iPhone đã thay đổi thế giới smartphone như thế nào? (Phần cuối)
Nếu không có iPhone, thế giới smartphone sẽ ra sao? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua phần tiếp theo của bài viết.
4. Cuộc chạy đua hệ điều hành di động
Trước iPhone, hầu hết Smartphone trên thị trường chủ yếu chạy 1 trong 4 hệ điều hành lớn: Blackberry OS, Symbian , Palm OS và Windows Mobile. Và trong vòng 7 năm từ 2000 đến 2007, những thay đổi ở các hệ điều hành kể trên có thể đếm trên đầu ngón tay. Nói một cách dễ hiểu, trong vòng 7 năm đằng đẵng, người ta không hề cảm thấy sức ép phải cập nhật, tự làm mới chính mình.
Sản phẩm bán chạy ngày hôm qua vẫn sẽ bán chạy ngày mai, tất cả những gì người ta cần làm là thay đổi tí sơn, gắn một cái mác khác và đem quảng cáo. Và người dùng vẫn thấy thoải mái, chẳng một ai phàn nàn. Nhưng rồi iPhone vào cuộc, và câu chuyện hệ điều hành cho smartphone rẽ theo một chiều hướng hoàn toàn khác. iOS liên tục gặt hái những thành công vang dội và không ngừng lấn lướt thị phần của các bậc đàn anh. Đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt và mạnh mẽ từ một hệ điều hành hoàn toàn mới, trẻ trung, năng động, liên tục cập nhập. Những sản phẩm già nua và bảo thủ kể trên lúng túng tìm cách làm mới chính mình.
Nhưng iOS không hề khoan nhượng. Palm OS lặng im ra đi trong một buổi chiều mùa đông 2009. Sang xuân 2010, Windows Mobile cũng ngậm ngùi theo chân, bất chấp những nỗ lực cuối cùng như việc tung ra phiên bản 6.5 mà theo nhiều đánh giá, là một cú giãy chết vô vọng. Symbian cũng tức tưởi yên giấc ngàn thu sau khi Nokia, nhà sản xuất smartphone sử dụng Symbian lớn nhất tuyên bố ngừng việc phát triển và sản xuất smartphone chạy Symbian vào cuối năm 2010. Song song với việc “tre già” là “măng mọc”. iOS tiếp tục thẳng tiến, Android quật khởi và có tăng trưởng thị phần như vũ bão, có phần lấn lướt cả iOS, Windows Phone 7 cố gắng vớt vát chút hào quang của người anh xấu số, và còn một vài hệ điều hành khác cố tìm cách chen chân vào thị trường đầy béo bở nhưng cũng lắm thử thách: Bada, WebOS.
Chúng ta đều hiểu rằng, từ khi iPhone nhập cuộc, thế giới hệ điều hành cho smartphone đã trải qua quá nhiều biến động, và người tiêu dùng cũng không còn dễ tính và dễ…bảo như xưa nữa. Không còn chuyện nhà sản xuất cứ vô tư…nhồi vào mồm người tiêu dùng một sản phẩm khiếm khuyết , giữ nguyên sự bảo thủ và chậm tiến của mình và bắt người tiêu dùng chịu hậu quả. iPhone đã khởi đầu một cuộc chiến , mà nguyên lý duy nhất đó là “Chậm là chết”. Không một ai muốn chết, vì thế cũng không ai dám chậm. Tất nhiên, được lợi nhất vẫn là người tiêu dùng.
5. Sự ra đời của lớp dịch vụ và cách kiếm tiền của hệ điều hành di động
Trước 2007, AppStore là một cụm từ quá mới. Năm 2011, nếu bạn dùng smartphone mà chưa từng nghe đến AppStore hay Android Market thì rất có khả năng bạn…từ trên trời rơi xuống. Quả thực, iPhone đã mở đầu cho một trào lưu hoàn toàn mới. Trước iPhone, người ta cho rằng smartphone cũng nên đi theo hướng của ngành công nghiệp PC, có nghĩa là nhà sản xuất sẽ chỉ cung cấp những gì mà người sử dụng nhìn thấy trong hộp sản phẩm. Máy, pin, tai nghe, sạc…. còn sau đó trong quá trình sử dụng sẽ không “dính dáng” gì tới phía hãng sản xuất, dùng ứng dụng gì, cài đặt gì hoàn toàn là việc của người sử dụng.
