Hy sinh giữa dòng lũ khi giúp sản phụ đi cấp cứu
Biết tin chị Thành trở dạ nguy hiểm, anh Thưởng bất chấp dòng lũ thượng nguồn sông Gianh (Quảng Bình) đang chảy siết để chuyển phao và đã bị nước cuốn trôi.
Ngày 17/10, thi thể anh Đinh Văn Thưởng (35 tuổi) được tìm thấy tại bãi Dinh, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Anh Thưởng gặp nạn cách bãi Dinh khoảng 6 km, khi đang cứu một sản phụ giữa cơn lũ kỷ lục đổ về sông Gianh.
Nhìn cảnh thương tâm, những người chứng kiến thi thể anh Thưởng được đưa lên bờ đều lặng người.
Nằm trong bệnh viện Minh Hóa, sản phụ Đinh Thị Thành (29 tuổi) biết hung tin đã vội điện thoại về nhờ cha và anh trai đến lo tang lễ cho anh Thưởng. “Anh ấy vì cứu tôi mà gặp nạn, thực sự tôi không biết trả nghĩa cho người anh họ như thế nào”, chị Thành nói.
9h sáng ngày 14/10, chị Thành chuyển dạ sinh nở, phải qua bờ sông phía bản Cà Vàng mới có đường đến bệnh viện. Nước lũ lúc này đã đổ về, chảy rất siết. Không có phao, chị Thành chỉ biết đứng bên bờ thôn Ka Ai nhìn con nước dữ.
Anh Thưởng quê xã Hóa Hợp (huyện Hướng Hóa), lâu nay đến ở nhà anh trai của chị Thành là Đinh Ngọc Bưu để tiện công việc. Biết tin em họ chuyển dạ, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu vết mổ cũ bị bục, anh Thưởng cùng anh Bưu và một người bà con quyết vượt sông.
Chị Thành cùng cô con gái vừa chào đời mang ơn người anh em họ đã xả thân cứu mình. Ảnh: Nguyễn Đông.
Họ bơm một chiếc săm ôtô làm phao. Buộc chặt sợi dây dù vào một điểm phía bên sông thuộc bản Cà Vàng rồi cầm dây, đu phao bơi qua sông với ý định sẽ néo dây dù ngang sông Gianh, đẩy chị Thành trên phao bám theo sợi dây này vượt nước lũ.
“Bơi được chừng 50 mét, nước lũ bỗng cuộn lên làm lật phao, cuốn trôi anh Thưởng”, chị Thành nhớ lại cảnh tượng xảy ra trước mắt và cho biết, anh Thưởng vốn là người bơi giỏi, ngày ngày bơi lội trên dòng sông Gianh nên hiểu từng khúc sông, con nước. Nhưng lúc bấy giờ nước lũ chảy quá mạnh, anh đã không thắng nổi.
Nhìn anh Thưởng chìm dần, hai người bà con đi cùng anh không dám bơi ra cứu vì sợ bị nhấn chìm theo. Về lại bờ, họ gọi nhiều người đi dọc bờ sông tìm kiếm nhưng không được.
Video đang HOT
Lúc này, chính quyền địa phương, biên phòng cảnh báo, không cho người dân tiếp tục qua sông. Xe cứu thương cùng bác sĩ của bệnh viện Minh Hóa sau đó đã có mặt ngay bên dòng sông Gianh phía bản Cà Vàng, nhưng nước lũ đã lên cao hơn, chị Thành và gia đình không còn cách nào khác phải ở lại phía bờ thôn Ka Ai chờ nước rút.
Suốt đêm, chị cắn răng chịu đựng những cơn đau. Khoảng 5h ngày 15/10, nước lũ xuống thấp, chị Thành được một người dân cõng qua cầu tràn và lập tức được chuyển lên xe cứu thương.
“Lúc đó nước vẫn còn ngập đến nửa xe cứu thương, nhưng quá lo lắng cho sản phụ, chúng tôi quyết cho xe chạy”, bác sĩ Đinh Quang Phi, người trực tiếp cấp cứu cho chị Thành kể.
Quãng đường gần 70 km từ xã Dân Hóa về bệnh viện Minh Hóa đều bị nước lũ phủ trắng nên phải mất 2 giờ xe cứu thương mới đưa sản phụ Thành về đến nơi. Bác sĩ Đinh Văn Thìn, trưởng Khoa sản, đã đứng chờ sẵn, lệnh cho ê-kíp lập tức hồi sức sản phụ.
