Hy vọng liệu pháp huyết tương cứu mạng bệnh nhân Covid-19
Một bệnh nhân Covid-19 có thể dừng thở máy chỉ hai ngày sau khi được truyền huyết tương của người đã khỏi bệnh.
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học Trung Quốc, đăng tải trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia hôm 2/4. Kết quả cho thấy nồng độ virus trong cơ thể bệnh nhân giảm nhanh chóng.
10 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm tuổi từ 34 đến 78, đều mắc Covid-19 và có triệu chứng nguy hiểm như khó thở, tức ngực. Tất cả được truyền 200ml huyết tương. Sau ba ngày, các bệnh nhân dứt sốt và giảm ho. Chức năng gan và phổi cũng như nồng độ oxy trong máu cải thiện đáng kể. Số lượng tế bào bạch cầu chống lại bệnh tật – tế bào lympho – cũng tăng lên, nồng độ kháng thể vẫn cao sau khi truyền dịch, các chuyên gia cho biết.
Đặc biệt một bệnh nhân nam, 42 tuổi, bị bệnh nặng, chỉ sau hai ngày điều trị bằng huyết tương đã có thể bỏ máy thở, hô hấp bình thường. Các nhà khoa học coi đây là kết quả “đáng chú ý”.
Nhóm nghiên cứu khác đến từ Bệnh viện Nhân dân Số ba, Thâm Quyến cũng sử dụng biện pháp tương tự cho 5 bệnh nhân nguy kịch. Triệu chứng của họ được cải thiện trong vòng 10 ngày. Ba người có thể dừng thở máy. Báo cáo sơ bộ về thử nghiệm được đăng tải trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA).
Những phát hiện mới nhất làm tăng hy vọng vào liệu pháp này.
Huyết tương trên tay một nhà nghiên cứu Bệnh viện Đại học Erlangen, Đức. Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Nếu chứng minh độ hiệu quả và an toàn thông qua các thử nghiệm lâm sàng khác, truyền huyết tương có thể là lời giải cho bài toán khan hiếm máy thở ở nhiều quốc gia.
Theo công bố của Hiệp hội Hồi sức cấp cứu (SCCM), Mỹ dự trữ khoảng 200.000 máy thở. Tuy nhiên, cơ quan cũng ước tính có khoảng 960.000 bệnh nhân trong nước sẽ cần dùng đến thiết bị này trong đại dịch. Tình trạng khan hiếm còn trầm trọng hơn ở Anh. Bộ Y tế cho biết quốc gia chỉ có hơn 8.000 máy.
Trên thực tế, thở máy (hay thông khí cơ học) không phải biện pháp điều trị Covid-19. Đây là hình thức hỗ trợ hô hấp trong quá trình chờ bệnh nhân hồi phục, theo chuyên gia về phổi của Hệ thống Y tế Đại học Miami ở Florida. Có từ 40 đến 50% bệnh nhân suy hô hấp nặng tử vong khi đang thở máy. Trong khi đó, 80% bệnh nhân Covid-19 tại New York điều trị bằng biện pháp này vẫn qua đời, theo báo cáo của giới chức bang và thành phố.
Liệu pháp huyết tương từng được sử dụng trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, trước khi có vaccine hoặc thuốc kháng virus, dựa trên một khái niệm y học có tên gọi “miễn dịch thụ động”. Những người đã khỏi một bệnh nhiễm trùng thường phát triển kháng thể, lưu thông trong máu, có khả năng bất hoạt mầm bệnh. Truyền huyết tương – dịch lỏng còn lại sau khi các tế bào máu được lọc ra – có thể làm tăng phản ứng chống lại virus ở người, giúp hệ thống miễn dịch trở nên mạnh mẽ hơn.
Ông Xiaoming Yang, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Kỹ thuật Quốc gia về Vaccine ở Vũ Hán, nhận định đây có thể là biện pháp cấp cứu tiềm năng đối với các ca bệnh nặng. Tuy nhiên ông cảnh báo cần thực hiện nghiên cứu trên phạm vi rộng hơn để đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả.
