Indonesia thả thêm 57 ngư dân Việt Nam
Ngay trong chiều 6-12, 37 trong số 57 ngư dân này sẽ lên máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines về TP.HCM. Đây là đợt trao trả thứ 28 trong năm 2016.
Các ngư dân VN tại trại tạm giữ của Kiểm ngư Indonesia trên đảo Regar thuộc quần đảo Natuna – Ảnh: Lê Nam
Trưa 6-12, tại sân bay quốc tế Soekarno-Hatta (thủ đô Jakarta, Indonesia) đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta đã tiếp nhận 37 ngư dân VN (trong tổng số 57 ngư dân) bị chính quyền Indonesia tạm giữ trong mấy tháng qua tại quần đảo Natuna do bị cáo buộc đánh cá trái phép trong vùng biển Indonesia.
Theo đại sứ quán VN tại Indonesia, do không có chỗ trên chuyến bay trong ngày 6-12, nên ngày 7-12, 20 ngư dân VN còn lại sẽ được đưa về VN.
Trước đó, ngày 5-12, toàn bộ 57 ngư dân này được chính quyền Indonesia đưa từ quần đảo Natuna về TP Batam trước khi chuyển tiếp đến Jakarta để trao trả cho Đại sứ quán VN.
Họ là những ngư dân đi “bạn”, thợ máy đánh cá trên các con tàu mang biển đăng ký Bình Thuận, Kiên Giang, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu… bị phía bạn cáo buộc đánh cá trái phép trong vùng biển Indonesia và tạm giữ trên quần đảo Natuna từ nhiều tháng nay.
Người lâu nhất hơn 5 tháng, người sớm nhất cũng đã hơn 1 tháng bị tạm giữ trên quần đảo này.
Sau khi bị lực lượng Hải quân, Kiểm ngư Indonesia bắt giữ, toàn bộ thủy thủ bị lập biên bản rồi cùng tàu cá được kéo vào đảo tạm giữ trong các trại tạm giữ của Lực lượng kiểm ngư, Hải quân Indonesia cho đến ngày được đưa ra tòa xét xử.
Theo quy định của Indonesia, nếu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chỉ có thuyền trưởng (tài công) bị kết tội và giam giữ nhiều nhất là (12 tháng) trong tù ở Tanjung Pinang theo án được tuyên tại tòa, còn toàn bộ thủy thủ, thợ máy được thả về nước.
Toàn bộ tàu thuyền vi phạm đều bị phía Indonesia phá hủy, đánh chìm sau khi đã có phán quyết của tòa án.
Chặng bay hồi hương mất hết hai ngày vì từ đảo Natuna không có chuyến bay thẳng về thủ đô Jakarta. Sau khi bay từ Natuna về TP Batam, các ngư dân phải nghỉ một đêm tại TP Batam và sáng 6-12 sẽ tiếp tục bay đến Jakarta để từ đây bay về TP.HCM.
Ranai là thủ phủ của đảo Natuna thuộc quần đảo Natuna trên Biển Đông có khoảng 10.000 người dân đang sinh sống. Đảo nằm cách 550km về phía đông bắc so với đảo Batam của Indonesia và cách Singapore gần 530km.
(Theo Tuổi Trẻ)
Tổng thống Philippines và 17 ngư dân Việt Nam
Được giới chức Philippines tổ chức một buổi lễ trang trọng và đích thân tổng thống Philippines trực tiếp động viên, tặng quà, tiễn về nước.
Video đang HOT
Tổng thống Philippines tiễn ngư dân Bình Định trong buổi lễ tại bến cảng Sual chiều 2-11 - Ảnh: KIM CHI
Đó là kết quả có hậu mà 17 ngư dân trên ba tàu câu cá ngừ đại dương ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định) không ngờ tới khi Bị hải quân Philippines bắt giữ với cáo buộc xâm phạm vùng biển và đánh bắt hải sản trái phép.
