Hy lạp vỡ nợ, eurozone sẽ phải trả giá đắt
Hy Lạp đang đứng trước sức ép phải nối lại cuộc đàm phán với các chủ nợ sau khi không thể thanh toán khoản vay Quỹ Tiền tệ quốc tế ( IMF) trị giá 300 triệu euro đáo hạn vào ngày 5-6, thời điểm được cho là mở màn “tháng trả nợ” của Athens với tổng số tiền lên tới 1, 6 tỷ euro.
Mặc dù IMF đã chấp nhận đề nghị giãn nợ và Hy Lạp trở thành quốc gia đầu tiên hoãn trả nợ cho định chế tài chính lớn nhất thế giới này kể từ thập niên 1980, song thời gian để Athens xoay xở không còn nhiều. Theo quy định, cuối tháng 6 là thời hạn cuối cùng để xứ sở các vị thần trả toàn bộ số tiền đã vay nói trên. Như vậy, Athens chỉ còn 1 tuần để thực hiện những cuộc đàm phán cuối cùng với chủ nợ nhằm thông qua khoản cứu trợ mới trị giá 7,2 tỷ euro trong tình trạng đã cạn kiệt tiền mặt.
Hy Lạp vỡ nợ sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho EU
Hiện tại, các cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras với bộ ba chủ nợ gồm IMF, Liên minh Châu Âu (EU) và Ngân hàng trung ương Châu Âu vẫn bế tắc do hai bên không thể giải quyết bất đồng liên quan đến các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Athens liên tục cho rằng, các chủ nợ quốc tế đã đưa ra những yêu cầu cải cách vô lý, cản trở cuộc đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của quốc gia thành viên Khu vực sử dụng đồng euro ( Eurozone) đang đứng trên bờ vực phá sản này.
Trên thực tế, ngay trước thời điểm Hy Lạp phải thanh toán khoản nợ đầu tiên, các bên liên quan đã tiến hành một cuộc làm việc nước rút tại Brussles (Bỉ). Tuy nhiên, sau 4 giờ đàm phán, Hy Lạp và các chủ nợ đã không đi đến một thỏa thuận nào, bất chấp những tuyên bố lạc quan của cả Athens lẫn lãnh đạo Đức và Pháp. Các nguồn tin nội bộ cho biết, mặc dù Đức và Pháp đồng ý hạ bớt những yêu cầu ban đầu nhằm tránh cho Hy Lạp không bị phá sản và rời khỏi Eurozone, song Athens vẫn kiên quyết từ chối những đề xuất, trong đó có cắt giảm lương hưu và tăng thuế điện.
Theo các nhà phân tích, cuộc đàm phán giữa Hy Lạp với chủ nợ sẽ phải nối lại trước khi các quan chức Cựu lục địa tham gia Hội nghị Thượng đỉnh EU – Châu Mỹ Latinh dự kiến diễn ra vào ngày 10 và 11-6. Tuy nhiên, tương tự như những cuộc gặp mặt trước đây, kỳ vọng đạt được một bước tiến đột phá là không nhiều. Nói một cách cụ thể hơn, các nhà lãnh đạo EU đang mất dần kiên nhẫn với Athens. Bằng chứng rõ nhất là ngày 6-6, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã từ chối không nghe cuộc điện đàm từ Thủ tướng Hy Lạp A.Tsipras. Như vậy, có thể thấy rằng, khả năng Eurozone chuẩn bị mất một thành viên đang đến rất gần.
Video đang HOT
Hy Lạp vỡ nợ sẽ là một cú sốc đối với Eurozone. Theo tính toán dựa trên số liệu từ EU, Đức sẽ là nước bị thiệt hại nặng nhất khi mất tổng cộng 56,5 tỷ euro, còn Pháp mất 42,4 tỷ euro, Italia mất 37,3 tỷ euro, Tây Ban Nha mất 24,8 tỷ euro, Hà Lan mất 11,9 tỷ euro… Tuy nhiên, đây vẫn chưa hẳn là vấn đề đối với EU. Vì số tiền Hy Lạp nợ các nước đối tác trong khu vực rất nhỏ so với tổng sức mạnh của kinh tế Eurozone. Nhưng một hệ lụy khác đáng lo ngại là, nếu Hy Lạp ra khỏi Eurozone sẽ gây ra sự bất ổn cho nền kinh tế khu vực đang trong tình trạng phục hồi mong manh và điều này có thể là một cái giá rất đắt.
Hiện tại, EU đang đối diện với nhiều nguy cơ: Chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy, tác động của cuộc khủng hoảng ở Ukraine và đặc biệt là cuộc chiến kinh tế với nước Nga. Thêm sự ra đi của Hy Lạp, bức tranh kinh tế, chính trị, xã hội của Châu Âu thêm phần ảm đạm. Điều này sẽ tác động mạnh đến tâm lý các nhà đầu tư và hậu quả rất có thể là sự tháo chạy của dòng vốn. Đây chính là hệ lụy lớn nhất khi Hy Lạp không còn ở trong Eurozone. Tuy nhiên, thảm họa này có xảy ra hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ khi tình hình tài chính của xứ sở thần thoại vẫn ở mức báo động.
Theo Phương Quỳnh
Hà Nội mới
Nóng bỏng chuyện "đi hay ở"
Câu chuyện ra đi hay ở lại Liên minh Châu Âu (EU) của nước Anh đã bắt đầu bước vào màn gay cấn, khi Thủ tướng vừa mới tái cử David Cameron thực hiện chuyến công du tới một loạt quốc gia được cho là trụ cột ở Cựu lục địa từ ngày 28-5...
