IMF dự đoán Fed có thể hạ lãi suất trong năm nay
Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) ngày 12/7 cho biết tổ chức này vẫn tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ ( Fed) có thể bắt đầu giảm lãi suất trong năm nay và nên thận trọng, ngay cả khi giá tiêu dùng tháng Sáu giảm làm gia tăng các kỳ vọng về khả năng cắt giảm lãi suất sớm.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu với báo giới tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn của IMF, bà Julie Kozack, cho biết quá trình giảm lạm phát đang diễn ra ở Mỹ. Số liệu được công bố trước đó cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã giảm 0,1% trong tháng Sáu, đánh dấu tháng giảm đầu tiên trong bốn năm qua.
Bà Kozack cho biết: “Chúng tôi ủng hộ cách tiếp cận thận trọng và dựa trên dữ liệu của Fed đối với chính sách tiền tệ. Chúng tôi cũng dự đoán Fed sẽ có thể giảm lãi suất trong năm nay và đánh giá này vẫn được duy trì”.
Ngoài ra, bà Kozack cũng lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ “đặc biệt mạnh mẽ” và việc chi tiêu mạnh của chính phủ liên bang cho cứu trợ COVID-19 và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và chất bán dẫn sẽ có tác động tích cực lâu dài đến nền kinh tế nước này.
Video đang HOT
Tuy nhiên, bà Kozack đã nhắc lại khuyến nghị chính sách hàng năm gần đây của IMF đối với Mỹ là cần kiềm chế khối nợ đang gia tăng. Quan chức này cho biết: “Hiện tại, thâm hụt ngân sách quá cao, và đã đến lúc để hành động nhằm đưa tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) đi xuống một cách dứt khoát, đặc biệt là khi nền kinh tế đang vững mạnh. Điều này sẽ đòi hỏi một loạt biện pháp tài khóa rộng rãi”.
IMF hiện ước tính rằng các khoản thanh toán lãi ròng của Mỹ đối với nợ chính phủ được dự báo sẽ đạt mức 3,2% GDP trong năm tài chính 2024, kết thúc vào ngày 30/9, tăng so với 2,4% GDP trong năm tài chính 2023 do lãi suất tăng. Bà Kozack nói thêm tỷ lệ này sẽ “vẫn tăng lên ngay cả trong trung hạn” do thâm hụt và nợ tăng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng Sáu đã hạ nhiệt mạnh hơn dự báo. Số liệu này giúp củng cố niềm tin của người dân đối với chính sách kinh tế của Mỹ.
Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng Sáu, CPI tổng thể giảm 0,1% so với tháng trước đó và là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2020. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI trong tháng Sáu tăng 3%, nhờ giá xăng giảm nhiều hơn bù đắp chi phí nhà ở. Con số này thấp hơn so với dự báo trước đó của giới phân tích là 3,1% và cũng là mức tăng theo năm thấp nhất kể từ năm 2021.
Trong khi đó, nếu không bao gồm giá năng lượng và lương thực, thực phẩm, chỉ số CPI lõi tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 4/2021.
Sau báo cáo trên, Tổng thống Joe Biden cho rằng nỗ lực kiềm chế lạm phát đang đạt được “tiến bộ đáng kể”. Nền kinh tế Mỹ đang nỗ lực kiềm chế lạm phát vốn chứng kiến mức tăng mạnh tới 9,1% vào giữa năm 2022.
Fed có khả năng hạ lãi suất sớm nhất là vào tháng 9/2024
Các thước đo lạm phát được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng đang sắp cho thấy nền kinh tế này đã có những tiến bộ tăng trưởng hàng tháng kể từ cuối năm 2023 - một bước đệm để các quan chức bắt đầu hạ lãi suất và có khả năng sớm nhất là vào tháng 9/2024.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Các nhà kinh tế dự kiến chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân tháng 5/2024 của Mỹ sẽ không thay đổi và chỉ số cốt lõi không bao gồm thực phẩm và năng lượng sẽ tăng tối thiểu 0,1%, dựa trên dự báo trung bình trong một cuộc khảo sát các nhà kinh tế của hãng tin Bloomberg.
Báo cáo, dự kiến công bố vào thứ Sáu (28/6), có thể cho thấy mức tăng giá tiêu dùng 2,6% trên cơ sở hàng năm ở cả thước đo tổng thể và thước đo cốt lõi. Mức tăng dự kiến trong biện pháp cốt lõi, vốn vẽ nên "bức tranh" tốt hơn về lạm phát cơ bản, sẽ vẫn là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Kể từ cuộc họp gần đây nhất, các quan chức Fed nói rằng mặc dù họ được khuyến khích bởi những số liệu lạm phát khác lắng dịu - bao gồm cả chỉ số giá tiêu dùng - nhưng họ cần thấy nhiều tháng tiến triển như vậy trước khi hạ lãi suất. Đồng thời, thị trường lao động - một phần khác trong nhiệm vụ kép của Fed - vẫn đang trên đà mạnh mẽ, mặc dù ở tốc độ chậm hơn. Một thị trường việc làm "khỏe mạnh" đang giúp các nhà hoạch định chính sách linh hoạt về thời điểm cắt giảm lãi suất.
Các số liệu lạm phát mới nhất đi kèm với các số liệu chi tiêu cá nhân sẽ thể hiện mức chi tiêu dịch vụ, sau khi dữ liệu bán lẻ gần đây cho thấy nhu cầu mua hàng hóa ít hơn. Các chuyên gia kêu gọi tăng nhẹ mức tiêu dùng cá nhân danh nghĩa cũng như thu nhập.
Các nhà kinh tế không cho rằng tốc độ lạm phát chậm sẽ đủ sức thuyết phục các quan chức vào thời điểm diễn ra cuộc họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào tháng 7/2024, lạm phát đang trên đà giảm xuống mục tiêu 2% của Fed.
Các số liệu khác được công bố trong tuần tới sẽ bao gồm chỉ số niềm tin của người tiêu dùng trong tháng 6/2024 và các báo cáo về việc ký hợp đồng mua nhà mới và nhà đã qua sử dụng trong tháng 5/2024. Ngoài dự kiến về tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên, Chính phủ Mỹ sẽ công bố số liệu đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền trong tháng 5/2024.
Fed vẫn để ngỏ khả năng giảm lãi suất dù lo ngại lạm phát Tại cuộc họp lãi suất vào tháng 3 vừa qua, các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương Mỹ) đã nêu lo ngại về lạm phát tăng cao "trên diện rộng" thời gian gần đây, nhưng vẫn để ngỏ khả năng giảm lãi suất bắt đầu trong năm nay. Đây là nội dung biên bản cuộc...