“Tôi đã phẫu thuật ngay cho chị Thành khi thấy sức khỏe ổn định, vì chị ấy chuyển dạ quá lâu”, bác sĩ Thìn kể và cho biết bé gái nặng 3,5kg cất tiếng khóc chào đời trong tiếng thở phào của êkíp phòng mổ.
“Gia đình chị ấy đón nhận thêm thành viên mới, nhưng cũng phải đội khăn tang của một người anh xả thân vì nghĩa. Lũ lụt làm bao cảnh đời khổ”, bác sĩ Thìn nói.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Bè cá bị lũ đánh bay lên bờ, dân mất tiền tỷ
Người dân nuôi cá ven sông Gianh (Quảng Bình) bỗng rơi vào cảnh trắng tay, khi trong nhà tài sản bị hư hại, ngoài bè cá chết nổi trắng.
Cơn lũ lịch sử ập về miền Trung hôm 14/10 khiến nhiều nơi ở Quảng Bình và Hà Tĩnh ngập sâu. Dòng sông Gianh lớn nhất Quảng Bình đỏ màu phù sa. Người dân địa phương cho biết, có nhà bị nước ập vào ngập đến 4 m.
Người dân Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) ở giữa con sông Gianh chịu thiệt hại nặng nề khi hầu hết các bè nuôi cá đều chết. Con đường dẫn về Cồn Sẻ, bè cá của ông Phạm Sơn (55 tuổi) bị nước lũ đẩy hẳn lên bờ.
"Tôi nuôi hơn 4.000 cá chẽm, giờ cá chết hết, chỉ kịp vớt 1.500 con bán được 30 triệu đồng. Lũ về, tôi mất hơn 300 triệu", ông Sơn buồn bã nói khi cột lại mỏ neo của bè cá vừa bị thiên tai "nhấc" lên bờ.
Chỉ riêng Cồn Sẻ đã có hơn 150 lồng cá chẽm trên sông Gianh, có nhà nuôi đến 15 lồng, giờ cá đều chết trắng. "Có lồng cá giá trị 400 triệu, giờ chỉ bán được 40 triệu", bà Nguyễn Thị Hương (xã Quảng Lộc) nói. Ước tính số tiền người dân Cồn Sẻ bị mất do cá chết lên đến hàng tỷ đồng.
Nhiều lồng cá chết nổi trắng bụng, vớt không xuể. Theo người dân, có nhiều nguyên nhân khiến cá chết như do thay đổi môi trường sống đột ngột, nước lũ về chảy siết khiến cá bị va đập vào lồng, ít oxy do phù sa nhiều.
Cá chẽm từ lớn đến nhỏ đều bị chết. Trong số những con cá chết được vớt lên, có con nặng tầm 3 đến 4kg.
Những con cá mới chết hoặc đuối sức được những hộ nuôi cá lồng vớt lên thuyền, chèo vào bờ bán.
"Cá nhiều con cũng đến độ thu hoạch rồi. Nhưng cá chết bán rẻ như cho, công sức, tiền của dân nghèo theo dòng nước lũ hết", người đàn ông này chia sẻ.
Nhiều chủ vựa đã đánh ôtô đến ven sông Gianh để thu mua. Cá được bỏ sẵn vào các giỏ để đưa lên bờ bán.
Cạnh con sông Gianh, nhiều loại rác thải cũng dạt vào bờ. Nhiều hộ nuôi cá cho biết đã mất hết vốn liếng khi hàng tấn cá chẽm chết, nên chưa tính đến chuyện nuôi lại.
Nhiều người dân ở Cồn Sẻ nhận làm thuê cho các chủ xe thu mua cá để kiếm thêm thu nhập. "Lũ lên cao, nhà tôi lợn, gà đều chết hết. Khổ quá!", bà Hương than.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Bộ đội giúp dân dọn bùn sau lũ Quân nhân từ nhiều đơn vị khác nhau về các xã ở Quảng Bình để giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Các quân nhân lên đường giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Hoàng Táo Ngày 17/10, gần 200 quân nhân của Tiểu đoàn 14 (Lữ đoàn phòng không 283, Quân khu 4) có mặt ở thị xã Ba...