Intel Core i9-11900K Vi xử lý chiến game tốt nhất hiện nay
Cuối cùng thì Intel Core i9-11900K cũng được trình làng. Đây được xem là sản phẩm đáng được trông đợi nhất của Ông khổng lồ Xanh dương, đoạn kết của một hành trình phát triển 6 năm.
Với Intel Core i9-11900K, IPC của vi xử lý được cải thiện 19% khi so với thế hệ trước, đem lại sức mạnh và hiệu năng tổng thể vượt trội.
Cuối cùng thì Intel cũng đã bổ sung thêm PCIe 4.0 lên nền tảng của mình, bổ sung thêm tốc độ cho những hệ thống máy tính cao cấp.
Chỉ có một đáng tiếc duy nhất là hãng hạ số lượng nhân trên vi xử lý mạnh nhất của mình xuống so với Core i9-10900K, từ 10 nhân, 20 luồng thành 8 nhân, 16 luồng. Điều này đem lại hiệu năng đa nhân thấp hơn so với đàn anh. Tuy nhiên, hiệu năng đơn nhân của Intel Core i9-11900K được cải thiện rõ rệt, và tiếp tục giữ ngôi vương trong khả năng chiến game của mình.
Tổng quan
Thông số kỹ thuật của Intel Core i9-11900K không khác nhiều so với thế hệ trước, với cùng tốc độ xung nhịp tối đa (5,3GHz). Tuy nhiên, với sự cải thiện ấn tượng ở IPC (nhiều hơn 19%), hiệu năng tổng thể của sản phẩm vẫn cao hơn vi xử lý thế hệ trước.
Kiến trúc Rocket Lake còn có nhiều tính năng mới, như hỗ trợ PCIe 4.0, nâng hiệu năng của SSD từ 8GB/giây lên 16GB/giây. Ngoài ra, hiệu năng đồ họa tích hợp trên thế hệ 11 cũng cao hơn trước nhiều, khoảng 50%. Ít nhất, trong thời điểm đang “cháy” VGA do bão tiền ảo ở thời điểm hiện tại, đồ họa tích hợp trên Intel Core i9-11900K đủ để các game thủ trải nghiệm được các tựa game eSports một cách mượt mà hoặc những game không thuộc nhóm AAA với thiết lập đồ họa ở mức vừa phải.
Tính năng mới khác trên Rocket Lake là Intel Deep Learning Boost (AI thế hệ mới), hỗ trợ bộ nhớ DDR4-3200 và Resizable BAR, đem lại khả năng giao tiếp tốt hơn với các VGA tương thích của AMD và Nvidia.
Các vi xử lý Intel Rocket Lake sẽ hỗ trợ chipset 500-series thế hệ mới, có nhiều tính năng hiện đại như Thunderbolt 4 và Wi-Fi 6E. Các vi xử lý này cũng sẽ tương thích ngược với những bo mạch chủ 400-series sau khi nâng cấp BIOS. Một số bo mạch chủ 400-series trước đây được trang bị sẵn khe PCIe 4.0, nên khi kết hợp với các vi xử lý thế hệ 11, các ổ cứng tốc độ cao sẽ được hưởng lợi.
IGP (đồ họa tích hợp) mới, PCIe 4.0
Đây là những nâng cấp đáng kể nhất của Intel trong lần ra mắt này. Intel Core i9-11900K có đồ họa tích hợp là Iris Xe UHD Graphic 750. Trên vi xử lý thấp hơn của mình là Core i5-11600K, Intel cũng trang bị đồ họa tích hợp này. Các bạn có thể chờ đọc về hiệu năng của Iris Xe UHD Graphic 750 ở bài thử nghiệm chi tiết Core i5-11600K. Tuy nhiên, một thử nghiệm nhanh cho thấy, đồ họa tích hợp mới của Intel có hiệu năng gấp đôi so với phiên bản trước, hoàn toàn có thể sử dụng để chơi game nhẹ được trong thời kì khan hiếm VGA như hiện tại.
