Hyundai, Kia thiệt hại khoảng 2 tỷ USD vì triệu hồi xe
Hyundai và Kia sẽ phải chịu khoản thâm hụt khoảng 2 tỷ USD để triệu hồi và sửa chữa những mẫu xe bị lỗi động cơ.
Hyundai, Kia phải chịu thâm hụt khoảng 2 tỷ USD cho các vụ thu hồi xe lỗi. Ảnh: Vĩnh Phúc.
Theo Reuters, Hyundai và Kia sẽ trích 2,9 nghìn tỷ won, tương đương khoảng 2 tỷ USD của doanh thu quý III để giải quyết việc thu hồi và sửa chữa những mẫu xe lỗi.
Cụ thể, Hyundai phải chịu khoản chi phí lên đến 1,36 nghìn tỷ won, hơn nửa lợi nhuận ròng trong quý III của hãng. Trong khi đó Kia chịu 1,54 nghìn tỷ won, khoảng 77% lợi nhuận trong quý.
Hyundai đã trích đến 1,36 nghìn tỷ won cho việc triệu hồi và sửa chữa động cơ xe. Ảnh: Paultan.
Theo cả 2 hãng xe, việc triệu hồi và sửa chữa sẽ giúp đảm bảo duy trì chất lượng của xe trong bối cảnh nhiều khách hàng lựa chọn sử dụng xe trong thời gian dài. Ngoài ra, việc thiếu hụt nguồn cung linh kiện sản xuất ôtô cũng khiến khách hàng gắn bó với xe cũ dài lâu hơn.
Hyundai và Kia đã triệu hồi tổng cộng gần 1,7 triệu xe trong các năm 2015 và 2017. Đây cũng là những đợt triệu hồi xe lớn nhất của 2 hãng tại thị trường Mỹ. Nguyên nhân được cho là do sự cố của động cơ Theta GD, có nguy cơ dẫn đến tai nạn khi di chuyển.
Để cải thiện uy tín thương hiệu của mình, cả Kia và Hyundai đã đưa ra các chế độ bảo hành trọn đời cho khách hàng tại Mỹ. Đây được coi là chế độ bảo hành chưa từng có tại thị trường này cũng như toàn thế giới.
“Chúng tôi thành thật xin lỗi vì các vấn đề chất lượng và chi phí lớn trong việc thu hồi động cơ Theta II GDI. Chúng tôi sẽ cố gắng để đảm bảo chất lượng động cơ, tránh sự việc tương tự xảy ra trong tương lai”, ông Cha Seong Ju, người đứng đầu bộ phận chất lượng của Hyundai Motor Group, chia sẻ với các nhà phân tích.
Video đang HOT
Reuters phân tích: Chính sách xe điện mới đã đặt dấu chấm cho giấc mơ Mỹ của Hyundai và KIA
Chính sách xe điện mới của Mỹ đã tác động thế nào đến kế hoạch của Hyundai và KIA? Tờ Reuters mới đây đã đăng tải bài viết Analysis: New U.S. rules on EV subsidies slam Hyundai, Kia's dreams, trong đó phân tích về tác động của chính sách mới lên kế hoạch lâu dài của hãng xe Hàn Quốc tại Mỹ.
Dưới đây là phần chuyển ngữ của bài viết.
Sau khi nắm giữ ngôi nhì bảng xếp hạng các hãng xe có doanh số xe điện tốt nhất nước Mỹ, Hyundai và KIA (thương hiệu sản sinh ra Hyundai Ioniq 5 và KIA EV6 với thiết kế ấn tượng, đi kèm cự ly di chuyển lớn) đang là hai thương hiệu chịu nhiều khó khăn nhất khi chính sách xe điện mới đi vào thực thi, vì lý do sản phẩm được sản xuất ngoài nước Mỹ.
Hyundai và KIA thực tế đã bán được tới 39.000 chiếc xe điện tại thị trường Mỹ tính từ tháng 1 đến hết tháng 7, tức đạt con số gấp đôi năm ngoái, vượt qua loạt ông lớn là Ford, Volkswagen và General Motors.