Nhưng sự thành công của AppStore đã “mở mắt” cho các hãng sản xuất smartphone rằng khả năng chạy ứng dụng của smartphone chính là một mỏ vàng lộ thiên mà các hãng sản xuất đã phớt lờ. Việc phân phối các ứng dụng đến người dùng cuối hóa ra cũng đem lại lợi nhuận không kém gì việc bán chính chiếc smartphone đó. Cách làm của Apple đem lại lợi ích cho tất cả mọi người: nhà phát triển ứng dụng tìm được thị trường, miễn là ứng dụng anh ta viết ra tốt, người sử dụng thì hài lòng với việc dễ dàng tìm được ứng dụng phù hợp với nhu cầu của mình ở mức giá phải chăng.
Và vui nhất chắc chắn là Apple, vì Apple thu đến 30% giá trị của 1 ứng dụng được rao bán trên AppStore. Nói một cách dễ hiểu, nếu bạn mua 1 ứng dụng với giá chỉ 1$, thì sẽ có 30 cent chảy vào túi Apple. Mới đây, AppStore vừa cán mốc download thứ 10 tỉ, không cần nói cũng đủ biết lợi nhuận từ nó lớn đến như thế nào. Những hãng đã bỏ lỡ cơ hội khai thác mảng bán lẻ ứng dụng trên smartphone bây giờ chỉ đành nuối tiếc ngồi nhìn Apple “phè phỡn”.
AppStore cạnh tranh quyết liệt với Android Market.
Video đang HOT
iPhone ra đời, đã mở ra một cuộc cách mạng trong phương thức kiếm tiền của các nhà phát triển thiết bị cũng như hệ điều hành di động. Trước iPhone, các hãng sản xuất hệ điều hành di động như Microsoft kiếm tiền bằng cách bán giấy phép sử dụng của hệ điều hành đó cho một hãng sản xuất phần cứng. Các hãng sản xuất phần cứng như Nokia thì kiếm tiền bằng cách bán sản phẩm của mình đến người sử dụng. Tất cả các cách kiếm tiền trên đều là kiểu ăn tiền “1 cục” rồi thôi.
Còn bây giờ, Apple đang kiếm tiền trên lưng của người sử dụng ngay cả khi chiếc iPhone đó đã được bán ra hàng năm trời. Không một ai sử dụng iPhone mà lại không cần mua phần mềm từ AppStore, hay mua nhạc từ iTunes Store. Và sự thành công của AppStore đã được khẳng định, có nghĩa là với mỗi iPhone bán ra, chắc chắn Apple sẽ thu thêm được hàng trăm USD lợi nhuận từ việc bán ứng dụng. Việc cung cấp dịch vụ cho smartphone sau khi smartphone đó được bán ra bây giờ hầu như trở thành nguồn thu chính của một số hãng sản xuất. Điển hình trong đó là Google.
Hệ điều hành Android của Google là một hệ điều hành mã nguồn mở, nó được cấp phép sử dụng hoàn toàn miễn phí cho các hãng sản xuất. Có nghĩa là ai cũng có thể sản xuất smartphone chạy Android mà không phải trả một đồng nào cho Google. Google “tốt” đến mức chịu chi hàng tỉ USD chi phí cho việc nghiên cứu và phát triển Android, để tất cả chúng ta có thể sử dụng nó hoàn toàn miễn phí? Tất nhiên là không phải, Google cũng có cách kiếm tiền của mình trên Android.
Ngoài nguồn thu đến từ Android Market, thì Android còn đem đến thu nhập cho Google từ mảng quảng cáo trên smartphone. Tất cả các smartphone chạy Android đều có “dây mơ rễ má” rất sâu sắc đối với các dịch vụ do Google cung cấp: Gmail, Google Search, Google Maps. Và tất cả những dịch vụ trên đều có 1 điểm chung: lượng tiền mà chúng đem về cho Google tỉ lệ thuận với số người sử dụng chúng. Google đã thống trị dịch vụ tìm kiếm và quảng cáo trên PC, và bây giờ với Android , Google sẽ lại thống trị trên nền tảng smartphone. Với hàng trăm triệu smartphone đang lưu hành , người nào kiểm soát được thị trường smartphone có nghĩa là đã kiểm soát được tương lai của ngành công nghiệp công nghệ thông tin.
Bạn có thể tưởng tượng một năm 2011 nếu như năm 2007 Apple iPhone không cất tiếng khóc chào đời. Có lẽ chúng ta vẫn còn phải sử dụng những chiếc smartphone chạy hệ điều hành Windows Mobile cổ lỗ sĩ, vẫn xuýt xoa khi thấy người ta cầm bút chấm chấm, vẽ vẽ trên màn hình. Rất có thể Palm OS, Symbian, WinMo vẫn sẽ chung sống hòa thuận, chia nhau chiếc bánh thị phần mà không cần giành giật lẫn nhau. Và rất có thể Motorola RARZ, một biểu tượng của sự trì trệ sẽ còn tiếp tục thống trị thị trường thêm vài năm nữa, mở ra một kỉ nguyên của điện thoại nắp gập, nếu các hãng khác cũng đi theo sự thành công của RARZ.
Nếu iPhone chưa từng ra đời, rất có thể smartphone bây giờ sẽ trông giống như thế này.
Và rất có thể, tôi sẽ không bao giờ có thể ngồi viết cho bạn những dòng này, trên chiếc smartphone của tôi, nếu iPhone không ra đời.
iPhone đến và làm cho điện thoại di động không bao giờ còn như trước nữa. Cá nhân tôi cho rằng sự ra đời của iPhone là một phát minh vĩ đại. Chúng ta, những người tiêu dùng, được hưởng lợi nhiều nhất từ sự cạnh tranh giữa các hãng công nghệ. Rất có thể iPhone đang cảm thấy đuối sức trong cuộc đua với Android, thị phần của iPhone đang giảm nếu so với tốc độ tăng phi mã của Android, những tính năng và công nghệ trong iPhone dần không bắt kịp người “đồng nghiệp” nhưng điều quan trọng hơn đó là iPhone đã trở thành một hình mẫu của cái mà tất cả smartphone nên hướng tới. Thân thiện, đơn giản, thông minh, mạnh mẽ và nuột nà. Không thể không thừa nhận rằng iPhone đã trở thành một bước ngoặt lớn trong sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ thông tin nói chung và công nghiệp smartphone nói riêng.
Giống như những gì mà Steve đã nói trong buổi ra mắt iPhone phiên bản đầu “Ngày hôm nay, chúng ta sẽ phát minh lại điện thoại”.
Theo PLXH
iPhone đã thay đổi thế giới smartphone như thế nào? (Phần 1)
Bạn có bao giờ tự hỏi bản thân, liệu thị trường mobile ngày nay sẽ ra sao nếu chiếc smartphone của Apple chưa từng được phát minh?
Thế giới smartphone từng rất khác so với những gì chúng ta đang chứng kiến. Cách đây mới chỉ dăm năm, người ta sẽ coi là chuyện khoa học viễn tưởng nếu bạn nói rằng bạn có 1 chiếc điện thoại có thể duyệt Web như trên desktop, chỉnh sửa tài liệu Office như một máy tính cá nhân thực thụ, xem film phân giải cao, chất lượng đồ họa ngang ngửa với các console hạng nặng. 5 năm sau, và hãy thử nhìn xem, bây giờ nếu 1 smartphone nào không làm được ít nhất 3 trong 4 cái gạch đầu dòng kia, smartphone đó xứng đáng bị coi là một sự xấu hổ của nhà sản xuất.