Một số thông tin cơ bản về IGP mới trên Intel thế hệ 11 gồm có: Hỗ trợ 1 màn hình 4K với tốc độ quét màn hình tối đa 60Hz, hoặc tối đa 3 màn hình với độ phân giải thấp hơn.
Lợi ích của việc nâng cấp từ Z490 lên Z590 là bo mạch chủ có nhiều làn PCI Express hơn (8 làn) và hỗ trợ PCIe 4.0 ngay từ nhà sản xuất. Mặc dù một số bo mạch Z490 được biết là “sẵn sàng cho PCIe 4.0″ nhưng phải nâng cấp BIOS và chắc chắn không đem lại hiệu năng tối đa như bộ sản phẩm Z590 và Intel Core i thế hệ 11. Ngoài ra, chipset Z590 mới có kết nối USB tốt hơn, hỗ trợ Gen 3.2 2×2, cũng như có thêm 4 cổng USB Gen 3.2 Gen 2 so với Z490 (10 so với 6 cổng). Cuối cùng, Z590 sẽ hỗ trợ Wi-FI 6E.
Thiết lập thử nghiệm
Hệ thổng thử nghiệm Intel Core i9-11900K sử dụng những linh kiện gần như tốt nhất hiện nay.
Vi xử lý: Intel Core i9-11900K
Bo mạch chủ: Asus Maximus XIII Hero
Card đồ họa: Asus ROG Strix Gaming 3070
Tản nhiệt: Asus ROG Ryujin 360
RAM: 32GB DDR4 TeamGroup T-Force Xtreem 3200MHz (4×8GB)
Ổ cứng: WD SN850 1TB, WD Black AN1500 1TB
Thùng máy: ROG Strix Helios
Nguồn: ROG Thor Platinum 1200W
Video đang HOT
Thử nghiệm với phần mềm thuật toán
Cinebench được xem là tiêu chuẩn thử nghiệm CPU trong nhiều năm liền, và sẽ tiếp tục là bài kiểm tra chất lượng cho bất kì một vi xử lý nào. Cinebench sử dụng một bài render thực từ Cinema 4D và qua đó ép vi xử lý hoạt động ở cường độ tối đa.
Ở phần thử nghiệm đơn nhân, Intel Core i9-11900K đạt điểm số 637, chiếm vị trí đầu bảng trong phân khúc CPU cao cấp. Điều này còn đáng kể hơn khi Rocket Lake-S vẫn đang sử dụng tiến trình 14nm. Cần lưu ý là Rocket Lake-S có thể sẽ là chuỗi vi xử lý cuối cùng của Intel được sản xuất trên tiến trình 14nm.
Trong khi sức mạnh đơn nhân sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng chiến game, thì bài thử nghiệm đa nhân sẽ cho thấy hiệu quả làm việc đồ họa của các vi xử lý. Khi so sánh với đối thủ có cùng số lượng nhân và luồng, Intel Core i9-11900K tiếp tục cho thấy sự vượt trội với 6390 điểm (so với 6111 ở AMD Ryzen 7 5800X). Trong suốt quá trình thử nghiệm Cinebench R20, Intel Core i9-11900K khi hoạt động liên tục 100% chỉ đạt nhiệt độ tối đa là 75 độ với tản nhiệt nước AIO Asus ROG Ryujin 360, khá lý tưởng.
3DMark PC10 cho ra điểm số của hệ thống 14530 điểm, khá tốt so với mặt bằng chung. Phần thử nghiệm này là sự kết hợp của những tác vụ như Microsoft Office và Edge cùng các phần mềm văn phòng, biên tập hình ảnh khác.
Tiếp tục với bài thử nghiệm Geekbench 5, Core i9-11900K tiếp tục cho thấy sức mạnh của mình, với 1864 điểm ở phần đơn nhân và 10290 ở phần đa nhân. Điểm số này cao hơn một chút so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp của vi xử lý.
Điểm số ở 3DMark TimeSpy cho thấy Intel Core i9-11900K với 11615 điểm hoàn toàn ngang bằng với Ryzen 5800X.
