Indonesia kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông
Nước này nhấn mạnh, “đường chín đoạn” của Trung Quốc là thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm UNCLOS năm 1982 thông qua công hàm gửi lên LHQ.
Nối tiếp các bước đi ngoại giao gần đây của các quốc gia thành viên ASEAN liên quan đến việc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, Indonesia một lần nữa khẳng định lập trường của nước này về vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh, “đường chín đoạn” của Trung Quốc là thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm UNCLOS năm 1982 thông qua công hàm gửi lên Liên hợp quốc. Hành động này của Indonesia thể hiện chính sách nhất quán của quốc gia vạn đảo đối với vấn đề Biển Đông.
Tổng thống Indonesia thị sát tàu chiến tại vùng biển Natuna tháng 1 năm 2020 (Nguồn: tribunnews)
Công hàm bác bỏ “đường chín đoạn” gửi Liên hợp quốc
Trong công hàm gửi Tổng thư ký LHQ António Guterres ngày 26/5, Indonesia đã nêu rõ sự ủng hộ của chính phủ nước này đối với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực ở La Hay, khi tòa án đứng về phía Philippines trong vụ kiện về lãnh thổ với Trung Quốc. Công hàm tái khẳng định “yêu sách của Trung Quốc về “đường chín đoạn” là thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982″.
Công hàm của phía Indonesia cũng nhấn mạnh nước này đã nhất quán trong việc thúc đẩy sự tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và phản đối các yêu sách trái với luật pháp quốc tế.
Phái đoàn thường trực Indonesia tại Liên hợp quốc đưa ra công hàm trên để bày tỏ quan điểm trước 3 công hàm của Trung Quốc bao gồm: Công hàm ngày 12/12/2019 của Trung Quốc phản đối bản đệ trình thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia; Công hàm ngày 23/3/2020 của Trung Quốc phản đối tuyên bố của Philippines; Công hàm ngày 17/4/2020 về quan điểm của Trung Quốc đối với bản đệ trình chung thềm lục địa mở rộng vượt ngoài 200 hải lý của Malaysia và Việt Nam.
Đây không phải là hành động “hiếm có” của Indonesia
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Teuku Faizasyah nhấn mạnh, chính phủ Indonesia đưa ra công hàm này vì nhận thấy yêu sách của Trung Quốc đối với Vùng đặc quyền kinh tế Indonesia dựa trên “đường chín đoạn” mà nước này vẽ ra. Ông Teuku Faizasyah cho rằng “Chúng ta không thể biết được mục đích của Trung Quốc là gì khi đưa ra “đường chín đoạn” mà có khả năng sẽ làm ảnh hưởng đến Indonesia. Do đó, điều cần làm là khẳng định lập trường của Indonesia một cách công khai cho thế giới”.
Video đang HOT
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia cũng nhấn mạnh, việc Indonesia gửi công hàm lên Liên hợp quốc không phải là bước đi “hiếm có” của nước này. Bởi năm 2010, Indonesia đã từng gửi công hàm tương tự lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên hợp quốc.
Vào đầu tháng 1/2019, trước việc tàu cá Trung Quốc xâm phạm bất hợp pháp vào vùng biển Natuna và Bắc Kinh lớn tiếng khẳng định chủ quyền ở khu vực Biển Đông, Bộ ngoại giao Indonesia đã gửi công hàm và triệu Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta để phản đối và tuyên bố không công nhận “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đề ra. Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định, lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố vẫn thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia, những tuyên bố về chủ quyền một cách “đơn phương” của Trung Quốc trên Biển Đông là không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được luật pháp quốc tế công nhận.
Tân Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono chỉ huy chiến dịch quân sự tuần tra vùng biển Bắc Natuna ngày 28/5/2020 (Nguồn: Tirto)
Tiếp đó vào đầu tháng 5 năm nay, Ngoại trưởng Indonesia đã bày tỏ quan ngại về việc, trong khi cả thế giới đang đối phó với dịch Covid-19 thì Trung Quốc liên tục có những hành vi vi phạm chủ quyền trên Biển Đông. Đặc biệt vào ngày 18/4, nước này lại có hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam khi Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên thông báo, Quốc Vụ viện nước này vừa phê chuẩn thành lập cái gọi là “Quận Tây Sa” và “Quận Nam Sa” trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam và ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, điều này bao gồm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, khuyến khích tất cả các bên tôn trọng luật hàng hải quốc tế, đặc biệt là công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Nữ Ngoại trưởng Indonesia cũng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế các hành động làm xói mòn lòng tin và gia tăng căng thẳng trong khu vực. Theo bà, tình hình có lợi trên Biển Đông có thể hỗ trợ cho quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vốn đang bị tạm hoãn do đại dịch toàn cầu.
