Ia Nung… mùa nước nổi
Nhắc đến ‘ mùa nước nổi’, ta thường nghĩ về hiện tượng thú vị ở miền Tây Nam Bộ. Nhưng có lẽ ít người biết rằng, ở thung lũng Ia Nung (gồm các tổ 1, 2, 12, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), cứ vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm, cũng có một mùa nước nổi mênh mang sóng nước.
Sự kiến tạo địa chất với miệng núi lửa đã tắt hàng triệu năm đã tạo nên hình hài thung lũng Ia Nung với độ cong mềm mại, quyến rũ và là đặc trưng cảnh quan hiếm nơi nào có được, nhất là những ngày có nước về cánh đồng. Và tất nhiên, mùa nước nổi không xếp vào quy luật của 4 mùa xuân-hạ-thu-đông hay phân biệt rõ ràng đặc trưng như mùa khô và mùa mưa. Bởi mùa nước này không về đúng ngày, đúng bữa, có khi ít khi nhiều, khi đến khi đi, khi quẩn quanh khi xa rộng.
Nhiều lần, tôi đã có ý định sẽ đi thử con đường dẫn lối đến ruộng đồng xanh lá bốn mùa kia, thung nước trắng xóa dưới đó nhưng lại ngần ngại thôi, vì trong ý nghĩ cũng chỉ bấy nhiêu mà tôi đã được chiêm ngắm từ xa. Chỉ đến khi vui với ý nghĩ dưới xa kia cũng có một mùa nước nổi. Tôi dò hỏi thì được mách chỉ, nếu từ hẻm 58 Phạm Văn Đồng (phường Hoa Lư) cứ thế men theo sẽ đến thung lũng một cách dễ dàng và đó cũng là cung đường đến thung xanh đẹp nhất.
Đôi lần trước đó, tôi đã thử lựa chọn những quán cà phê khác nhau trên đường Tô Vĩnh Diện, đường Bùi Đình Túy chỉ để ngắm thung lũng ở những góc nhìn cũng hoàn toàn khác nhau trong mùa nước nổi. Dưới một chiếc đèn măng-sông xưa cũ của quán cà phê, tôi đắm mình cùng nhạc Trịnh: “buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua”. Và lần nào cũng thế, thung xanh cứ dịu dàng tình tứ, rung cảm mến thương ngay cả khi lòng người nhiều đổi thay, tìm kiếm. Từ trên cao nhìn xuống thung trải rộng, trong lành mát rượi. Được thong dong dưới thung kia, hoặc ngồi bên bờ ruộng suy tư nhìn đàn bò lội nước là một niềm vui bình dị biết bao. Từ nơi này nhìn xuống, để tự vấn mình đã bao lâu rồi không nhận ra đâu là cao, đâu là xa, để một lần thoát ra khỏi ngột ngạt của phố thị, để thấy mình không còn cuốn theo những lo toan thường nhật vây quanh. Thì cách một khoảng đồi dưới kia là mênh mông trắng, là hơi thở, là tiếng quẫy đuôi đạp nước, gọi những bước chân đường xa.
Thung lũng Ia Nung nhìn từ đường Tô Vĩnh Diện, TP. Pleiku. Ảnh: N.T.D
Một lần, tôi đến thung xanh trong buổi bình minh vừa ló dạng, khi mặt trời chiếu những tia nắng ban sơ đầu tiên, bầu trời ửng hồng, đôi áng mây vờn quanh xuôi trong chớm gió se se. Ngày mới, thung xanh đã rộn rã, bên những nếp nhà ẩn mình nghiêng dài trong con nước, nằm xen giữa vườn chuối, đám ruộng xanh mát cạnh những thửa rau muống nước, cùng đám sương mai ẩm giá còn sót lại của đêm. Gần đó, vạt dã quỳ tốt tươi xanh lá, đám xuyến chi vươn mình khoe sắc trắng, nghe gió dịu dàng nhẹ bước ngang qua.
Khi nước về đồng, trong vắt như gương, gọi cá tôm là lúc mùa nước nổi về với người dân nơi đây. Và khi thung lũng như tấm gương lớn phản chiếu mây trời, núi non, cảnh vật, khi áng chừng được nước đã tràn mấy thửa ruộng, bà con rủ nhau cắm câu, thả lưới, dựng đăng, đặt lú… Cánh đồng lúa hôm trước còn thấy gốc rạ, nay đã thành biển nước, để chào đón một mùa cá ngược dòng đẻ trứng: cá mương, cá diếc, cá tong… Sáng ra đồng, ai nấy cũng đã thấy tất bật, rộn ràng bên mình những vật dụng dùng cho việc tát cá, đựng cá.
