Indonesia thành tâm dịch toàn cầu mới, Đông Nam Á “điêu đứng” vì Delta
Indonesia ghi nhận số ca Covid-19 tăng nhanh nhất thế giới, vượt những vùng dịch nghiêm trọng, trong khi các nước Đông Nam Á khác cũng đang liên tục phá những kỷ lục về dịch bệnh do chủng Delta.
Bệnh nhân Indonesia nằm trong một lều dã chiến (Ảnh: Reuters).
Theo New York Times , Indonesia hiện trở thành tâm dịch mới, khi vượt qua Ấn Độ và Brazil để trở thành nước có nhiều ca bệnh ghi nhận trong 24h nhiều nhất thế giới vào tuần trước. Sự bùng nổ này là một phần của làn sóng lây nhiễm tại khu vực Đông Nam Á, nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao và gần đây chứng kiến số ca bệnh tăng vọt do biến chủng Delta nguy hiểm.
Nhiều nước đang đối mặt với đợt bùng dịch lớn chưa từng có và đã áp dụng lệnh hạn chế, phong tỏa và giãn cách xã hội mới.
Indonesia trở thành tâm dịch mới
Một thống kê của trang Worlddata chỉ ra rằng, trong 7 ngày qua, Indonesia ghi nhận tổng cộng 344.103 ca Covid-19, mức tăng cao nhất thế giới. Theo NPR , các nhà dịch tễ học cho rằng, số lượng ca thực tế ở Indonesia có thể còn cao hơn và họ bày tỏ quan điểm lo ngại rằng tình hình có thể sẽ còn diễn tiến tồi tệ hơn.
Trên mạng internet, nhiều người dân cho biết họ đang tuyệt vọng tìm kiếm nguồn ôxy quý giá cho thân nhân hoặc cố gắng tìm một bệnh viện nhận thêm người điều trị. Số lượng nhân viên y tế tử vong vì dịch ở Indonesia cũng tăng mạnh trong thời gian qua, khiến khó khăn thêm chồng chất với quốc gia vạn đảo.
Một thống kê mới được công bố gần đây chỉ ra, 114 bác sĩ đã thiệt mạng trong tháng này, cao gấp đôi con số của cả tháng trước cộng lại. Khoảng 545 bác sĩ ở Indonesia đã qua đời kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Chính phủ Indonesia cho biết họ đã và đang chuẩn bị cho kịch bản “tồi tệ nhất” là có 100.000 ca bệnh mới/ngày.
Tuy nhiên, Pandu Riono, nhà dịch tễ học ở đại học Indonesia cho biết, kịch bản tồi tệ nhất ở Indonesia có thể sẽ vượt qua con số 100.000 ca/ngày vào tháng tới, nếu các biện pháp kiểm soát sự lây lan của dịch không được áp dụng mạnh tay hơn nữa.
Thái Lan liên tục phá kỷ lục ca bệnh
Video đang HOT
Thái Lan vẫn đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 3 nghiêm trọng (Ảnh: Reuters).
Sau đợt bùng dịch trở lại kể từ ngày 1/4, Thái Lan vẫn đang mắc kẹt trong làn sóng lây nhiễm thứ 3 nghiêm trọng. Hôm qua, họ ghi nhận 4 ngày liên tiếp phá kỷ lục ca Covid-19 mới trong 24 giờ. Số ca tử vong cũng liên tục tăng mạnh trong thời gian qua.
Trước sự lây nhiễm mạnh mẽ của dịch bệnh, Thái Lan đã siết chặt lệnh phong tỏa chống dịch tại 13 tỉnh, thành phố trong nỗ lực khoanh vùng để chặn làn sóng lây lan rộng hơn nữa.
“Chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết phải đối phó với tình trạng dịch bệnh lây lan càng sớm càng tốt bằng cách hạn chế việc di chuyển của người dân ra khỏi nơi ở của họ. Các thống kê cho thấy Bangkok và các vùng phụ cận đang bùng dịch ngày càng trầm trọng hơn”, bộ phận quan hệ công chúng của chính phủ Thái Lan cho biết.
Myanmar chật vật đối phó “khủng hoảng kép”
Tình hình căng thẳng do chính biến vẫn chưa xoa dịu sau sự kiện đảo chính ngày 1/2 đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới nỗ lực chống dịch của Myanmar trong bối cảnh quốc gia này vẫn đang đối phó với sự gia tăng mạnh ca Covid-19.
Theo Asia Times , tâm lý phản đối quân đội đã khiến cả người dân và đội ngũ nhân viên y tế không hợp tác với hoạt động chống dịch mà chính phủ quân sự tiến hành. Nhiều người dân từ chối vào viện do quân đội vận hành và tự tìm cách chăm sóc và tìm nguồn ôxy tại nhà.
Số liệu chính thức của Myanmar là 234.000 ca Covid-19 và 5.281 người tử vong, nhưng các chuyên gia cho rằng con số thực tế dường như cao hơn rất nhiều.
