Hy vọng mới về quan hệ Hoa Kỳ – Triều Tiên
Dư luận quốc tế đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả tích cực mà Tổng thống Hoa Kỳ Đ.Trăm và Chủ tịch Triều Tiên Kim Châng Ưn có thể đạt được trong cuộc gặp cấp cao lần hai, diễn ra tại Hà Nội. Trong khi đó, cả Hoa Kỳ và Triều Tiên đều phát đi những tín hiệu lạc quan về bước tiến mới trong quan hệ song phương.
Quang cảnh thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên.Ảnh ROI-TƠ
Ngay trước Hội nghị cấp cao lần hai giữa lãnh đạo hai nước, Nhà trắng ra thông cáo nêu rõ, Tổng thống Đ.Trăm cam kết đạt được hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, cho Hoa Kỳ và cả thế giới. Oa-sinh-tơn gọi đây là “cơ hội to lớn”, khi Hội nghị tại Hà Nội lần này nhằm thúc đẩy triển khai các cam kết mà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên đạt được tại cuộc gặp trực tiếp lần đầu giữa Tổng thống Đ.Trăm và Chủ tịch Triều Tiên Kim Châng Ưn tại Xin-ga-po, hồi tháng 6-2018, nổi bật trong đó là phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập nền hòa bình lâu dài, bền vững trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Đ.Trăm cũng nêu rõ, nếu Triều Tiên duy trì cam kết phi hạt nhân hóa, Hoa Kỳ sẽ nỗ lực tạo ra các lựa chọn về phát triển kinh tế. Oa-sinh-tơn và các đối tác sẵn sàng tìm hiểu cách thức huy động đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường an ninh lương thực và nhiều lĩnh vực hợp tác khác tại Triều Tiên. Theo lãnh đạo Nhà trắng, hơn ai hết, Chủ tịch Triều Tiên Kim Châng Ưn sẽ nhận ra rằng, việc từ bỏ vũ khí hạt nhân sẽ khiến Triều Tiên nhanh chóng có cơ hội để trở thành một trong những cường quốc kinh tế trên thế giới.
Nhà trắng nhắc lại các kết quả mang tính đột phá sau cuộc gặp lịch sử ở Xin-ga-po năm 2018. Kể từ khi Hội nghị cấp cao Xin-ga-po diễn ra, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên đạt được những bước tiến mới đầy kỳ vọng. Theo nhận định của Hoa Kỳ, Triều Tiên đã không tiến hành thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa hơn 400 ngày và cam kết tháo dỡ các cơ sở làm giàu plu-tô-ni và u-ra-ni. Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2019, Chủ tịch Triều Tiên Kim Châng Ưn cũng tái khẳng định cam kết về hoàn thành phi hạt nhân hóa. Triều Tiên cũng đã trao trả hài cốt những người Hoa Kỳ chết trong chiến tranh và hai bên cam kết nỗ lực nhiều hơn nữa trong vấn đề này.
Phía Triều Tiên cũng phát đi những thông điệp mạnh mẽ về việc Bình Nhưỡng “sẵn sàng tạo nên trang lịch sử mới”, như bài báo trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên đã viết trước thềm Hội nghị.
Bài báo khẳng định, Triều Tiên sẽ phát triển quan hệ với tất cả các quốc gia tôn trọng chủ quyền và thân thiện với Triều Tiên, bất kể sự khác biệt về lý tưởng và hệ thống xã hội và báo cho rằng, Triều Tiên đang đứng trước “bước ngoặt lịch sử”, đồng thời kêu gọi người dân Triều Tiên nỗ lực hơn nữa để nắm bắt cơ hội, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Triều Tiên cũng nhấn mạnh, việc từ bỏ tiến hành các vụ thử hạt nhân, tên lửa và phá hủy bãi thử hạt nhân là những bước đi cho thấy thiện chí của Bình Nhưỡng nhằm xây dựng nền hòa bình lâu dài trong khu vực, cũng như thể hiện trách nhiệm của Triều Tiên với cộng đồng quốc tế.
Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tồn tại trong hàng chục năm qua và đã có nhiều nỗ lực nhằm hóa giải bất đồng, hướng tới hòa bình và ổn định lâu dài ở khu vực. Bởi thế, kỳ vọng dành cho Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ – Triều Tiên lần hai tại Hà Nội là rất lớn. Theo đó, các bên có thể thông qua một thỏa thuận, trong đó Triều Tiên vạch ra các bước đi cụ thể về phi hạt nhân hóa, đổi lại Hoa Kỳ có những bước đi tích cực, gồm cả việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.
Để tìm được tiếng nói chung nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, có thể, Hoa Kỳ và Triều Tiên vẫn cần thêm thời gian. Song, tiếp nối những kết quả đột phá của Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ – Triều Tiên lần đầu, cùng các bước đi tích cực của cả Hoa Kỳ và Triều Tiên thời gian qua, cuộc gặp lần hai tại Hà Nội đem tới hy vọng mới trong việc xây dựng lòng tin thực chất giữa hai bên, hướng tới mục tiêu chung là hòa bình cho khu vực và thế giới.
TRUNG MINH
Theo NDĐT
Video đang HOT
Cận cảnh bóng hồng xinh đẹp quyền lực nhất Triều Tiên tháp tùng ông Kim Jong Un đến Hà Nội
Triều Tiên ngày hôm qua (24/2) đã lần đầu tiên xác nhận Chủ tịch Kim Jong Un sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo thông báo từ hãng thông tấn chính thức KCNA của Triều Tiên, ông Kim đã rời thủ đô Bình Nhưỡng chiều hôm 23/2 để đến Hà Nội trên một chiếc tàu hỏa bọc thép hạng nặng đặc biệt.
Ảnh 1/11Xem slide
Chiều ngày 23/2 ông Kim Jong Un đã khởi hành từ Bình Nhưỡng trên một chiếc tàu hỏa đặc biệt để hướng tới Việt Nam
Trong số những quan chức tháp tùng ông Kim trong chuyến công du lần này có một bóng hồng xinh đẹp thu hút sự chú ý của rất nhiều người - đó là em gái của ông Kim Jong Un - bà Kim Yo Jong. Người phụ nữ này được nhiều người tin rằng bà đang là người phụ nữ quyền lực nhất đất nước Triều Tiên và là cánh tay phải đắc lực hỗ trợ rất nhiều cho người anh Kim Jong Un của bà.
Bà Kim Yo Jong chính là gương mặt đại diện cho phái đoàn Triều Tiên tại thế vận hội Olympics Mùa Đông ở Hàn Quốc hồi đầu năm ngoái và bà cũng có một vị trí quan trọng trên bàn đàm phán giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong cuộc gặp gỡ lịch sử quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ giữa hai nước này diễn ra hồi tháng Tư năm ngoái. Em gái của Chủ tịch Kim Jong Un là bóng hồng duy nhất trong 6 quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên có mặt tại cuộc đàm phán lịch sử hồi tháng Tư giữa Triều Tiên và Hàn Quốc ở khu vực phi quân sự hóa chia cắt giữa hai nước.
Trong khi bà Kim Yo Jong cần mẫn ghi chép thì anh trai của bà - Chủ tịch Kim Jong Un đàm phán với Tổng thống Hàn Quốc. Nữ chính khách 30 tuổi này được xem là một trong những người có công đầu trong việc thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra.
Cũng chính bà Kim Yo Jong là người đã đem theo thông điệp thể hiện mong muốn hòa dịu của Bình Nhưỡng đến Hàn Quốc khi bà là thành viên đầu tiên trong gia đình ông Kim đến thăm Hàn Quốc kể từ sau chiến tranh Triều Tiên. Cũng chính bà Kim Yo Jong là người trực tiếp trao lá thư của anh trai đến cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi hai nước nối lại những cuộc tiếp xúc.
