Indonesia : Tăng ngân sách quốc phòng nhưng không theo “Lý thuyết Mandala”
Ngân sách Bộ Quốc phòng Indonesia năm 2020 tương đương 9 tỷ USD, cho thấy Tổng thống Jokowi đã thực hiện đúng cam kết tranh cử, hướng tới nền quốc phòng chuyên nghiệp và hiệu quả.
Ngân sách Bộ Quốc phòng Indonesia năm 2020 tương đương 9 tỷ USD. (Nguồn: AP)
Bộ Quốc phòng Indonesia (TNI) vừa đón nhận một sự kiện đặc biệt khi Hạ viện nước này thông qua việc phân bổ ngân sách năm 2020 cho TNI là 127.400 tỷ Rp (tương đương 9 tỷ USD) tại phiên họp toàn thể ngày 24/9/2019.
Chuyên nghiệp và hiệu quả
Động thái này không những cho thấy xu hướng cấp ngân sách cho Bộ Quốc phòng ngày càng tăng kể từ khi Thời đại Cải cách bắt đầu năm 1998, mà còn cho thấy khoản ngân sách này sẽ cao hơn tất cả các khoản ngân sách dành cho các bộ và tổ chức khác vào năm tới. Việc phân bổ ngân sách nhiều nhất cho quốc phòng cho thấy chính quyền của Tổng thống Indonesia Jokowi đã thực hiện cam kết tranh cử một cách nghiêm túc.
Tuy nhiên, người dân yêu cầu rằng, việc ngân sách tăng cho TNI – lực lượng bảo vệ tổ quốc – phải phù hợp với sự cải thiện về tính chuyên nghiệp và hiệu quả. Sự chuyên nghiệp và hiệu quả của quân đội trong Thời đại Cải cách đã được liên kết với Chương trình hiện đại hóa quân sự (MEF) đang diễn ra.
MEF là kế hoạch trung hạn kéo dài 15 năm và được xây dựng để hỗ trợ TNI trong việc thay thế vũ khí đã lỗi thời được cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đưa ra vào năm 2010. Những chương trình và kế hoạch này sẽ kết thúc vào năm 2024, năm cuối cùng của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Jokowi.
Nằm trong danh sách mua sắm là thế hệ máy bay chiến đấu phản lực thứ tư cho Không quân, mua sắm tàu ngầm do Hàn Quốc sản xuất để trang bị cho Hải quân, mua sắm vũ khí bộ binh, pháo binh và thiết giáp cho Quân đội. Về kỹ năng và năng lực, việc các sỹ quan quân đội Indonesia thường xuyên trở thành nhà vô địch trong giải bắn súng trường ASEAN được tổ chức hàng năm và giải Kỹ năng vũ trang do Quân đội Australia tổ chức là bằng chứng có thể so sánh TNI với các lực lượng quân đội tiên tiến khác trên toàn thế giới.
Việc quân đội Indonesia sử dụng súng trường SS do nhà sản xuất vũ khí quốc doanh PT Pindad sản xuất trong cả hai cuộc thi bắn súng quốc tế vừa qua cũng phản ánh năng lực sản xuất vũ khí của nước này, cho dù vẫn cần được cải tiến công nghệ về súng và súng trường.
Ngoài Pindad với việc sản xuất súng, súng trường và xe bọc thép, Indonesia còn phát triển năng lực sản xuất tàu hải quân, thông qua công ty đóng tàu nhà nước PT PAL và máy bay phi thương mại, thông qua nhà sản xuất máy bay PT Dirgantara Indonesia (PTDI).
Hiện nay đã có một số nước đặt mua các loại vũ khí của PAL và PTDI, tuy nhiên số lượng không đáng kể so với các nhà sản xuất vũ khí của các nước tiên tiến trên thế giới.
Video đang HOT
Bên cạnh các kế hoạch hiện đại hóa vũ khí, Thời đại Cải cách cũng đã chứng kiến sự tái cấu trúc đáng kể của TNI. Kế hoạch tái cấu trúc dựa trên quy định của tổng thống năm 2016 nhằm tăng số lượng nhân sự ở một số vị trí nhất định và tạo ra các vị trí mới cho các sĩ quan cao cấp trong ba chi nhánh.
Tổng thống Wokowi đã thực hiện đúng cam kết tranh cử. (Nguồn: AFP)
Không phải mối đe dọa
Chương trình tái cấu trúc ban đầu đã đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nhà quan sát và giới chuyên gia, những người cho rằng, nó sẽ đi ngược lại tinh thần chuyên nghiệp, vốn đã là cam kết quốc gia về cải cách. Tuy nhiên, vào cuối tháng 7/2019, một đơn vị đặc biệt đã được thành lập, nhằm ngăn chặn các trường hợp khẩn cấp về an ninh quốc gia, bao gồm các cuộc tấn công khủng bố.
