Indonesia chuẩn bị triển khai ‘bong bóng du lịch’
Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị thực hiện chính sách “ bong bóng du lịch” với một số nước thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 và có thỏa thuận thiết lập hành lang du lịch với quốc gia Đông Nam Á này.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-10 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 6/6, ông Sonny Harmadi, quan chức thuộc Lực lượng Đặc nhiệm xử lý COVID-19, cho biết “bong bóng du lịch” sẽ giúp người dân và du khách tự do đi lại và được miễn yêu cầu tự cách ly khi nhập cảnh. Theo ông, có 3 khu vực được ưu tiên nối lại hoạt động du lịch bao gồm Bintan, Batam ở tỉnh Quần đảo Riau và Bali. Hiện chính phủ đang hoàn thiện quy định triển khai “bong bóng du lịch” ở ba khu vực này.
Chính phủ Indonesia cũng đang cân nhắc một số yếu tố tại các khu vực nằm trong chương trình “bong bóng du lịch” như tỷ lệ lây nhiễm thấp, số ca dương tính và năng lực tiếp nhận của các cơ sở y tế trong giới hạn an toàn, trước khi nới lỏng các hạn chế cộng đồng.
Ông Sonny cho hay Bộ Du lịch và kinh tế sáng tạo sẽ mở cửa theo từng giai đoạn đối với khách du lịch nước ngoài tại Bali và Quần đảo Riau. Chính quyền địa phương sẽ thiết lập các “vùng xanh” tại hai tỉnh này trước khi áp dụng “bong bóng du lịch” đối với các du khách nước ngoài.
Tại thiên đường du lịch Bali, các “vùng xanh” sẽ được thiết lập ở các thị trấn Sanur, Ubud và Nusa Dua. Trong khi đó, ở Quần đảo Riau, chính phủ sẽ thiết lập vùng xanh ở 3 khu nghỉ dưỡng trên đảo Bintan và một số sân golf trên đảo Batam.
Trong quá trình thực hiện “bong bóng du lịch”, chính phủ sẽ áp đặt các điều kiện nhất định đối với du khách nước ngoài, như phải tiến hành xét nghiệm PCR có kết quả âm tính trước và sau khi nhập cảnh vào Indonesia. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ ban hành các quy định liên quan đến du khách đã được tiêm phòng đầy đủ. Theo ông Sonny, Bộ Du lịch và kinh tế sáng tạo đã hoàn tất kế hoạch hợp tác thiết lập “bong bóng du lịch” với 5 quốc gia bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Trung Quốc, Singapore và Hà Lan.
Cùng ngày, người phát ngôn chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 của Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết chính phủ nước này đã nhận được thêm 313.100 liều vaccine AstraZeneca. Lô vaccine nói trên đã được bàn giao vào ngày 5/6, nâng tổng số vaccine ngừa COVID-19 mà Indonesia đã tiếp nhận lên 92,2 triệu liều.
Bà Siti Nadia nhấn mạnh rằng việc tiếp nhận lô vaccine AstraZeneca từ cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX là thành quả các nỗ lực của Chính phủ Indonesia từ tháng 10/2020. Thông qua cơ chế hợp tác đa phương này, Indonesia được đảm bảo vaccine để tiêm chủng cho 20% dân số.
Theo bà Siti Nadia, tính đến nay Indonesia đã nhận được tổng cộng 3 triệu liều vaccine của Sinovac, 6,7 triệu liều vaccine AstraZeneca, 1 triệu liều vaccine của Sinopharm và nguyên liệu để sản xuất 81,5 triệu liều vaccine của Sinovac. Chính phủ Indonesia cũng đang nỗ lực cải thiện các dịch vụ tiêm chủng nhằm đạt mục tiêu tiêm trung bình 1 triệu liều/ngày từ tháng này nhằm nhanh chóng đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Hiện chương trình tiêm chủng quốc gia đã được triển khai đối với các nhân viên y tế, công chức và viên chức, người cao tuổi và đang bắt đầu tiêm cho những người trên 50 tuổi.
Tính đến ngày 4/6, tổng cộng đã có 17,3 triệu người được tiêm mũi đầu tiên và 11,1 triệu người khác đã được tiêm đầy đủ hai mũi. Ngoài ra, trên 49.000 lao động cũng đã được tiêm chủng trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng tư nhân mang tên Gotong Royong (Hợp tác cùng nhau).
Video đang HOT
Indonesia: Cách tiếp cận nào để hỗ trợ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch?