Những gì mà người ta dự đoán rằng sẽ chỉ có thể tồn tại trong 10,20 năm nữa, thì bây giờ đang hiện hữu xung quanh tất cả chúng ta. Và có một lý do khiến smartphone có những bước nhảy vọt kỳ diệu như thế : Sự ra đời của iPhone. Ngày iPhone ra đời, nó đã góp phần rất lớn kích thích sự chuyển mình của cả một ngành công nghiệp. Dù thích iPhone hay không, thì người ta vẫn phải thừa nhận rằng những gì Apple làm quả thực kỳ diệu.
Có thể với sự cạnh tranh của Android, iPhone không và sẽ không bao giờ trở thành "vua" của ngành công nghiệp smartphone. Nhưng nói cho cùng, nếu không có iPhone, thì sự thành công của Android chưa chắc đã rực rỡ như hiện tại, thậm chí có thể Android cũng sẽ không cần phải ra đời, nếu không có iPhone. Sự trỗi dậy của iPhone đã kéo theo hàng loạt sự thay đổi cả về công nghệ lẫn quan niệm trong ngành công nghiệp smartphone. Hãy cùng GenK điểm lại những thay đổi lớn nhất mà iPhone đem lại cho smartphone.
1. Sự trở lại của màn hình cảm ứng điện dung
Sẽ là không công bằng nếu nói rằng màn hình cảm ứng và phương thức nhập liệu cảm ứng ra đời nhờ công của iPhone, thậm chí iPhone cũng không phải điện thoại đầu tiên ứng dụng công nghệ cảm ứng điện dung. Điện thoại thực sự đi tiên phong trong công nghệ này là LG Prada. Thế nhưng LG Prada, với sự thành công hạn chế của mình, đã không thể gây được nhiều sự chú ý và kết quả là đã không đưa được công nghệ cảm ứng điện dung tiến xa hơn.
Cảm ứng điện trở một thời là công nghệ thống trị thị trường màn hình cảm ứng trên thiết bị di động.
Trước iPhone, trong thời kì của PDA, màn hình cảm ứng điện trở đã vượt qua màn hình cảm ứng điện dung vì giá thành rẻ hơn, đeo găng tay vẫn bấm được, độ chính xác cao hơn, bút viết chế tạo đơn giản và sử dụng bút tiện hơn. Tất cả chúng ta đều cảm thấy hài lòng với cảm ứng điện trở, cho tới khi iPhone ra đời. Hầu như lập tức, người ta nhận ra độ trong sáng, sắc sảo của màn hình điện dung vượt trội so với màn hình điện trở. Lớp thủy tinh có độ cứng cao giúp màn hình điện dung ít xước và cảm giác vuốt ve trên bề mặt kính bóng loáng khiến người dùng mê mẩn.
Màn hình cảm ứng điện trở có 1 yếu điểm chết người : dễ xước. Dù bạn có cẩn thận đến đâu, thì sau 1 thời gian sử dụng, màn hình cũng dễ dàng chở thành "mặt anh Chí".
Đó là còn chưa kể đến độ nhạy và cực kỳ dễ điều khiển bằng ngón tay của màn hình điện dung đã chính thức đưa màn hình điện dung lên ngôi. Và tới bây giờ thì không còn người dùng smartphone nào còn thấy vấn vương công nghệ cảm ứng khiến cho màn hình mềm nhũn, xước như mặt giặc và phải dùng bút chọt chọt nữa. Thêm một điểm cộng là màn hình điện dung dễ dàng hỗ trợ công nghệ cảm ứng đa điểm.
Trước iPhone, chúng ta chưa bao giờ nghĩ ra đọc web, xem ảnh có thể tiện lợi và nhanh chóng thế nào nếu có cảm ứng đa điểm. Tất cả đều hào hứng với việc có thể phóng to, thu nhỏ, xoay màn hình chỉ với vài cái vuốt tay, thay vì phải bấm bấm chọn chọn như ngày trước. Thực sự, màn hình của iPhone đã mở ra một kỉ nguyên mới trong cách thức tương tác với smartphone của chúng ta. Thay vì "bấm" giờ chúng ta điều khiển smartphone chỉ bằng "chạm" tay.
2. Điều khiển bằng cảm ứng lên ngôi
iPhone đã mở đầu cho một trào lưu mới: smartphone điều khiển hoàn toàn bằng cảm ứng.
