Indonesia dựng lều dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19
Các phòng cấp cứu ở Jakarta phải chuyển sang lều dã chiến dựng bên ngoài bệnh viện, khi các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 quá tải.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin hôm nay cho biết ba bệnh viện ở thủ đô Jakarta đang được chuyển đổi công năng để tập trung điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, khi số ca Covid-19 ở thành phố này tăng vọt.
Hai trung tâm cách ly cũng đang được thiết lập để có thêm 7.000 giường điều trị cho bệnh nhân Covid-19. “Đại dịch này sẽ kéo dài bao lâu nữa phụ thuộc vào tất cả chúng ta”, ông nói.
Một bệnh nhân Covid-19 trong lều cấp cứu dã chiến bên ngoài một bệnh viện ở Jakarta, Indonesia, hôm 24/6. Ảnh: Reuters .
Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết tính đến hôm 23/6, tỷ lệ lấp đầy giường cách ly ở thủ đô đã lên tới 90%, trong khi giường chăm sóc tích cực (ICU) cũng kín 86%. Tổng số ca nhiễm nCoV tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới tuần qua đã vượt 2 triệu. Số ca nhiễm mới hôm 24/6 lên tới 20.574, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch.
Video đang HOT
Dịch bùng phát mạnh khiến hệ thống y tế vốn mong manh của Indonesia càng thêm áp lực, các bệnh viện ở một số thành phố hoạt động gần hết công suất. Để trấn an nỗi lo về nguy cơ thiếu oxy, Bộ trưởng Sadikin cho biết họ có thể đảm bảo nguồn cung oxy đầy đủ cho các bệnh viện.
Trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều ca nhiễm biến chủng Delta trên khắp đất nước, cùng năng lực xét nghiệm và truy vết tiếp xúc kém, giới chuyên gia y tế cảnh báo Indonesia có nguy cơ hứng chịu thảm cảnh mà Ấn Độ từng trải qua.
Hồi đầu tuần, chính phủ ban hành các biện pháp chặt chẽ hơn tại những nơi bị phân loại là “vùng đỏ”, bao gồm hạn chế làm việc tại văn phòng, giảm thời gian mở cửa các nhà hàng và trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia Joko Widodo từ chối áp lệnh phong tỏa hoàn toàn, cho rằng những biện pháp hạn chế hiện nay là lựa chọn tốt nhất, bởi chúng có thể được thực hiện mà không “giết chết” nền kinh tế.
Indonesia có kỷ lục hơn 15.000 ca COVID-19, xử lý không kịp xác người bệnh
Số ca nhiễm mới trong ngày ở Indonesia tiếp tục đạt kỷ lục mới với 15.308 ca, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 2.033.421, cao nhất ở Đông Nam Á. Nhiều trường hợp qua đời vì COVID-19 phải đợi nhiều giờ để được xử lý.
Nhân viên y tế mang thi thể một người đàn ông chết vì COVID-19 từ nhà của bệnh nhân này ở thành phố Bandung, Indonesia ngày 23-6 - Ảnh: AFP
Ngày 23-6, Indonesia đã ghi nhận kỷ lục mới 15.308 ca nhiễm trong 24 giờ, cao nhất từ đầu đại dịch COVID-19 tới nay, nâng tổng số ca nhiễm ở xứ sở vạn đảo lên 2.033.421.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này tăng thêm 303 ca, lên tổng cộng 55.594 ca, theo Hãng tin Reuters.
Dịch COVID-19 đã lan sang toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia. Hiện nay Indonesia là quốc gia có số ca nhiễm và ca tử vong do COVID-19 cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Tại thủ đô Jakarta, Hãng tin Reuters ngày 23-6 tường thuật câu chuyện phải mất hơn 13 giờ để một thi thể bệnh nhân COVID-19 được thu thập trong bối cảnh số người chết tăng cao.
Cụ thể, cảnh sát khu vực cảng Tanjung Priok cho biết hôm 21-6, họ đã nhận được cuộc gọi thông báo về một thi thể của bệnh nhân COVID-19 được bọc trong vải trắng và bị bỏ lại trước cửa một ngôi nhà ở Bắc Jakarta.
Do không được phép xử lý thi thể bệnh nhân COVID-19, các sĩ quan cảnh sát đã gọi cho lực lượng chuyên trách địa phương. Tuy nhiên, họ được thông báo là phải chờ.
"Thi thể đó ở vị trí thứ 8 trong danh sách chờ vì lực lượng chuyên trách COVID-19 ở Jakarta đang xử lý thi thể của các bệnh nhân khác" - ông Ghulam Pasaribu, cảnh sát trưởng khu vực Tanjung Priok, cho biết.
Ông Ghulam Pasaribu nói rằng thi thể trên đã được thu thập lúc 1h30 sáng 22-6, hơn 13 giờ sau khi được phát hiện. Đây là một trong 143 thi thể được ghi nhận ở Jakarta trong ngày hôm đó, nhiều nhất kể từ đầu đại dịch.
Trong bối cảnh cộng đồng y tế kêu gọi áp dụng các biện pháp hạn chế xã hội rộng hơn để chống dịch, Tổng thống Joko Widodo của Indonesia nói rằng biện pháp hạn chế cấp khu phố hiện nay "vẫn là chính sách phù hợp nhất đối với bối cảnh hiện tại để kiểm soát COVID-19, vì nó có thể thực hiện mà không phải đóng cửa nền kinh tế", theo tạp chí Nikkei Asia .
Ông Widodo thúc giục người dân Indonesia nhanh chóng đi tiêm vắc xin COVID-19. "Nếu có cơ hội để tiêm vắc xin, đừng từ chối. Không có tôn giáo nào cấm vắc xin vì nó giúp chúng ta an toàn. Vắc xin là lựa chọn tốt nhất vào lúc này" - ông Widodo giải thích.
WHO dự báo cần tiêm vaccine Covid-19 hàng năm WHO cho rằng những người dễ bị tổn thương nhất bởi Covid-19, như người cao tuổi, có thể cần tiêm lại vaccine hàng năm để chống các biến thể. Dự báo này được đưa ra trong một tài liệu nội bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và sẽ được thảo luận hôm nay tại cuộc họp hội đồng quản trị...