Ông Munir Pirmohamed, chủ tịch Hiệp hội Dược lý Anh, cũng nhấn mạnh: “Đây không phải là thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên. Tất cả bệnh nhân đã được điều trị kết hợp bằng phương pháp khác, bao gồm thuốc chống siêu vi như remdesivir”.
Trước đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt thử nghiệm lâm sàng liệu pháp huyết tương cho các bệnh nhân nguy kịch trong trường hợp không có lựa chọn khả quan hơn.
Thục Linh
Ý: 101 bác sĩ tử vong vì Covid-19, bệnh nhân 2 tháng tuổi hồi phục
Giữa lúc nước Ý đón tin vui là một đứa bé 2 tháng tuổi, bệnh nhận Covid-19 nhỏ tuổi nhất, vừa hồi phục và xuất viện thì cũng tại Ý 101 bác sĩ tử vong kể từ khi dịch bùng phát ở nước này vào tháng 2.
Các nhân viên y tế bên cạnh một bệnh nhân Covid-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Circolo ở thành phố Varese, Ý ngày 9.4 . Ảnh Reuters
Trong thông báo ngày 9.4, Hiệp hội y tế Ý FNOMCeO cho biết: "101 bác sĩ đã qua đời vì Covid-19 và con số có thể tiếp tục tăng, bao gồm những bác sĩ nghỉ hưu được chính phủ kêu gọi tham gia cuộc chiến chống lại đại dịch", theo AFP.
Truyền thông Ý ước tính hơn 30 y tá và nhân viên y tế khác cũng đã tử vong vì Covid-19.
Đến nay, Ý ghi nhận hơn 17.000 trường hợp tử vong, cao nhất thế giới, và gần 140.000 ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19.
Viện y tế cộng đồng ISS tại thủ đô Rome ước tính 10% trong tổng số ca nhiễm ở Ý là người làm việc trong lĩnh vực y tế.
"Chúng ta không thể tiếp tục để cho các bác sĩ, nhân viên y tế chiến đấu chống lại Covid-19 nhưng thiếu thiết bị, đồ bảo hộ", chủ tịch FNOMCeO Filippo Anelli nói.
Thông tin về những bác sĩ qua đời vì Covid-19 được đưa ra sau khi một em bé 2 tháng tuổi, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất ở Ý, đã vượt qua căn bệnh này và được cho xuất viện cùng với mẹ. Cả hai mẹ con nhập viện ở thành phố Bari vào ngày 18.3.
Châu Âu tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm, tử vong vì Covid-19 gia tăng.
Ở Anh, số ca nhiễm tăng lên hơn 60.000, với hơn 7.000 người tử vong. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trải qua 3 ngày điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt vì mắc Covid-19 và chính phủ thông báo tình trạng sức khỏe của ông cải thiện.
Bên cạnh đó, Tây Ban Nha và Ý tiếp tục chứng kiến hàng trăm người chết mỗi ngày dù các cơ quan y tế nhận thấy một số dấu hiệu, nhưng chưa thể khẳng định dịch đã đạt đỉnh.
Chính phủ Pháp dự kiến sẽ gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc được áp dụng hôm 17.3 và sắp hết hạn vào ngày 15.4 sau khi tổng số người chết vì Covid-19 tăng vọt lên hơn 10.000, với hơn 83.000 ca nhiễm.
Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu như Áo, Đan Mạch, Na Uy, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Slovenia đang cân nhắc khả năng nới lỏng lệnh phong tỏa ngay cả khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đây không phải là thời điểm thích hợp.
Một nghiên cứu mới đây của Đại học Hoàng gia London (Anh) ước tính các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội có thể giúp giúp ngăn chặn nguy cơ ít nhất 21.000 người chết vì Covid-19 tại 11 quốc gia châu Âu.
Phúc Duy
Bệnh nhân COVID-19 nhỏ tuổi nhất của Italy được xuất viện Bệnh nhi 2 tháng tuổi mắc COVID-19 tại Italy đã bình phục và được xuất viện ngày 9/4. Truyền thông Italy đưa tin đây được coi là ca mắc bệnh nhỏ tuổi nhất tại quốc gia hiện là tâm dịch của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung này. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Rome, Italy...