Tuy nhiên, đạo luật Inflation Reduction Act (tạm dịch: Đạo luật Cắt giảm Lạm phát) mà Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký đã đẩy Hyundai cùng KIA ra khỏi nhóm được hưởng ưu đãi, vì xe điện của họ không được sản xuất tại Mỹ. Bình luận về sự việc, nhân sự cấp cao của Hyundai, các nhà cung cấp, các chuyên gia phân tích và các đại lý cùng cho rằng đạo luật này cũng đã đập tan ước vọng của hãng, ít nhất là mục tiêu ngắn hạn.
Hyundai Ioniq 5 và KIA EV6 không đạt tiêu chuẩn nhận hỗ trợ tại Mỹ.
Theo tiêu chuẩn mới, sẽ chỉ có 20 mẫu xe điện đủ điều kiện nhận khoản ưu đãi, đa phần đến từ các hãng như Ford, BMW, Tesla hay General Motors. Tiêu chí nhận ưu đãi cũng quy định cả phần trăm nguồn gốc cấu thành của bộ pin và các linh kiện trên chiếc xe.
Các hãng xe khác cũng bị tác động từ chính sách mới như Toyota thì có chiếm ít thị phần hơn, lý do là bởi các hãng này không có nhiều mẫu mã, hoặc vốn đã đặt mục tiêu thị phần thấp.
Trao đổi với Reuters, ông Andrew DiFeo đang làm việc tại một đại lý của Hyundai tại bang Florida, Mỹ đã thấy nhiều khách hàng tiềm năng không còn hứng thú với các mẫu xe điện từ Hyundai. Ông thuật lại: "Nếu mọi thứ [tính năng, thông số] đều giống nhau, nếu tôi mua chiếc này thì được hỗ trợ 7.500 USD, nếu tôi mua chiếc kia thì không được hỗ trợ, tôi thích Hyundai lắm, nhưng tôi sẽ chọn mẫu xe mà tôi được hỗ trợ".
50% cấu thành bộ pin phải tới từ Mỹ hoặc các quốc gia Mỹ ký hiệp định thương mại mới đạt tiêu chuẩn nhận hỗ trợ.
Trên thực tế, Hyundai Motor Group không hẳn không mang gì tới Mỹ. Thương hiệu xe Hàn Quốc từ khoảng 3 tháng trước đã từng khẳng định sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào Mỹ, bao gồm một nhà máy xe điện tại bang Georgia với tổng kinh phí 5,5 tỷ USD. Song, trước chính sách mới thì Hyundai không mấy vui vẻ.
Thậm chí, khi Hyundai thông báo về kế hoạch đầu tư, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng cảm ơn: "Cảm ơn các bạn một lần nữa vì đã chọn Mỹ làm điểm đến. Chúng tôi sẽ không khiến các bạn thất vọng".
Một nhân sự cấp cao tại một nhà cung cấp chính của Hyundai đã có trao đổi với các quan chức Hàn Quốc, người này đã tham gia phỏng vấn với Reuters, nói rằng điều luật này đã khiến họ ngỡ ngàng. Người này nói tiếp với giọng không mấy hứng thú: "Thật thất vọng. [...] Rõ là lộn xộn".
Hyundai có kế hoạch xây dựng nhà máy xe điện tại bang Georgia, Mỹ. Ảnh: Engadget.
Tuần trước, nhiều quan chức Hàn Quốc đã gặp các người đồng cấp Mỹ để bày tỏ quan ngại về vấn đề. Tờ Thời báo Tài chính (The Financial Times) phản ánh rằng Chủ tịch của Hyundai Motor Group, ông Euisun Chung, cũng đã bay tới thủ đô Washington, Mỹ.
Một quan chức Mỹ hôm 30/8 tuần trước đã phát biểu rằng phía Hàn Quốc yêu cầu Mỹ tạm dừng áp dụng chính sách mới cho đến khi nhà máy của Hyundai tại bang Georgia hoàn thành vào năm 2025. Phía Hàn Quốc cũng cho rằng quy định mới của Mỹ có thể vi phạm Hiệp định thương mại Tự do Mỹ-Hàn.
