Indonesia sẽ đóng 8 tàu tấn công nhanh KMC
Hải quân Indonesia sẽ đóng 8 tàu tấn công nhanh KMC đảm bảo tăng cường an ninh hàng hải trên biển.
Hãng tin Antara đưa tin, Quân đội Indonesia vừa cho ra mắt một mẫu tàu tấn công nhanh mới do nước này tự sản xuất, được đặt tên là Kapal Motor Cepat (KMC).
KMC được phát triển dựa theo đơn đặt hàng của Quân đội Indonesia với công ty hàng hải PT Tesco Indomaritim và viện nghiên cứu công nghệ Surabaya.
Tàu tấn công nhanh KMC Komando do Indonesia tự phát triển.
Tàu tấn công nhanh KMC được thiết kế với khả năng vũ trang hạng nhẹ và có khả năng thực hiện các nhiệm vụ đổ bộ đường biển hoặc các khu vực sông. Nó có tốc độ di chuyển tối đa lên tới 45 hải lý/giờ, với thủy đoàn gồm 3 người và có thể chở theo hơn 30 binh sĩ cùng đầy đủ trang bị.
Hệ thống vũ khí của KMC gồm một súng máy tự động 12,7mm điều khiển từ xa đi kèm với một thiết bị xác định mục tiêu bằng laser, với phạm vi tấn công hiệu quả lên tới 2km. Thông số kỹ thuật cụ thể của hệ thống vũ khí này vẫn chưa được phía Quân đội Indonesia tiết lộ.
Video đang HOT
Tàu tấn công nhanh KMC xuất hiện lần đầu tiên vào 4/2014, trong một cuộc diễn tập thực binh qui mô lớn của Quân đội Indonesia tại Ancol, Jakarta. Dự kiến, các tàu KMC đầu tiên sẽ được đưa vào trang bị tại căn cứ quân sự nằm ở tỉnh Bắc Maluku, thuộc quần Đảo Malukun, Indonesia.
Lực lượng bộ binh Indonesia diễn tập đổ bộ với tàu KMC.
Phát ngôn viên tư lệnh lực lượng vũ trang Indonesia ở Bắc Maluku trả lời phỏng vấn cho biết, các tàu tấn công nhanh KMC sẽ có vai trò bảo vệ an ninh hàng hải, chống buôn lậu và đánh bắt cá bất hợp pháp tại các khu vực vùng biển thuộc Bắc Maluku. Và có khoảng hơn 8 chiếc KMC sẽ được bàn giao cho Quân đội Indonesia trong năm nay.
Ngay sau khi lên nắm quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo từng tuyên bố sẽ mạnh tay với các hành động gây hại đến an ninh hàng hải Indonesia, và việc nước này tăng cường bảo vệ các vùng biển của mình là điều có thể dễ hiểu. Nhất là với nạn đánh bắt cá trái phép diễn ra khá công khai, phía Indonesia coi hành động này là không thể chấp nhận được và sẵn sàng mạnh tay đối với bất cứ vi phạm nào.
Theo Kiến Thức
Pháp quyết qua mặt đồng minh, "đi đêm" với Nga?
Tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral thứ hai mà Pháp đóng cho Nga đã được hạ thủy trong ngày hôm qua (20/11), hãng tin RIA Novosti cho biết. Động thái này khiến người ta nghĩ rằng, Pháp quyết qua mặt đồng minh để "đi đêm" với Nga dù bên ngoài vẫn thể hiện rằng Paris đang theo tiến trình của phương Tây.
Tàu Mistral
Chiếc tàu lớp Mistral thứ hai mang tên Sevastopol đã rời vũng cạn ở thành phố cảng Saint-Nazaire của Pháp trước sự chứng kiến của một vài người xem.
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, hôm 14/11, Pháp đã phải tiến hành bàn giao chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên Vladivostok trong số 2 chiếc đặt hàng cho phía Nga. Chiếc thứ hai được đặt tên là Sevastopol sẽ đến St Petersburg để lắp đặt hệ thống vũ khí của Nga vào tháng 11 năm sau. Hai chiếc tàu chiến lớp Mistral này sẽ được bổ sung vào Hạm đội Thái Bình Dương của Nga trong nửa năm sau của năm 2016.
Tuy nhiên, ngày 14/11 đã qua đi mà giới chức Pháp vẫn lặng thinh, không đưa ra bất kỳ phản ứng chính thức nào về việc này.
Hợp đồng giữa Nga và Pháp đang gặp rất nhiều trục trặc sau khi phương Tây tăng cường các biện phát trừng phạt nhằm vào Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tổng thống Pháp Francois Hollande hồi tháng 10 đã bất ngờ tuyên bố tạm dừng bàn giao chiếc tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga vì cáo buộc Moscow can thiệp vào công việc nội bộ ở nước láng giềng Ukraine.
Việc Pháp không giao tàu chiến Vladivostok cho Nga đúng thời hạn đưa ra trong hợp đồng đã khiến Moscow rất tức giận. Hôm 14/11, Nga đã ra tối hậu thư, theo đó Pháp có thời hạn cho đến cuối tháng 11 này để bàn giao chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Moscow. Nếu thời hạn qua đi mà Paris không thực hiện theo đúng các nghĩa vụ được quy định cho hợp đồng thì Nga sẽ có hành động quyết liệt với Pháp.
