IOM: Hơn 20 triệu người phải di dời ở vùng Sừng châu Phi
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 15/8, Tổ chức Di cư Quốc tế ( IOM) cho biết trong 7 tháng đầu năm 2024, khoảng 20,1 triệu người tại các quốc gia thuộc vùng Sừng châu Phi đã phải sơ tán trong nước.
Người dân tại trại tị nạn ở Dolow, Somalia. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ quan di cư của Liên hợp quốc (LHQ) nêu rõ con số này tăng so với mức 19,2 triệu người ghi nhận vào tháng 6 do số người phải sơ tán trong nước tăng tại Burundi, Ethiopia và Sudan.
Nhìn chung, Sudan là quốc gia có số người phải di dời nhiều nhất với 10,7 triệu người, kế tiếp là Somalia (3,5 triệu người), Ethiopia (3,3 triệu người) và Nam Sudan (2 triệu người). IOM lưu ý rằng có 10,2 triệu người mới buộc phải di dời ở Sudan, bao gồm 7,9 triệu người sơ tán trong nước và 2,1 triệu người sơ tán sang các nước láng giềng kể từ khi xung đột nổ ra tại quốc gia này vào tháng 4/2023.
Ngoài xung đột, các nguyên nhân khác gây ra tình trạng di dời là lũ lụt do mưa lớn và mất an ninh lương thực, đặc biệt là ở Ethiopia, Kenya và Somalia. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) và Cơ quan liên chính phủ về phát triển khu vực Đông Phi (IGAD), trong tháng 7 có khoảng 67 triệu người ở khu vực này thiếu lương thực. Trong số đó, 39 triệu người ở các quốc gia thành viên IGAD, bao gồm Djibouti, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Tanzania, Sudan và Uganda. Trước đó, ngày 2/8, các cơ quan quốc tế đã ban hành cảnh báo rằng vùng Sừng châu Phi sẽ có lượng mưa dưới mức trung bình trong mùa mưa diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12 sắp tới. Điều này có nghĩa là số người phải di dời do mất an ninh lương thực sẽ còn tiếp tục tăng lên.
IOM cũng lưu ý rằng khu vực Sừng lớn của châu Phi có khoảng 5,4 triệu người tị nạn và người xin tị nạn. Hiện tại, Uganda là nơi tiếp nhận nhiều người tị nạn nhất với 1,7 triệu người, tiếp theo là Ethiopia với 1 triệu người và Kenya với 906.000 người.
IOM kêu gọi quyên góp 112 triệu USD để giúp đỡ người di cư ở châu Phi
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 23/2, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và 27 đối tác đã phát động chiến dịch quyên góp 112 triệu USD để hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 1,4 triệu người di cư và cộng đồng tiếp nhận người di cư ở vùng Sừng châu Phi, Yemen và miền Nam châu Phi.
Hòn đảo nhỏ Lampedusa của Italy đang phải gồng mình đón nhận lượng người di cư, chủ yếu đến từ các nước Bắc Phi, lên tới 7000 người, gần bằng dân số của đảo, ngày 15/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
IOM cho biết nguồn quỹ này sẽ được sử dụng để cung cấp hỗ trợ nhân đạo và phát triển cho những người di cư đang rời khỏi đất nước của họ để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn hay để thoát khỏi xung đột, mất an ninh và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Theo IOM, tuyến đường phía Đông, từ vùng Sừng châu Phi đến Yemen và các quốc gia vùng Vịnh, và tuyến đường phía Nam, từ vùng Sừng châu Phi đến miền Nam châu Phi qua Kenya và Tanzania, nằm trong số những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất, phức tạp nhất và ít được biết đến nhất trên thế giới.
IOM cho biết khoảng 400.000 lượt di chuyển đã được ghi nhận trên tuyến đường phía Đông trong năm 2023, trong khi có thêm 80.000 lượt di chuyển được ghi nhận trên tuyến đường phía Nam, đặc biệt là đến Nam Phi.
Giám đốc IOM khu vực Đông Phi và vùng Sừng châu Phi, bà Rana Jaber, cho biết tổ chức này tin tưởng rằng có thể đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong năm 2024 bằng cách tiếp tục ứng cứu và cung cấp sự bảo vệ, tạo điều kiện tiếp cận các giải pháp bền vững, cũng như tăng cường khả năng phục hồi và cải thiện cuộc sống cho những người di cư.
Hai công dân Nga bị Al Qaeda bắt cóc ở Niger Một nhánh của al Qaeda ở vùng Sahel (Tây Phi) đã bắt 2 công dân Nga làm con tin ở Niger. Thông tin này được al Qaeda thông báo trong một video do nhóm này đăng tải ngày 2/8. Nạn bắt cóc con tin thường xuyên xảy ra ở khu vực Sahel, châu Phi, phần lớn do lý do kinh tế. (Daily Post)...