Đang mải mê chèo chiếc thuyền tôn bắt cá diếc về, thấy tôi hỏi thăm, anh Lôl (làng Ốp, phường Hoa Lư) vui vẻ kể, mấy nay có mưa, biết là cá về, bèn rủ mấy anh em trong làng đi giăng cá. Hôm nào hên, cũng giăng lưới dính hơn 10 kg cá mang ra chợ bán, gia đình có thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Cá đồng ở đây có quanh năm, nhưng theo đúng quy luật thì mùa nước nổi này là nhiều nhất. Bởi sau thời gian dài trốn hạn, nằm sâu trong các hang hốc, đàn cá có cơ hội ngoi lên mặt nước tìm kiếm thức ăn. Cá đồng thường sống trong môi trường tự nhiên nên thịt ngọt, săn và thơm, đặc biệt con nào cũng có bụng trứng căng tròn. Cá ăn không hết, người dân thường đem ra chợ bán. Mùa nước nổi cứ thế trôi qua thật nhẹ nhàng, thanh bình với nhiều cư dân sống giữa lòng phố.
Video đang HOT
Chiếc thuyền tôn là phương tiện đánh bắt cá của ngư dân nơi đây. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm
Giữa không gian bốn bề sóng nước, có lúc, tôi chẳng phân biệt được đâu là bãi bờ, đâu là dòng, đâu từng là cánh đồng lúa xanh mọi khi. Đứng trên bờ thấy thấp thoáng những cánh cò sà xuống nhặt tôm cá. Khung cảnh của ký ức, của tuổi thơ của những câu chuyện cổ tích như thấp thoáng đâu đây, ngay giữa phố xá ồn ào, tấp nập. Những cơn gió đồng xa man mác thổi, rạt đám chuối ven đường. Vào mùa nước nổi, cánh đồng ngập nước trắng xóa mất hết các đường biên ranh giới, nhưng vẫn nhìn đoán ra kia là thấp thoáng chùa Vạn Phật (hẻm 84 Chi Lăng, phường Hoa Lư) với tiếng chuông khoan nhặt. Đưa mắt xa một chút là đường bay của Cảng Hàng không Pleiku. Bên nhà cao phố thị, miền sóng nước cứ dập dềnh, neo lòng người chút yên bình tự tại. Vậy nên, mùa nước nổi không chỉ là mùa ruộng đồng được tưới tắm, bồi đắp mà là mùa bao kỷ niệm của bao người, bao thế hệ cùng những nụ cười hồn nhiên, rất đỗi đời thường.
Trong khoảng thời gian ở đây, tôi chưa bao giờ nghe bất cứ âm thanh ầm ào, dù là chiếc thuyền tôn rẽ nước, dù chỉ cách vài bước chân kia là phố xá tấp nập. Nhìn ngắm cuộc sống lao động bình dị, chạm đến cái gì cũng thấy gần gụi. Nên khi rời thung xanh về phố, xa con nước, tôi cứ nhớ mãi nhịp sóng chao nghiêng nắng chiều, nhớ nhịp thuyền rẽ nước giữa hừng đông lấp ló. Vì thế, việc gìn giữ những phần không gian tự nhiên còn lại là điều phải làm, không chỉ phục vụ cho chính người dân nơi đây mà còn là vì hệ sinh thái của cả mảnh đất nơi này. Để mai đây đâu đó dưới mái tường bê tông cao kia, vẫn còn bắt gặp lời thì thầm từ cỏ cây, của chim muông, của một mùa nước nổi, vốn đã gắn bó cùng nhịp chảy đô thị Pleiku suốt dặm dài thời gian.
Về miền tây mùa nước nổi
Miền Tây Nam Bộ với thế hệ chúng tôi là một vùng đất đầy thơ mộng và luôn khao khát được đặt chân tới, khi tuổi thơ đã từng đắm chìm trong những trang sách "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi.
Cuối tuần vừa qua, tranh thủ không có tiết theo thời khóa biểu của cơ quan, tôi tranh thủ có chuyến công tác vào một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Với một giáo viên sử, khi có cơ hội đi công tác chính là một dịp đi học thông qua sự khám phá và trải nghiệm văn hóa vùng miền, để dạy sử hay hơn, thuyết phục hơn.
Tôi luôn có những ao ước, nếu khi có cơ hội đi du lịch các địa phương, vùng miền trên đất nước mình, đầu tiên là sẽ đến 3 khu vực với tên "Tây" của đất nước: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Bởi, tôi sẽ tìm thấy ở đó những nét độc đáo về văn hóa của đất và người mang đặc trưng của mỗi không gian địa lý, lịch sử, văn hóa.