Gần đây nhất, ngày 26/5, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia, ông Mahfud M.D đã yêu cầu các tân Tham mưu trưởng Hải quân và Không quân Indonesia, bảo vệ chủ quyền quốc gia trong bối cảnh diễn ra các tranh chấp với Trung Quốc ở vùng biển Bắc Natuna.
Theo đó, tuần cuối tháng 5, Tân Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono sử dụng Hệ thống Vũ khí hạm đội tích hợp, trong đó huy động máy bay quân sự, máy bay Boeing và tàu quân sự để tuần tra an ninh hàng hải trên vùng biển Bắc Natuna, vùng biển thường xuyên xảy ra các vụ vi phạm chủ quyền lãnh thổ và đảm bảo luật pháp quốc tế được thực thi cũng như ngăn chặn sự hiện diện của các tàu quân sự nước ngoài trên vùng biển này của Indonesia.
Nhận định của chuyên gia
Từ Washington, ông Gregory Poling, Giám đốc Cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, hành động lần này của Indonesia đã mở ra một con đường mới. Công hàm của Indonesia là phản ứng mới nhất trong số những công hàm của các Quốc gia ASEAN và Trung Quốc gửi cho Liên Hợp quốc sau công hàm của Malaysia hồi tháng 12/2019 về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với thềm lục địa trên Biển Đông.
Ông Gregory Poling cho biết, “các quan chức Jakarta đã thúc đẩy điều này trong 4 năm và dường như họ đã thắng vì lo ngại chính trị đối với Trung Quốc. Lần đầu tiên một quốc gia Đông Nam Á láng giềng của Philippines đứng lên và kiên quyết ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 bằng công hàm”.
Từ trong nước, chuyên gia quan hệ quốc tế từ Đại học Indonesia (UI), ông Hikmahanto Juwana, nhận định, chiến lược này của Indonesia là rất tốt để truyền đạt quan điểm tới Liên hợp quốc mà không nhất thiết phải nhận được phản hồi từ Trung Quốc. Theo ông, “lâu nay Trung Quốc luôn nói rằng không cần lo lắng vì Trung Quốc luôn tôn trọng chủ quyền của Indonesia nhưng vấn đề không phải là chủ quyền mà là quyền chủ quyền”.
Trong khi đó, Nhà nghiên cứu luật biển quốc tế từ Đại học Gadjah Mada (UGM) Indonesia, ông I Made Andi Arsana cho rằng, thái độ của Indonesia từ trước đến nay luôn kiên quyết bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông, hiện đã được tuyên bố rõ ràng với Liên hợp quốc. Việc gửi công hàm này thể hiện quan điểm nhất quán và kiên quyết quyết của Indonesia và đại diện cho nhiều bên trong đó có các quốc gia cũng đang gặp phải rắc rối bởi thuật ngữ “đường chín đoạn” do Trung Quốc khởi xướng./.
Trung Quốc mưu đồ gì khi trồng rau ở Hoàng Sa?
Cựu viện trưởng Viện nghiên cứu biển và hải đảo Vũ Thanh Ca cho rằng Trung Quốc trồng rau ở Hoàng Sa nhằm âm mưu biến đảo đá thành đảo để củng cố yêu sách Biển Đông.
Hôm 19/5, Global Times thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sảnTrung Quốc (CCP), đưa tin hải quân nước này sử dụng công nghệ mới để trồng rau ở Tây Sa, thu hoạch được 750 kg. Tây Sa là cách Trung Quốc gọi tên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tờ báo này cho rằng việc Bắc Kinh thu hoạch rau ở Hoàng Sa "chứng tỏ thực thể này là đảo", giúp củng cố yêu sách của Trung Quốc ở đây.
Đánh giá về ý kiến này, Phó giáo sư Vũ Thanh Ca, cựu viện trưởng Viện nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam, cho rằng đây là một động thái mới của Trung Quốc trong nỗ lực "hợp thức hóa" yêu sách chủ quyền sai trái ở Biển Đông.
Trung Quốc muốn chứng minh các đảo đá ở Hoàng Sa thỏa mãn điều kiện "phù hợp cho đời sống con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng". Bắc Kinh muốn dùng lập luận đó để tuyên bố về "quyền lịch sử" ở Biển Đông, yêu sách mà Trung Quốc tự cho là có "bằng chứng lịch sử và pháp lý".