Bà Kim Yo Jong cũng chính là người sát cánh bên anh trai trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un ở Singapore hồi tháng Sáu năm ngoái.
Bà Kim Yo Jong - người được tin là đang nắm giữ một vị trí cấp cao trong chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un, đang là cánh tay đắc lực của anh trai khi ông này thực hiện chiến dịch "tấn công quyến rũ" nhằm vào Hàn Quốc.
Em gái ông Kim Jong Un từng giữ chức Phó Giám đốc trong một cơ quan tuyên truyền của Bình Nhưỡng trước khi được bổ nhiệm làm ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên hồi năm ngoái. Bà Kim Yo Jong đã chính thức ngồi vào một bộ máy được dẫn dắt với anh trai của bà và bộ máy này là cơ quan ra quyết định cao nhất của đảng.
Em gái của Chủ tịch Kim Jong Un đủ nổi tiếng để bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách bị trừng phạt cùng với 6 thành viên khác trong nội các của Triều Tiên.
Chủ tịch Kim Jong Un và em gái Kim Yo Jong đều cùng được sinh ra bởi một người mẹ - bà Ko Yong Hui. Em gái của ông Kim được cho là có mức độ ảnh hưởng ngang, thậm chí là con hơn Đệ nhất phu nhân Triều Tiên hiện nay - bà Ri Sol Ju.
Theo một số nguồn tin, em gái của Chủ tịch Kim Jong Un từng theo học ở Thụy Sỹ. Trước đó, báo chí Hàn Quốc từng lan truyền tin bà này đảm nhiệm các vị trí cấp cao trong các ngân hàng của Triều Tiên và quản lý nhiều dự án về du lịch và đường sắt của nước này.
Người ta bắt đầu chú ý đến người em gái bí ẩn của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un kể từ sau khi ông này biến mất một cách bí ẩn suốt 6 tuần trong thời gian kéo dài từ tháng 9 đến tháng 10/2014. Khi đó, tin đồn đã dấy lên về việc em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên lên nắm quyền điều hành đất nước thay anh mình.
Sau khi thông tin trên được đưa ra, bà Kim Yo Jong đã nhanh chóng rơi vào "tầm ngắm" của báo chí thế giới. Bà này cũng thu hút sự quan tâm, chú ý rất lớn của dư luận trong và ngoài nước Triều Tiên.
Kim Yo Jong được cho là sinh ngày 26/9/1987 và là con út của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il cùng vợ là bà Ko Yong Hui. Kim Jong Un là con thứ, sau anh trai đầu là Kim Jong Chol.
Năm 1996, Kim Yo Jong sang Berne, Thụy Sĩ, sống cùng các anh trai và học tiểu học tại đây dưới cái tên "Kim Yo'ng-sun". Hình ảnh video do bạn bè quay lại từng cho thấy Kim Yo Jong và Kim Jong Un trong một buổi biểu diễn ở trường. Kim Yo Jong về nước năm 2000, khi mới chỉ hoàn thành lớp 6. Không rõ Yo Jong học trung học và đại học ở đâu. Có tin đồn cho rằng bà từng quay lại châu Âu lấy bằng đại học sau khi mẹ qua đời năm 2004. Các anh trai bà trong khi đó đều theo học các khóa đặc biệt ở Đại học Quân sự Kim Nhật Thành.
Bà Kim Yo Jong được tin là đã cưới con trai của ông Choe Ryong-hae - một nhân vật quyền lực trong Đảng Lao động Triều Tiên.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Theo VnMedia
Đặc phái viên Mỹ, Triều Tiên tham dự cuộc gặp cấp cao không báo trước Ngày 18/1, các đặc phái viên của Mỹ và Triều Tiên đã tham dự một cuộc gặp cấp cao không được thông báo trước tại Stockholm, Thụy Điển. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui. Ảnh: Kyodo/TTXVN Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Điển, bà Diana Kudhaib, cho biết quan chức Triều Tiên là Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son...