Phụ nữ nghèo làm việc trong khu vực phi chính thức chủ yếu là lao động tự do. Vì vậy, những phụ nữ này có nguy cơ bị mất nguồn thu nhập trong đại dịch COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 5/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Trang mạng The Coversation mới đây đăng tải bài viết "Đối tượng nào tại Indonesia dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19?", trong đó chỉ ra rằng những người phụ nữ Indonesia đang là đối tượng chịu thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.
Bài viết cũng đưa ra những khuyến nghị để Chính phủ Indonesianghiên cứu triển khai nhằm bảo đảm quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội Indonesia, giúp cho những đối tượng này giảm bớt khó khăn, sớm vượt qua thách thức nhất là trong khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu chấm dứt tại nước này. Nội dung bài viết cụ thể như sau:
Đại dịch COVID-19 không phân biệt giàu nghèo, giai cấp hay tri thức, bất kể tầng lớp nào trên thế giới cũng đều bị ảnh hưởng.
Nhưng theo nghiên cứu của các nhà xã hội học, tại Indonesia, đối tượng dễ bị tổn thương nhất do COVID-19 chính là những phụ nữ nghèo trong xã hội. Đây là nhóm người đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hiện nay.
Các nhà xã hội học chỉ ra rằng những người phụ nữ Indonesia phải gánh vác công việc không được trả lương, bao gồm cả chăm sóc gia đình, con cái do tình trạng bất bình đẳng giới kéo dài trong xã hội và sự phân biệt đối xử trong thị trường lao động tại quốc gia Hồi giáo này.
Gánh nặng của những người phụ nữ Indonesia càng bị nhân lên gấp nhiều lần khi đại dịch COVID-19 bùng nổ tại nước này, bởi việc tiếp cận với các dịch vụ y tế và giáo dục bị hạn chế đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Các nghiên cứu mới nhất cho thấy phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ nghèo tại Indonesia đang phải chịu đựng nhiều hơn những đối tượng khác trong xã hội do đại dịch những gì đại dịch COVID-19 gây ra, làm cho họ càng gặp nhiều rủi ro về sức khỏe và bất lợi về mặt kinh tế.
Theo số liệu báo cáo y tế quốc tế, mặc dù nam giới có nhiều khả năng tử vong do virus SARS-CoV-2 hơn, nhưng phụ nữ và nam giới đều có các nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm COVID-19 như nhau. Vấn đề bất bình đẳng giới tồn tại trong xã hội Indonesia từ rất lâu đã khiến phụ nữ nước này có nguy cơ bị lây nhiễm virus cao hơn.
Tại Indonesia, do liên quan đến vấn đề định kiến giới, người phụ nữ tại quốc gia này rất ít khi sở hữu hoặc sử dụng phương tiên giao thông cá nhân. Họ thường xuyên lựa chọn loại hình giao thông công cộng để di chuyển.
Đây cũng được đánh giá là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ tại Indonesia có nguy cơ lây nhiễm virus cao hơn khi các hạn chế xã hội được nới lỏng và việc đi lại của người dân bắt đầu trở lại bình thường.
Nhìn chung, người nghèo tại Indonesia ít có điều kiện tiếp cận với các bệnh viện và cơ sở y tế khám chữa bệnh. Nhưng đối tượng là phụ nữ nghèo tại Indonesia gần như không bao giờ có điều kiện để tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh.
So với những đối tượng là nam giới nghèo, chỉ có 6,2% phụ nữ nghèo đã từng đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh, trong khi tỷ lệ này của nam giới là 7%.
Theo kết quả điều tra kinh tế - xã hội quốc gia năm 2019 của Indonesia, có ít nhất 11 triệu hộ gia đình có chủ hộ là nữ giới, tương đương với 15% tổng số hộ gia đình tại Indonesia. Các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ này luôn có điều kiện sống kém hơn các hộ gia đình do nam giới làm chủ.
Những phụ nữ này và gia đình của họ sống với điều kiện thiếu thống những nhu cầu tối thiểu nhất như nước sạch, điều kiện môi trường vệ sinh kém, không gian sống chật hẹp...Điều này khiến cho việc giữ khoảng cách xã hội để ngăn ngừa dịch bệnh trở nên khó khăn hoặc không thể, khiến họ càng có thêm nguy cơ nhiễm COVID-19.
