Hy vọng nào cho hòa bình tại Gaza?
Vậy là ngay sau khi thời hạn đình chiến ngắn ngủi hết hiệu lực, các cuộc giao tranh tại Dải Gaza đã lập tức tái diễn, với tất cả sự khốc liệt của chiến tranh.
Bối cảnh ấy đang nhấn chìm mọi hy vọng kiến tạo hòa bình từ cộng đồng quốc tế và những người dân thường ở đó tiếp tục bị đẩy vào tình cảnh nguy hiểm, trong một viễn cảnh mịt mù.
Lời kêu cứu tuyệt vọng
Ngày 4/12, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lên tiếng bác bỏ các kế hoạch của Israel nhằm chia tách, chiếm đóng, cô lập bất kỳ khu vực nào của Dải Gaza, vốn là một phần lãnh thổ không thể thiếu của nhà nước Palestine.
Trong cuộc điện đàm với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Tổng thống Abbas nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “ngay lập tức dừng các hành động gây hấn nhằm vào người dân Palestine tại Dải Gaza, không để dân thường trở thành mục tiêu của các vụ tấn công”.
Hận thù càng lúc càng chồng chất.
Ông cũng hối thúc việc tạo điều kiện cho hàng viện trợ bao gồm thực phẩm, thuốc men, nước uống, điện và nhiên liệu vào khu vực này ngay lập tức, cũng như cung cấp hàng cứu trợ cần thiết để các bệnh viện và cơ sở thiết yếu nối lại hoạt động và công tác điều trị. Bên cạnh đó, ông đề nghị phía Mỹ hỗ trợ nhằm ngăn ngừa các vụ tấn công, phá hủy nhà cửa, đẩy người Palestine khỏi các khu vực Bờ Tây, Jerusalem và Thung lũng Jordan.
Tổng thống Abbas nhấn mạnh rằng Palestine sẵn sàng hướng tới việc thực thi giải pháp hai nhà nước dựa trên các nghị quyết hợp pháp của quốc tế, bắt đầu từ việc Palestine trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc và việc tổ chức Hội nghị Hòa bình Quốc tế.
Tuy nhiên, những mong muốn được bày tỏ khẩn khoản đó có nguy cơ vẫn chỉ là những ước vọng đơn phương.
Cùng ngày 4/12 ấy, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA) cho biết: Các đội cứu trợ chỉ hoạt động “rất giới hạn” ở Gaza, riêng hàng viện trợ vào phía Bắc Gaza “hiện bị phong tỏa hoàn toàn”. Cũng theo OCHA, đã có ít nhất 316 người ở Gaza thiệt mạng trong khoảng thời gian từ chiều 2/12 đến chiều 3/12, trong bối cảnh giao tranh tái diễn.
Trong khi đó, Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) xác nhận người dân ở thành phố Rafah (Nam Gaza) buộc phải chạy nạn do các đợt không kích từ Israel. Và, đến cả ông Thomas White – người đứng đầu UNRWA tại Dải Gaza – cũng chưa biết UNRWA phải hỗ trợ những người dân đang khẩn cầu được hướng dẫn tìm nơi an toàn như thế nào.
Video đang HOT
Ở một diễn biến song song, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đăng tải trên trang mạng xã hội X cá nhân của mình: “Hôm nay (ngày 4/12), WHO đã nhận được thông báo từ Lực lượng Phòng vệ Israel rằng chúng tôi nên chuyển vật tư khỏi kho y tế của chúng tôi ở Nam Gaza trong vòng 24 giờ, do các hoạt động trên bộ sẽ khiến số vật tư đó không thể sử dụng được. Chúng tôi kêu gọi Israel rút lại yêu cầu này và thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm cả bệnh viện và cơ sở nhân đạo”.
