iPhone dính phần mềm gián điệp, Apple ra bản vá
Di động của Apple có thể bị nghe lén, xem trộm tin nhắn hay e-mail… khi dính spyware và hãng đã tung iOS 9.3.5 để khắc phục vấn đề này.
Lỗ hổng được phát hiện vào ngày 10/8 khi Ahmed Mansoor, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng ở UAE (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) bắt đầu nhận được các tin nhắn với nội dung kỳ lạ. Nếu ông bấm vào liên kết trên đó, phần mềm gián điệp (spyware) sẽ được cài lên iPhone để đánh cắp các thông tin.
Apple ngay lập tức ra bản cập nhật iOS 9.3.5 nhằm ngăn chặn phần mềm gián điệp.
Công ty an ninh mạng Lookout và nhóm giám sát Internet Citizen Lab không công bố chi tiết phần mềm độc hại trên đã được cài đặt thế nào, song cho biết nó khai thác ba lỗ hổng chưa từng phát hiện trước đó trên hệ điều hành của Apple. Báo cáo chỉ ra NSO Group, một công ty Israel, đã bán các phần mềm giám sát “tàng hình”, nhưng hoạt động như những ứng dụng gián điệp trên smartphone.
NSO Group không đưa ra bình luận cho vấn đề trên. Trong khi đó, Apple tiến hành vá lỗi bằng việc phát hành iOS 9.3.5. Công ty công nghệ Mỹ tuyên bố lỗ hổng đã được xem xét ngay sau khi hãng có thông tin. Apple khuyến cáo khách hàng luôn cập nhật iOS mới nhất để tự bảo vệ trước các mối nguy hiểm tiềm ẩn.
Để kiểm tra và tiến hành nâng cấp trên iOS, người dùng truy cập mục Settings> General> Software Update.
Video đang HOT
Bảo Anh
Theo VNE
Cách phát hiện phần mềm theo dõi trên điện thoại, laptop
Nếu xuất hiện những công cụ lạ trên trình duyệt, hoặc khi gõ địa chỉ trang web mà lại bị điều hướng sang một trang không liên quan, có thể máy tính của bạn đã nhiễm spyware.
Như tên gọi đã thể hiện, spyware là những phần mềm được thiết kế với mục đích theo dõi thông tin người dùng. Nó sẽ âm thầm ghi lại các dữ liệu trong máy cũng như mọi hoạt động trên thiết bị của nạn nhân, trong đó có nội dung e-mail quan trọng, thông tin thẻ tín dụng, tên và mật khẩu đăng nhập tài khoản... rồi gửi về cho kẻ phát tán.
Không chỉ xuất hiện trên máy tính, phổ biến với các thiết bị dùng hệ điều hành Windows, spyware còn có những phiên bản được thiết kế chạy trên điện thoại thông minh, máy tính bảng. Nguy hiểm hơn, một số nhà sản xuất còn cài sẵn các phần mềm theo dõi trên thiết bị trước khi xuất xưởng.
Ảnh minh họa: ANY.
Microsoft đã chỉ ra những dấu hiệu cơ bản để người dùng kiểm tra xem máy tính có bị nhiễm spyware hay không.
Thứ nhất, cần để ý nếu máy tính xuất hiện các thanh công cụ lạ trên trình duyệt hay những đường link lạ trong Favorites (công cụ lưu địa chỉ trang web yêu thích) mà người dùng không hề chủ động đưa vào.
Thứ hai, các khóa thiết lập của trình duyệt như trang home page, chương trình tìm kiếm mặc định... bị thay đổi. Ngoài ra, người dùng có thể thấy những icon lạ trên màn hình desktop, nếu mở ra sẽ dẫn đến các trang web chứa nội dung mời gọi tải phần mềm miễn phí, tham gia chương trình quà tặng... Bên cạnh đó, khi gõ địa chỉ một trang web, máy tính của người dùng bỗng bị điều hướng sang một trang không liên quan.
Tần suất báo lỗi trên hệ thống cũng tăng cao dù người dùng không cài đặt thêm phần mềm mới trong khi máy tính bỗng nhiên hoạt động chậm hơn bình thường. Không phải mọi vấn đề về hiệu năng đều do phần mềm gián điệp gây ra, nhưng spyware làm ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ hoạt động của máy. Để kiểm tra, người dùng có thể mở thẻ Processes trong cửa số Windows Task Manager xem có chương trình nào ngốn tài nguyên hệ thống một cách bất thường hay không. Nếu không có, nhiều khả năng máy tính của bạn đã bị nhiễm spyware.
Tuy nhiên, đây chỉ là những dấu hiệu cơ bản nhất. Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Bkav, spyware là loại mã độc hoạt động âm thầm và ngày càng biến tướng một cách tinh vi, nên người dùng khó có thể phát hiện thông qua các biểu hiện thông thường. Thay vào đó, họ cần dùng phần mềm diệt virus để chặn các kết nối không mong muốn.
Ảnh minh họa: Examiner.
Với smartphone và tablet, phần mềm gián điệp được lập trình chạy ngầm trên hệ thống nên người dùng khó xác định được thiết bị của mình có dính spyware hay không. Một khi đã nhiễm, spyware có khả năng nghe lén các cuộc đàm thoại, sao chép danh bạ và thư viện ảnh, tải ứng dụng rác vào máy, đọc và gửi SMS, vô hiệu hóa phần mềm diệt virus, tra cứu lịch sử truy cập web...
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia bảo mật của FPT, cho rằng người sử dụng vẫn có thể để ý đến một số biểu hiện khác lạ của điện thoại, máy tính bảng như biểu tượng GPS thi thoảng sáng lên dù họ không mở các ứng dụng kiểm tra vị trí như Google Maps, Facebook...
Thứ hai, dữ liệu 3G tăng cao so với các tháng trước đó. Điện thoại cũng chạy chậm hơn bình thường, pin nhanh hết và máy nóng cả khi không sử dụng (do phần mềm gián điệp có thể đang chạy ngầm và liên tục gửi thông tin đến máy chủ từ xa).
Nếu có những biểu hiện trên, người sử dụng nên cài thêm chương trình bảo mật của các nhà cung cấp uy tín để kiểm tra. Trong trường hợp đã biết điện thoại bị theo dõi, người sử dụng có thể sao lưu toàn bộ dữ liệu trên máy rồi vào phần Settings (Thiết lập) chọn Factory Reset (khôi phục cài đặt gốc) để gỡ bỏ triệt để phần mềm gián điệp.
Các chuyên gia khuyến cáo người sử dụng cần tránh cài đặt phần mềm không chính thống, không rõ nguồn gốc, không kết nối smartphone tới máy tính lạ vì hiện đã xuất hiện một số mã độc hoạt động đa nền tảng (lây lan trên cả Windows và Android). Bên cạnh đó, mọi người cũng nên cân nhắc nếu thấy hệ điều hành cảnh báo rằng ứng dụng mà họ đang cài đặt có khả năng quét danh bạ, SMS, can thiệp sâu vào hệ thống...
Minh Minh
Theo VNE
Phần mềm gián điệp ngày càng biến tướng và nguy hiểm Không chỉ lây nhiễm qua Internet hay thông qua cài đặt phần mềm, một số nhà sản xuất còn giấu sẵn spyware trên các thiết bị ngay khi xuất xưởng. Khi người dùng truy cập các trang web uy tín nhưng liên tục thấy những cửa sổ mới mở ra (pop-up), địa chỉ trang chủ trên trình duyệt của bạn bị thay đổi....