Họ cũng nhận được ân tình, che chở từ những người con nước Việt đang làm ăn, sinh sống tại Philippines cũng như những người tốt bụng nước sở tại.
Về đến nhà đã hơn một tuần nhưng anh Đinh Thiên Sơn (43 tuổi, chủ tàu đồng thời là thuyền trưởng tàu đánh cá BĐ 97467 TS ở xã Tam Quan Bắc) và các ngư dân mà chúng tôi gặp vẫn cứ nghĩ mọi việc như mới xảy ra, khi kể lại câu chuyện mà các anh gọi là "từ địa ngục đến thiên đàng".
"Tôi không dám nghĩ là tổng thống Philippines lại đến gặp những ngư dân khó khăn như chúng tôi trong một buổi lễ trang trọng như vậy"
Ngư dân LÊ TIẾN
Lạc khỏi biển Việt Nam
Theo lời anh Sơn, từ ngày 21 đến 23-8 tàu của anh và hai tàu cũng ở xã Tam Quan Bắc là tàu BĐ 96209 TS của anh Võ Ân (38 tuổi) và tàu BĐ 98386 TS của anh Huỳnh Ngọc Tuấn (41 tuổi) ra khơi đánh bắt cá ngừ.
Ngoài thuyền trưởng, mỗi tàu còn có 5 ngư dân (riêng tàu của anh Sơn có 4 ngư dân).
Đã bắt đầu vào mùa gió, họ chuyển vùng đánh bắt từ biển Trường Sa lên biển Hoàng Sa, nơi mùa này cá ngừ đại dương đang tập trung nhiều.
"Sau năm ngày đêm rời bến, tàu tôi đến tọa độ thả câu. Anh em làm đến ngày 5-9 thì đã câu được 30 con cá ngừ đại dương, định câu thêm 2-3 đêm nữa rồi về, không ngờ chiều tối đó gió nổi lên khủng khiếp" - anh Sơn kể. Gió lớn đến nỗi chiếc tàu 400 mã lực của anh Sơn mở hết máy để chạy về đất liền nhưng mỗi ngày chỉ chạy được hơn 10 hải lý.
"Vì tàu có công suất lớn, tôi tính nếu chạy ngược gió như vậy thì không thể vào đến đất liền được vì hết dầu, ngoài ra còn lo sóng lớn đánh vỡ tàu nữa, do đó buộc phải tắt máy thả trôi, khi nào bớt gió thì lại nổ máy chạy về.
Gió lớn khiến tốc độ thả trôi của tàu một đêm lên đến 25 hải lý. Tàu chúng tôi phải thả trôi ba đêm liền như vậy. Đêm 7-9, qua máy GPS trên tàu, chúng tôi biết tàu mình đã bị gió đẩy khỏi vùng biển của Việt Nam, trôi về biển Philippines nhưng không có phương án xử lý nào khác cả" - anh Sơn kể.
Rạng sáng 8-9, các ngư dân trên tàu anh Sơn nhìn thấy hai chiếc tàu lớn màu xám treo cờ Philippines chạy hai bên mạn tàu.
"Thoáng chốc, những người lính hải quân Philippines được trang bị vũ khí đã tiếp cận và lên tàu chúng tôi. Không ai bảo ai, cả năm anh em trên tàu đều biết là họ bắt vì tàu mình đi vào vùng biển bạn.
Bốn người lính ở lại tàu, đưa cho chúng tôi tọa độ cần đến và ra dấu hiệu yêu cầu tôi lái tàu theo hướng dẫn của họ về phía đó. Khoảng 14g ngày 8-9, tàu tôi về đến bến cảng Vigan thuộc tỉnh Illocos Sur của Philippines" - anh Sơn kể.
Lúc tàu anh Sơn về cảng Vigan thì ở đó đã có hai tàu của anh Tuấn, Ân cùng các ngư dân khác bị bắt về đó trước một giờ.
