nghiêm túc trong quan hệ quốc tế; đồng thời luật pháp quốc tế cũng phải tương quan, tương thích trong chủ quyền quốc gia.
Không thể không tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền con người. Thực chất luật pháp quốc tế cũng nhằm bảo vệ quyền con người. Bởi vậy, Việt Nam hoan nghênh IPU thông qua Nghị quyết quan trọng này và hy vọng sau khi được thông qua, Nghị quyết quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người sẽ được các nước chú ý một cách nghiêm túc và tuân thủ một cách nhất quán.
Theo ông Nguyễn Minh Thông, về cơ bản Dự thảo Nghị quyết đã sửa đổi, bổ sung dựa trên ý kiến tiếp thu từ các quốc gia tại IPU-131. Việt Nam cơ bản nhất trí với những sửa đổi và cho rằng các nước cần đề cao luật pháp quốc tế; đồng thời cần phải có ý thức tôn trọng chủ quyền quốc gia, không chỉ vì tranh thủ những lợi thế của mình mà phương hại tới chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Toàn cảnh cuộc họp Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền
Về những mâu thuẫn giữa các nước khiến Dự thảo chưa được thông qua, ông Nguyễn Minh Thông cho rằng: "Trong quá trình thảo luận trước đó, các quốc gia có nhiều quan điểm khác nhau. Có quốc gia đề cao luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, quyền cao người; có quốc gia lại không đặt trong quan hệ tương hỗ giữa 3 yếu tố luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người nên có những quan điểm khó dung hòa. Các nước muốn đề cao công cụ luật pháp quốc tế, có nước lại đề cao chủ quyền quốc gia.
Vì thế cho nên giữa một số quốc gia còn một số ý kiến khác nhau. Việc tiếp thu ý kiến giữa các quốc gia vẫn chưa được các nước đồng thuận, nên quyết định chuyển tới Hà Nội để thông qua Nghị quyết quan trọng này".
Theo PV
VOV
"Người Đan Mạch quý cây xanh như ...con" "Đan Mạch nổi tiếng thế giới về các chính sách bảo vệ môi trường, giữ gìn màu xanh. Người Đan Mạch quý cây xanh như con..." - bà Pernille Deleuran - thành viên đoàn đại biểu Quốc hội Đan Mạch đã chia sẻ với Dân Trí bên lề Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU- 132. Bà Pernille Deleuran, thành...