Theo WHO, số bệnh viện đang hoạt động ở Dải Gaza đã giảm từ 36 xuống 18 trong vòng chưa đầy 60 ngày. Trong đó, 3 bệnh viện chỉ cung cấp dịch vụ sơ cứu cơ bản và các bệnh viện khác cung cấp dịch vụ một phần. Tại Nam Gaza hiện chỉ còn 12 bệnh viện đang hoạt động. Mà ở Gaza, vẫn còn khoảng 1,8 triệu thường dân cư ngụ, kể cả sau khi phía Israel công bố lệnh yêu cầu cư dân rời khỏi phía Bắc Dải Gaza hồi giữa tháng 10.
Hiện tại, quân đội Israel đã tấn công cả vào phía Nam Dải Gaza – điều mà theo ông Ahmed al-Mandhari, Giám đốc WHO tại khu vực Đông Địa Trung Hải, có nguy cơ tước đi quyền được chăm sóc sức khỏe của hàng nghìn người.
Cũng ngày 4/12, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) Mirjana Spoljaric cho biết bà đã tới Gaza, đồng thời nhấn mạnh rằng những đau khổ tại vùng lãnh thổ này của người Palestine là “không thể chịu đựng được”. Trong bài đăng trên mạng xã hội X, bà kêu gọi bảo vệ dân thường theo luật chiến tranh và không cản trở các nỗ lực cứu trợ.
Sự bất lực của thế giới
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula de Silva, ngày 4/12, nhận định rằng đã đến lúc Liên hợp quốc phải can thiệp, khi đã có quá nhiều dân thường Palestine thiệt mạng và khẳng định rằng giải pháp duy nhất để giải quyết cuộc xung đột là thành lập hai nhà nước.
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyp Erdogan cũng phát biểu: “Các nước phương Tây ủng hộ Israel, đặc biệt là Mỹ và Anh, luôn đặt ra câu hỏi: “Chúng ta sẽ làm gì trước mối đe dọa từ Hamas?” thay vì nhìn vào giải pháp hai nhà nước. Câu trả lời của chúng tôi là: Nếu chúng ta đặt giải pháp hai nhà nước vào trung tâm, các vấn đề ở Gaza và các mối đe dọa lẫn nhau về cơ bản sẽ biến mất. Đó là cách chúng ta cần giải quyết tình hình”.
Xe tăng Israel tiến vào phía Nam Gaza.
Tuy nhiên, bất chấp những luồng dư luận ấy, trên thực tế, ngọn lửa chiến tranh tại Gaza vẫn đang được thổi bùng. Ngoại trưởng Israel Eli Cohen viết trên mạng xã hội X của mình ngày 2/12: “Chúng tôi sẽ giải phóng Gaza khỏi Hamas, vì an ninh của Israel và để tạo ra tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trong khu vực. Xin mời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiếp đón các tay súng Hamas ở đất nước của ông, những người chưa bị tiêu diệt và chạy khỏi Gaza”. Còn Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi cũng nhắc lại rằng quân đội Israel đã sẵn sàng xóa sổ Hamas. Ông nói: “Sẽ mất thời gian. Đây là những mục tiêu phức tạp”.
Và một ngày sau, 3/12, báo Times of Israel dẫn lời Trung tướng Herzi Halevi xác nhận: Quân đội Isael đã tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào miền Nam Gaza, trong bối cảnh giao tranh vẫn đang tiếp diễn tại phía Bắc Dải Gaza. Ông tuyên bố các hành động của IDF ở phía Nam Gaza cũng sẽ mạnh mẽ và hiệu quả không kém các hành động ở phía Bắc Gaza.
Đáp trả đà tiến của xe tăng Israel, phía Hamas bắn tên lửa vào miền Trung Israel, cũng như các thị trấn phía Nam và thành phố Beersheba.