Trong những ngày qua, số người chết vì dịch tăng lên rất nhanh, tới mức các lò hỏa thiêu và nhà tang lễ đang có dấu hiệu quá tải.
Malaysia đối mặt với khủng hoảng y tế
Một cảnh chôn cất bệnh nhân Covid-19 ở Malaysia (Ảnh: Reuters).
Malaysia cũng đang phải đối phó với làn sóng lây lan tồi tệ nhất khi tuần trước, họ lần đầu ghi nhận số ca bệnh mới vượt mốc 5 chữ số. Chỉ số này sau đó vài ngày liên tục tăng kỷ lục.
Tình hình dịch bệnh ở Malaysia tệ đi dù nước này đang trong phong tỏa toàn quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các lệnh phong tỏa ở Malaysia chưa thực sự triệt để và “nửa vời”. Họ cho rằng, việc chính phủ cho phép 18 ngành sản xuất hoạt động với 60% công suất giữa lúc dịch bệnh bùng phát đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ổ dịch xuất hiện trong các nhà máy. Ngoài ra, việc xét nghiệm không đủ cũng khiến lọt nhiều ca bệnh ở giai đoạn đầu, đặc biệt là ở người trẻ, khi phát hiện thì bệnh diễn biến xấu rất nhanh.
Sự xuất hiện của biến chủng Delta khiến hệ thống y tế của Malaysia trở nên căng thẳng và rủi ro “sụp đổ” có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Mỹ nâng cảnh báo đi lại với Anh lên mức cao nhất
Giới chức Mỹ nâng cảnh báo đi lại lên mức 4, khuyến cáo công dân không đến Anh do lo ngại Covid-19 sau khi nước này mở cửa.
Thế giới đã ghi nhận 191.598.572 ca nhiễm nCoV và 4.110.379 ca tử vong, tăng lần lượt 340.976 và 4.758, trong khi 172.715.569 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Bộ Ngoại giao và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 19/7 cùng nâng khuyến cáo đi lại với Anh lên mức 4 cao nhất trong thang cảnh báo, với lý do ca lây nhiễm nCoV tăng nhanh. "Nếu phải đến Anh, hãy bảo đảm bạn được tiêm vaccine đầy đủ trước khi xuất phát", CDC cho hay, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu công dân "không đến Anh vì Covid-19".
Người biểu tình phản đối tiêm vaccine Covid-19 ở thủ đô London của Anh hôm 19/7. Ảnh: AFP .
Quyết định được đưa ra chỉ hai tháng sau khi Mỹ hạ cảnh báo đi lại với Anh xuống cấp 3, trong bối cảnh chính phủ Anh thông báo dỡ bỏ các hạn chế chống Covid-19 bất chấp sự phản đối của hàng nghìn nhà khoa học và chính trị gia đối lập.
Anh , vùng dịch lớn thứ bảy thế giới, hiện ghi nhận 5.473.477 ca nhiễm và 128.727 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 39.950 và 19 ca so với một ngày trước đó.
Từ 0h ngày 19/7, toàn bộ hộp đêm được mở cửa trở lại, trong khi các địa điểm khác được hoạt động hết công suất. Quy định về làm việc tại nhà và đeo khẩu trang cũng được dỡ bỏ. Quyết định dỡ các biện pháp hạn chế chống dịch của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson sẽ cho phép nền kinh tế Anh khởi động lại sau loạt tổn thất về các đợt phong tỏa từ tháng 3/2020.
Nếu vaccine Covid-19 tiếp tục chứng minh hiệu quả trong giảm nguy cơ trở nặng và tử vong ngay cả khi ca nhiễm không ngừng gia tăng, quyết định của chính phủ Anh có thể là hình mẫu cho các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao về cách mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng đi kèm rủi ro, đặc biệt là khi các biến chủng đang lan rộng. 1.200 nhà khoa học quốc tế đã cảnh báo việc Anh dỡ gần như toàn bộ biện pháp hạn chế chống Covid-19 có thể là mối đe dọa với thế giới.
Nhiều chuyên gia lo ngại vị trí trung tâm giao thông toàn cầu của Anh đồng nghĩa với mọi biến chủng nCoV mới xuất hiện tại đây sẽ nhanh chóng lan khắp thế giới. Một số người còn lo ngại nhiều chính quyền vì lý do chính trị sẽ học theo Anh mở cửa.
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.994.179 ca nhiễm và 624.851 ca tử vong do nCoV, tăng 13.400 ca nhiễm và 56 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden thể hiện thái độ mềm mỏng hơn khi đề cập đến Facebook, sau khi chỉ trích mạng xã hội này để tin thất thiệt về vaccine Covid-19 tràn lan và "giết nhiều người" hồi tuần trước. Biden cho biết ông có ý công kích một số người dùng phát tán tin giả trên nền tảng Facebook, thay vì nhằm vào tập đoàn này.
