Indonesia bác “đường 9 đoạn”, nói Trung Quốc khéo tưởng tượng
Indonesia hôm qua tuyên bố bác bỏ “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, nói rằng Bắc Kinh “thật khéo tượng”, tờ Wall Street Journal trích dẫn một bộ trưởng Indonesia cho biết.
Một tàu hải quân Indonesia tập trận tại Cilegon, Banten ngày 3/10 (Ảnh: WSJ)
Theo tờ Wall Street Journal, Bộ trưởng phụ trách vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia Luhut Pandjaitan tuyên bố: “Chúng tôi không công nhận đường 9 đoạn phi lý”.
Bộ trưởng Pandjaitan ám chỉ tới các bản đồ mà Bắc Kinh đưa ra để tăng cường tuyên bố chủ quyền là “thật khéo tưởng tượng”.
Cũng theo tờ Wall Street Journal, ông Pandjaitan cho hay Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Barack Obama vào tuần tới trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Mỹ nhằm tìm kiếm sự trợ giúp để thành lập lực lượng cảnh sát biển.
Các vấn đề như an ninh hàng hải và tăng cường quan hệ quốc phòng sẽ là chủ đề trọng yếu trên bàn nghị sự giữa hai tổng thống Mỹ-Indonesia, theo bộ trưởng Pandjaitan.
Indonesia là một quốc đảo với tổng cộng 18.000 hòn đảo lớn nhỏ, do vậy nước này cần có lực lượng cảnh sát biển để đảm bảo an ninh hàng hải các vùng biển trọng yếu, theo ông Pandjaitan.
Video đang HOT
Đầu tháng này Mỹ tuyên bố sẽ hỗ trợ 100 triệu USD để giúp một số nước Đông Nam Á bao gồm cho Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt nam để tăng cường thực thi luật pháp trên biển. Tuy nhiên, đến nay chi tiết của gói hỗ trợ này vẫn chưa được công bố.
Các chuyên gia quân sự đánh giá Indonesia đã bớt tích cực hơn trong các vấn đề khu vực trong một năm qua và thay vào đó Indonesia chú trọng vào những vấn đề đối nội như xử lý tình trạng suy giảm kinh tế.
Vũ Duy
Theo Dantri/Wall Street Journal
5 điều Nhật Bản cần làm để thúc đẩy hợp tác an ninh với ASEAN
Mặc dù đã ký kết những thoả thuận đầu tư dài hạn với Đông Nam Á, chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn nên hợp tác nhiều hơn nữa về mặt an ninh với các nước ASEAN nhằm tăng cường an ninh hàng hải và để đối phó với toan tính của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh (trái) bắt tay với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại một cuộc gặp ở Tokyo hồi năm 2013 - Ảnh: Reuters
Hãng tin Nikkei (Nhật Bản) ngày 18.6 dẫn lời ông Jonathan Berkshire Miller, chuyên gia nghiên cứu Đông Á tại Viện Đông Á (Mỹ), nhận định rằng các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đang trở thành một vấn đề an ninh có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia ASEAN và các đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp trái phép đã làm thay đổi hiện trạng trong vùng.
Trong bối cảnh đó, Nhật Bản đang tỏ rõ thiện chí muốn giúp các nước trong vùng đối phó với sự ngang ngược của Trung Quốc, theo ông Miller.
Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-la ở Singapore hồi tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã giới thiệu "Sáng kiến Đối thoại Shangri-La" do Tokyo khởi xướng, trong đó có đề ra 3 biện pháp nhằm tăng cường mức độ an toàn trên biển và trên không trong khu vực. Một trong những biện pháp này là tuần tra trên không 24/24 giờ ở Biển Đông cùng các thành viên khối ASEAN.
Chuyên gia Miller bình luận mặc dù tuyên bố của ông Nakatani có vẻ như được đưa ra bất thình lình, nhưng đừng nên hiểu tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản như thông báo về một sự thay đổi trong chính sách của Tokyo.
"Nhật Bản liên tục thể hiện mong muốn được tăng cường hợp tác an ninh với các nước ASEAN từ sau khi Thủ tướng Abe lên nắm quyền", chuyên gia này nhận định.
"Trong năm cầm quyền đầu tiên, Thủ tướng Abe đã đi thăm toàn bộ 10 quốc gia thành viên của khối này và ông cũng đã điều các bộ trưởng chủ chốt trong nội các đến các nước ASEAN. Chính sách này nhằm giúp mở rộng quan hệ hợp tác của Nhật Bản trên toàn khu vực theo hướng vượt ra khỏi khuôn khổ kinh tế truyền thống", theo ông Miller.
Tuy nhiên, chuyên gia về Đông Á này cho rằng Nhật Bản cần làm nhiều hơn nữa để giúp củng cố các quy định về tự do hàng hải và các luật lệ về hoạt động trên biển trong khu vực.
Bằng việc tỏ thái độ ngoại giao dứt khoát ở Biển Đông, Nhật Bản có thể dùng sự hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp biển đảo (bao gồm cả tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư) để xây dựng một nguyên tắc rộng lớn hơn cho việc duy trì luật pháp quốc tế và phản đối việc dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng khu vực, ông Miller nói.
Ông cũng đưa ra 5 đề xuất chính phủ Nhật Bản nên làm để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng với ASEAN.
Thứ nhất, Nhật Bản nên tăng cường quan hệ an ninh với Đông Nam Á thông qua việc hiện diện nhiều hơn tại các diễn đàn an ninh đa phương trong khu vực, chẳng hạn như Diễn đàn Khu vực ASEAN, Đối thoại Shangri-la và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN.
Thứ hai, Tokyo nên có nhiều hành động hơn trong việc hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN xây dựng năng lực an ninh hàng hải của riêng họ, tương tự như đã từng làm cho Việt Nam và Philippines (cấp tàu tuần tra biển).
Thứ ba, Nhật Bản nên tiếp tục củng cố vai trò và ảnh hưởng của Lực lượng Phòng vệ (SDF) trong khu vực.
Thứ tư, Nhật Bản nên tiếp tục mở rộng vai trò của mình trong khu vực thông qua các gói viện trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai. SDF đã thể hiện được năng lực của mình trong lần hỗ trợ Philippines sau siêu bão Hải Yến hồi tháng 11.2013. Tokyo khi đó đã điều động hơn 1.000 binh sĩ lực lượng phòng vệ, cùng trực thăng và một số lượng lớn lương thực và thuốc men để giúp đỡ các nạn nhân ở vùng hẻo lánh.
Cuối cùng, Tokyo nên đầu tư mở rộng các khung cố vấn hàng hải như đã có với một số quốc gia như Singapore. Nhật Bản đã đồng ý thiết lập một diễn đàn an ninh hàng hải với Indonesia và có thể sẽ có thỏa thuận tương tự với những quốc gia ASEAN khác.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien