Indonesia đang trong “kịch bản tồi tệ nhất”, nguy cơ thành Ấn Độ thứ hai
Indonesia thừa nhận đang ở trong “kịch bản tồi tệ nhất” khi số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng vọt do biến thể Delta.
Nhân viên chôn cất thi thể nạn nhân Covid-19 tại Indonesia (Ảnh: Bloomberg).
Indonesia ngày 14/7 ghi nhận thêm 54.000 ca mắc Covid-19 mới, cao gấp 10 lần so với số ca nhiễm hàng ngày hồi đầu tháng 6. Đây cũng là kỷ lục mới nhất trong chuỗi kỷ lục về Covid-19 được thiết lập tại Indonesia trong một tháng qua.
Indonesia hiện là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á. Tính đến nay, nước này ghi nhận hơn 69.200 ca tử vong vì Covid-19, trong khi số ca nhiễm vượt 2,6 triệu người. Một số chuyên gia cho rằng, con số thực tế còn cao hơn nhiều so với số liệu công bố chính thức.
Trong cuộc họp báo được phát trực tuyến, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan cảnh báo các ca mắc Covid-19 hàng ngày vẫn có thể tăng cao do biến thể Delta. Biến thể này được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ, có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 3 tuần.
“Chúng tôi đang ở trong tình huống tồi tệ nhất”, ông Luhut nói.
“Nếu 60.000 ca mỗi ngày hoặc nhiều hơn thế, chúng tôi vẫn có thể ứng phó. Chúng tôi hy vọng không phải là 100.000 ca mỗi ngày, nhưng ngay cả khi chúng tôi đến mức đó, chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng”, quan chức Indonesia nói thêm.
Video đang HOT
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết biến thể Delta đã được tìm thấy ở 11 khu vực bên ngoài Java – đảo đông dân nhất của Indonesia.
Bệnh nhân chờ nhập viện bên ngoài khu cấp cứu của một bệnh viện điều trị Covid-19 ở Indonesia (Ảnh: Reuters).
Chính phủ Indonesia đã chuyển đổi một số tòa nhà thành cơ sở cách ly, triển khai các bác sĩ và y tá mới tốt nghiệp để điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nhập khẩu thuốc điều trị và ôxy. Hơn 2.000 bác sĩ mới tốt nghiệp và 20.000 y tá sẽ sớm được triển khai đến các bệnh viện tại Indonesia.
Các bệnh viện ở Java đã bị đóng cửa trong những tuần gần đây. Nhiều người phải vật lộn để được điều trị và hàng trăm người tử vong trong thời gian tự cách ly. Từ đầu tháng 6, phần lớn trong số 550 người chết trong thời gian tự cách ly là bệnh nhân ở Java.
Các ca nhiễm và nhập viện cũng tăng lên ở các vùng Sumatra, Kalimantan và các khu vực xa xôi hơn như Tây Papua, nơi cơ sở y tế không được trang bị đầy đủ để ứng phó dịch bệnh.
“Chúng ta phải giám sát chặt chẽ việc này, vì nếu có điều gì đó xảy ra ở các khu vực đó, năng lực y tế của họ sẽ yếu hơn Jakarta hoặc Java”, Bộ trưởng Budi cho biết.
Ở Đông Nusa Tenggara, số ca nhiễm đã tăng hơn gấp đôi trong 3 ngày qua, trong khi ở Lampung, Sumatra, tỷ lệ giường bệnh có bệnh nhân đã lên tới 86%, Đông Kalimantan là 85% và Tây Papua là 79%.
Ismen Mukhtar, nhà dịch tễ học ở Lampung, cho biết các khu vực của Indonesia rất dễ bị tổn thương.
Theo ông Luhut, vắc xin kém hiệu quả hơn trước biến thể Delta, gây ra phần lớn ca nhiễm trên đảo Java. Tuy nhiên, ông kêu gọi người dân tiêm chủng để giúp ngăn ngừa ca bệnh nặng và tử vong.
Chính phủ Indonesia đang phân tích tình hình và sẽ quyết định có mở rộng các biện pháp hạn chế khẩn cấp hiện tại, dự kiến hết hạn vào ngày 20/7 hay không.
Trong khi các chuyên gia y tế cảnh báo Indonesia có thể trở thành Ấn Độ tiếp theo, chính phủ Indonesia đã cố gắng tăng cường công suất và đảm bảo cung cấp đủ ôxy. Bộ trưởng Luhut ngày 14/7 cho biết nguồn cung ôxy vẫn đang được quản lý tốt, với hơn 1.500 máy tạo ôxy dự kiến sẽ được chuyển từ Singapore và Trung Quốc tới Indonesia.
