Indonesia kéo dài các hạn chế xã hội cấp độ 4
Ngày 2/8, Chính phủ Indonesia đã quyết định gia hạn lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 4 ở một số tỉnh và thành phố từ ngày 3-9/8 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Bệnh nhân COVID-19 chờ được tiếp nhận tại bệnh viện ở Surabaya, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Ban đầu, Indonesia triển khai PPKM khẩn cấp từ ngày 3-20/7 trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng đột biến, trước khi đổi tên thành PPKM cấp độ 4 triển khai từ ngày 21-25/7 và kéo dài từ ngày 26/7-2/8.
Trong bài phát biểu trên kênh Youtube chính thức của Phủ tổng thống, Tổng thống Joko Widodo cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi cân nhắc diễn tiến của một số chỉ số tính đến ngày 1/8. Theo ông, PPKM cấp độ 4 kéo dài từ ngày 26/7 đã mang lại những cải thiện trên một số khía cạnh, từ số ca mắc mới COVID-19, số bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà, tỷ lệ hồi phục, đến tỷ lệ sử dụng giường của các bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân COVID-19 (BOR).
Tuy nhiên, truyền thông sở tại cho biết trong thời gian triển khai PPKM khẩn cấp và PPKM cấp độ 4, số ca mắc và số ca tử vong do COVID-19 vẫn chưa sụt giảm nhiều tuy số lượng bệnh nhân hồi phục có sự gia tăng.
Số ca tử vong do COVID-19 ở Indonesia đã đạt mốc kỷ lục 2.069 ca vào ngày 27/7 và tổng cộng 19.523 ca trong 13 ngày áp dụng PPKM cấp độ 4, tương đương 1.622 ca mỗi ngày. Trong khi đó, tổng số ca mắc COVID-19 là 512.382 ca, tương đương 39.414 ca mỗi ngày. Trong 5 ngày qua, số ca mắc mới có dấu hiệu giảm song vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 10.000 ca mỗi ngày của chính phủ.
Video đang HOT
Tỷ lệ dương tính ở mức 25,6% trong suốt thời gian áp dụng PPKM cấp độ 4, cao hơn gấp nhiều lần mức khuyến cáo 5% của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tỷ lệ dương tính cao nói trên cũng phản ánh sự chậm chạp trong công tác xét nghiệm. Tính chung, chỉ có 1.939.406 người được xét nghiệm COVID-19 trong thời gian áp dụng PPKM cấp độ 4, tương đương với 161.617 người mỗi ngày, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu xét nghiệm cho 324.823 người mỗi ngày tại khu vực Java-Bali.
Trong khi đó, tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cũng không đạt mục tiêu đề ra khi chỉ đạt trung bình 755.765 liều mỗi ngày, thấp hơn mục tiêu của chính phủ là một triệu liều mỗi ngày.
Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia đã ban hành thông tư cho phép phụ nữ mang thai được tiêm vaccine ngừa COVID-19 với lý do đây là một trong những nhóm có nguy cơ phơi nhiễm và mắc các triệu chứng nghiêm trọng.
Cục trưởng Truyền thông và Dịch vụ công thuộc Bộ Y tế, bà Widyawati cho hay qua thông tư này, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các cơ quan y tế tiêm vaccine ngay cho phụ nữ mang thai, nhất là tại các khu vực có mức độ lây lan dịch cao. Theo bà Widyawati, phụ nữ mang thai sẽ được tiêm vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và Sinovac. Liều đầu tiên sẽ được tiêm trong quý thứ hai của thai kỳ và liều thứ hai sẽ được tiêm cách quãng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Theo thông tư của Bộ Y tế Indonesia, việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai sẽ được đưa vào tiêu chí đặc biệt. Do vậy, quy trình khám sàng lọc hay tiêm chủng sẽ được thực hiện chi tiết hơn các đối tượng khác.
Hong Kong bắt buộc nhân viên y tế và công chức tiêm vaccine ngừa COVID-19
Ngày 2/8, Trưởng Đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga ra thông báo về quy định tiêm vaccine bắt buộc, theo đó công chức, giáo viên và nhân viên y tế phải tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc phải tự chi trả chi phí thanh toán các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được thực hiện thường xuyên.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, biện pháp này là nhằm nâng tỷ lệ tiêm chủng tại Hong Kong thông qua việc tiêm chủng bắt buộc đối với 4 đối tượng gồm công chức, nhân viên y tế, nhân viên nhà dưỡng lão và giáo viên. Tỷ lệ tiêm chủng ở những đối tượng này cũng khá chênh lệnh với 70% ở các công chức và 47% ở giáo viên. Bà cũng nêu rõ những người từ chối tiêm chủng sẽ phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 2 lần/tuần và chi phí cho những xét nghiệm này sẽ do họ thanh toán.
