IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023
Ngày 25/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) đã điều chỉnh tăng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay nhờ hoạt động kinh tế khả quan trong quý I vừa qua.
Biểu tượng IMF tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế thế giới, IMF dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ đạt 3%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 vẫn ở mức 3% do các nền kinh tế phát triển giảm tốc. Theo đó, các mức tăng trưởng này thấp hơn so với mức tăng 6,3% đạt được năm 2021 và 3,5% vào năm 2022.
Dự báo dựa trên cơ sở ngành dịch vụ phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhờ các nước đẩy mạnh hoạt động thu hút du lịch. Tổ chức này cũng cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện nhờ Mỹ đã phần nào tháo gỡ được vấn đề trần nợ công và xoa dịu mối quan ngại về cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với những thách thức kéo dài bất chấp “khả năng phục hồi trong ngắn hạn”, lưu ý các nước nên duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ.
Trong báo cáo, IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2023 lên 1,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự kiến đưa ra vào tháng 4, nhờ lĩnh vực tiêu dùng tăng trưởng tốt trong quý I năm nay. Theo IMF, thị trường lao động vẫn mạnh tại nền kinh tế lớn nhất thế giới góp phần tăng thu nhập thực tế và hoạt động mua bán phương tiện. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ được dự báo giảm xuống 1% vào năm 2024, khi các khoản tiết kiệm được tích cóp trong thời đại dịch cạn kiệt và nền kinh tế mất động lực tăng trưởng.
Video đang HOT
Tương tự dự báo đưa ra vào tháng 4, các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE) sẽ là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, trong khi tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển được dự báo giảm đáng kể trong năm nay và năm tới. Cụ thể, theo báo cáo của IMF, tăng trưởng kinh tế của EMDE khả năng đạt 4% năm nay và 4,1% năm tới. IMF cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 5,2% năm 2023.
Trong khi đó, IMF nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Ấn Độ lên 6,1%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó, viện dẫn “động lực từ tăng trưởng trong quý IV/2022 cao hơn dự kiến do đầu tư trong nước mạnh hơn”. Kinh tế Nga hiện được dự báo tăng 1,5% trong năm nay, tăng 0,8 điểm phần trăm so với mức dự kiến hồi tháng 4, do số liệu kinh tế khả quan hơn nhờ “ gói kích thích tài chính lớn”.
Các nền kinh tế phát triển hiện được dự báo tăng 1,5% vào năm 2023, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi tháng 4, và tăng 1,4% vào năm 2024. Viện dẫn thông tin tích cực gần đây của kinh tế Anh, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế này năm 2023 lên 0,4%, thay vì giảm 0,3% như trong báo cáo công bố trước đó. Tuy nhiên, IMF nhận định kinh tế Đức năm nay sẽ giảm 0,3%, mức giảm mạnh hơn so với mức 0,1% được dự báo trước đó. Như vậy, Đức là nền kinh tế duy nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) năm nay có thể rơi vào suy thoái.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, IMF hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 2023 xuống còn 1,4%. Dự báo này đánh dấu mức giảm 0,1% so với ước tính 1,5% trước đó do tổ chức này công bố hồi tháng 4. Trong báo cáo mới nhất, IMF giữ nguyên dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2024 là 2,4%.
Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đã và đang đối mặt với những bất ổn ở cả bên trong và bên ngoài, bao gồm động lực xuất khẩu yếu và các động thái thắt chặt kiểm soát tiền tệ toàn cầu.
Cũng trong báo cáo mới nhất, IMF đánh giá bức tranh lạm phát toàn cầu cải thiện, với chỉ số giá tiêu dùng hiện được dự báo tăng 6,8% trong năm nay, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Điều này chủ yếu là do lạm phát hạ nhiệt tại Trung Quốc. Mặc dù vậy, IMF lưu ý tỷ lệ lạm phát toàn cầu vẫn cao hơn so với mức trước đại dịch COVID-19 (3,5% vào năm 2019).
IMF tăng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 lên mức 2,9%
Ngày 31/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh theo hướng tăng nhẹ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 do nhu cầu "phục hồi đáng ngạc nhiên" tại Mỹ và châu Âu, chi phí năng lượng giảm và nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19.
Biểu tượng IMF tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF, tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ giảm từ mức 3,4% năm 2022 xuống 2,9% năm 2023. Tuy nhiên, mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới nhất này đã cao hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2022 là 2,7% với cảnh báo thế giới có nguy cơ dễ rơi vào suy thoái.
IMF cho biết thêm kinh tế thế giới năm 2024 có thể sẽ tăng tốc nhẹ lên 3,1% nhưng vẫn thấp hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái do tác động toàn diện của việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh hơn làm chậm nhu cầu.
Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho rằng rủi ro suy thoái đã giảm bớt và các ngân hàng trung ương đang đạt được tiến bộ trong việc kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, các thể chế này vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để kiềm chế giá cả, giảm thiểu tác động của nguy cơ gián đoạn mới có thể xảy ra do xung đột tại Ukraine và ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc.
Trong dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023, IMF cho rằng mức tăng trưởng GDP của Mỹ có thể đạt 1,4%, tăng từ mức dự báo 1,0% được đưa ra hồi tháng 10/2022. Năm ngoái, tăng trưởng GDP của Mỹ đạt 2,0%. Theo IMF, Khu vực Sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng đạt tăng trưởng tương tự, với mức tăng trưởng năm 2023 được dự báo là 0,7%, so với mức dự báo 0,5% hồi tháng 10 năm ngoái. Năm 2022, kinh tế Eurozone tăng trưởng 3,5%. IMF cho rằng châu Âu đã thích nghi với chi phí năng lượng cao nhanh hơn so với dự kiến và việc giảm giá năng lượng đã giúp ích cho khu vực này.
Anh là nền kinh tế phát triển lớn duy nhất mà IMF dự đoán sẽ suy thoái trong năm nay, với GDP giảm 0,6% do các hộ gia đình phải vật lộn với chi phí sinh hoạt gia tăng.
Đối với Trung Quốc, IMF đã điều chỉnh mạnh triển vọng tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2023, theo đó GDP Trung Quốc sẽ tăng từ mức dự báo 4,4% hồi tháng 10 năm ngoái lên lên 5,2% sau khi đại dịch COVID-19 đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của nước này xuống 3,0% - lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở dưới mức trung bình toàn cầu trong hơn 40 năm. Tuy nhiên, theo IMF, trong năm 2024, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm xuống 4,5% trước khi ổn định ở mức dưới 4% trong trung hạn trong bối cảnh hoạt động kinh doanh suy giảm và quá trình cải cách cơ cấu chậm lại.
IMF cho biết thêm triển vọng kinh tế Ấn Độ vẫn mạnh mẽ, với các dự báo không thay đổi về mức tăng trưởng năm 2023 giảm xuống 6,1%, nhưng sẽ phục hồi lên mức 6,8% vào năm 2024, tương tự như năm 2022.
Chuyên gia Gourinchas cho rằng 2 nền kinh tế lớn của châu Á này sẽ đóng góp hơn 50% tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023.
IMF cảnh báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ngày càng ảm đạm Ngày 13/11, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ ảm đạm hơn so với dự báo của tháng trước, khi các kết quả khảo sát về chỉ số quản lý thu mua (PMI) liên tục có dấu hiệu xấu trong những tháng gần đây. Trụ sở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington DC....