Đơn vị được đặt tên là Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt (Koopssus), bao gồm 400 nhân viên từ lực lượng đặc nhiệm của quân đội: Sư đoàn 81 đặc biệt (Gultor) của Lực lượng đặc biệt của Quân đội (Kopassus), Biệt đội Jalamangkara (Denjaka) Thủy quân lục chiến của Hải quân và Biệt đội Bravo 90 (Denbravo) của Quân đoàn đặc nhiệm không quân (Korpaskhas).
Tháng 9/2019, TNI đã thành lập Bộ chỉ huy khu vực phòng thủ chung (Kogabwilhan) tại ba vùng lãnh thổ của đất nước: một ở Tanjung Pinang, tỉnh Quần đảo Riau, một ở Balikpapan, Đông Kalimantan và thứ ba ở Biak, Papua. Các đơn vị mới được giao nhiệm vụ xử lý các tình huống khủng hoảng theo chức năng và nhiệm vụ được giao.
Các chương trình hiện đại hóa và tái cấu trúc của TNI không phải lúc nào cũng được hoan nghênh cả ở trong và ngoài nước. Indonesia đang trong quá trình mua sắm máy bay chiến đấu phản lực và tăng số lượng tàu ngầm, tàu chiến cho hạm đội hải quân, cũng như mở rộng các đơn vị quân đội. Điều này có thể sẽ khiến các quốc gia khác, đặc biệt là các nước láng giềng, “khó chịu”.
Theo quan sát từ trước đến nay, khi một quốc gia phát triển hiện đại hóa quân đội sẽ khuyến khích quốc gia khác làm theo. Trên thực tế, MEF chủ yếu nhằm mục tiêu thay thế các vũ khí và thiết bị lỗi thời.
Nhưng có lẽ, Indonesia nên nhấn mạnh rằng, chương trình hiện đại hóa quân sự của mình không liên quan đến “Lý thuyết Mandala” về chính sách đối ngoại của nhà khoa học chính trị Ấn Độ cổ đại Kautilya, trong đó, “hàng xóm bị coi là kẻ thù và kẻ thù của kẻ thù thì là bạn”, vì vậy, ngăn được việc những người khác và đặc biệt là các nước láng giềng cho rằng, Indonesia là mối đe dọa quân sự đối với họ.
Việc đạt được mục tiêu chuyên nghiệp, hiện đại và gắn kết khu vực của TNI không phải là điều dễ dàng, nhưng nó cũng không phải là điều không thể.
Theo baoquocte/Jakarta Post
Loạt ông lớn châu Á "hưởng lợi" từ sự ra đi của John Bolton?
Việc cố vấn an ninh cứng rắn Mỹ rời khỏi chức vụ làm giảm nguy cơ chiến tranh và đã có tác động tới thị trường năng lượng, theo trang Asia Times.
Giá dầu đã giảm 1 USD/thùng trong vòng vài giờ sau khi có tin Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu hoặc chấp nhận đơn từ chức cố vấn an ninh quốc gia "diều hâu". Ông Bolton được cho là người có tác động lớn trong chính sách đối ngoại Mỹ 17 tháng qua, với một loạt hành động với các vấn đề nóng Iran hay Venezuela. Ông Bolton cũng được cho là muốn ông Trump hành động cứng rắn với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Thị trường năng lượng phản ứng
Sự ra đi đột ngột của ông Bolton đã tác động lớn đến thị trường năng lượng. Trước đó, sau một loạt hành động của Mỹ với các nước giàu dầu mỏ như Iran hay Venezuela, giá cả năng lượng thế giới đầy bất ổn. Thậm chí đã có lúc ông Trump ra lệnh không kích đáp trả vào Iran, dù quyết định này được hủy vào phút chót.
Hiện tại, giá dầu giảm là tin tức tốt nhất mà các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào giao thương nhận được trong 17 tháng qua. Trong bối cảnh của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, việc tăng giá dầu 20% trong năm nay đã là một đòn mạnh đối với nhiều nước, từ Nhật Bản cho đến Singapore. Đây cũng là một đòn bồi thêm vào Trung Quốc và phần nào khiến tăng trưởng của nước này rơi xuống mức thấp trong 27 năm.
Dư luận cho rằng việc ông Bolton ra đi sẽ khiến chinh sách của Mỹ bớt cứng rắn hơn. Ảnh: Sputnik/AFP
Đối với các quốc gia phải đối mặt với thâm hụt cả về ngân sách và tài khoản vãng lai, giá năng lượng cao hơn chỉ góp phần làm tồi tệ thêm vấn đề tài chính. "Hiệu ứng Bolton" đã giảm bớt tình trạng này cho nhiều nước, từ Ấn Độ đến Indonesia hay Philippines. Trước đó, họ phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát tăng đột biến trong năm qua. Tất cả họ đều có một điểm chung là: sự bùng nổ phát triển cơ sở hạ tầng đòi hỏi phải tăng nhập khẩu năng lượng.
Những bên có cán cân thanh toán lành mạnh hơn - Malaysia, Hàn Quốc và Đài Loan - ít bị tổn thương hơn trước sự hỗn loạn của thị trường năm nay. Họ cũng ít lo lắng hơn trước các tín hiệu căng thẳng do ông Bolton khởi xướng ở eo biển Hormuz, Nam Mỹ, bán đảo Triều Tiên hay những nơi khác.