Và, như thế, đầu tiên, sự tái diễn chiến sự toàn diện này có nghĩa là tiến trình giải cứu các con tin còn đang bị giam cầm sẽ trở nên khó khăn hơn gấp bội. Sau đó, như một hệ quả tất yếu, thù hận sẽ càng lúc càng gia tăng. Hội đồng An ninh quốc gia Israel (NSC) ngày 4/12 đã nâng cấp độ cảnh báo đi lại đối với công dân quốc gia Do Thái tới 80 quốc gia, nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ cuộc chiến này. Theo NSC, “có sự gia tăng liên tục và đáng kể những làn sóng kích động, âm mưu tấn công và các biểu hiện phổ biến của chủ nghĩa bài Do Thái ở nhiều quốc gia”, kể cả Anh, Đức, Pháp, Brazil, Argentina, Australia và Nga.
Cuối cùng, như rất nhiều cuộc chiến tranh khác trong lịch sử loài người, chiến sự sẽ chỉ có thể hoàn toàn chấm dứt khi một trong hai phía không còn sức chịu đựng hoặc một trong hai phía đạt được tất cả những mục đích mà họ hướng đến. Trong trường hợp cụ thể này, Israel đang nắm giữ quá nhiều ưu thế trên thực địa và bởi vậy, cho dù vấp phải sự phản đối rộng rãi từ dư luận quốc tế, thật khó tìm thấy một lý do đủ sức nặng để họ từ bỏ chiến lược đã lựa chọn. Điều đó đã được xác nhận bởi chính Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant rằng quân đội Israel đã quay trở lại Shejaiya “để hoàn thiện mọi thứ”.
Đề cập đến những trận chiến khó khăn ở khu vực lân cận thành phố Gaza vào năm 2014, ông Gallant khẳng định: “Lần này họ sẽ không từ bỏ, cho đến khi tất cả cơ sở hạ tầng khủng bố ở đó bị xóa sổ. Đồng thời, IDF đã bắt đầu hoạt động ở miền Nam Gaza. Số phận của những kẻ khủng bố trong các tiểu đoàn Hamas ở đó sẽ giống như số phận ở phía Bắc, thậm chí còn tệ hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến khi chiến thắng và cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu – tiêu diệt Hamas và trao trả các con tin về Israel”.
Vấn đề là, không ai hình dung được, cho đến khi cuộc chiến này khép lại, sẽ còn bao nhiêu dân thường vô tội thiệt mạng, do cả đạn bom lẫn cả sự thiếu thốn những nhu cầu cơ bản, như thức ăn, nước sạch, thuốc men…
Theo hãng tin AFP, dẫn nguồn cơ quan y tế tại Gaza, kể từ khi nổ ra xung đột Hamas-Israel vào ngày 7/10, gần 15.900 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel. Trong số này có tới 70% là phụ nữ và trẻ em. Và, đó là tổn thất dân thường quá lớn, để phía Israel tiêu diệt được khoảng 5.000 tay súng Hamas, trong sự bất lực của cộng đồng quốc tế, cũng như trong triển vọng dành cho giải pháp hai nhà nước ngày một trở nên mịt mờ
Mỹ hé lộ kịch bản quản lý Gaza hậu xung đột Israel-Hamas; Tổng thống Palestine ra điều kiện
Khi xung đột Israel-Hamas chuẩn bị diễn ra được một tháng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bất ngờ tới khu Bờ Tây lần đầu tiên và gặp Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas.
Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc gặp ở Ramallah, Bờ Tây, ngày 5/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 5/11, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, ông Antony Blinken, đã có chuyến thăm không báo trước tới khu Bờ Tây bị chiếm đóng trong bối cảnh cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza đang leo thang căng thẳng.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Blinken tới khu Bờ Tây, nhưng là cuộc gặp thứ hai với Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas kể từ khi các tay súng Hamas ở Palestine bất ngờ tấn công miền Nam Israel vào ngày 7/10, giết chết 1.400 người và bắt hơn 240 người đưa về Dải Gaza làm con tin.