Tình người Việt xa xứ
Ngay hôm sau, ngày 9-9, ba chiếc tàu cùng 17 ngư dân Việt Nam, dưới sự hộ tống của lực lượng chức năng Philippines, đã hành trình đi về cảng Sual (tỉnh Pengasinan) để các cơ quan hữu trách kiểm tra phương tiện, tài sản, ghi lời khai ban đầu của các ngư dân.
"Chúng tôi ở Sual đến ngày 13-9 thì được đưa lên ôtô chở về lại TP Vigan. Tại đây, cả 17 anh em được đưa đến một trụ sở. Người có trách nhiệm nói với chúng tôi, được cán bộ ngoại giao dịch lại, là ba chiếc tàu chúng tôi đã xâm nhập vùng biển và đánh bắt hải sản ở Philippines trái phép nên sẽ bị tòa án xét xử.
Họ yêu cầu chúng tôi nói với người nhà tìm luật sư trong vòng 10 ngày, còn chúng tôi sẽ bị tạm giữ nếu không có người bảo lãnh và không có tiền đóng thế chân. Lúc đó ai cũng choáng váng" - anh Sơn nhớ lại.
"Đang lúc chúng tôi rối trí thì một phụ nữ Việt tên là Huỳnh Thị Kim Chi, có chồng quê Bình Định, hai vợ chồng buôn bán ở Vigan, đến bảo lãnh đưa về nhà cô ấy.
Theo lời các ngư dân, vợ chồng Chi thuê hai gian nhà sát nhau để buôn bán áo quần. Những ngày đầu đưa 17 ngư dân về, Chi giao việc buôn bán cho chồng, tự tay sắp xếp chỗ ở, đi chợ nấu nướng để chăm sóc cho cả đoàn bằng tiền túi của mình.
Rồi Chi lên Facebook thông báo với cộng đồng người Việt ở Philippines và bạn bè cô, đề nghị giúp đỡ 17 ngư dân gặp nạn. Chỉ trong vài ngày, cộng đồng người Việt ở Vigan và những nơi khác tại Philippines đã giúp đỡ các ngư dân khoảng 80.000 peso (tương đương 40 triệu đồng) và nhiều áo quần, thực phẩm.
Ở lại nhà Chi gần ba tuần, nhờ số tiền và thực phẩm do cộng đồng người Việt giúp đỡ, 17 ngư dân gặp nạn... sống khỏe.
Chúng tôi liên lạc với Chi thì được chị cho biết nhờ ở gần nhà một nữ cán bộ hải quan Vigan tên là Malou nên khi biết 17 ngư dân Việt bị bắt, bà này đã gọi điện báo cho Chi.
"Tôi nhờ chị Malou rất nhiều để chị hướng dẫn các thủ tục bảo lãnh 17 ngư dân. Rồi tôi nhờ chị tìm giùm một luật sư Philippines và rất may mắn ông ấy là người rất tốt. Văn phòng ông ấy ở Manila, ông phải đi xe khách suốt đêm mới đến Vigan. Tôi chỉ phải trả cho ổng tiền vé xe, ăn uống chứ ổng không lấy thù lao" - chị Chi kể.
Cũng tại Vigan, một người đàn ông quê Phú Yên tên Đặng Lâm đã tìm đến giúp đỡ các ngư dân Việt Nam.
"Anh ấy có một chiếc xe tải nhỏ. Ảnh thường bỏ cả công việc làm, chở cả 17 người chúng tôi từ nhà Chi đến tòa án hoặc đến các cơ quan chức năng khi họ có lệnh gọi. Anh nghẹn ngào mừng rỡ khi nghe tòa phán quyết cả 17 anh em được tha bổng, không bị tịch thu tàu, không bị phạt tiền, không bị đưa vào danh sách cấm đến Philippines.
Có đi xa mới hiểu lòng đồng hương, lòng người Việt yêu thương nhau như vậy" - thuyền trưởng Sơn nói.
Lễ tiễn hoành tráng của tổng thống Philippines
Ngày 31-10, khi nhận được tin tổng thống nước này - ông Rodrigo Duterte - chủ trì buổi lễ đưa tiễn mình về nước, các ngư dân bất ngờ và xúc động.