Khi chưa có iPhone, không ai cảm thấy khó chịu với việc quay số bằng bàn phím vật lý, định hướng bằng phím bấm lên xuống. Thậm chí người ta còn cảm thấy sợ hãi với ý nghĩ rằng cả chiếc điện thoại của mình sẽ không có một nút bấm vật lý nào. Nhưng iPhone ra đời và định nghĩa lại hình dạng của điện thoại di động. Thay vì cấu tạo một màn hình và một đống phím số, chữ như trước, xu hướng của thời đại mới là tối giản đến mức có thể số phím bấm vật lý có trên máy. Như đã nói ở trên, độ chính xác thấp là 1 yếu điểm của màn hình cảm ứng điện dung, nhưng những nhà thiết kế của Apple đã trình bày một phương án xuất sắc để giải quyết vấn đề đó.
Windows Mobile với giao diện rất chân phương và các icons, menu nhỏ tí xíu, chỉ thích hợp cho việc thao tác bằng bút. Bạn sẽ rất khó khăn nếu bị mất hoặc để quên bút.
Thời kỳ này, Windows Mobile, đối thủ chính của iPhone trên mặt trận smartphone màn hình cảm ứng có một cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt so với iPhone. Được thiết kế chủ yếu để tương thích với công nghệ cảm ứng điện trở, giao diện của Windows Mobile sử dụng nhiều Menu và các nút bấm rất nhỏ, chỉ thích hợp cho việc tương tác bằng bút. Nhưng iPhone đã mở được một lối đi hoàn toàn riêng biệt, tất cả các biểu tượng, phím và số trên iPhone đều rất lớn.
Khiến cho việc thao tác trở nên dễ dàng ,không thể bấm nhầm và chỉ cần sử dụng ngón tay, không đòi hỏi thêm một công cụ hỗ trợ nào khác. Đến giờ thì hầu như giao diện gồm nhiều trang với những icons lớn đã trở thành chuẩn mực cho thiết kế của smartphone hiện đại. Những ưu điểm của màn hình cảm ứng điện trở như độ chính xác, giá thành bỗng nhiên trở nên lu mờ, vì hóa ra Apple đã đúng, sự chính xác không phải là điều kiện tiên quyết dẫn đến sự thành công của công nghệ cảm ứng trên smartphone. Thay vào đó cảm giác sử dụng, độ nhạy mới là những yếu tố quyết định.
3. Công nghệ thời trang = điện thoại
Thực thế, trước khi xu thế iPhone trở nên phổ biến như hiện nay, hãy thử chiêm ngưỡng một vài mẫu smartphone từng tồn tại trước đó và nói cho tôi biết bạn nghĩ thế nào nếu so sánh với những mẫu smartphone đương đại ?
Motorola Q, một sản phẩm "bom tấn" thời kỳ "tiền iPhone".
Tôi không hề có ý chê bai, nhưng nếu bạn cầm những mẫu smartphone cách đây 6 năm, và để cạnh những mẫu smartphone hiện nay mang ảnh hưởng của iPhone cạnh nhau. Không cần nói cũng đủ hiểu kết quả ra sao. Thực sự từ sau khi iPhone ra đời, các nhà sản xuất đã bị bắt buộc phải tự đổi mới chính mình, quan tâm nhiều hơn đến hình thức sản phẩm. Tất cả đều hiểu ngầm rằng, một sản phẩm mạnh như quái vật mà trông cũng như...quái vật thì chỉ có mỗi một công dụng là làm chặn giấy. Người đẹp bề ngoài và quái vật bên trong mới là hướng đi đúng đắn.
(Còn tiếp)
Theo PLXH
Google mang ChromeOS đến với máy tính bảng? Một loạt các thay đổi trong mã nguồn hệ điều hành Chrome OS của Google được xem là bằng chứng thuyết phục cho thấy Google đang có kế hoạch xuất xưởng máy tính bảng sử dụng Chrome OS trong tương lai. Google đã từng có ý định mang hệ điều hành Chrome OS đến với máy tính bảng, thậm chí còn trình làng...