Indonesia bất ngờ lên án việc Mỹ cho tàu áp sát đảo nhân tạo
Chính phủ Indonesia hôm 29.10 đã bày tỏ bất đồng với hành động “thể hiện quyền lực” của Mỹ khi cho tàu chiến áp sát đảo nhân tạo Trung Quôc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.
USS Lassen, khu trục hạm Mỹ đã áp sát đảo nhân tạo Trung Quôc xây dựng phi pháp trên Đá Xu Bi ở Biển Đông – Anh: Reuters
“Chúng tôi không đồng tình, chúng tôi không thích bất kỳ hành động thể hiện quyền lực nào”, hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn lời ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng đặc trách các vấn đề về chính trị, pháp lý, an ninh của Indonesia, cho hay.
“Có bao giờ các bạn nghe thấy việc thể hiện quyền lực có thể giải quyết được các vấn đề chưa? Ở Afghanistan? Ở Iraq? Mỹ đã tiêu tốn hàng ngàn tỉ USD tại 2 nước này. Thế kết quả là gì? Hàng trăm ngàn người thiệt mạng. Rồi giờ thì bạo động vẫn tiếp diễn ở Iraq”, ông Pandjaitan phát biểu với một nhóm phóng viên.
Phát biểu của vị quan chức an ninh Indonesia được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc điều khu trục hạm USS Lassen đi vào phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo trên Đá Xu Bi do Trung Quốc xây dựng phi pháp. Bắc Kinh đã lên án động thái này là “cố tình khiêu khích”.
Ông Pandjaitan còn nói thêm rằng tình hình lộn xộn hiện tại ở Afghanistan, Iraq và một số quốc gia Trung Đông khác là hậu quả của màn thể hiện quyền lực từ các cường quốc.
Video đang HOT
“Chúng tôi không muốn như vậy vì chúng tôi đã thấy rằng thể hiện quyền lực sẽ chẳng giải quyết được gì. Indonesia tin vào truyền thống thiết lập đàm phán và thảo luận, vì kết quả đạt được từ điều này sẽ tích cực hơn từ việc phô trương quyền lực”, ông nói.
Khẳng định quan hệ giữa Indonesia với cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tốt đẹp, ông Pandjaitan kêu gọi 2 nước nên tiếp tục “tự kiềm chế”. Ông cũng lặp lại cam kết của Indonesia rằng nước này sẽ đóng vai trò tích cực nhằm mang lại hòa bình cho khu vực thông qua việc thúc giục các bên có tranh chấp ngồi lại đàm phán.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Tàu Mỹ sẽ tiếp tục áp sát đảo nhân tạo phi pháp
Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục cho tàu tuần tra sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa, bất chấp phản ứng của nước này.
Tàu khu trục USS Lassen (gần) trong một cuộc tập trận - Ảnh: Hải quân Mỹ
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó", AFP ngày 28.10 dẫn lời một quan chức hải quân Mỹ khẳng định khi được hỏi về chuyến tuần tra của tàu khu trục USS Lassen áp sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở đá Xu Bi thuộc Trường Sa.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cũng tỏ dấu hiệu Mỹ sẽ không dừng lại khi tuyên bố: "Chúng ta sẽ bay, đi tàu ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và cần hoạt động của chúng ta". Tương tự, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuy từ chối bình luận cụ thể về chiến dịch tuần tra ở Biển Đông của hải quân nhưng vẫn khẳng định: "Hải quân Mỹ luôn thực thi nghiêm túc trách nhiệm góp phần bảo đảm tự do hàng hải". Theo ông Kirby, Mỹ luôn mong muốn quan hệ với Trung Quốc phát triển tốt đẹp nhưng đã và sẽ tiếp tục nêu vấn đề Biển Đông với nước này.
Chuyên gia Trung Quốc dọa đâm tàu
Về phần mình, sau khi triệu tập Đại sứ Mỹ Max Baucus để phản đối về chuyến tuần tra nói trên trong ngày 27.10, giới chức, báo chí và chuyên gia Trung Quốc hôm qua tiếp tục lớn tiếng phản ứng. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Dương dọa rằng những cuộc tuần tra tiếp theo của tàu hải quân Mỹ "có thể gây ra sự cố". Trong một trả lời phỏng vấn với CNN ngày 28.10, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Thôi Thiên Khải nói hoạt động của Mỹ là "sự khiêu khích nghiêm trọng về quân sự lẫn chính trị".
Hãng thông tấn Tân Hoa xã đăng bài bình luận đề cập nguy cơ xung đột và cảnh báo: "Mỹ không nên quá tự tin về khả năng lèo lái tránh xung đột", còn tờ Hoàn Cầu thời báo nổi tiếng lớn giọng lâu nay thì viết thẳng là "Trung Quốc không sợ chiến tranh với Mỹ".
Cũng không kém là giới chuyên gia quân sự nước này khi ông Lý Kiệt tại Viện Nghiên cứu hải quân Trung Quốc ở Bắc Kinh nhận định với tờ South China Morning Post rằng nước ông có thể điều tàu chiến đến tập trận trong khu vực hoạt động của tàu Mỹ và thậm chí đâm vào tàu Mỹ nếu cần. Ngoài ra, chuẩn đô đốc về hưu Dương Nghị, hiện là nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, lặp lại ẩn ý đe dọa của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng rằng Trung Quốc có thể nhân chuyện này để tăng tốc xây dựng và có thể quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp.
Trong cuộc họp báo ngày 27.10, ông Lục Khảng úp mở rằng nếu Washington "tiếp tục tạo căng thẳng trong khu vực", Bắc Kinh có thể phải "gia tăng và đẩy mạnh các khả năng liên quan".
Úc "có thể tuần tra cùng Mỹ"
Cũng trong ngày 28.10, nhiều nước trong khu vực tiếp tục đưa ra phản ứng về các diễn biến mới trên Biển Đông. Trong đó, Úc tỏ rõ ý định không muốn bị hiểu lầm là "về phe" Trung Quốc bằng cách hoãn một cuộc tập trận chung với nước này, dự kiến diễn ra ở Biển Đông vào tuần tới, theo trang tin News.com.au.
Ngoài ra, các nhà hoạch định quốc phòng tại Canberra đang xem xét nghiêm túc khả năng triển khai hải quân cùng Mỹ tiến hành các chuyến đi áp sát đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa, một sĩ quan Úc tiết lộ với tờ The Wall Street Journal.
Một đồng minh khác của Mỹ là Nhật Bản cũng lên tiếng ủng hộ động thái mới của Washington. "Tôi hiểu rằng hành động đó phù hợp với luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế có mối quan ngại chung về các hoạt động đơn phương", Kyodo News dẫn lời Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu.
Trong khi đó, Hàn Quốc hôm qua 28.10 lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế mọi hành động gây ảnh hưởng tới ổn định, an ninh khu vực và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, theo Yonhap. Tổng thống Indonesia Joko Widodo thì nhân tình hình hiện nay tiếp tục kêu gọi ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng xúc tiến Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để giảm căng thẳng.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Tàu Mỹ áp sát đảo nhân tạo, rồi sao nữa? Cần có chiến lược hoàn thiện và nhất quán để ứng phó với Trung Quốc trước khi mưu đồ kiểm soát Biển Đông trở thành "sự đã rồi". Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ được giao nhiệm vụ thách thức yêu sách chủ quyền phi lý mà Trung Quốc mạo nhận ở Biển Đông - Ảnh: Hải quân Mỹ Hành động của...