IoT đang ‘thâm nhập vào Việt Nam theo cách đặc biệt’
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, nhận định IoT ( Internet of Things – Internet của vạn vật) đang phát triển nhanh ngoài dự đoán và đã hiện diện ở Việt Nam “theo cách đặc biệt”.
Tại buổi toạ đàm Xu hướng ICT năm 2016 diễn ra chiều 28/12 tại Hà Nội, ông Bình cho biết Internet of Things đang phát triển nhanh, vượt dự đoán của các chuyên gia trong ngành. Nó không phải viễn cảnh tương lai mà đã xuất hiện trong mọi mặt đời sống của con người. Chẳng hạn, một công ty Việt Nam đã cung cấp giải pháp hỗ trợ đo nồng độ oxy và độ trong của nước, giúp các doanh nghiệp nuôi tôm hoạt động hiệu quả hơn.
“Ví dụ trên cho thấy IoT đã hiện diện tại Việt Nam ở quy mô rất khác. Từng gia đình sẽ chính là người tiêu thụ các giải pháp IoT, như họ sẽ triển khai giải pháp để tiết kiệm điện, bảo vệ an ninh ngôi nhà…”, ông Bình nhận xét. “IoT không cần phải là cái gì to lớn, hoành tráng mà có thể chỉ là một ứng dụng do một nhóm khoảng 5-10 người phát triển, nên nó đang thâm nhập vào đời sống một cách đặc biệt, phù hợp với tinh thần khởi nghiệp của những nhóm nhỏ nhưng lại có mức độ ảnh hưởng rộng lớn”.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Nguyễn Trung Chính, Phó chủ tịch CMC, cũng khẳng định IoT đang tiến rất sâu vào đời sống xã hội: “IoT là xu thế không thể đảo ngược và là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp kể cả lớn và nhỏ vì nhu cầu về IoT hiện là không giới hạn”.
Trong khi đó, ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Bkav, trích dẫn dự đoán của Gartner rằng trong năm 2016 thế giới sẽ có 6,4 tỷ thiết bị kết nối Internet và đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 21 tỷ.
IoT là viễn cảnh các đồ vật, thiết bị được kết nối với nhau qua một hệ thống chung hay đơn giản chỉ là thông qua một một ứng dụng cho smartphone nhằm mang đến sự thuận tiện trong cuộc sống cho con người. Khái niệm này đã được các hãng công nghệ liên tục đề cập đến thời gian qua và đang trở thành một trong những xu hướng hot nhất trên thế giới năm nay.
Video đang HOT
“Internet of Things có khả năng làm thay đổi nền tảng kinh tế, xã hội và cách sống của chúng ta”, ông BK Yoon, CEO Samsung, từng nhận định trong bài phát biểu khai mạc tại CES 2015. “Dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, trách nhiệm của chúng ta là hợp tác như người trong cùng một ngành để hiện thực hóa tiềm năng của Internet of Things”.
Châu An
Theo VNE
Internet công nghiệp và ngành kinh tế hàng nghìn tỷ USD
Trong 15 năm tới, sẽ có hàng nghìn tỷ USD được tạo ra nhờ Internet công nghiệp với vô số tiềm năng dành cho các tổ chức doanh nghiệp toàn cầu.
Khái niệm Internet công nghiệp hiểu nôm na là sự gắn kết giữa phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và Internet of Things (IoT), giúp tạo ra nhiều cơ hội lớn lao cho các tổ chức doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành hàng không, dầu khí, giao thông vận tải, sản xuất và truyền tải điện, chế tạo, chăm sóc y tế và khai thác mỏ.
Quy mô của ngành kinh tế dựa trên Internet công nghiệp cũng rất lớn. Dự kiến tới năm 2020 sẽ có 500 tỷ USD đổ vào ngành này, và tới năm 2030 sẽ tạo 15 nghìn tỷ USD cho GDP toàn cầu. Theo ước tính của General Electric (GE), Internet công nghiệp sẽ tác động tới 46% nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng 100% tới ngành sản xuất năng lượng.
Khái niệm Internet công nghiệp đã được nhắc tới từ năm 2012, và trên thực tế nó đã được triển khai rộng rãi trong lĩnh vực kỹ thuật số. Các tập đoàn đa quốc gia lớn đã phát triển nhiều cách thức cho phép tích hợp cảm biến thiết bị, công nghệ trí tuệ nhân tạo và phần mềm dữ liệu vào các thiết bị công nghiệp.
Khả năng này cho phép cung cấp dữ liệu thời gian thực từ hệ thống máy móc công nghiệp, giúp tăng đáng kể năng suất và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Nhiều 'ông lớn' công nghệ tham gia
Tháng 3/2014, Tổ chức Internet công nghiệp (IIC) đã được thành lập với các thành viên chính là AT&T, Cisco, General Electric, IBM và Intel, có nhiệm vụ kết nối các đối tác đến từ tập đoàn đa quốc gia, tổ chức nghiên cứu, cơ quan chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển và sử dụng rộng rãi các công nghệ Internet Công nghiệp.