Cuộc tấn công đã kéo theo đòn trả đũa của phía Israel với các cuộc không kích và hoạt động càn quét trên bộ mà theo cơ quan y tế Gaza do Hamas kiểm soát đã giết chết khoảng 9.500 người.
Theo hãng tin Reuters của Anh, cùng với việc tìm cách đảm bảo xung đột không lan rộng trong khu vực, ông Blinken đang cố gắng khởi động các cuộc thảo luận về cách quản trị Dải Gaza sau khi Hamas bị tiêu diệt hoàn toàn - đây chính là mục tiêu mà Israel đưa ra.
Dẫn tiết lộ của một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, hãng tin Reuters cho biết trong cuộc gặp, ông Blinken đã nói với ông Abbas rằng Chính quyền Palestine nên đóng vai trò trung tâm trong những gì xảy ra tiếp theo ở Dải Gaza.
Theo quan chức này, "tương lai của Gaza không phải là trọng tâm của cuộc họp, nhưng Chính quyền Palestine dường như sẵn sàng đóng một vai trò nào đó".
Trước đó, trong phiên điều trần trước Ủy ban Thẩm định Thượng viện Mỹ hôm 31/10, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nếu Israel thành công trong mục tiêu lật đổ Hamas, Chính quyền Palestine được "hồi sinh" sẽ giành lại quyền kiểm soát Gaza, nhưng các đối tác khu vực và các tổ chức quốc tế có thể đóng vai trò chuyển tiếp.
Đó là lần đầu tiên tiên Washington công khai tuyên bố mong muốn Chính quyền Palestine quay trở lại nắm quyền ở Dải Gaza.
Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc gặp ở Ramallah, Bờ Tây, ngày 5/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Liên quan tới khả năng này, hãng tin Al Jazeera cho biết trong cuộc gặp hôm 5/11, ông Abbas đã ra điều kiện để Chính quyền Palestine quay trở lại Dải Gaza.
Ông Abbas đã nói rằng Chính quyền Palestine chỉ có thể trở lại nắm quyền ở Dải Gaza nếu tìm được "giải pháp chính trị toàn diện" cho cuộc xung đột Israel-Palestine.
Theo Al Jazeera, nguyên văn lời ông Abbas nói với ông Blinken, được hãng thông tấn Wafa của Palestine đưa tin là: "Chúng tôi sẽ hoàn toàn đảm nhận trách nhiệm của mình trong khuôn khổ một giải pháp chính trị toàn diện, bao gồm toàn bộ khu Bờ Tây, bao gồm cả phía Đông Jerusalem và Dải Gaza".
Tờ The Times of Israel bổ sung rằng trong cuộc gặp, ông Abbas đã nhấn mạnh rằng an ninh và hòa bình chỉ có thể đạt được bằng cách chấm dứt sự cai trị quân sự của Israel trên các lãnh thổ của "Nhà nước Palestine" và bằng cách công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine.
Ông Abbas cũng nhắc lại rằng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), cơ quan điều hành Chính quyền Palestine, là đại diện hợp pháp duy nhất của người dân Palestine và là người ra quyết định duy nhất của họ.
Khẳng định này, đã bác bỏ Hamas, lực lượng kiểm soát Dải Gaza trên thực tế kể từ khi lật đổ Chính quyền Palestine, giành quyền kiểm soát toàn bộ Dải Gaza vào năm 2007 và sau đó không tổ chức bầu cử nữa.
Azerbaijan mở chiến dịch 'chống khủng bố' tại Nagorno-Karabakh Azerbaijan ngày 19.9 khởi động chiến dịch "chống khủng bố" tại Nagorno-Karabakh, vùng lãnh thổ có phần đông dân số là người Armenia và là tâm điểm xung đột nhiều năm qua. Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo đã bắt đầu chiến dịch "chống khủng bố" địa phương tại Nagorno-Karabakh, sử dụng các vũ khí chính xác cao. AFP đưa tin phóng viên...