Indonesia giành Giải thưởng Giao thông Bền vững Toàn cầu 2021
Thành phố thủ đô Jakarta của Indonesia đã giành Giải thưởng Giao thông Bền vững Toàn cầu 2021 (STA) trao cho các chương trình giao thông công cộng tích hợp đầy tham vọng. Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên nhận được giải thưởng danh giá này.
Một tuyến phố ở thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 1/4/2020. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, hằng năm, Viện Chính sách Phát triển và Giao thông (ITDP) và Ủy ban STA lựa chọn trao giải cho một thành phố đã thực hiện các chiến lược nhằm cải thiện khả năng di chuyển của người dân, giảm ô nhiễm không khí, đảm bảo an toàn và khả năng tiếp cận cho người đi bộ và đi xe đạp. Năm nay, Jakarta phải cạnh tranh với nhiều thành phố lớn khác trên thế giới gồm Addis Ababa (Ethiopia), Bogota (Colombia), Auckland (New Zealand), Braga (Bồ Đào Nha), Buenos Aires (Argentina), Frankfurt (Đức) và Sao Paolo (Brazil). Năm ngoái, thành phố thủ đô của Indonesia cũng từng được trao giải Danh dự STA 2019 vì các nỗ lực phát triển mạng lưới xe buýt Transjakarta.
Lễ công bố Giải thưởng STA 2021 đã được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Giao thông Bền vững Quốc tế Mobilize 2020 diễn ra từ ngày 26-30/10 theo hình thức trực tuyến. Lễ vinh danh sẽ được tổ chức tại thủ đô Washington (Mỹ) vào tháng 1/2021.
Video đang HOT
Trong một tuyên bố ngày 31/10, ITDP nhấn mạnh rằng giải thưởng này là kết quả của một hệ thống giao thông tích hợp bao gồm angkot (xe bus công cộng loại nhỏ) và mạng lưới Transjakarta rộng khắp, cũng như việc đưa vào vận hành hệ thống tàu điện ngầm MRT Jakarta và hệ thống đường sắt trọng tải nhẹ LRT Jakarta trong năm ngoái, qua đó tạo sự chuyển biến đối cho toàn bộ hệ thống giao thông công cộng tại khu vực thủ đô của Indonesia.
Cũng trong năm 2019, Jakarta đã biến đường hầm đi bộ Kendal bên cạnh nhà ga Sudirman tại khu vực trung tâm thủ đô thành một trong những điểm trung chuyển chính của thành phố với 6 loại hình giao thông công cộng: MRT, tàu hỏa ngoại ô Commuter Line, tàu kết nối sân bay Railink, xe buýt Transjakarta, LRT Jakarta, và hệ thống LRT vùng Đại Jakarta trong tương lai.
Theo ITDP, chiến lược tích hợp được đánh giá là thành công với việc triển khai ứng dụng thanh toán Jak Lingko cho phép hành khách sử dụng các phương tiện giao thông công cộng khác nhau với một mức phí cố định. Việc đưa vào vận hành các xe buýt điện Transjakarta và cải tạo các bến giao thông công cộng được kết nối trực tiếp với các nhà ga Commuter Line cũng góp phần vào thành công này.
Ngoài ra, trong hai năm vừa qua, thủ đô Jakarta đã cải tạo và xây mới hàng loạt cơ sở hạ tầng giao thông dành cho người đi bộ; xây dựng các làn đường dành cho người đi xe đạp với tổng chiều dài 63 km vào năm 2019 và có kế hoạch xây dựng thêm 500 km làn đường dành cho xe đạp trong thời gian tới.
Theo Giám đốc ITDP khu vực Đông Nam Á Faela Sufa, STA tôn vinh các thành phố mặc dù còn những hạn chế, nhưng đã có nhiều cố gắng để thiết lập một hệ thống giao thông công bằng, với giá cả phải chăng và bao trùm cho tất cả mọi người. Trong khi đó, Giám đốc điều hành ITDP Heather Thompson bày tỏ hy vọng rằng chiến thắng của Jakarta sẽ truyền cảm hứng cho các thành phố khác ở Indonesia và trên toàn thế giới.
Thủ tướng Nhật Bản gửi thông điệp đến Trung Quốc
Thủ tướng Suga Yoshihide hôm 21-10 tuyên bố Nhật Bản phản đối mọi hành động làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông lẫn biển Hoa Đông trong thông điệp được cho là gửi đến Trung Quốc.
"Ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi kết nối giao thông hàng hải giữa Nhật Bản và ASEAN, chúng ta có thể đạt được hòa bình và thịnh vượng bằng cách thực thi nghiêm pháp trị, cho phép sự tự do và cởi mở. Nhưng ở biển Đông, những hành động trái ngược đang được thực hiện và chúng tôi hiện theo dõi tình hình với sự quan ngại sâu sắc" - Thủ tướng Suga khẳng định.
Tại buổi họp báo ở thủ đô Jakarta trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Indonesia, nhà lãnh đạo này còn cam kết củng cố quan hệ quốc phòng với các nước Đông Nam Á và tăng cường giúp các quốc gia này cải thiện năng lực hàng hải, trong đó có huấn luyện và chuyển giao thiết bị từ Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Ông Suga cũng kêu gọi các bên liên quan đến vấn đề biển Đông giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, tránh dùng vũ lực hoặc hành động cưỡng ép.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại buổi họp báo ở thủ đô Jakarta - Indonesia hôm 21-10 Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, chuyến công du Việt Nam và Indonesia của Thủ tướng Suga là một phần nỗ lực của Nhật Bản nhằm thắt chặt quan hệ với các nước thành viên ASEAN và giúp khôi phục nền kinh tế đất nước. Ngoài ra, việc ông Suga chọn Đông Nam Á là điểm đến trong chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức còn nhằm nêu bật tầm quan trọng của khu vực này đối với Nhật Bản.
Chuyến đi diễn ra sau cuộc họp ở thủ đô Tokyo vào tháng này của "Bộ tứ kim cương" (gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ). Trung Quốc mô tả nhóm này là một "NATO thu nhỏ" nhằm kìm hãm sự phát triển của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Thủ tướng Suga đã bác bỏ chỉ trích này đồng thời nhấn mạnh những hành động của Tokyo ở biển Đông không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào.
Dù vậy, Nhật Bản xem việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động quân sự là một mối đe dọa an ninh và sách trắng quốc phòng của họ cáo buộc Bắc Kinh đơn phương thay đổi hiện trạng biển Đông. Tại mỗi chặng dừng chân của chuyến công du, Thủ tướng Suga đều nhấn mạnh rằng các nước Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng "một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Đây là tầm nhìn về sự hợp tác kinh tế và an ninh giữa các nước do người tiền nhiệm Abe Shinzo khởi xướng để đối phó với ảnh hưởng và sức mạnh gia tăng của Trung Quốc. Về mặt ngắn hạn, chính phủ của ông Suga dự kiến theo đuổi phần lớn chính sách đối ngoại của ông Abe.
Gia tăng các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao tại Indonesia Đơn vị đặc trách ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Indonesia ngày 8/9 thông báo các vùng dịch có nguy cơ lây nhiễm cao ở nước này đã mở rộng trong thời gian gần đây với số ca mắc gia tăng. Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 19/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN...