Hy Lạp: Tổng đình công phản đối cắt giảm chi tiêu
Ngày 28.6, các công đoàn lao động Hy Lạp tổ chức cuộc tổng đình công kéo dài 48 giờ nhằm gây áp lực cho quốc hội nước này trước giờ bỏ phiếu thông qua kế hoạch chi tiêu khắc khổ để trả các khoản nợ quốc tế.
Người Hy Lạp đình công.
“Chúng tôi sẽ có 48 giờ dành cho người lao động, người thất nghiệp, người trẻ trên đường phố nói lên suy nghĩ của họ” – ông Spyros Papaspyros – Chủ tịch Công đoàn khối lao động công ADEDY – phát biểu.
Sáng 28.6, hàng nghìn người, trong đó có bác sĩ, tài xế xe cứu thương, nhà báo, nhân viên đưa thư, người lao động trong khối tư nhân… tụ tập bên ngoài toà nhà Quốc hội (ảnh), trong khi cuộc diễu hành dự kiến diễn ra sau đó. Hơn 5.000 nhân viên cảnh sát được triển khai tới trung tâm Athens nhằm đảm bảo an ninh. Tổng đình công khiến hầu hết dịch vụ công bị trì hoãn và gián đoạn. Các sân bay đóng cửa nhiều giờ với nhân viên không lưu nghỉ làm từ 8h – 12h và 18h – 22h, dẫn tới hàng trăm chuyến bay bị huỷ hoặc hoãn. Xe lửa, xe buýt và phà cũng đều ngừng chạy.
Kế hoạch cắt giảm chi tiêu mới của Hy Lạp là trong vòng 5 năm tới sẽ áp dụng những biện pháp tăng thuế, cắt giảm chi và bán tài sản nhà nước… Một ngày trước khi diễn ra cuộc tổng đình công, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou tuyên bố việc thông qua kế hoạch này là điều “không thể không làm” nhằm giúp Athens có thể nhận được đợt giải ngân cứu trợ tiếp theo của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ. Song theo các công đoàn lao động Hy Lạp, kế hoạch cắt giảm chi tiêu sẽ “giáng đòn mạnh” xuống những người vốn chỉ kiếm được mức lương tối thiểu và gia tăng thêm nạn thất nghiệp hiện đã ở mức 16% của nước này. Một cuộc trưng cầu dân ý cho biết, 3/4 trong số 11 triệu người dân Hy Lạp phản đối kế hoạch này.
Trong khi đó, theo nhiều nguồn tin, khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang chuẩn bị “phương án B” cho Hy Lạp đề phòng trường hợp quốc hội nước này không thông qua kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” mới. Theo đó, kế hoạch này được soạn thảo theo tiêu chí đảm bảo Hy Lạp có đủ lực để vượt qua tình trạng vỡ nợ vào giữa tháng 7 tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các nước EU khó chấp nhận giải pháp này nếu không có sự tham gia của IMF và sự “thắt chặt chi tiêu” của Hy Lạp.
Theo Lao Động
Bộ trưởng Kinh tế Pháp thành Tổng Giám đốc IMF
Ngày 28/6, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde đã được bầu làm Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), qua đó giúp châu Âu tiếp tục nắm giữ vị trí cao nhất tại thể chế cho vay hàng đầu thế giới này.
Bà Lagarde, 55 tuổi, sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm của mình từ ngày 5/7 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đang leo thang và trong bối cảnh ngày càng gia tăng những mối lo ngại rằng Hy Lạp sẽ vỡ nợ.
Bà Lagarde là phụ nữ đầu tiên đứng đầu IMF kể từ khi cơ quan này ra đời năm 1944 và bà sẽ kế nhiệm ông Dominique Strauss-Kan, người từ chức hồi tháng Năm vừa qua trước những cáo buộc tấn công tình dục một nữ hầu phòng khách sạn ở New York.
Chiến thắng của bà Lagarde trước Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico, ông Agustin Carstens, trở nên chắc chắn sau khi Mỹ cùng các nền kinh tế mới nổi là Trung Quốc, Braxin và Nga bày tỏ sự ủng hộ đối với bà.
Ngay sau khi được bầu, bà Lagarde nói rằng bà cảm thấy "vinh dự và vui mừng" khi được bổ nhiệm làm nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của IMF. Bà khẳng định mục tiêu của mình là phục vụ tốt tất cả các thành viên của định chế cho vay toàn cầu này./.
Theo TTXVN
Hy Lạp làm sao thoát nợ ? Quốc gia ngập trong nợ nần Hy Lạp sẽ lại được cứu lần nữa hoặc sẽ trở thành thành viên đầu tiên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị vỡ nợ, điều này sẽ được quyết định tại hội nghị bất thường của các bộ trưởng tài chính Eurozone họp trong ngày 3/7 tại Brúcxen (Bỉ). Tuy vậy, các bộ...