Một trong những tính năng giúp cho Rocket Lake-S tỏa sáng so với các vi xử lý đến từ AMD, đó là AVX512. Cụ thể, với phần mềm thử nghiệm yCruncher với thiết lập 1 tỷ chữ số Pi và hoạt động ở chế độ đơn nhân, Intel Core i9-11900K đạt 156 giây, nhanh hơn khoảng 40% so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Nếu bạn làm việc trong những môi trường phần mềm đòi hỏi AVX thì rõ ràng các vi xử lý mới của Intel đang là một lựa chọn rất hấp dẫn.
Sự khác biệt lớn nhất giữa các vi xử lý Intel thế hệ 11 Rocket Lake-S và AMD Ryzen 5000 series là người dùng sẽ được “cộng thêm” một vi xử lý đồ họa tích hợp. Đây không đơn thuần “chỉ” là một vi xử lý đồ họa tích hợp nào đó, mà là Iris Xe UHD 750, với sức mạnh rất ổn trong trải nghiệm game online hay eSports. Điều này đã được kiểm chứng qua các laptop mỏng nhẹ ra mắt trong thời gian qua. Thử nghiệm nhanh cho thấy Iris Xe trên Core i9-11900K có thể làm tốt các tác vụ đồ họa thường nhật và chơi game 1080p.
Điểm số 3DMark TimeSpy (thử nghiệm đồ họa tích hợp) của Intel Core i9-11900K khá tốt, đạt 1121 điểm, tương đương với một số VGA rời dòng phổ thông của cả Nvidia lẫn AMD.
Một số tựa game cũng được đưa lên phần thử nghiệm nhanh để đánh giá sự kết hợp giữa CPU và VGA rời của Rocket Lake-S Core i9-11900K. Trong các tựa game được đưa ra benchmark, vi xử lý mới nhất của Intel tiếp tục chứng tỏ được sự tối ưu của mình. Ngoại trừ một số tựa game không tối ưu cho CPU mà sử dụng nhiều sức mạnh của VGA, đại đa số các kết quả đều cho thấy Intel nhỉnh hơn tương đối so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Kết quả thử nghiệm game:
Độ phân giải 1080p – Thiết lập đồ họa cao nhất
Far Cry 5: 165 FPS
Rise of the Tomb Raider: 185 FPS
Hitman: Absolution: 142 FPS
Bioshock Infinite: 395 FPS
Độ phân giải 2160p – Thiết lập đồ họa cao nhất
Far Cry 5: 79 FPS
Rise of the Tomb Raider: 86 FPS
Hitman: Absolution: 54 FPS
Bioshock Infinite: 165 FPS
Kết luận
Intel Core i9-11900K là một trong những vi xử lý mạnh mẽ nhất hiện nay dành cho game thủ, và khi so với thế hệ trước, sự khác biệt là rõ rệt. Những bổ sung mới như đồ họa tích hợp Iris Xe UHD 750, PCIe 4.0 và AVX512 giúp cho sản phẩm trở thành một lựa chọn đáng giá trong tình hình thị trường linh kiện hiện tại. Những sự bổ sung kể trên đem lại hiệu năng được cải thiện rất đáng kể trong các thử nghiệm thuật toán cũng như trải nghiệm game. Sản phẩm đang được bán ra với mức giá 15,99 triệu đồng, đang được đặt hàng trước tại GearVN.