Nghĩ về vùng đất phương Nam là nhớ đến miền đất của thiên nhiên ngút ngàn, ruộng đồng phì nhiêu, kênh rạch chằng chịt. Thiên nhiên trù phú đã ban tặng cho con người nơi đây có một cuộc sống sung túc được kế thừa những thành quả của bao lớp người đến khai phá từ những vùng đất hoang, cánh đồng hoang đầy lam sơn chướng khí "Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um".
Khi nói đến quá trình khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi về phương Nam, chúng ta lại liên tưởng đến 2 câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ : "Từ thuở mang gươm đi mở nước/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long".
Nếu như nói, mùa thu ở miền bắc người ta thường nghĩ tới về những hình ảnh của lá vàng rơi đầy thơ mộng, trầm buồn, thì miền tây đón mùa thu bằng mùa nước nổi tràn trề nhựa sống với những gam màu xanh mát, nảy nở của thiên nhiên, cảnh vật độ thu về.
Rất may mắn, chuyến công tác vào miền tây vừa rồi của tôi lại đúng vào dịp mùa nước nổi. Dân miền tây hay gọi mùa nước nổi bằng nhiều cách gọi như mùa nước lên, mùa nước lớn, mùa nước lũ... Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch ( tức khoảng tháng 8 đến tháng 11 dương lịch), con nước từ thượng nguồn sông Mê Công lại đổ về đồng bằng sông Cửu Long tạo thành biển nước, từ An Giang, Đồng Tháp men theo kênh Vĩnh Tế về Kiên Giang - nơi cuối nguồn mùa nước nổi.
Điều thú vị khi miền bắc mùa này là mùa mưa bão, lũ lụt tàn phá mùa màng, của cải và đe dọa tính mạng nhân dân thì ở miền tây lại khác. Con nước về không ào ào như trận lũ. Nước dâng từ từ, đầy ắp những con sông rồi tràn qua bờ, ra ruộng. Dù đều là hiện tượng lũ lụt, nhưng người miền tây lại không coi đó là thiên tai.
Với họ, lũ về là mừng. Nước lớn, cá nhiều. Vào mùa nước nổi, cũng là lúc con người miền tây hối hả nhất. Họ coi mùa nước nổi là một mùa thay đổi phương thức canh tác và mưu sinh, thay vì canh tác nông nghiệp, họ chuyển sang khai thác những nguồn lợi dồi dào mà nguồn nước mang lại. Đây là thời điểm tất cả mọi thứ vùng này dường như sinh sôi, nảy nở trong mùa nước nổi.
Chỉ cần về chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ trong mùa nước nổi, sẽ thấy được sự nhộn nhịp và sôi động bởi thành quả thu hoạch được của nông dân miền tây sông nước.
Mùa nước nổi, là mùa cho đất đai vùng hạ lưu sông Mê Công được nghỉ ngơi, rửa trôi và làm ngập chìm các nguồn sâu bệnh cho cây trồng và cung cấp một lượng phù sa màu mỡ cho đồng bằng sông Cửu Long.
Những hình ảnh con nước lên, cả cánh đồng mênh mông nước trong các bộ phim mà ngày xưa tôi đã từng xem như "Cánh đồng hoang", "Mùa gió chướng", "Mùa nước nổi", "Đất phương Nam", "Mùa len trâu"...đã giúp tôi khi đến đây thấu hiểu tại sao đây chính là mùa nước giúp hồi sinh vùng đất này, mùa khai thác những sản vật từ nước mà thiên nhiên đã ban tặng.
Giữa mênh mông nước, cánh đồng xanh chứa đầy phù sa mang lại sức sống mới cho những cây sen, bông súng, cỏ năng, rừng tràm thêm xanh tốt. Đây cũng là mùa của những đàn chim bay về làm tổ, sinh sôi, nảy nở trên những rừng tràm, rừng đước. Những bông điên điển khoe sắc vàng ven sông, dọc kênh rạch được người dân hái vội để chế biến thành những món ăn làm nộm, xào, lẩu với cá linh. Những con cá lóc đồng tròn trắng bụng, cua đồng căng càng sẽ được chế biến thành bát canh chua với bông súng, bông lục bình, lá sen non, hẹ nước...
Cá linh mùa nước nổi phải đi kèm với bông điên điển mới đúng kiểu nhậu người miền tây. Dân nhậu nơi đây khi đã có chút men ngà ngà, hay rỉ rả mấy câu: "Canh chua điên điển cá linh/ Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon".
Mùa nước nổi, mùa của chèo ghe xuồng vào bờ, rung vài cái là bông điên điển rụng xuống. Người miền tây sẽ nhặt nhạnh lá, cọng để lượm bông hoa về làm rất nhiều món khoái khẩu. Theo mùa nước nổi, đặc sản cá linh lừng danh khắp Nam Bộ, món mắm cá linh vang danh khắp mọi miền.