Một tuyến phố ở thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 1/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Trong giai đoạn các hoạt động kinh tế ngừng hoạt động, các trường học buộc phải đóng cửa do đại dịch COVID-19, điều này cũng tác động, ảnh hưởng lớn đến những người phụ nữ tại Indonesia. Khu vực phi chính thức của Indonesia thống trị nền kinh tế của đất nước này, với khoảng 70,5 triệu người làm việc trong khu vực này vào năm 2019.
Con số đó chiếm hơn 50% tổng lực lượng lao động của Indonesia. Đại dịch COVID-19 làm tổn thương hầu hết những người làm việc trong khu vực phi chính thức, khi nhu cầu giảm và các doanh nghiệp như nhà hàng và khách sạn ngừng hoạt động do các chính sách giãn cách xã hội quy mô lớn.
Năm 2015, gần một nửa dân số nghèo của Indonesia làm việc trong khu vực phi chính thức, trong đó những phụ nữ nghèo chiếm phần nhiều. Trình độ học vấn trung bình thấp hơn khiến họ khó tìm được việc làm trong khu vực chính thức.
Phụ nữ nghèo làm việc trong khu vực phi chính thức chủ yếu là lao động tự do hoặc làm việc theo các hợp đồng không đảm bảo. Vì vậy, những phụ nữ này có nguy cơ bị mất nguồn thu nhập trong đại dịch COVID-19.
Chính phủ Indonesia đã thiết lập chương trình Phục hồi kinh tế quốc gia với tổng ngân sách là 677.200 tỷ rupiah (42 tỷ USD), trong đó bao gồm phân bổ quỹ trợ giúp xã hội cho người nghèo.
Tuy nhiên cho đến nay, các phản hồi chính sách cho thấy vẫn chưa giải quyết cụ thể nhu cầu của các nhóm yếu thế, bao gồm cả phụ nữ. Số liệu mới nhất cho thấy số nam giới nhận trợ cấp xã hội kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Indonesia luôn chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới.
Việc Chính phủ Indonesia không tiếp cận được đúng đối tượng cần trợ giúp là do chính sách giải ngân phức tạp và thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng đối với nhu cầu của các nhóm yếu thế trong xã hội Indonesia.
Danh sách những người được trợ giúp từ chương trình này vẫn dựa trên dữ liệu cũ từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Indonesia.
Trong khi đó, vẫn chưa rõ những nỗ lực nào sẽ được thực hiện để tiếp cận các nhóm yếu thế sau đại dịch. Nhận thức được các nhu cầu khác nhau của các nhóm dân cư khác nhau là điều cần thiết để nhắm mục tiêu và hỗ trợ những người có nhu cầu thực sự một cách hiệu quả.
Trong khi, chính sách giải ngân quỹ hiện tại không dễ dàng đối với người nộp đơn xin trợ giúp, đặc biệt là phụ nữ bị hạn chế khả năng di chuyển.
Theo hệ thống hiện tại, mỗi người nộp đơn xin trợ giúp phải cung cấp các loại giấy chứng nhận của chính quyền địa và rất nhiều thủ tục hành chính phiền phức khác. Quá trình đăng ký phức tạp và dài ngày này có thể khiến nhiều người chán nản bỏ cuộc.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Indonesia có thể sớm nghiên cứu đưa ra phương thức đăng ký mới để những đối tượng yếu thế trong xã hội có thể nhận trợ cấp xã hội một cách thuận lợi.
Chẳng hạn như thông qua các ứng dụng trực tuyến hoặc sử dụng các tổ chức có mạng lưới tốt ở các vùng sâu vùng xa, chẳng hạn như dịch vụ bưu chính của nhà nước.
Chính phủ Indonesia cũng có thể chủ động tiếp cận và đăng ký những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bằng cách triển khai các công việc cụ thể xuống cấp chính quyền địa phương...
Có như vậy, những đối tượng yếu thế trong xã hội Indonesia như những phụ nữ hiện nay mới có thể phần nào giảm bớt khó khăn, vượt qua những thách thức vô cùng lớn trong giai đoạn bệnh dịch này.
Doanh nghiệp tư nhân Indonesia giúp thúc đẩy tiếp cận vaccine Covid-19 Indonesia triển khai 2 gọng kìm - tiêm chủng quốc gia và tiêm chủng tư nhân - để giúp người dân sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Đến nay, Indonesia có tổng cộng hơn 1,8 triệu ca mắc Covid-19, cao nhất trong các quốc gia Đông Nam Á. Với 50.578 ca tử vong, Indonesia đứng thứ 3 tại châu Á và đứng thứ...