Theo các ngư dân, một khu trại lớn được chính quyền dựng lên ở bến cảng Sual để tổ chức buổi lễ Tổng thống Duterte tiễn họ về nước.
Các ngư dân Việt Nam nhờ những người lính Phi làm giúp họ một tấm biển mang dòng chữ "President Duterte: Thank you! From Vietnam fishermen" ("Các ngư dân Việt Nam xin cảm ơn ngài Tổng thống Duterte) để treo ở chiếc tàu của anh Võ Ân.
16g ngày 2-11, buổi lễ được tiến hành với sự tham dự của hơn 150 người gồm quan chức quốc phòng, ngoại giao, chính quyền địa phương... Đoàn của Đại sứ quán Việt Nam ở Philippines do đại sứ Trương Triều Dương dẫn đầu đến sớm hơn để cùng các ngư dân hát quốc ca Việt Nam.
"Rồi Tổng thống Duterte đến. Ông đi cùng đoàn của chính phủ trên bốn chiếc trực thăng bay từ Manila. Tổng thống xuất hiện trong chiếc áo thun giản dị, áo bỏ ngoài quần. Ông cười tươi, thân thiện, đến bắt tay từng ngư dân và nói bằng tiếng Anh mà chúng tôi nghĩ là những lời động viên" - thuyền trưởng Sơn nhớ lại.
Sau lời phát biểu của các quan chức Philippines, lời cảm ơn của đại sứ Trương Triều Dương, ông Duterte có bài phát biểu khoảng 20 phút. Ông nói ông đến chủ trì lễ tiễn chúng tôi vì Philippines và Việt Nam là bạn bè.
Ông cũng biết chúng tôi là ngư dân gặp nạn do bão, chứ không phải cố tình xâm nhập Philippines trái phép. Ông nói nếu sắp tới ngư dân Việt Nam gặp nạn trên biển hoặc phải đi tránh bão mà ghé đến nước ông, thì Philippines sẵn sàng tiếp đón họ như những du khách" - anh Tuấn kể lại.
Toàn bộ 17 ngư dân Bình Định đã về bến cảng Tam Quan Bắc an toàn vào sáng 7-11 sau hành trình năm ngày đêm vượt biển.
Các ngư dân mà chúng tôi gặp đều thổ lộ họ ghi nhớ mãi hình ảnh chiều muộn 2-11, ông Duterte đội nón lưỡi trai, nhảy lên một chiếc canô trên cảng Sual, vẫy tay chào ba chiếc tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam từ từ rời bến.
Thuyền trưởng Đinh Thiên Sơn (trái) khoe quà do Tổng thống Duterte trao tận tay anh chiều 2-11 - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG
Khoe balô quà mà Tổng thống Duterte tặng từng người, anh Sơn thổ lộ: "Mở quà ra xem, chúng tôi rất xúc động vì tổng thống quá chu đáo: hai chiếc áo ấm, quần áo, mì gói, đồ hộp, dao cạo râu, lăn nách, kem đánh răng, bàn chải...
Nói chung là ngư dân tụi tui được "trang bị tận răng" để về nước".
Trước đó ngày 1-11, thực hiện chỉ đạo của tổng thống, các cơ quan chức năng của Philippines đã cấp cho mỗi con tàu 1.000 lít dầu, gạo, thịt, rau xanh, thuốc men và nhiều nhu yếu phẩm khác để sử dụng cho chuyến đi về Việt Nam.
(Theo Tuổi Trẻ)
Đích thân Tổng thống Philippines tiễn 17 ngư dân Việt Nam về nước Đích thân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra lệnh trả tự do và tham dự lễ tiễn 17 ngư dân Việt Nam về nước sau khi họ bị bắt vì đánh cá trái phép trong vùng biển của nước này. Các ngư dân Việt Nam được Philippines trả tự do rời đảo Luzon về nhà ngày 02.11.2016. Ông Duterte hôm 2.11 đích thân...