Indonesia tải xong gần 70 giờ dữ liệu từ hộp đen máy bay Lion Air gặp nạn
Các nhà điều tra Indonesia ngày 4/11 thông báo đã tải thành công 69 giờ dữ liệu từ hộp đen ghi hành trình chuyến bay của máy bay Lion Air mang số hiệu chuyến bay JT610 chở 189 người rơi xuống biển Java đầu tuần trước. Tuy nhiên, việc phân tích các dữ liệu này đòi hỏi sẽ mất nhiều thời gian.
Mặc dù bên ngoài bị hư hại nặng, song bộ nhớ của hộp đen ghi hành trình máy bay Lion Air vẫn còn nguyên vẹn. (Ảnh: Reuters)
Theo hãng tin AP, tại cuộc họp báo ngày 4/11, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Indonesia Haryo Satmiko cho biết, các chuyên gia đã trích xuất thành công 69 giờ dữ liệu trong hộp đen ghi hành trình chuyến bay của máy bay JT610 gặp nạn.
Hộp đen này được các thợ lặn trục vớt hôm 1/11, gần 3 ngày sau khi máy bay Boeing 737 Max 8 mang số hiệu JT610 của Lion Air chở 189 người rơi xuống vùng biển Java chỉ vài phút sau khi cất cánh từ Jakarta.
Việc phân tích dữ liệu này cũng như động cơ và càng máy bay đã trục vớt được sẽ bắt đầu từ hôm nay và các thông tin sẽ được chuyển cho phía cảnh sát nếu cần thiết, ông Nurcahyo Utomo, người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Indonesia, cho biết. “Từ đây chúng tôi sẽ phân tích chuyện gì đã xảy ra với chuyến bay đó”, ông Utomo nói.
Việc phân tích dữ liệu hộp đen cũng như động cơ và càng máy bay trục vớt được sẽ bắt đầu từ hôm nay 5/11. (Ảnh: Getty)
Hiện lực lượng tìm kiếm cứu hộ vẫn chưa tìm thấy hộp đen còn lại ghi âm buồng lái máy bay. Thách thức càng tăng khi theo lời ông Muhammad Syaugi, người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm và cứu hộ Indonesia, đến ngày 3/11, lực lượng tìm kiếm không còn nghe thấy những tín hiệu “ping” từ hộp đen thứ hai.
Hộp đen thứ hai được tin rằng nằm ở vị trí cách khu vực tìm kiếm chính khoảng 50m, nơi mực nước biển chỉ sâu khoảng 30m, tuy nhiên khu vực này biển khá động và lớp bùn dưới đáy biển dày tới hơn 1m cản trở các nỗ lực tìm kiếm.
Máy bay Boeing 737 Max mang số hiệu chuyến bay JT610 của hãng hàng không Lion Air chở 189 người lao xuống biển vào sáng 29/10, khoảng 13 phút sau khi cất cánh. Theo truyền thông địa phương, chỉ khoảng 2-3 phút sau khi cất cánh, phi công của máy bay đã đề nghị cho máy bay quay đầu trở lại sân bay ở Jakarta. Tuy nhiên, kể từ khi đó đến khi rơi xuống biển, máy bay không có dấu hiệu quay đầu lại, mà chỉ thay đổi độ cao, tốc độ bất thường.
BBC dẫn tài liệu kỹ thuật trong lịch sử bay của máy bay này cho thấy, tối trước đó, máy bay gặp lỗi về hiển thị tốc độ và tọa độ trong chuyến bay đêm trước.
Minh Phương
Theo Dantri/ ABC News
Đã tìm thấy thân máy bay Indonesia gặp nạn, một thợ lặn thiệt mạng
Indonesia đã tìm thấy phần chính của xác máy bay Lion Air rơi xuống biển mang theo 189 người ngày 29/10, không lâu sau khi một thợ lặn thiệt mạng trong quá trình làm nhiệm vụ.
Các thợ lặn Indonesia ngày 3/11 tìm thấy phần chính của xác máy bay Lion Air rơi xuống biển Java mang theo 189 người ngày 29/10, Cơ quan Tìm kiếm cứu nạn quốc gia cho biết.
Đây được đánh giá là một bước quan trọng trong quá trình tìm kiếm các nạn nhân và thiết bị ghi âm buồng lái chứa thông tin tối quan trọng giúp giải mã lý do tai nạn thảm khốc xảy ra.
Các mảnh vỡ của máy bay Lion Air được tìm thấy. (Ảnh: AP)
Theo Straits Times, các thợ lặn đã lùng sục một khu vực rộng 700 km vuông kể từ khi máy bay Boeing 737 mang số hiệu JT610 rơi để tìm kiếm phần thân máy bay. Hiện tại, đội tìm kiếm đang tập trung trục vớt phần thân của chiếc phi cơ, ông M.Syaugi, người đứng đầu cơ quan tìm kiếm cho biết.
Trước đó, đội tìm kiếm Indonesia tìm thấy thiết bị ghi dữ liệu bay, cả hai động cơ và một phần bộ phận hạ cánh của máy bay. Nhiều phần thi thể nạn nhân và tư trang cũng được đưa trở về.
Thợ lặn Syachrul Anto không may thiệt mạng khi làm nhiệm vụ. (Ảnh: Straits Times)
Trong quá trình tìm kiếm, thợ lặn Syachrul Anto, 48 tuổi ngày 2/11 đã thiệt mạng do vấn đề giảm áp, ông Syaugi nói. Ông Anto là một thợ lặn có kinh nghiệm, tham gia nhiệm vụ một cách tình nguyện - bạn ông là Yosep cho biết.
Theo Straits Times, nhiệm vụ ngày 2/11 kết thúc lúc 16h do hết ánh sáng ban ngày, nhưng đến 16h30 vẫn không thấy thợ lặn Anto trở lên. Sau đó ông được đưa vào bờ lúc 22h10 trong tình trạng đã bất tỉnh và tim không còn đập.
Thợ lặn Syachrul Anto từng tham gia nhiều nhiệm vụ cứu hộ và vừa trở về từ Palu - nơi hứng chịu thảm họa động đất sóng thần hồi tháng 10.
Video: Cận cảnh một hộp đen của máy bay JT610 được tìm thấy
(Nguồn: Straits Times)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Lo ngại lượng pin của hộp đen thứ hai có hạn, cứu hộ Indonesia dốc sức tìm kiếm Lực lượng cứu hộ Indonesia đang gấp rút tìm kiếm thiết bị ghi âm buồng lái CVR, hay hộp đen thứ hai của máy bay gặp nạn hôm 29/10, vì thời lượng pin phát ra tín hiệu của thiết bị này sau tai nạn có hạn. "Thời lượng pin sẽ chỉ kéo dài khoảng 30 ngày, vì vậy chúng tôi phải làm việc...