Trong số này, GE tỏ ra năng nổ hơn cả thông qua việc tích hợp cảm biến vào hàng loạt thiết bị của hãng, trong đó có cả phương tiện tàu hỏa. Ngoài ra, GE cũng có hệ điều hành riêng và mở chạy trên nền đám mây cho phép các nhà phát triển có thể tạo ra vô số ứng dụng hỗ trợ.
Chẳng hạn với tàu hỏa, GE tích hợp khoảng 300 cảm biến để thu thập các thông tin về nhiên liệu, khí thải, tình trạng đường ray... Tất cả đều được chuyển về trung tâm điều khiển theo thời gian thực với mục đích cuối cùng là tối ưu nâng cao hiệu quả hoạt động của phương tiện vận chuyển. Lấy ví dụ, tốc độ di chuyển trung bình của tàu hỏa là 35km/h, nhưng chỉ cần tối ưu nâng lên 37km/h là đã tiết kiệm được 250 triệu USD chi phí vận hành.
Trong khi đó, IBM đã thành lập hẳn bộ phận chuyên về IoT, đồng thời đầu tư 3 tỉ USD cho khâu nghiên cứu & phát triển giải pháp, dịch vụ Internet Công nghiệp trong 4 năm tới. Hãng công nghệ này sẽ tuyển dụng 2.000 nhà tư vấn, nghiên cứu viên và các nhà phát triển chuyên về giải pháp IoT cho bộ phận mới. Tất cả sẽ dựa trên nền tảng Bluemix IoT của IBM, giúp các nhà phát triển xây dựng và triển khai ứng dụng phân tích chuyên dụng dành cho thiết bị kết nối.
Về phần Cisco, hãng này cũng công bố khung hệ thống mới có tên System, là nền tảng giúp thực thi giải pháp IoT. Cũng giống các kiến trúc khác của Cisco, hệ thống này sẽ liên kết nhiều thành phần lại với nhau như phần cứng, phần mềm và dịch vụ với mục tiêu cuối cùng là đơn giản hóa lộ trình triển khai IoT. Cisco cũng đồng thời công bố 15 sản phẩm IoT mới tập trung vào 6 lĩnh vực chính: kết nối mạng, điện toán đám mây, bảo mật, phân tích dữ liệu, công cụ quản lý và tự động hóa, và nền tảng thực thi ứng dụng.
4 giai đoạn tiến hóa
Sự tiến hóa của Internet công nghiệp sẽ trải qua 4 giai đoạn riêng biệt. Giai đoạn 1 và 2 là các cơ hội ngắn hạn giúp thúc đẩy triển khai nền tảng này "ngay và luôn", bắt đầu từ việc nâng cao hiệu quả hoạt động, chủ yếu sẽ diễn ra trong 2 năm tới. Giai đoạn 3 và 4 là các thay đổi mang tính kiến trúc dài hạn, diễn ra trong khoảng 3 năm sau các giai đoạn đầu tiên.
Kết quả cuối cùng là tạo ra nền kinh tế dựa trên khả năng tự động hóa của Internet công nghiệp. Sẽ có sự chuyển đổi sâu rộng từ bán sản phẩm hoặc dịch vụ sang bán giải pháp sau cuối. Sự thay đổi quan trọng này sẽ tái định nghĩa lại cơ sở cạnh tranh và cấu trúc của ngành công nghiệp. Để cung cấp được các giải pháp sau cuối, doanh nghiệp buộc phải thiết lập quan hệ đối tác hệ sinh thái mới tập trung vào nhu cầu khách hàng hơn là vào sản phẩm hoặc dịch vụ riêng lẻ như hiện nay.
Do có sự gia tăng không ngừng về tầm quan trọng của dữ liệu, phần mềm và nền tảng, các doanh nghiệp buộc phải mở rộng năng lực và hệ sinh thái trong các lĩnh vực này để tăng khả năng cạnh tranh ở môi trường mới. Internet công nghiệp sẽ tạo ra nền kinh tế mới dựa trên khả năng đáp ứng theo thời gian thực, tự động hóa cao, sản xuất linh hoạt và có mạng lưới phân phối rộng khắp và tức thì.
Gia Nguyễn
Theo Zing
Những xu hướng công nghệ bùng nổ năm 2016 Năm 2016 được dự báo sẽ bùng nổ nhiều công nghệ mới giúp kết nối vạn vật với nhau, tạo nên một mạng lưới thông tin rộng khắp, giúp giải phóng sức lao động của con người. Information of Everything (IoE) Là một tên gọi khác của Internet of Things (Internet vạn vật), IoE tập hợp các thiết bị thông minh có khả...