Sau 6 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đại trà, tới nay mới chỉ có 36% trong tổng 7,5 triệu người dân Hong Kong đã tiêm đủ mũi trong khi 48% đã tiêm mũi đầu tiên.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Hong Kong hiện duy trì ở mức thấp do chính quyền đặc khu hành chính vẫn hạn chế nhập cảnh trong vòng 18 tháng qua đối với những người không phải cư dân tại đây. Bên cạnh đó, những người khi nhập cảnh vào Hong Kong phải thực hiện cách ly trong thời gian dài tại các khách sạn theo chỉ định.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết nước này dự kiến sẽ nhận được 45 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong tháng 8 và sẽ phân phối đồng đều cho tất cả 34 tỉnh, thành trong cả nước.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, bà Siti nêu rõ 50% trong tổng số 45 triệu liều vaccine, bao gồm 35 triệu liều vaccine của Sinovac, 6 triệu liều vaccine của AstraZeneca và 3,5 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech. 50% số vaccine sẽ được phân phối cho 7 khu vực ở đảo Java và Bali do số ca mắc COVID-19 tại đây vẫn tương đối cao, số còn lại sẽ phân phối cho 27 tỉnh khác. Bà Siti cũng thông báo về khoảng cách giữa hai mũi tiên là 28 ngày. Tuy nhiên, bà lưu ý người dân có thể dừng tiêm mũi thứ hai nếu xuất hiện triệu chứng như ho, ốm và có thể tiêm mũi thứ hai sau khi khỏi bệnh.
Ngày 1/8, Indonesia đã tiếp nhận 3,5 triệu liều vaccine của Moderna từ Mỹ theo cơ chế COVAX. Dự kiến, 620.000 liều vaccine của AstraZenaca do Anh tài trợ theo hợp tác song phương sẽ đến Indonesia trong ngày 2/8.
Tại châu Âu, ngày 2/8, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo sẽ tăng cường an ninh tại các điểm tiêm chủng sau khi xảy ra hai vụ phóng hỏa tại một thị trấn vào đêm qua và một âm mưu tấn công do những đối tượng có tư tưởng bài vaccine thực hiện nhằm vào các điểm tiêm chủng.
Thủ tướng Morawiecki nhấn mạnh những đối tượng gây ra các vụ tấn công hoặc phóng hỏa các điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật, đồng thời lực lượng chức năng sẽ tăng cường an ninh 24h/24h tại các trung tâm tiêm chủng.
Trước đó, Cảnh sát trưởng Jaroslaw Szymczyk tại thị trấn Zamosc ở miền Đông Ba Lan xác nhận một số đối tượng cực đoan đã phóng hỏa một trung tâm tiêm chủng lưu động và 1 văn phòng của cơ quan dịch tễ địa phương. Rất may không có thương vong trong hai vụ này.
Tháng trước, đã xảy ra hai vụ xô xát giữa những người có tư tưởng hoài nghi vaccine với lực lượng an ninh và bác sĩ tại một điểm tiêm chủng tại Grodzisk Mazowiecki.
Chính phủ Ba Lan đã khuyến khích người dân nước này đi tiêm vaccine phòng COVID-19, song tiến độ tiêm chủng vẫn chậm và ở mức thấp tại các khu vực phía Nam và Đông. Nhiều điểm tiêm chủng tại Ba Lan đã buộc phải đóng cửa do nhu cầu tiêm thấp. Hiện mới chỉ có khoảng 50% dân số Ba Lan đã được tiêm đủ liều.
Indonesia huy động thêm 18.000 nhân viên truy vết COVID-19 Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia sẽ triển khai 17.000-18.000 nhân viên truy vết COVID-19 tại các địa phương trên khắp cả nước, bắt đầu từ tháng 8 tới. Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại trung tâm dã chiến ở Tangerang, Indonesia, ngày 17/7/2021. Ảnh minh họa: THX/TTXVN Ngày 29/7, Trưởng...