IEA : Lượng cung ứng dầu thế giới giảm do căng thẳng toàn cầu leo thang
Theo IEA, lượng cung ứng dầu mỏ thế giới tháng Tư vừa qua sụt giảm trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu leo thang do Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran và Nga, OPEC cắt giảm sản lượng.
Giàn khoan Lukoil tại mỏ dầu Korchagin ở biển Caspian thuộc Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 15/5 thông báo lượng cung ứng dầu mỏ của thế giới trong tháng Tư vừa qua đã sụt giảm trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu leo thang do Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran cũng như việc các nước thành viên Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga cắt giảm sản lượng dầu thô theo đúng thỏa thuận đã đề ra.
Trong báo cáo hàng tháng về thị trường dầu mỏ toàn cầu, IEA cho biết sản lượng dầu thô của Iran trong tháng Tư vừa qua đã giảm xuống còn 2,6 triệu thùng/ngày- mức thấp nhất trong 5 năm qua và có thể tiếp tục giảm xuống mức kỷ lục kể từ khi xảy ra cuộc chiến với Iraq vào những năm 1980 của thế kỷ trước.
Xuất khẩu dầu của quốc gia Trung Đông này trong tháng 5 cũng có thể giảm xuống còn khoảng 500.000 thùng/ngày so với mức khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong tháng Tư vừa qua.
Video đang HOT
Cũng theo IEA, lượng cung ứng dầu trên thế giới bị sụt giảm trong bối cảnh các nước OPEC và đồng minh Nga, thường được gọi là OPEC đang thúc đẩy thỏa thuận mới nhất trong việc kiềm chế gia tăng sản lượng.
Sau khi giá dầu giảm do sản xuất dư thừa, tháng 12/2018, OPEC đã một lần nữa nhất trí ghìm sản lượng khai thác dầu.
IEA cho biết trong tháng Tư vừa qua, sản lượng dầu thô của các nước OPEC chỉ đạt 440.000 thùng/ngày, thấp hơn mức mục tiêu mà các nước này đã đặt ra.
Tuy nhiên, cơ quan có trụ sở ở Paris này cũng nêu rõ dù nguồn cung ứng dầu không chắc chắn, giá dầu thô Brent toàn cầu vẫn không có nhiều biến động.
Dựa trên dự báo và dữ liệu kinh tế mới, IEA cũng đã hạ dự báo mức tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay, xuống còn 1,3 triệu thùng/ngày.
Dẫu vậy, cơ quan này cho rằng nhu cầu dầu mỏ tăng chậm hơn có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn và sau đó sẽ lấy lại đà vào cuối năm./.
Theo Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam )
Giá dầu thô đi xuống tại thị trường châu Á
Trong phiên 15/5 tại châu Á, giá dầu thô Brent ở mức 71,06 USD/thùng, giảm 0,3% so với mức chốt phiên trước, trong khi giá dầu WTI kỳ hạn của Mỹ ở mức 61,33 USD/thùng, giảm 0,7%.
Giá dầu thô đi xuống tại thị trường châu Á . Ảnh: TTXVN
Mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ căng thẳng leo thang ở Trung Đông, song giá dầu thô vẫn giảm trong phiên 15/5 tại châu Á, sau khi các số liệu vừa công bố cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng, trong khi sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng thấp hơn dự kiến trong tháng Tư.
Giá dầu thô Brent Biển Bắc ở mức 71,06 USD/thùng vào lúc 13 giờ 46 theo giờ Việt Nam, giảm 18 xu, hay 0,3%, so với mức chốt phiên trước. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) kỳ hạn của Mỹ ở mức 61,33 USD/thùng, giảm 45 xu, hay 0,7%.
Theo số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước bất ngờ tăng 8,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 10/5, lên 477,8 triệu thùng, trái ngược với dự báo trước đó của giới phân tích là giảm 800.000 thùng. Cơ quan Thông tin Năng lượng, thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, sẽ công bố số liệu chính thức trong ngày 15/5.
Tại Trung Quốc, tăng trưởng sản lượng công nghiệp của nước này giảm xuống mức 5,4% trong tháng Tư, so với mức tăng 8,5% của tháng Ba. Điều đó cho thấy Bắc Kinh có thể sẽ phải đưa ra các biện pháp kích thích bổ sung trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang.
Trong khi đó, giá dầu đang nhận được sự hỗ trợ từ việc Saudi Arabia, nước chủ chốt trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ngày 14/5 đã ngừng bơm dầu thô qua đường ống dẫn dầu chính, sau khi xảy ra một vụ tấn công bằng máy bay không người lái cùng ngày trước đó nhằm vào đường ống dẫn dầu này, trong khi hai tàu chở dầu của nước này cũng đã bị tấn công ở gần Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất.
Các vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau quyết định của Mỹ hồi tháng trước nhằm đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về con số không và tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng Vịnh trước những gì được cho là các mối đe dọa đến từ Iran.
Trong khi đó, OPEC ngày 14/5 cho biết nhu cầu của thế giới đối với dầu thô của các nước thành viên OPEC trong năm nay sẽ cao hơn dự báo khi tăng trưởng nguồn cung từ các đối thủ như các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ chậm lại. Điều này cho thấy thị trường sẽ được thắt chặt hơn nếu OPEC chưa tăng sản lượng./.
Lê Minh (Theo Reuters)
Theo bnews
Nga chỉ trích Mỹ 'dồn Iran vào chân tường' Ngày 14/5, người phát ngôn Điện Kremli Dmitry Peskov nhấn mạnh Nga và Liên minh châu Âu cho rằng các bên ký thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), phải thực thi đầy đủ đến cùng các cam kết trong thỏa thuận và nỗ lực duy trì thỏa thuận này. Người phát ngôn...