Các yếu tố hỗ trợ
Có những yếu tố khác có thể có lợi cho Châu Á. Một tín hiệu từ Washington có thể sẽ bù đắp được việc Saudi Arabia muốn tăng giá dầu trước đợt chào hàng công khai đầu tiên của Aramco, công ty dầu mỏ của Saudi có lợi nhuận cao nhất thế giới. Nước Mỹ có thể giảm cường độ sản xuất dầu. Đầu tuần này, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ đã cắt giảm triển vọng tiêu thụ dầu. Hiện tại dự kiến nhu cầu toàn cầu là khoảng 900.000 thùng/ngày trong năm nay. Đây có thể là giai đoạn yếu nhất kể từ năm 2011.
"Tin tức về ông Bolton đã tác động tới giá dầu theo cách thúc đẩy niềm tin cho các nhà đầu tư và chính phủ", Ben Geman của trang tin tức và dữ liệu Axios có trụ sở tại Washington cho biết.
Vẫn còn một câu hỏi về việc ông Trump sẽ thuê ai để thay thế Bolton, Cliff Kupchan thuộc Eurasia Group nói. Tuy nhiên, một số vấn đề chính sách quan trọng có thể sẽ ít cứng rắn hơn. Liên quan đến Iran, ông Bolton vốn là một tín đồ luôn nói 'không' với các cuộc đàm phán cùng Iran, cũng theo chuyên gia này.
Cố vấn John Bolton ra đi: Lộ kịch tính nhân sự cao cấp dưới thời TT Trump
Ngược với ông Bolton, ông Trump đang tung tín hiệu cởi mở về một cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Bên cạnh đó, với sự ra đi của Bolton, có nghĩa là ngay cả khi Bình Nhưỡng mở rộng chương trình hạt nhân thì tỉ lệ Mỹ đáp trả "khốc liệt", như ông Trump từng nói, cũng đang giảm dần.
"Bolton không bao giờ hướng đến ý tưởng về các cuộc đàm phán. Còn hiện tại, Mỹ thậm chí còn có khả năng chấp nhận yêu cầu của ông Kim về cách tiếp cận theo giai đoạn đối với các cuộc đàm phán và tiến trình đàm phán chính thức dường như đã sẵn sàng để bắt đầu lại. Tuy nhiên, một thỏa thuận đột phá liên quan đến việc ông Kim đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình, vẫn rất khó xảy ra", ông Kupchans cho hay.
Bất kì tín hiệu mềm dẻo nào trong các chính sách về Afghanistan đều có thể xảy ra. Ít nhất là trong ngắn hạn thì điều này sẽ giúp làm giảm các yếu tố không chắc chắn. Việc một kiến trúc sư chủ chốt của cuộc tấn công Iraq năm 2003 rời khỏi Nhà Trắng là một điều mang đến chút ít hi vọng.
Tuy nhiên, Bolton chỉ là một phần trong những rắc rối nhân sự dưới thời ông Trump. Như các nhà phân tích tại ClearView Energy Partners lập luận: Chúng tôi sẽ thận trọng trước khi đưa ra một kết luận vội vã rằng một chính quyền Mỹ hậu Bolton có thể đảo ngược các lập trường trước đó.
Biết đâu ông Trump có thể thay thế Bolton bằng một chính trị gia thậm chí còn cứng rắn và bảo thủ hơn.
Tốt cho Manila, Jakarta
Có thể thấy, giá dầu thấp hơn sẽ giúp giảm thuế cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ. Điều này phần nào hỗ trợ chính quyền của ông Rodrigo Duterte đối phó với lạm phát ở Philippines. Giá dầu như vậy cũng sẽ là tích cực cho ông Joko Widodo trong việc thúc đẩy thị trường trái phiếu trong nước và niềm tin của nhà đầu tư.
Đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và ông Moon Jae-in của Hàn Quốc, các nhà sản xuất năng lượng ổn định hơn luôn là điều tốt cho các nền kinh tế nghèo tài nguyên của họ. Và trong một năm mà Trung Quốc đối mặt nhiều khó khăn, giá nhập khẩu dầu thấp hơn sẽ giúp Chủ tịch Tập Cận Bình chống đỡ được tình trạng đồng nhân dân tệ trượt dài.
Quý Hoàng
Theo toquoc
Quân sự thế giới : Lần đầu tiên Nga bán xe bọc thép lội nước BT-3F ra nước ngoài Nga đã ký một hợp đồng xuất khẩu cho Indonesia xe bọc thép lội nước BT-3 F và xe bộ binh chiến đấu 3 F, bộ phận báo chí của Rosoboronexport thông báo hôm thứ ba. Đây là hợp đồng đầu tiên trong lịch sử về việc xuất khẩu xe bọc thép lội nước BT-3 F ra nước ngoài. "Rosoboronexport" đã ký hợp...