Đánh giá Intel Core i9-11900K: chơi game tốt nhưng chưa đủ
Intel Core i9-11900K vẫn làm tốt vai trò của mình nhưng không còn giữ được vị thế độc tôn cho Intel
Sau nhiều chờ đợi, cuối cùng Intel Core i thế hệ thứ 11 với tên mã Rocket Lake cũng được Intel ra mắt. Trong thời buổi đại dịch Covid-19, sự kiện ra mắt của dòng sản phẩm này được gói gọn vào một sự kiện trực tuyến không kèn trống. Vẫn như truyền thống của mình, Intel ra mắt dòng sản phẩm mới sau trung bình 12 tháng. Trong bài đánh giá này, CPU cao cấp nhất, i9-11900K sẽ được thử nghiệm đồng thời so sánh với người tiền nhiệm i9-10900K
Khi bắt đầu có những thông tin rò rỉ về thông số kĩ thuật của Intel Core thế hệ thứ 11 nói chung và i9-11900K nói riêng, giới công nghệ đã tỏ ra khá thất vọng khi Intel đã có bước cải lùi, giới hạn số nhân/luồng chỉ còn 8/16 trên dòng i9, tương tự với i9-9900K và ít hơn 2 nhân 4 luồng so với CPU đầu bảng tiền nhiệm i9-10900K.
Không những thế, việc liên tục thay socket 2 năm 1 lần cũng khiến người dùng cảm thấy không thực sự thoải mái khi liên tục phải bỏ tiền nâng cấp bo mạch chủ. Ngoài ra, việc vẫn tiếp tục sử dụng tiến trình 14nm trong khi đối thủ đã sử dụng 7nm hay thậm chí 5nm, hay đơn cử là các CPU laptop của Intel cũng đã chuyển dịch sang tiến trình 10nm khiến một bộ phận không nhỏ người dùng dậy sóng.
Một trong những cải tiến đáng giá trong năm nay của Intel chính là thiết kế vỏ hộp. Với bộ sản phẩm dùng thử dành cho giới truyền thông, Intel đã có một thiết kế toàn toàn mới với màu sắc tô điểm thú vị hơn khá nhiều so với thiết kế của dòng Core i thế hệ 10. Hộp sản phẩm bán lẻ cũng được Intel chau chuốt lại với thiết kế mới lạ cho dòng Core i9. Cùng slogan "Designed to Game" - Thiết kế để chơi game, có thể thấy đối tượng khách hàng được nhắm tới của thế hệ CPU này vẫn là các game thủ. Cũng phải thôi bởi hầu hết các tựa game hiện nay đều chỉ hỗ trợ tối đa 8 nhân 16 luồng.
Cấu hình thử nghiệm:
-CPU: Intel Core i9-11900K
-RAM: G.Skill Trident Z Royal RGB 2x16GB 3600MHz CL16
-Mainboard: ASUS ROG Maximus XIII Hero
-VGA: Gigabyte Radeon 6800 XT Gaming OC
-NVMe: Samsung PM981 1TB
-Tản nhiệt CPU: G.Skill ENKI 360
-PSU: Corsair Cooler Master MWE 750W Gold
Để đảm bảo khả năng tản nhiệt tốt nhất, tản nhiệt nước aio G.Skill ENKI kích thước 360mm được sử dụng nhằm mang lại hiệu năng cao nhất cho CPU. Core i9-11900K cũng sẽ được đánh giá so sánh với tiền nhiệm Core i9-10900K để xem liệu thế hệ thứ 11 có thực sự là bước cải lùi của Intel.
Mở đầu bằng bài thử Cinebench R20 quen thuộc. Với số lượng nhân/luồng ít hơn, không ngạc nhiên khi điểm đa luồng của i9-11900K thua kém so với i9-10900K. Tuy nhiên, nhờ một số cải tiến, điểm đơn nhân của i9-11900K rất cao, tăng khoảng 20% so với thế hệ trước trong khi hiệu năng đa luồng chỉ thua khoảng 10%.
Một công cụ thử nghiệm khác có thể kể đến là CPU-Z và một lần nữa, sự chênh lệch về điểm số cũng tương tự với Cinebench R20 với điểm đơn nhân nhỉnh hơn nhưng vẫn thua về đa nhân.
Với việc chỉ còn 8 nhân/16 luồng, hiệu năng xử lý nói chung của i9-11900K hầu hết là cải lùi so với i9-10900K, từ các tác vụ về nén/giải nén hay các công cụ render video, hình ảnh 3D. Đơn cử với Blender, thời gian để i9-10900K dựng được mô hình "BMW" và "classroom" tương ứng ở mức 02'07" và 07'04". Con số này ở i9-11900K là 4'43" và 13'8".
