Interpol cảnh báo “lỗ hổng” an ninh sân bay
Việc có tới 2 hành khách sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp lên chuyến bay MH370 bị mất tích đầy bí ẩn của Hãng hàng không Malaysia đã khiến Interpol phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng sơ hở an ninh tại các sân bay trên thế giới.
Interpol khuyến cáo các nước kiểm tra kỹ hộ chiếu hành khách đi máy bay
Trong các hướng điều tra việc mất tích của chiếc máy bay Boeing 777-200 ER số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia (Malaysia Airlines) các nhà điều tra không loại trừ nguyên nhân bị khủng bố. Một trong những cơ sở để đặt nghi vấn này là trong số hành khách của chuyến bay có những người đã lên máy bay bằng hộ chiếu giả.
Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) xác nhận ít nhất 2 hộ chiếu được ghi tại đề mục “Giấy tờ đi lại bị đánh cắp hoặc thất lạc” (SLTD) trong cơ sở dữ liệu của tổ chức này đã được hành khách sử dụng để lên chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines. Ngoài ra, trong quá trình rà soát toàn bộ giấy tờ được sử dụng trên chuyến bay bị mất tích bí ẩn này, lực lượng chức năng cũng phát hiện một số “hộ chiếu khả nghi” nữa và Interpol đang tiếp tục kiểm tra, xác minh.
Thông tin chi tiết, Interpol cho biết 2 hộ chiếu nói trên (1 của Áo, 1 của Italia) được bổ sung vào SLTD sau khi chúng bị lấy cắp ở Thái Lan năm 2012 và 2013. Do không nước nào liên lạc với Interpol trong khoảng thời gian từ khi 2 cuốn hộ chiếu được đưa vào danh sách SLTD đến khi chuyến bay MH 370 xuất phát nên khó xác định những hộ chiếu này đã được sử dụng bao nhiêu lần trên các chuyến bay quốc tế hoặc để qua lại biên giới.
Trước việc nhà chức trách Malaysia không loại trừ khả năng chuyến bay MH370 bị khủng bố cũng như không loại trừ khả năng 2 cuốn hộ chiếu rơi vào tay bọn khủng bố, Tổng Thư ký Interpol Ronald K. Noble cho biết, tổ chức này đang huy động mọi nguồn lực để giúp nhà chức trách Malaysia và một số nước khác làm sáng tỏ chuyện gì đã xảy ra với chuyến bay MH370. Interpol cũng đang tiếp xúc các cơ quan đại diện của tổ chức này ở các nước liên quan để xác định danh tính thực của những hành khách sử dụng 2 hộ chiếu bị lấy cắp.
Theo thông tin mới nhất, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng đã cử các đặc vụ và chuyên gia kỹ thuật tới hỗ trợ điều tra vụ mất tích của chiếc máy bay số hiệu MH370. Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Hishammuddin xác nhận các điều tra viên Malaysia đã gặp những đồng nghiệp từ FBI và công tác điều tra đang tập trung vào bản kê khai hàng hóa của hành khách cũng như 2 hành khách lên máy bay bằng hộ chiếu bị đánh cắp.
SLTD được thiết lập năm 2002 sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng và đẫm máu ở Mỹ ngày 11-9-2001 nhằm giúp các nước đảm bảo an ninh biên giới và bảo vệ người dân trước nguy cơ khủng bố và các tội phạm nguy hiểm khác sử dụng giấy tờ đi lại giả mạo. Tuy nhiên, ít quốc gia thường xuyên tra cứu cơ sở dữ liệu của Interpol để xác định hành khách có sử dụng giấy tờ bị đánh cắp hay thất lạc để lên máy bay hay không.
Video đang HOT
Trước “lỗ hổng” an ninh như vậy, các quốc gia và hãng hàng không thế giới đã đồng loạt nâng cấp việc rà soát an ninh tại các sân bay. Tổng thư ký Interpol đề nghị các quốc gia và các hãng hàng không thực hiện thủ tục kiểm tra hộ chiếu trước khi cho phép hành khách lên máy bay để đảm bảo an toàn.
Theo ANTD
Thái Lan - trung tâm của hoạt động đánh cắp hộ chiếu?
Việc hai hành khách của Malaysia Airlines sử dụng hộ chiếu đánh cắp từ các du khách tại Thái Lan đang làm dấy lên nghi ngờ về khả năng xảy ra tấn công khủng bố, cũng như lo ngại về hoạt động của các mạng lưới tội phạm về hộ chiếu tại đây.
(Ảnh minh họa)
34 máy bay, 40 tàu ráo riết tìm máy bay mất tích của Malaysia
Hai công dân châu Âu đã được nêu tên trong danh dách các hành khách trên chuyến bay MH370 bị mất tích của Malaysia sáng sớm 8/3. Thế nhưng cả Christian Kozel, một công dân Áo và Luigi Maraldi đến từ Ý, đều không hề lên chuyến bay này. Thay vào đó đã có những hành khách bí ẩn, sử dụng hộ chiếu hai người này bị mất trong các năm 2012 và 2013 tại Thái Lan.
Tiết lộ trên đã khiến giới chức Malaysia phải mở cuộc điều tra khủng bố, với sự hỗ trợ của các cơ quan tình báo và cả Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI).
