Indonesia triệu Đại sứ Malaysia về việc cấm công dân nước này nhập cảnh
Ngày hôm nay (4/9), Indonesia đã triệu Đại sứ Malaysia để làm rõ thêm về chính sách cấm nhập cảnh tạm thời với công dân một số quốc gia, trong đó có Indonesia.
Ông Judha Nugraha – Trưởng bộ phận Bảo hộ Công dân và Pháp nhân, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết trong cuộc họp với Đại sứ Malaysia, Indonesia đã yêu cầu nước này giải thích rõ về chính sách mới trên. Đại sứ Malaysia cho biết, quyết định này là tạm thời nhằm giảm sự lây lan của các trường hợp mắc Covid-19 có nguồn gốc từ nước ngoài. Việc cấm nhập cảnh với 13 quốc gia bao gồm Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Mỹ, Anh, Saudi Arabia, Pháp, Ý, Nga, Bangladesh, Tây Ban Nha và Brazil sẽ được xem xét lại hàng tuần.
Judha Nugraha – Trưởng bộ phận Bảo hộ Công dân và Pháp nhân Bộ ngoại giao Indonesia. Nguồn: Bộ Ngoại giao Indonesia
Đối tượng bị cấm nhập cảnh bao gồm người có giấy phép nhập cảnh dài hạn, người nước ngoài, sinh viên và những người có vợ/chồng, cũng như những người tham gia chương trình “Malaysia gia đình thứ hai của tôi” (Malaysia My Second Home). Riêng công dân Malaysia từ ba quốc gia này vẫn được phép về nước.
Chính phủ Malaysia cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và có thể mở rộng hạn chế nếu virus SARS-CoV-2 tiếp tục leo thang tại nhiều quốc gia khác bởi hiện nay, Malaysia đang đối mặt với khả năng tăng đột biến các ca mắc Covid-19.
Trước chính sách trên, ông Judha Nugraha khuyến cáo tất cả công dân Indonesia trong nước không nên ra nước ngoài trừ khi có nhu cầu rất khẩn cấp. Về tình hình các công dân Indonesia tại Malaysia, ông cho biết, kể từ khi Malaysia áp dụng Lệnh kiểm soát di chuyển giai đoạn hồi phục (RMCO) đến tháng 12/2020, các công dân Indonesia hiện vẫn ổn định và nước này sẵn sàng hỗ trợ hậu cần cho các nhóm công dân Indonesia dễ bị tổn thương, những người vẫn cần hỗ trợ trong thời gian Malaysia áp dụng lệnh này.
Indonesia sẽ không để bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ
Trước cảnh báo của Mỹ về việc Trung Quốc tìm cách thiết lập cơ sở hậu cần quân sự tại khoảng 10 quốc gia, trong đó có Indonesia, ngày 4/9, Indonesia khẳng định sẽ không để bất cứ nước nào sử dụng làm căn cứ quân sự.
Trong cuộc họp báo trực tuyến hôm nay (4/9), Ngoại trưởng Indonesia - bà Retno Marsudi khẳng định : "Theo đường lối và nguyên tắc chính sách đối ngoại của Indonesia, lãnh thổ Indonesia không thể và sẽ không được sử dụng làm căn cứ quân sự hoặc cơ sở hậu cần quân sự cho bất kì quốc gia nào".
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Nguồn: Bộ Ngoại giao Indonesia
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Teuku Faizasyah cho biết, chính sách đối ngoại và tích cực của Indonesia không mở ra bất kỳ dư địa nào cho hợp tác quân sự. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Indonesia không có bình luận thêm về vấn đề này.
Trước đó, Báo cáo của Lầu Năm Góc về "Phát triển quân sự và an ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 2020" ngày 2/9 cho biết, ngoài 3 nước láng giềng của Ấn Độ là Pakistan, Sri Lanka và Myanmar, các quốc gia khác mà Trung Quốc đang cân nhắc đặt cơ sở hạ tầng và hậu cần quân sự là Thái Lan, Singapore, Indonesia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kenya, Seychelles, Tanzania, Angola và Tajikistan.
Theo báo cáo, nếu Trung Quốc thiết lập thành công các cơ sở hậu cần quân sự thì nước này có thể kết hợp với căn cứ quân sự ở Djibouti (phía đông Châu Phi) để hỗ trợ cho việc tăng cường triển khai lực lượng hải quân, không quân và bộ binh trên khắp thế giới. Báo cáo cho rằng, việc Trung Quốc cố xây mạng lưới hậu cần quân sự toàn cầu có thể can thiệp vào hoạt động quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cũng đánh giá sẽ chỉ có vài nước tiến tới đàm phán thỏa thuận với Trung Quốc về việc đặt cơ sở hậu cần quân sự như Namibia, Vanuatu và đảo quốc Solomon./.
Indonesia đón hơn 90.000 công dân về nước do dịch Covid-19 Theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao Indonesia, tính đến ngày 11/5, Indonesia đã đón hơn 90.000 công dân trở về nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi ngày 11/5 thông báo, hiện nay có khoảng 72.966 công dân Indonesia trở về từ Malaysia. Trong đó 65% là trở về bằng đường biển, 20% đi đường bộ...