3DMark TimeSpy
Nhìn chung các công cụ benchmark đều cho thấy việc tăng hiệu năng đơn nhân không thể giải quyết triệt để bài toán hiệu năng tổng thể.
Được quảng bá với slogan "Thiết kế để chơi game", hiệu năng chơi game của i9-11900K ở độ phân giải 1080p vẫn rất ổn với mức FPS trung bình ngang ngửa với i9-10900K. Điều này cũng là dễ hiểu bởi Intel hưởng lợi từ việc các nhà phát triển game thường chuộng xung nhịp cao và ít nhân, cụ thể là dưới 8. Bởi vậy, i9-11900K vẫn đang làm tốt trọng trách của mình.
Ngoài hiệu năng, một yếu tố được nhiều người quan tâm chính là nhiệt độ khi hoạt động và mức điện năng tiêu thụ của i9-10900K. Khi phải chạy liên tục các ứng dụng render nặng, chạy tập lệnh AVX như Cinebench, Blender cũng khiến khả năng tản nhiệt của cả CPU lẫn tản nhiệt nước được thử thách. Thông thường, khi chạy các tác vụ cực nặng, CPU sẽ tự động kéo xung nhịp lên mức cao đồng nghĩa với việc nhiệt độ cũng tăng theo.
Trong quá trình thử nghiệm, có những thời điểm nhiệt độ của i9-11900K vọt lên 91 độ C nhưng ngay lập tức xuống mức 60-70 độ C và giữ tương đối ổn định. Đây phần nào còn do tản nhiệt với rad kích thước 360mm. Mức xung nhịp khi hoạt động của i9-11900K thường được đẩy lên mức 5.1 GHz ở tất cả các nhân và cao nhất 5.3GHz ở trên 1 nhân cụ thể để làm một số tác vụ đặc thù. Mức tiêu thụ điện cũng hơi đáng quan ngại một chút với mức khoảng 250W mỗi giờ, ít hơn i9-10900K tầm 10%. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc người dùng cần phải sắm cho mình một chiếc tản nhiệt tử tế và một chiếc nguồn máy tính có công suất từ 700W trở lên với chứng nhận 80 Plus Gold hoặc hơn.
Tựu trung lại, Intel Core i9-11900K vẫn tốt theo góc nhìn của người mua nó, của Intel khi tập trung vào việc chơi game nhiều hơn. Cũng không thể phủ nhận CPU này còn nhiều hạn chế, thậm chí cải lùi so với thế hệ trước, nhất là về mặt công nghệ sản xuất và nhiều vấn đề xoay quanh. Nếu bạn đang sử dụng i9-10900K thì việc nâng cấp sẽ gần nhưng không có ý nghĩa. Intel Core i9-11900K sẽ phù hợp hơn cả với những game thủ đang sử dụng các dòng CPU 8 nhân hoặc thấp hơn thuộc Core i thế hệ 9 trở về trước hay đơn giản chỉ là thích đón đầu công nghệ và cần dùng ổ NVMe PCIe Gen 4 siêu tốc. Ngoài ra, i9-11900K còn có cả giá trị sưu tầm khi nó sẽ là CPU 14nm cuối cùng của Intel. Dù Core i9-11900K tốt nhưng có lẽ i9-10900K sẽ là lựa chọn tối ưu hơn ở thời điểm hiện tại.
Intel Core thế hệ thứ 11- Ép xung tốt, tối ưu hiệu năng game Vi xử lý dành cho máy tính để bàn Intel Core S-series thế hệ thứ 11 (tên mã "Rocket Lake-S") hôm nay chính thức ra mắt trên toàn thế giới, với sản phẩm cao cấp nhất là Intel Core i9-11900. Với khả năng tăng tốc tối đa lên 5,3GHz khi kết hợp tính năng Intel Thermal Velocity Boost, Intel Core i9-11900K hứa hẹn...