Indonesia kêu gọi thiết lập vùng phi quân sự, tổ chức trưng cầu ý dân ở Ukraine
Ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia đã đề xuất một kế hoạch hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine, kêu gọi thiết lập khu phi quân sự và tổ chức trưng cầu ý dân tại vùng lãnh thổ tranh chấp.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia, ông Prabowo Subianto phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 tại Singapore ngày 3/6. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, đề xuất trên được ông Prabowo Subianto đưa ra tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore để kêu gọi chấm dứt chiến sự.
Cụ thể, ông Prabowo đề xuất một kế hoạch nhiều điểm, trong đó có lệnh ngừng bắn tại vị trí hiện tại của cả hai bên tham gia xung đột và thiết lập một khu phi quân sự. Để thiết lập khu phi quân sự này, hai bên sẽ rút lui 15 km từ vị trí tiền phương của mỗi bên.
Theo ông Prabowo, khu phi quân sự cần được lực lượng gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc triển khai giám sát. Ngoài ra, Liên hợp quốc cần tổ chức trưng cầu ý dân để xác định một cách khách quan mong muốn của đa số người dân ở các khu vực tranh chấp khác nhau.
Video đang HOT
Ông Prabowo nói: “Tôi đề xuất rằng đối thoại Shangri-La nên tìm một phương thức tuyên bố tự nguyện thúc giục cả Ukraine và Nga ngay lập tức bắt đầu đàm phán vì hòa bình”.
Theo ông Subianto, các biện pháp mà ông nêu đã chứng minh tính hiệu quả trong lịch sử khi ông lấy ví dụ tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Ông nói: “Đúng vậy, cuộc xung đột ở Triều Tiên vẫn cần một giải pháp lâu dài. Tuy nhiên, trong 50 năm, ít nhất chúng ta cũng có một chút hòa bình, điều này tốt hơn nhiều so với sự hủy diệt hàng loạt và giết hại những người vô tội… Và chúng ta đừng đổ lỗi cho bất kỳ bên nào ở đây: luôn có hai phiên bản của cuộc xung đột. Và mỗi bên đều khẳng định họ đúng”.
Đề xuất của Indonesia được đưa ra sau chuyến thăm của Tổng thống Joko Widodo tới Moskva và Kiev vào năm 2022. Trong chuyến thăm, ông Joko Widodo đề nghị đóng vai trò trung gian hòa bình giữa các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine và khơi lại các cuộc đàm phán hòa bình. Ông cũng là Chủ tịch của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 vào thời điểm đó.
Trong khi đó, cũng tại Đối thoại Shangri-La, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell cho rằng xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc sau vài tuần nếu phương Tây ngừng hỗ trợ quân sự cho nước này. Ông Borrell nói: “Nếu chúng tôi chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine, chiến tranh sẽ kết thúc sau vài tuần”. Tuy nhiên, ông Borrell lại nhấn mạnh rằng phương Tây sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine vì họ muốn có hòa bình ở quốc gia Đông Âu này.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky đã đề xuất một kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm, trong đó kêu gọi Nga rút toàn bộ binh sĩ khỏi Ukraine. Ông Zelensky cho rằng cơ sở để giải quyết xung đột ở Ukraine chỉ có thể là công thức hòa bình của Ukraine, trong đó có việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và thiết lập cơ chế quốc tế về bồi thường thiệt hại cho nước này. Trưởng cố vấn ngoại giao Ihor Zhovkva cho biết Ukraine không quan tâm đến một lệnh ngừng bắn mà công nhận những khu vực Nga đã giành được từ Ukraine.
Về phần mình, ngày 2/6, Chủ tịch Cơ quan lập pháp của bán đảo Crimea do Nga bổ nhiệm, ông Vladimir Konstantinov nói: “Chỉ có thể đạt đạt hòa bình nếu phương Tây hiểu cần phải đàm phán với Nga, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa đi đến kết luận như vậy”.
Philippines, Anh, Canada nhấn mạnh vai trò của hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Ngày 3/6, tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 diễn ra ở Singapore, các quan chức quốc phòng Philippines, Anh và Canada cho rằng sự hợp tác, kể cả giữa các quốc gia bên ngoài khu vực, có vai trò rất quan trọng đối với hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand. Ảnh: Canadian Press
Phát biểu tại phiên họp toàn thể, các quan chức trên nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường liên lạc và hợp tác để duy trì sự ổn định và an ninh ở khu vực. Đây cũng là quan điểm được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đưa ra trước đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand kêu gọi xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định và cân bằng, dựa trên các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, nơi tất cả các bên tham gia có trách nhiệm, các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, hướng đến một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do, rộng mở và bao trùm". Bà Anand cũng cho biết: "Canada sẽ tiếp tục đảm bảo rằng chúng tôi đang làm việc trên các kênh liên lạc mở và nhận thức được nhu cầu cùng chung sống một cách có trách nhiệm".
Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez Jr. cho rằng cạnh tranh gia tăng trong khu vực đã cho thấy sự cần thiết phải duy trì trật tự dựa trên luật lệ và tăng cường đối thoại.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định nước này sẽ tiếp tục "hướng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 - Diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á thu hút các quan chức quân đội cấp cao, nhà ngoại giao, nhà sản xuất vũ khí và nhà phân tích an ninh từ khắp nơi trên thế giới - khai mạc ngày 2/6 tại Singapore. Mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, những tác động đối với châu Á từ cuộc xung đột tại Ukraine sẽ là tâm điểm chú ý tại hội nghị an ninh hàng đầu của khu vực diễn ra từ ngày 2-4/6 này. Ngoài ra, các cuộc thảo luận tại diễn đàn cũng sẽ đề cập đến cấu trúc an ninh đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương, các vấn đề liên quan lĩnh vực an ninh toàn cầu như những tác động an ninh của cạnh tranh công nghệ và mạng, những thách thức của việc phát triển năng lực quân sự của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những khía cạnh hạt nhân của an ninh khu vực...
Đối thoại Shangri-La được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002 như một nền tảng cho hoạt động ngoại giao trực tiếp giữa các quan chức quốc phòng hàng đầu khu vực và thế giới. Hội nghị bao gồm các bài phát biểu, tranh luận và các cuộc trao đổi riêng liên quan đến an ninh giữa các đại biểu cấp cao. Trong những năm qua, diễn đàn này đã cung cấp một nền tảng có giá trị, cởi mở và trung lập để các bên trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc phòng và an ninh quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 năm nay thu hút hơn 550 đại biểu từ hơn 40 quốc gia tham dự. Sự kiện thường niên này đã bị hủy bỏ vào năm 2020 và 2021 do đại dịch COVID-19.
Ông Zelensky chỉ trích thị trưởng Kiev, lệnh kiểm đếm hầm trú bom khắp Ukraine Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Thị trưởng Kiev và các lãnh đạo khác của thủ đô tắc trách sau khi có tin dân thường thiệt mạng vì hầm trú bom không được mở kịp thời. Ba người, bao gồm cả một bé gái 9 tuổi và mẹ của em, đã thiệt mạng vì các mảnh tên lửa rơi trúng ở Kiev...