Indonesia đề nghị Campuchia tuần tra chung Biển Đông
Indonesia sẵn sàng cung cấp các tàu chiến cho Campuchia để tăng cường hoạt động hải quân chung, trong đó có tuần tra ở Biển Đông.
Tàu khu trục KRI Karel Satsuitubun của hải quân Indonesia. Ảnh: Wikipedia
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu hôm qua có cuộc gặp với Thủ tướng Hun Sen và người đồng cấp của Campuchia Tea Banh.
Phnom Penh Post cho biết hai bên đã trao đổi về một thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới giữa hai quốc gia, trong đó có nội dung tăng cường huấn luyện quân sự và mua bán các vũ khí.
Theo văn phòng Tùy viên Quốc phòng Indonesia, thỏa thuận này sẽ cho phép Indonesia huấn luyện cho binh sĩ thuộc các nhánh của lực lượng vũ trang Campuchia và bán các vũ khí do Jakarta sản xuất.
Ông Ryacudu cho hay ông cũng đề nghị bán các tàu chiến cho Campuchia để nước này tăng cường hợp tác với Indonesia trong các hoạt động hải quân, đặc biệt là tuần tra chung ở Biển Đông.
Video đang HOT
“Chúng tôi có xưởng đóng tàu riêng, khả năng khá tốt và chúng tôi đã sản xuất các tàu được Philippines mua lại, đó những gì mà chúng tôi muốn cung cấp cho phía Campuchia nếu họ muốn mua”, ông Ryacudu nói. “Chúng tôi muốn bán cho họ với giá đặc biệt, một giá hữu nghị”.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat cho hay nước này cần tàu chiến mới nhưng ngân sách có hạn. Ông cũng nói rằng chưa có thêm thông tin gì về kế hoạch mua hai tàu khu trục của Trung Quốc mà ông Tea Banh tuyên bố hồi tháng hai.
Campuchia được cho là hiện có một hạm đội tàu nhỏ gồm 20 chiếc, trong đó có 8 tàu tuần tra do Trung Quốc sản xuất. Quân đội nước này đang thiếu cả tài chính lẫn nhân lực có khả năng sử dụng các tàu hiện đại.
Biển Đông là nơi Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với các nước ASEAN gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Indonesia, một trong những nước có ảnh hưởng lớn trong khối ASEAN, không có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng mâu thuẫn với Bắc Kinh về quyền đánh cá gần quần đảo Natuna.
Sau khi Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan, bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước thành viên ASEAN có sự chia rẽ về quan điểm. Trong đó, Campuchia tuyên bố không ủng hộ phán quyết trên và đã ngăn ASEAN đề cập đến vấn đề này trong tuyên bố chung tại Hội nghị Ngoại trưởng của khối.
Anh Ngọc
Theo VNE
Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông sau phán quyết 'đường lưỡi bò'
Washington kêu gọi các nước liên quan kiềm chế và xem xét kỹ phán quyết của Tòa về vụ kiện "đường lưỡi bò".
Khu trục hạm Spruance của Mỹ tuần tra ở Biển Đông. Ảnh: US Navy
"Các chuyến tuần tra ở Biển Đông là điều chúng tôi đã thực hiện trong nhiều thập kỷ nhằm bảo vệ quyền của tất cả các nước đưa thuyền và máy bay hoạt động ở những nơi luật quốc tế cho phép, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều đó", bà Colin Willett, Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ, nhấn mạnh khi trao đổi qua điện thoại hôm 14/7 với một số phóng viên châu Á, trong đó có VnExpress.
Theo bà Willett, phán quyết của Tòa trọng tài hôm 12/7 với vụ kiện do Philippines đưa ra mang tính quyết định và ảnh hưởng sâu rộng, đồng thời cũng rất phức tạp, với khối lượng đồ sộ gần 500 trang. Do đó, các nước liên quan, gồm Philippines, Trung Quốc, Mỹ và cộng đồng quốc tế cần dành thời gian xem xét kỹ, đánh giá những gợi ý của phán quyết.
Trước nhiều câu hỏi về việc Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ làm gì nếu Trung Quốc có hành động khiêu khích ở khu vực, bà Willett từ chối đưa ra dự đoán về diễn biến sắp tới, cho rằng "còn quá sớm" để đánh giá.
Trong khi đó, Mỹ kêu gọi các bên liên quan kiềm chế không có cách hành xử khiêu khích, hăm dọa, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Washington cho rằng các nước cần tôn trọng luật pháp, làm rõ yêu sách của mình theo luật biển (UNCLOS), tìm kiếm cách thức có thể chấp nhận được hoặc giải quyết những khác biệt một cách hòa bình.
Bà Willett bày tỏ, khi phán quyết của Tòa là ràng buộc với các bên, gồm Philippines và Trung Quốc, Mỹ trông đợi các nước này sẽ tuân thủ, thực hiện nghĩa vụ của mình.
Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington hợp tác với các nước liên quan để khuyến khích họ sử dụng phán quyết làm cơ sở để thảo luận, tìm ra những phương cách như hợp tác chung hoặc quy tắc về cách hành xử.
Đề cập tới lo ngại Bắc Kinh có thể lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng bất kỳ hành động nào cản trở tự do hàng hải và hàng không có thể bị coi là khiêu khích, "là điều không thể chấp nhận được với bất kỳ ai".
Việt Anh
Theo VNE
Philippines kêu gọi Trung Quốc thượng tôn pháp luật Ngoại trưởng Philippines kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp, an ninh trên biển và nguyên tắc thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. Ảnh: ABS CBN. "Chúng tôi... kêu gọi Trung Quốc đảm bảo tôn trọng kiên quyết và hoàn toàn luật pháp và an ninh trên biển", Reuters dẫn lời Ngoại...