IAEA bắt đầu đợt đánh giá thứ 2 quy trình xử lý nước ô nhiễm phóng xạ Fukushima
Ngày 23/4, một nhóm công tác của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế ( IAEA) đã bắt đầu đợt đánh giá mới về quy trình xử lý nước nhiễm phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Đây là lần đánh giá thứ hai kể từ khi Nhật Bản bắt đầu xả nước ra biển vào tháng 8/2023.
Các bể chứa nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 22/8/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trong đợt công tác kéo dài đến ngày 26/4, nhóm công tác của IAEA sẽ kiểm tra nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Đông Bắc Nhật Bản vào ngày 24/4 trong khi quá trình xả nước hiện tại đang diễn ra, và sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với Bộ Kinh tế, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân này.
Phát biểu tại cuộc gặp các quan chức Nhật Bản tại trụ sở Bộ Ngoại giao, ông Gustavo Caruso, Trưởng đoàn công tác của IAEA, cho biết sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với đợt đánh giá của IAEA cho thấy cam kết mạnh mẽ của nước này nhằm đảm bảo dự án được hoàn thành một cách an toàn và minh bạch. Ông nhấn mạnh cách tiếp cận độc lập, khách quan và dựa trên khoa học sẽ giúp xây dựng lòng tin cho người dân Nhật Bản và quốc tế. Ông cho biết IAEA sẽ công bố kết quả chính trong tuần này và sẽ có báo cáo chi tiết vào ngày 29/4.
Video đang HOT
TEPCO đang xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima theo từng đợt sau khi được xử lý thông qua hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để loại bỏ hầu hết các chất gây ô nhiễm khác ngoài triti – một chất tương đối độc hại. Lần xả thải thứ 5 đã bắt đầu vào tuần trước.
Các chuyên gia của IAEA thường trú tại văn phòng của tổ chức này ở Fukushima đã xác nhận nồng độ triti trong quá trình xả nước hiện tại sau khi được pha loãng với nước biển, thấp hơn nhiều so với giới hạn quy định của Nhật Bản là 1.500 becquerel/lít
IAEA cũng xác nhận nồng độ triti trong 4 đợt xả thải trước đó, tổng cộng khoảng 31.200 tấn, cũng thấp hơn nhiều so với giới hạn khuyến cáo của Nhật Bản.
Theo IAEA, dữ liệu thu thập được từ lần xả thải thứ 5 sẽ được đối chiếu thông qua so sánh giữa các phòng xét nghiệm, bao gồm các phòng xét nghiệm của IAEA và các phòng xét nghiệm độc lập của bên thứ ba từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Mỹ – các thành viên của mạng lưới Phòng xét nghiệm phân tích để đo bức xạ môi trường.
IAEA đảm bảo chia sẻ thông tin về nước xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Ngày 23/8, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo sẽ thông tin thường xuyên với Chính phủ Hàn Quốc về hoạt động của Nhật Bản xả nước thải đã xử lý phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Các bể chứa nước thải tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản ngày 21/2/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong thông cáo báo chí, Tổng giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi cho biết hai bên đã nhất trí lập khuôn khổ chia sẻ thông tin nhằm giải quyết những lo ngại của Hàn Quốc. Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu xả nước thải nói trên từ ngày 24/8.
IAEA khẳng định kế hoạch xả thải của Nhật Bản "đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của IAEA, vốn được dùng làm hệ quy chiếu toàn cầu để bảo đảm an toàn cho người dân và môi trường".
Thông cáo báo chí nêu rõ IAEA đã mở một văn phòng thường trực tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima và sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động xả thải để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và sẽ "cung cấp thông tin cập nhật" cho phía Hàn Quốc. IAEA cũng sẽ công khai các dữ liệu giám sát thời gian thực về hoạt động này.
IAEA và Chính phủ Hàn Quốc đang lên kế hoạch tổ chức họp trực tuyến định kỳ, trong khi các chuyên gia của Hàn Quốc sẽ được thường xuyên thăm Văn phòng IAEA tại nhà máy trên.
Ông Grossi nhấn mạnh: "Cách duy nhất để giải quyết những lo ngại chính đáng của người dân là thông tin cho họ biết".
Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị ảnh hưởng. TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy, phải xử lý hàng trăm bể chứa hơn 1 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng.
Năm 2021, giới chức Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch xả dần nước thải đã qua xử lý ra biển. Nhật Bản cho biết nước thải nhiễm phóng xạ sẽ trải qua hệ thống lọc để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro. Các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.
Trong báo cáo an toàn của IAEA hồi tháng 7, cơ quan này khẳng định việc Nhật Bản xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ sẽ có tác động không đáng kể đối với người dân và môi trường.
Mỹ sẽ 'hành động' nếu Iran không hợp tác với IAEA Ngày 7/3, Mỹ cho rằng nếu Iran tiếp tục không hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thì Washington có thể sẽ đưa ra những hành động mới. Bên trong cơ sở hạt nhân Natanz, cách thủ đô Tehran của Iran 300km về phía nam. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Tại cuộc họp Hội đồng Thống đốc IAEA tại...