Một nhân sự cấp cao của Hyundai đã trả lời Reuters rằng: "Nhà máy xe điện của chúng tôi tại Mỹ được xây dựng hướng đến khoản hỗ trợ trong bối cảnh thị trường xe điện ở đây đang ngày một sôi động hơn... chính sách mới đang có tác động trực tiếp và tiêu cực đến chúng tôi".
Người này yêu cầu giấu tên vì không được phép trao đổi với giới truyền thông.
"MADE IN U.S.A"
Phân xưởng sản xuất mẫu xe điện Hyundai Ioniq 5 tại nhà máy của tập đoàn ở thành phố Ulsan, Hàn Quốc. Ảnh: Hyundai Motor Group.
Cho dù Hyundai đang cân nhắc việc thúc đẩy xây dựng nhà máy xe điện để khởi công ngay trong năm nay, giới chuyên gia vẫn cho rằng doanh số của thương hiệu Hàn Quốc sẽ sụt giảm. Các chuyên gia cho rằng ở thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để tính xem liệu chính sách mới sẽ khiến Hyundai mất đi bao nhiêu doanh thu và lợi nhuận, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng rất có thể, Hyundai sẽ cố để tăng sức thu hút trên thị trường bằng các chính sách ưu đãi riêng - bước đi được cho là làm tăng lên tổng chi phí của hãng.
Trên thực tế, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt bút ký phê duyệt đạo luật, cổ phiếu của Hyundai và KIA đã cùng sụt giảm 4%. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì giá cổ phiếu của cả hai hãng xe đã hồi phục.
Trao đổi với Reuters, phía tập đoàn Hyundai cho biết: "Chúng tôi đang cân nhắc nhiều phương án để giải quyết vấn đề mà đạo luật này đang gây ra cho chúng tôi".
KIA EV6 sử dụng chung nền tảng với Hyundai Ioniq 5.
Mặc dù doanh số xe điện của cả Hyundai và KIA gộp lại mới chỉ nhỉnh hơn 1/10 của Tesla, và chiếm khoảng 9% thị phần xe điện tại Mỹ, nhưng những con số này lại là minh chứng cho thấy Hyundai và KIA sẽ sớm là những tay chơi lớn tại thị trường xe điện Mỹ.
Đầu năm sau, Hyundai sẽ cho ra mắt thị trường Mỹ mẫu xe điện mới - Hyundai Ioniq 6. Đây là mẫu xe mà giới chuyên gia đã nhìn nhận rằng, với chính sách giá hấp dẫn, sẽ chèn ép Tesla ngay tại sân nhà của Tesla. KIA thì chưa công bố kế hoạch cụ thể cho mẫu SUV 3 hàng ghế KIA EV9 - mẫu xe mà giới chuyên gia cho rằng sẽ đánh vào nhóm khách hàng ưa xe cỡ lớn.
Chuyên gia phân tích Yoo Ji-woong từ công ty Đầu tư chứng khoán Daol (Daol Investment & Securities) cho rằng KIA sẽ sản xuất mẫu KIA EV9 tại Mỹ để được hưởng ưu đãi.
Nhìn xa hơn, chuyên gia Yoo Ji-woong cho rằng rồi sau này các hãng xe sẽ đều được lợi từ chính sách này: "Có thể sẽ mất vài năm, nhưng sau cùng thì chính sách này sẽ khiến cho giá xe điện dễ tiếp cận hơn".
Đối thủ trực tiếp của VinFast VF 8 tại Mỹ từ Hyundai và KIA vừa mất lợi thế lớn Hyundai Ioniq 5 và KIA EV6 bị loại khỏi danh sách nhận trợ giá lên đến 7.500 USD từ chính phủ Mỹ. Sau khi Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden, đặt bút ký phê duyệt đạo luật Inflation Reduction Act (tạm dịch: Đạo luật Cắt giảm Lạm phát), ngành xe điện tại Mỹ đã có nhiều chuyển biến. Một trong những điều mà...