Những chuyến ghe nhộn nhịp ngược xuôi chở đầy ắp cá, tôm, cua và những bông điên điển, bông súng được tấp nập đổ về chợ cá, chợ nổi đã tạo thành một nét văn hóa đặc trưng hấp dẫn du khách.
Mùa nước nổi bắt đầu bằng những dòng nước đỏ ngầu phù sa được đổ về từ Biển Hồ của Campuchia theo dòng Mê Công đổ về hạ nguồn, được chia ra thành 2 nhánh sông Tiền, sông Hậu.
Thời điểm này, những ngày nắng nóng đã qua và nước tràn về mênh mông trên đồng bằng sông Cửu Long. Nhà ngập, nước tràn, cánh đồng mênh mang nước, nhưng với người nông dân miền tây thì đó là sự nôn nao chờ đợi những món quà tặng của thiên nhiên để giúp họ cải thiện cuộc sống một nắng hai sương của mình.
Nông dân miền tây mùa nước nổi lấy thuyền làm nhà. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều trên ghe thuyền với những bữa ăn đạm bạc, vội vàng để kịp theo những con nước mưu sinh. Ngư cụ đánh bắt cá mùa nước nổi là đáy, vó, quăng chài, giăng câu, thả lưới. Có những khu chợ chỉ họp mùa nước nổi. Những đặc sản mà thiên nhiên ban tặng được bán các chợ cá là cá, tôm, lươn, rắn, chim, chuột, cò, sen, súng, bông điên điển...
Cái may mắn của tôi, một giáo viên lịch sử là được vào miền tây vào đúng mùa nước nổi, để cảm nhận bằng mắt nhìn, tai nghe những nét đặc sắc, bù đắp thêm những thực tế. Các đồng nghiệp môn Sử miền sông nước nơi đây đã tiếp đón tôi với phong cách cởi mở, phóng khoáng, mộc mạc, chân thành như nghĩa tình của những người bạn ghe miền sông nước. Tất cả những món ăn mà bạn bè đãi tôi đều từ những sản vật của mùa nước nổi.
Cá linh non đầu mùa óng màu vảy sáng trong nổi lẩu mắm, canh chua cá lóc với bông súng, bông điên điển xào với tép đồng. Nét độc đáo của nồi lẩu này khác với cách ăn lẩu của người miền Bắc ở vị chua chua, ngọt ngọt của nước dùng và hương thơm thoang thoảng của bông điên điển.
Đến miền tây mùa nước nổi, nơi đầy ắp những nỗi nhớ, niềm thương cho tôi và những du khách khi xa nó với những bữa cơm ấm tình đồng nghiệp trong tiếng xàng xê vọng cổ. Giữa mênh mông sông nước mỗi sáng mai, chỉ cần ngồi trên 1 chiếc ghe nào đó là có thể thưởng thức bữa ăn sáng đậm đà hương vị miền tây với 1 tô hủ tiếu thơm cay, bún riêu cua nóng hổi hay miếng bánh lá dừa ngọt bùi cùng 1 ly cà-phê đen sẽ lưu giữ trong ta cái hương vị mộc mạc, chân quê của mùa nước nổi.
Bởi cái đặc thù của địa lý mà con nước trở thành niềm thương, nỗi nhớ trong đời sống của người dân "sống chung với lũ" và cũng trù phú bởi lũ. Mùa nước nổi đọng lại lớp phù sa cho đất và đọng lại trong lòng người những miền nhớ...những ngày trông con nước nổi. Mùa nước nổi, cũng là mùa mong đợi.
Rời miền tây mùa nước nổi, chia tay với các đồng nghiệp môn sử miền sông nước trong một chuyến đi khám phá và trải nghiệm đầy bổ ích, tôi vẫn thoảng nghe đâu đó âm thanh của những điệu hò Đồng Tháp, vọng nghe đâu đây giai điệu quen thuộc của bài hát "Bài ca đất phương Nam" khi tôi đi trên bến phà Sa Đéc : "Nhắn ai đi về, miền đất phương Nam. Trời xanh mây trắng, soi dòng Cửu Long giang...".
Thân thương khung cảnh miền quê Bến Tre mùa nước lũ Những ngày cuối năm, vùng quê xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre lại vào mùa nước nổi. Nước không dâng cao, không quá gối, mà 'xâm xấp' mặt đường, tạo nên khung cảnh bình dị, thân thương, gợi nhớ đến ký ức vùng quê yên bình trong tâm trí của bao người. Ảnh: Trần Ngọc Công Lý Những...