IMF: Lạm phát tại Mỹ sẽ giảm trong quý II/2022
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) Kristalina Georgieva ngày 12/1 nhận định lạm phát tại Mỹ sẽ giảm trong quý II năm nay.
Người tiêu dùng mua hàng hóa trong siêu thị ở Glendale, California (Mỹ) ngày 12/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình CNBC, bà Georgieva nói điều đó liên quan đến việc giải quyết những vấn đề của chuỗi cung ứng và đã có những dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy một số tiến triển đã đạt được.
Bộ Lao động Mỹ ngày 12/1 công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 12/2021 tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/1982.
Các quan chức chính phủ Mỹ cho rằng các chỉ số tăng giá đối với nhà ở, ô tô đã qua sử dụng và xe tải là “những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến việc tăng giá tất cả các mặt hàng được điều chỉnh theo mùa”. Giá thực phẩm cao hơn cũng là một yếu tố góp phần đáng kể vào lạm phát, mặc dù mức tăng 0,5% trong tháng trước ít hơn so với những tháng gần đây.
Tại Trung Quốc, bà Georgieva cho rằng các chính sách hỗ trợ nền kinh tế đã bị rút lại có phần sớm. Bà Georgieva nhận định tiêu dùng tại nước này đã không tăng đủ mạnh để bù lại những tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế. Tuy nhiên, Trung Quốc có nguồn lực tài chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức 5%.
Theo bà Georgieva, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã thực hiện một số biện pháp hướng tới mục tiêu này và sẽ có nhiều kết quả đạt được.
IMF dự báo lạm phát đạt đỉnh trong cuối năm 2021
Ngày 6/10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tình trạng lạm phát tăng tại hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ đạt đỉnh trong những tháng tới và dần ổn định vào giữa năm 2022.
Một cửa hàng thời trang thể thao ở Munich, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một chương của báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới thực hiện, IMF cho rằng lạm phát toàn phần sẽ đạt đỉnh trong những tháng cuối của năm 2021 và sẽ trở về mức tương đương trước đại dịch vào giữa năm 2022, ở cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi. IMF sẽ công bố báo cáo đầy đủ vào ngày 12/10 tới, trong đó cập nhật những dự báo được đưa ra hồi tháng 7, khi đó tổ chức này cho rằng lạm phát sẽ trở lại tương đương trước đại dịch vào "một điểm chưa xác định trong năm tới".
Giá cả trên toàn cầu đã tăng mạnh trong năm 2021 khi các nền kinh tế lần lượt dần nối lại hoạt động sau thời gian gián đoạn vì tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2020. Dự báo mới nhất của IMF chỉ ra tình trạng thiếu hàng hóa, tắc nghẽn chuỗi cung ứng, trong khi hoạt động kinh tế nối lại nhanh nhờ các chính sách hỗ trợ của các ngân hàng trung ương và nhu cầu tăng mạnh đã khiến lạm phát tăng.
Theo IMF, ở các nước giàu có hơn, lạm phát toàn phần sẽ đạt đỉnh trong những tháng cuối năm 2021 và sẽ giảm về mức khoảng 2% vào giữa năm 2022. Ở nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, IMF dự báo lạm phát sẽ giảm xuống mức 4% từ mức đỉnh điểm là 6,8% dự kiến ghi nhận vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, IMF lưu ý báo cáo vẫn có điểm chưa chắc chắn và các chính phủ cần cảnh giác trước "một cơn bão hoàn hảo" của các nguy cơ lạm phát có thể là vô hại khi xem xét riêng lẻ nhưng khi kết hợp sẽ đẩy lạm phát tăng cao hơn nhiều so với dự báo.
Trước đó, ngày 5/10, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng lạm phát là một trong những trở ngại trong quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau thời gian suy giảm vì tác động của đại dịch COVID-19, và đây là lý do khiến IMF điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021.
Lạm phát Mỹ tăng cao nhất trong gần 40 năm Liên tục trong 6 tháng, giá cả tăng mạnh trong nhiều lĩnh vực từ nhà cửa, xăng cho đến thực phẩm, đang gây áp lực lên người tiêu dùng Mỹ trong mùa mua sắm cuối năm và kế hoạch phục hồi kinh tế của Tổng thống Joe Biden. Người dân Mỹ đi mua sắm ở một trung tâm thương mại thuộc bang Pennsylvania...