Indonesia nâng thân máy bay QZ8501
Các đội cứu hộ Indonesia hôm nay 24/1 đã bắt đầu một nỗ lực nhằm nâng thân chiếc máy bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia, sau khi 4 thi thể nạn nhân nữa được trục vớt từ dưới biển.
Các túi khí khổng lồ được sử dụng để nâng thân máy bay QZ8501. (Ảnh: AFP)
Nỗ lực trên diễn ra một ngày sau khi các thợ lặn hôm qua lần đầu tiên vào được bên trong phần chính của chiếc máy bay gặp nạn trên biển Java từ tháng trước.
Thời tiết xấu trong suốt tuần qua đã ngăn cản các nhân viên tìm kiếm tiếp cận phân chiếc Airbus A320-200 kể từ khi nó được một tàu quân sự phát hiện dưới biển hồi tuần trước.
“Chúng tôi đã bắt đầu nỗ lực vào hôm nay nhằm nâng thân máy bay và chúng tôi hi vọng có thể nâng nó lên vào hôm nay”, ông S.B. Supriyadi, một quan chức cơ quan cứu nạn, cho hay.
Ngay khi trời sáng vào hôm nay, các thợ lặn đã bắt đầu xuống đáy biển để buộc các túi khí vào thân máy bay, ông Rasyid Kacong, quan chức hải quân giám sát nỗ lực nâng thân máy bay từ tàu chiến Band Aceh, nói.
Nhưng nhóm cứu hộ đã không thể nâng thân máy bay trong lần thử đầu tiên, do các dây kéo bị đứt trước khi thân máy bay được đưa lên mặt nước. “Chúng tôi đang cố gắng thử lại”, ông Kacong nói.
Video đang HOT
4 thi thể đã được trục vớt khi đội cứu nạn cố gắng nâng thân máy bay, nâng tổng số nạn nhân được tìm thấy lên 69 cho tới nay.
Hôm qua, các thợ lặn đã không thể vào sâu trong thân máy bay để tìm kiếm các thi thể do các vật dụng nổi lềnh bềnh cản trở họ.
“Các thợ lặn cho biết bên trong thân máy bay rất tối, các ghế ngồi trôi nổi và các dây dợ giống như một mờ bòng bong”, ông Supriyadi nói.
Các nhân viên cứu hộ hi vọng khi thân máy bay được nâng lên, họ sẽ dễ dàng kiểm tra bên trong và trục vớt thêm thi thể các nạn nhân.
Chiếc máy bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia Indonesia gặp nạn hôm 28/12 khi đang trên đường từ thành phố Surabaya, Indonesia đến Singapore. Máy bay chở 162 người, gồm 155 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn.
Theo Dantri/AFP
Nhật cam kết không từ bỏ nỗ lực giải cứu các con tin
Nhật Bản hôm nay cam kết sẽ không từ bỏ nỗ lực nhằm giải cứu 2 công dân bị nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt giữ làm con tin, sau khi thời hạn chót mà IS đặt ra nhằm trả tiên chuộc đã qua đi.
Hai con tin Kenji Goto Jogo (trái) và Haruna Yukawa (Ảnh: Getty Images)
Liệu nhà báo hành nghề tự do Kenji Goto và cựu nhà thầu Haruna Yukawa còn sống hay không hiện vẫn chưa rõ, một ngày sau khi hạn chót nhằm trả tiền chuộc để đổi lấy tự do cho họ qua đi hôm qua 23/1 mà không có bất kỳ thông tin nào từ những kẻ bắt cóc.
Phiến quân IS đã đe dọa sát hại 2 con tin Nhật nếu chúng không nhận được khoản tiền chuộc trong vòng 72 giờ, kết thúc lúc 14h50 ngày 23/1 giờ Tokyo.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yasuhide Nakayama, người đứng đầu nỗ lực giải cứu 2 công dân Nhật, hôm nay cho biết với báo giới: "Đó là một hành trình rất khó khăn nhằm giải thoát họ, bất chấp các cách thức khác nhau".
"Chúng tôi đang tập trung vào việc nghiên cứu lại các thông tin. Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ. Chúng tôi sẽ đưa họ về nước", ông Nakayama nói tại thủ đô Amman của Jordan khi được cử tới đây để đứng đầu nỗ lực của Nhật nhằm giải cứu 2 con tin.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Fumio Kishida nói với báo giới rằng "không có gì mới" sau khi chủ trì một cuộc họp của nhóm hành động khẩn cấp vào sáng nay.
Giới chức Nhật cho biết họ vẫn cố gắng tìm kiếm một kênh thông tin để liên lạc với IS trong khi nghiên cứu kỹ lưỡng các thông tin khác nhau.
Ông Yosuke Isozaki, một số vấn của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, ngày 23/1 nói rằng đã có liên lạc "gián tiếp" với các phiến quân, nhưng "không có gì trực tiếp".
Tokyo không có nhiều đòn bẩy ngoại giao tại Trung Đông nhưng báo chí địa phương cho biết Thủ tướng Abe có thể cố gắng dùng mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để tìm cách giải thoát các con tin.
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật hôm nay đưa tin rằng Jordan cũng đang cố gắng liên lạc với IS thông qua các lãnh đạo tôn giáo nhiều ảnh hưởng tại thủ đô Amman.
Ngày 23/1, đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Caroline Kennedy và các quan chức quân đội Mỹ đã có cuộc gặp với Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tại trụ sở bộ này.
"Chính phủ Mỹ sẵn sàng trợ giúp Nhật Bản vì chúng ta là các đối tác thân thiết", bà Caroline Kennedy nói.
An Bình
Theo Dantri/AFP
Xã cho thuê đất công, cây xăng "mọc" sát trường học Một cây căng được xây dựng không chỉ che khuất, thu hẹp lối đi vào hội trường Trung tâm học tập cộng đồng mà còn nằm gần khu dân cư, sát vách trường mầm non, khiến người dân lo lắng. Cây xăng nằm sát trường học Nhiều người dân xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, Thanh Hóa đã nhiều lần gửi đơn đến...