Mặc dù giới chức Pháp sau đó đã cứng giọng tuyên bố rằng, họ sẽ không chịu sức ép của bất kỳ ai trong hợp đồng tàu chiến với Nga, ám chỉ đến tối hậu thư của Moscow nhưng người ta tin rằng Paris sẽ không dám hủy hợp đồng này. Pháp sẽ phải hứng chịu tổn thất cực kỳ lớn nếu phá hợp đồng với Nga. Không chỉ phải trả lại khoản tiền lớn của hợp đồng mà Nga thanh toán trước cho Pháp, Paris còn phải trả khoản tiền phạt khổng lồ lên tới hơn 10 tỉ euro (13 tỉ USD) vì không tuân thủ hợp đồng với Nga. Đây được xem là một thảm họa đối với cả nền kinh tế Pháp lẫn uy tín của ngành công nghiệp vũ khí Pháp. Ngoài ra, hành động đó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng nghìn lao động đang trực tiếp tham gia vào dự án đóng tàu lớp Mistral.
Trong lúc này, Paris tiếp tục phải đối mặt với sức ép của các đồng minh phương Tây trong việc ngừng bán tàu chiến lớp Mistral cho Nga. Tổng thư ký NATO - ông Jens Stoltenberg hôm qua (20/11) đã phát biểu tại một cuộc họp báo tại căn cứ không quân gần Tallinn rằng, các đồng minh NATO rất quan ngại về khả năng Pháp giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga.
Mỹ và phương Tây liên tục thúc giục và thậm chí là cả cảnh báo Pháp để nước này không giao tàu chiến cho Nga. Một nguồn tin từ Pháp tiết lộ, Đại sứ quán của họ ở Washington ngày nào cũng nhận được điện thoại từ Bộ Ngoại giao Mỹ để nói về vấn đề tàu chiến lớp Mistral. Các nước thành viên NATO và Liên minh Châu Âu khác cũng đang tìm mọi cách để thuyết phục Pháp ngừng bàn giao tàu chiến Mistral cho Nga, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak mới đây cho biết. "Sức ép đối với Pháp đang rất lớn", ông Tomasz thừa nhận.
Paris được cho là đang vô cùng đau đầu trong việc xử lý hợp đồng bán tàu chiến cho Nga. Pháp không muốn làm phật lòng các đồng minh phương Tây nhưng cũng không muốn phải gánh chịu tổn thất lớn từ việc phá hợp đồng với Nga, nhất là khi nhiều người dân Pháp không chấp nhận điều này.
Mặc dù trên lời nói, Pháp đang thể hiện một thái độ cứng rắn, kiên quyết với Nga nhưng người ta cho rằng rất có thể Paris vẫn đang âm thầm chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để có thể giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Moscow.
Siêu tàu chiến lớp Mistral là loại tàu đổ bộ tấn công hiện đại, có khả năng chỉ huy, triển khai chớp nhoáng lực lượng hỗ trợ hậu cần, di tản nhân đạo, bệnh viện dã chiến và thưc hiện các sứ mệnh tác chiến Hải quân khác.
Siêu tàu chiến Mistral có trọng tải tối đa 21.300 tấn; có thể chuyên chở bốn sà lan đổ quân, 16 trực thăng hạng nặng, 2 tàu đệm không khí, một tiểu đoàn 40 xe tăng hạng nặng Leclerc, 450 binh sỹ... Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral dài 199m, chiều ngang 32m, độ mớn nước 6,2m. Tàu được lắp đặt hệ thống radar cảnh giới MRR3D-NG, radar dẫn đường DRBN-38A; hệ thống hỏa lực gồm 2 hệ thống tên lửa phòng không MBDA Simbad, 2 khẩu đội pháo phòng không Breda-Mauser 30 mm, 4 súng máy 12,7 mm Browing M2-HB. Các liên đội Không quân dự kiến được biên chế trên các tàu lớp Mistral của Nga, bao gồm 8 chiếc máy bay trực thăng tấn công Kamov Ka-52K và 8 chiếc máy bay trực thăng vận tải tấn công Ka-29/31 Helix. Tàu có phạm vi hoạt động 40.000km, hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng Hải quân Nga.
Giới chức Nga gần đây liên tục tuyên bố đầy tự tin rằng, trong trường hợp xấu nhất là nếu Pháp quyết hủy bỏ hợp đồng với Nga thì Nga có thể tự mình đóng loại siêu tàu chiến này.
Theo_VnMedia
Tàu chiến của hải quân Malaysia chở 7 người mất tích bí ẩn Hải quân Malaysia đã mở một cuộc tìm kiếm 7 thành viên thủy thủ đoàn sau khi con tàu chở họ bị mất tích ngoài khơi đảo Borneo trong vùng biển động, một quan chức hải quân hàng đầu của Malaysia ngày 6/10 cho biết. Tàu tấn công CB204 của hải quân Malaysia. Vụ việc xảy ra trong cuộc tuần tra trên biển...