Ghi nhận gần 50.000 ca mắc mới, Indonesia vượt Ấn Độ thành tâm dịch châu Á
Indonesia, quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á, đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục trong ngày 13/7, vượt cả Ấn Độ, khiến nước này thành trở thành tâm dịch mới tại châu Á.
Số ca Covid-19 tăng nhanh đẩy các cơ sở y tế Indonesia vào tình trạng quá tải (Ảnh: Getty).
Indonesia đã vượt Ấn Độ trở thành tâm dịch Covid-19 của châu Á, với số ca nhiễm mới vượt con số 40.000 trong 2 ngày liên tiếp, trong bối cảnh các quan chức cảnh báo biến chủng Delta đang lây lan rất mạnh.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á ngày 13/7 ghi nhận 47.899 ca Covid-19 mới, mức cao kỷ lục, tăng đáng kể so với con số 40.427 ca vào ngày 12/7. Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ hôm qua giảm xuống còn 32.906 so với con số 37.154 trong ngày 12/7.
Đáng báo động là trong khi số ca nhiễm mới hàng ngày tăng đột biến, dân số (270 triệu dân) của Indonesia chỉ bằng 1/5 của Ấn Độ. Indonesia hiện ghi nhận khoảng 132 ca/1 triệu người so với con số 26 ca của Ấn Độ, theo trang Our World in Data.
Mặc dù số ca tử vong mỗi ngày tại Indonesia chưa đến 50% so với con số 2.020 ca của Ấn Độ nhưng số ca tử vong bình quân đầu người của Indonesia cao hơn - trung bình cứ 1 triệu dân lại có 3 người tử vong, so với con số chưa đến 1 của Ấn Độ.
Theo Nikkei Asi a, số liệu trên được đánh giá là chưa đầy đủ do Indonesia còn yếu kém trong việc xét nghiệm và truy vết. Tỷ lệ ca nhiễm ở Indonesia - được xác nhận nhiễm bệnh so với số người được xét nghiệm - đã dao động khoảng 30% trong tuần qua, trong khi con số này ở Ấn Độ chỉ 2%.
Xét về tổng cộng, số ca nhiễm được xác nhận ở Ấn Độ vẫn cao nhất châu Á với hơn 30,9 triệu ca nhiễm và 410.784 ca tử vong tính đến ngày 13/7. Tiếp theo là Indonesia với hơn 2,6 triệu ca nhiễm và 68.219 ca tử vong.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Sadikin ngày 13/7 cho biết, tỷ lệ sử dụng giường cho bệnh nhân Covid-19 tại 12 tỉnh đã vượt quá 70% - một nửa trong số đó ở đảo Java và còn lại ở các đảo lớn khác của Indonesia. Tại thủ đô Jakarta, tỷ lệ này là gần 90% mặc dù gần đây một số cơ sở đã được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến chuyên dùng để chống dịch.
Bộ trưởng Sadikin cho biết thêm, chính phủ đang chuẩn bị cho kịch bản số ca nhiễm có thể tăng 30% trong 2 tuần tới và tiếp tục tăng đột biệt ở các khu vực khác. Kịch bản ứng phó này bao gồm kế hoạch chuyển đổi nhiều giường bệnh thường giường điều trị Covid-19.
Đầu năm nay, chính phủ Indonesia đã sử dụng 30% trong số 400.000 giường bệnh trên toàn quốc để điều trị bệnh nhân Covid-19, nhưng các giường bệnh nhanh chóng kín chỗ sau kỳ nghỉ lễ Eid của người Hồi giáo vào tháng 5 và khi biến chủng Delta hoành hành khắp cả nước.
Phát biểu trong một buổi điều trần trước Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Sadikin nói: "Trên cả nước vẫn còn giường bệnh nhưng ở một số tỉnh, các cơ sở y tế đang dần quá tải, do biến chủng Delta tấn công chủ yếu ở Java. Nhưng chúng ta đã thấy, dịch bệnh đang lan ra bên ngoài Java đến Lampung, Đông Kalimantan, Nam Sumatra, Tây Papua, Quần đảo Riau và Bengkulu".
Ông Sadikin cũng nói về tình trạng thiếu nhân viên y tế, nguồn oxy và thuốc điều trị Covid-19.
Tổng giám mục Nga gọi người không tiêm vaccine là tội đồ Giới chức giáo hội Nga chỉ trích những người từ chối tiêm vaccine Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong tiếp tục tăng mạnh. Thế giới đã ghi nhận 184.856.671 ca nhiễm nCoV và 3.998.655 ca tử vong, tăng lần lượt 281.074 và 4.401, trong khi 167.424.532 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers. Nga...