"Thái Lan đã được một số nhóm khủng bố sử dụng như một vùng hoạt động, để huy động quỹ hoặc lên kế hoạch tấn công", Rommel Banlaoi, một nhà phân tích khủng bố tại Đông Nam Á cho biết.
Năm 2010, hai người Pakistan và một phụ nữ Thái Lan đã bị bắt tại nước này với nghi ngờ làm giả hộ chiếu cho các nhóm có liên hệ với Al-Qaeda, trong khuôn khổ một chiến dịch quốc tế có liên quan tới các vụ tấn công khủng bố tại Mumbai năm 2008, và đánh bom tàu hỏa tại Madrid, Tây Ban Nha năm 2004.
Tuy nhiên Banlaoi nhấn mạnh rằng hộ chiếu giả trên chuyến bay của Malaysia "có thể dính líu tới các hoạt động tội phạm khác, như nhập cư bất hợp pháp".
"Thái Lan là một điểm đến của các tổ chức tội phạm, những kẻ sử dụng nơi này để tìm kiếm các giấy tờ đi lại và hồ sơ tài chính", một nguồn tin tình báo Thái Lan khẳng định với hãng tin AFP. "Nó không chỉ gắn với hoạt động khủng bố mà còn cả các hoạt động tội phạm khác.
Đó là một mạng lưới phức tạp, kết nối với các mạng lưới khác". Mạng lưới đó bao gồm cả người Thái và người nước ngoài, những tên trộm hộ chiếu, những kẻ làm giả, trung gian và khách hàng, nguồn tin này cho biết.
Cảnh sát Thái Lan hiện đã mở một cuộc điều tra về khả năng tồn tại một đường dây hộ chiếu trên đảo du lịch Phuket - nơi hộ chiếu của Maraldi bị mất năm 2013, còn hộ chiếu của Kozel bị mất trên một chuyến bay từ Phuket tới Bangkok.
Đến nay, vẫn chỉ có rất ít chi tiết về những hành khách đã lên máy bay bằng hộ chiếu đánh cắp. Giới chức Malaysia hôm nay (10/3) chỉ tiết lộ rằng, thông qua xác minh từ camera của sân bay, một trong hai người này không phải công dân Malaysia.
Với việc thuận lợi về mặt địa lý và có một sân bay quốc tế lớn, Thái Lan từ lâu đã nổi tiếng là trung tâm trung chuyển ma túy và các động vật hoang dã, bao gồm cả ngà voi từ châu Phi. Nhưng nơi đây cũng là điểm cung cấp giấy tờ cho người nhập cư bất hợp pháp di chuyển vào hoặc quá cảnh qua vùng này.
Tuyến đường của hai hành khách bí ẩn trên chuyến bay MH370, từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, sau đó tới châu Âu là một "tuyến đường quen thuộc" của người di cư bất hợp pháp, một nguồn tin ngoại giao khẳng định, và cho biết thêm rằng một lượng lớn hộ chiếu bị đánh cắp từ khách du lịch ở Thái Lan được dùng cho hoạt động di cư bất hợp pháp.
"Những hộ chiếu đó là đồ thật, do đó họ sẽ tìm ai đó nhìn giống chủ nhân, hoặc họ làm giả trang đầu", nguồn tin này cho biết.
Sự lỏng lẻo của những nhân viên cảnh sát, những người có thể bị mua chuộc, cũng giúp cho ngành này phát triển. "Cảnh sát có thể ngó lơ nếu bạn có tiền", người này cho biết thêm.
Dù vậy, việc nhập cảnh vào các nước phương Tây với hộ chiếu đánh cắp "không dễ dàng", Ahmed Salah Hashim, phó giáo sư tại trường ngoại giao Rajaratnam, Singapore khẳng định. Ông nghiêng về giả thuyết những kẻ khủng bố có thể đã nhắm tới chuyến bay MH370, nhất là khi có 2 cuốn hộ chiếu bị đánh cắp đã được Interpol theo dõi.
Thái Lan hiện không đối chiếu các hộ chiếu của du khách với cơ sở dữ liệu Giấy tờ đi lại bị mất và thất lạc của Interpol, vốn có hơn 40 triệu thông tin - một sỹ quan cảnh sát xuất nhập cảnh Thái Lan cho biết.
Interpol hiện đã hối thúc các nước rà soát toàn bộ hộ chiếu "vì các hành khách vô tội".
"Tôi rất hy vọng rằng các chính phủ và các hãng hàng không khắp thế giới sẽ rút ra bài học từ thảm kịch chuyến bay MH370 mất tích, và bắt đầu quét toàn bộ hộ chiếu của hành khách trước khi cho phép họ lên máy bay", Tổng thư ký Interpol Ronald Noble nói.
Thanh Tùng
Theo Dantri
2 người dùng hộ chiếu giả lên máy bay Malaysia đến từ Iran? Tờ Financial Times tiết lộ, vé của 2 người dùng hộ chiếu ăn cắp để lên máy bay Malaysia đang mất tích được một người Iran mua ở thành phố nghỉ mát Pattaya, Thái Lan. Tờ Financial Times dẫn nguồn tin độc quyền cho biết, một đại lý du lịch Thái Lan đã đặt vé cho những người đàn ông này nói rằng,...