"Facebook không giết người, mà là 12 người đang phát tán tin giả. Bất kỳ ai nghe những thông tin đó đều bị tổn thương. Nó đang giết người và là thông tin độc hại", ông chủ Nhà Trắng cho hay và tỏ ý hy vọng Facebook sẽ hành động nhiều hơn để ngăn tin giả tràn lan.
Vaccine Covid-19 rất dễ tiếp cận ở Mỹ, nhưng nhiều người tuyên bố không tin tưởng vaccine. Chủ nghĩa hoài nghi được thúc đẩy qua những bài đăng sai sự thật của giới bài vaccine trên mạng và các chính trị gia đảng Cộng hòa, những người tuyên bố tiêm chủng là một phần trong nỗ lực kiểm soát của chính quyền.
Facebook hôm 18/7 phản bác chỉ trích của Biden, cho biết 85% người dùng mạng xã hội này ở Mỹ muốn được tiêm vaccine Covid-19. "Mục tiêu của Tổng thống Biden là 70% người trưởng thành tại Mỹ được tiêm chủng trước ngày 4/7. Chúng tôi không phải lý do khiến mục tiêu này bị bỏ lỡ", Phó chủ tịch Facebook Guy Rosen cho biết.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 31.172.955 ca nhiễm và 414.511 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 29.360 và 370 ca. Sau làn sóng bùng phát Covid-19 thảm khốc hồi tháng 4-5, các chuyên gia cảnh báo Ấn Độ có thể tiếp tục hứng đợt bùng phát mới trong vài tuần tới.
Truyền thông Ấn Độ cuối tuần qua đưa tin chính phủ nước này đã đặt 660 triệu liều vaccine Covid-19 cho tháng 8-12 khi giới chức cùng chuyên gia y tế lo ngại tình trạng thiếu hụt vaccine có thể khiến ca nhiễm nCoV tăng trở lại.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 2.911.733 ca nhiễm, tăng 34.257, trong đó 74.920 người chết, tăng 1.338. Tâm dịch mới của châu Á từ tuần trước đã tiến hành các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn, bao gồm đóng cửa các trung tâm mua sắm, nhà hàng và văn phòng tại thủ đô Jakarta, đảo Java và đảo Bali.
Bộ trưởng Tôn giáo Indonesia Yaqut Cholil Qoumas cảnh báo người dân không tụ tập và chuyển sang cầu nguyện tại nhà cho lễ hội Hồi giáo Eid-al-Adha sắp tới để tránh nguy cơ lây lan Covid-19. "Khi chính phủ ban hành các quy định bảo vệ người dân, đó là điều bắt buộc", Bộ trưởng Qoumas nhấn mạnh.
Thái Lan hôm qua báo cáo thêm 11.784 ca nhiễm và 101 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 của nước này lên lần lượt 415.170 và 3.422. Đây ngày thứ tư liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục ở Thái Lan.
Phát ngôn viên nhóm chuyên trách Covid-19 Thái Lan Taweesin Wisanuyothin cảnh báo số ca nhiễm nCoV mới mỗi ngày có thể vượt mức 30.000 nếu người dân không tuân thủ biện pháp hạn chế. "Tôi không muốn điều đó xảy ra. Chúng ta đã chứng kiến hơn 10.000 ca nhiễm mới hàng ngày suốt nhiều ngày qua và chúng tôi muốn con số này giảm xuống. Không ai có thể hành động một mình, tất cả mọi người cần góp sức", ông nói.
Chính phủ Thái Lan hôm 18/7 thông báo siết chặt lệnh phong tỏa ở thủ đô Bangkok và 12 tỉnh có nguy cơ cao được xếp vào diện "vùng đỏ thẫm", trong đó đình chỉ phần lớn các chuyến bay nội địa, chỉ trừ các tình huống khẩn cấp và phục vụ mục đích y tế, cũng như mở rộng khu vực giới nghiêm ban đêm.
Phát ngôn viên Taweesin cho biết nhiều chốt kiểm soát đã được thành lập trong vùng đỏ thẫm và người muốn rời khu vực này sẽ phải đăng ký, khiến việc đi lại "rất bất tiện". Trước đó, người dân ở những khu vực này đã bị hạn chế di chuyển và tụ tập, các trung tâm thương mại cùng một số cơ sở kinh doanh bị đóng cửa và lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 21h đến 4h sáng hôm sau.
Các chuyên gia hiến kế giúp Đông Nam Á đối phó "quái vật" Delta Cùng với đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin, các nước Đông Nam Á phải nhanh chóng tăng cường các "vũ khí" khác để ngăn chặn làn sóng Covid-19 nghiêm trọng chưa từng có một phần do biến chủng Delta. Indonesia hiện là tâm dịch ở châu Á (Ảnh: AFP). Đông Nam Á trở thành điểm nóng Sự xuất hiện của biến...