Năm 1956, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một số đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đến 1974, Bắc Kinh tiếp tục dùng vũ lực chiếm các đảo còn lại thuộc Hoàng Sa. Từ đó, Trung Quốc tìm nhiều cách để đòi quyền chủ quyền trái phép trên một phần lớn thuộc vùng biển Việt Nam.
Đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS.
Theo ông Ca, Khoản 3, Điều 121 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) nêu rõ "đảo đá không phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa".
Trước khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết vụ kiện của Philippines với Trung Quốc vào năm 2016, trên thế giới có nhiều quan điểm khác nhau về việc giải thích cụm từ "không phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng", nhằm xác định quy chế pháp lý cho một thực thể nổi trên mặt nước ở mức triều cao. Thậm chí có quan điểm cho rằng với sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại, tất cả các thực thể nổi trên mặt nước ở mức triều cao đều có thể thỏa mãn điều kiện "phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng" nếu được tôn tạo phù hợp và có thể được coi là đảo.
Tuy nhiên, ông Ca, hiện làm việc tại Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết phán quyết của PCA đã chấm dứt những tranh luận trên. Tòa khẳng định một thực thể "phù hợp cho con người sinh sống" là một thực thể mà ở trạng thái tự nhiên của nó, trên đó có một hoặc nhiều hơn một cộng đồng người sinh sống ổn định và coi đó là nhà.
Cũng theo phán quyết của PCA, cụm từ "đời sống kinh tế riêng" có nghĩa là cuộc sống và sinh kế của những người dân trên thực thể dựa vào các điều kiện tự nhiên của thực thể. Các hoạt động khai thác tài nguyên trên thực thể để làm lợi cho những người sống ngoài thực thể không phải là hoạt động thuộc "đời sống kinh tế riêng". Với các diễn giải như vậy, PCA nhận thấy trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa trước đây chưa bao giờ có các cộng đồng dân cư ổn định, coi đó là nhà. Các hoạt động kinh tế trước đây trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa chỉ thuần túy là hoạt động khai thác tài nguyên, nên các thực thể này chỉ là đảo đá, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Khi áp dụng cách giải thích phán quyết với Hoàng Sa, Phó giáo sư Ca cho biết các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa trước đây chỉ có những nhóm người đánh cá và khai thác tài nguyên (trong đó có các chiến binh thuộc đội Hoàng Sa của Việt Nam) trú ngụ tạm thời và đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Bên cạnh đó, một số công ty Nhật Bản khai thác phân chim hoặc đánh cá ở khu vực này. Ông Ca cho rằng những hoạt động đó không tạo ra một cộng đồng dân cư ổn định, coi đó là nhà và các hoạt động kinh tế chỉ thuần túy là khai thác. Vì vậy, các đảo đá trên quần đảo Hoàng Sa không thể được coi là đảo và không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
"Như vậy, diễn giải của Trung Quốc thực chất là bóp méo luật pháp quốc tế", ông Ca nói.
Về phía Việt Nam, ông Ca khẳng định Hà Nội luôn đề cao phán quyết của PCA. Trong Công hàm gửi Liên Hợp Quốc cuối tháng 3/2020, Việt Nam đã nêu rõ lập trường là không thể dùng đường cơ sở thẳng để nối các điểm ngoài cùng của các cấu trúc bên ngoài, và các cấu trúc luôn nổi thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là các đảo đá, không phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng nên không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; và tuyên bố về "quyền lịch sử" của Trung Quốc đối với vùng nước vượt quá quy định của UNCLOS là trái pháp luật và vô giá trị.
Việt Nam đã nêu rõ lập trường là không thể dùng đường cơ sở thẳng để nối các điểm ngoài cùng của các cấu trúc bên ngoài, và các cấu trúc thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là các đảo đá, không phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng
Ngày 28/5, nhắc đến việc Trung Quốc trồng rau ở Hoàng Sa, ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vi phạm luật quốc tế.
"Chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế", ông Việt nói.
Indonesia phản đối yêu sách 'đường 9 đoạn' Phái đoàn thường trực Indonesia gửi thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc bác yêu sách "đường 9 đoạn" Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông. "Indonesia tái khẳng định bản đồ đường 9 đoạn nêu yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và trái ngược với Công ước Liên Hợp...