Việc Anh có tiếp tục trở thành một mảnh ghép của EU hay không đang là dấu hỏi lớn
... Nhằm mục đích vận động cho một cuộc cải cách quan trọng trong "Ngôi nhà chung 28 thành viên" hướng tới tăng thêm một số đặc quyền riêng cho xứ sở Sương mù.
Theo lịch trình, ngày đầu của chuyến công du, Thủ tướng D.Cameron gặp người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte tại Hague trước khi có bữa ăn trưa với Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Paris. Ngày 29-5, "ông chủ" số 10 phố Downing sẽ thảo luận với Thủ tướng Ba Lan Eva Kopacz, sau đó bay tới Berlin để làm việc với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Theo các nhà phân tích, sứ mệnh của Thủ tướng D.Cameron trong chuyến đi này thật sự nặng nề khi một số nguồn tin cho biết, cả Tổng thống Pháp F.Hollande và Thủ tướng Đức A.Merkel ngay từ đầu đã bác bỏ những đòi hỏi từ London.
Điều này lại không có gì mới vì lâu nay, bên cạnh những lợi ích của việc là một phần của thị trường chung 500 triệu dân, Anh là quốc gia duy nhất được giảm trừ tiền đóng góp cho ngân sách chung của khối. Nước Anh cũng là quốc gia không tham gia khu vực miễn thị thực Schengen lẫn khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Việc "đứng ngoài" nhiều lĩnh vực của EU là nguyên nhân khiến cho London đôi khi bị đánh giá là "lạc nhịp" so với đa số các thành viên.
Tới nay, Thủ tướng D.Cameron vẫn kiên quyết với lập trường nước Anh muốn tiếp tục ở lại EU. Tuy nhiên, cam kết tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này lại là một yếu tố giúp ông có thể tái cử một cách ngoạn mục vào ngày 7-5 vừa qua. Chính vì vậy, nhiệm vụ của ông là phải làm thế nào để nhận được sự bảo đảm của các thành viên EU khác về những cải cách liên quan đến vấn đề nhập cư và phúc lợi xã hội.
Ngoài ra, EU cũng phải trao cho xứ Sương mù một số chính sách ưu tiên riêng. Song các nhà lãnh đạo chủ chốt Châu Âu dù khẳng định sẵn sàng lắng nghe và thương thuyết với Anh, nhưng cảnh báo sẽ có "giới hạn đỏ" trong việc đàm phán với Thủ tướng D.Cameron. Như thế có nghĩa là EU muốn giữ Anh ở lại nhưng không phải bằng mọi giá.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một "cuộc chiến cân não" thực sự giữa nước Anh và toàn bộ EU. Nếu thất bại cả hai bên đều sẽ phải hứng chịu những cơn địa chấn không hề nhẹ. Trước mắt, việc Anh rút khỏi EU như nhiều người vẫn gọi là "Brexit" chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả to lớn về kinh tế.
Mới đây, cơ quan nghiên cứu Open Europe đã đưa ra một số kịch bản có thể xảy ra nếu Anh "tạm biệt" EU.
Tình huống thứ nhất, được miêu tả như một sự ra đi "không thân thiện". Anh có thể ban bố các chính sách siết chặt nhập cư và đóng cửa giao thương. Do đó, thiệt hại cho London sẽ vô cùng lớn với khoảng 51,2 tỷ USD cho chính sách kiểm soát biên giới và thuế cho các mặt hàng như ô tô và thực phẩm của Anh ra nước ngoài cũng có thể tăng lên khoảng 30 tỷ USD.
Tình huống thứ hai sẽ là mô hình giống với Thụy Sĩ khi xứ sở Sương mù thương lượng để có một thỏa thuận tự do thương mại với Châu Âu nhằm bảo đảm hàng hóa nước này vẫn có thể tự do vào thị trường EU. Tuy nhiên, cách này vẫn bao gồm chính sách kiểm soát chặt chẽ biên giới, điều khiến GDP của Anh thiệt hại 0,8%.
Kịch bản tuyệt vời nhất cho Anh sẽ là "thỏa thuận thương mại tự do một phía", mang lại cho phía London 51 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, cách này chắc chắn sẽ gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ Quốc hội Anh, do những người ủng hộ rời EU luôn muốn hạn chế giao lưu kinh tế và nhập cư với liên minh này.
Trong khi đó, đối với EU, việc Anh ra đi sẽ làm mất đi khoảng 21 tỷ USD tiền đóng góp thường niên của London vào ngân sách chung của khối. Nghiêm trọng hơn, viễn cảnh đó sẽ khiến cho niềm tự hào của EU bấy lâu về tiến trình nhất thể hóa Lục địa già sụp đổ, đồng thời gây ảnh hưởng tới tâm lý của các nước thành viên còn lại.
Theo Phương Quỳnh
Hà Nội mới
EU dọa đưa 11 nước ra tòa nếu không thực thi luật ngân hàng mới Ủy ban châu Âu vừa tuyên bố Pháp, Ý và 9 nước khác còn 2 tháng để áp dụng luật mới của EU về việc trợ giúp các ngân hàng phá sản. Nếu không thực hiện, 11 nước này sẽ đối diện với Tòa án công lý châu Âu. Ủy ban châu Âu vừa cho biết 11 nước thành viên sẽ có thêm...