Hy Lạp lùi bước trước sức ép từ châu Âu
Bản danh sách những cải cách mà Athens gửi cho Brussels hôm thứ Ba (24/2) thể hiện rõ sự nhượng bộ của tân chính phủ Hy Lạp trước sức ép từ châu Âu.
Bản danh sách này liệt kê những cải cách mà tân chính phủ của đảng Syriza phải thực hiện để đổi lại việc các chủ nợ của nước này (IMF, EU, ECB) kéo dài chương trình cứu trợ thêm 4 tháng cho Hy Lạp.
Hy Lạp sẽ được gia hạn gói cứu trợ thêm 4 tháng (ảnh: FT)
Những cải cách này được liệt kê trong 6 trang giấy và theo những cam kết trong đó, tân chính phủ Hy Lạp của ông Alexis Tsipras đã phải từ bỏ hầu hết những yêu sách mà đảng Syriza đưa ra trong quá trình vận động tranh cử cũng như khi mới lên nắm quyền. Phần lớn những cải cách này đã được nêu ra trong các chương trình mà nhóm “troika” đã đòi hỏi chính phủ Hy Lạp thực hiện trước đó.
Trong những cải cách mà Hy Lạp sắp phải thực hiện, một phần rất quan trọng liên quan đến việc trốn thuế và gian lận thuế mà nguyên nhân quan trọng xuất phát từ tham nhũng và sự vận hành yếu kém trong bộ máy hành chính Hy Lạp. Nhóm “troika” vốn đã yêu cầu Hy Lạp cải cách mạnh lĩnh vực này từ năm 2010 nhưng các đời chính phủ Hy Lạp đều không đủ quyết tâm thực hiện do ngại động chạm đến các nhóm lợi ích và các nhà tài phiệt. Tuy nhiên, trong danh sách cải cách mà tân chính phủ của đảng Syriza cam kết với Brussels lần này, Hy Lạp thể hiện quyết tâm thực hiện cải cách bộ máy hành chính nhằm chống tham nhũng và trốn thuế.
Cụ thể, bộ máy hành chính sẽ được tinh giản. Chính phủ sẽ rút gọn xuống chỉ còn 10 Bộ thay vì 16 Bộ như trước. Con số các “cố vấn đặc biệt”, tức là những công chức được hưởng đặc quyền, đặc lợi, cũng sẽ bị cắt giảm. Ngoài ra, lương của các nghị sĩ cũng sẽ giảm và việc hỗ trợ tài chính cho các đảng phái cũng sẽ bị thắt chặt.
Một chủ đề khó khăn khác trong các cải cách mà chính phủ của ông Tsipras phải thực hiện là vấn đề tư hữu hóa. Trong cam kết gửi Brussels, chính phủ Hy Lạp cho biết sẽ không truy xét lại các vụ tư hữu hóa từ các đời chính phủ trước dưới sức ép của châu Âu mà sẽ chỉ xem xét các vụ tư hữu hóa trong thời gian tới.
Sự lùi bước của Athens còn thể hiện thêm ở những điều khoản “nhân đạo” mà tân chính phủ phải từ bỏ. Cụ thể, lời hứa tăng mức lương tối thiểu cho người lao động Hy Lạp bị bỏ lửng. Trong danh sách cải cách gửi Brussels, Athens vẫn nói sẽ tăng lương tối thiểu nhưng từ bỏ con số cụ thể (từ 580 lên 751 euro/tháng) cũng như lộ trình (đầu 2016) mà trước đó đảng Syriza kiên quyết bảo vệ.
Trở lại thực tế
Bản danh sách cải cách của Hy Lạp sẽ được nhóm Eurogroupe, tức các Bộ trưởng Tài chính châu Âu, xem xét trong ngày hôm nay. Nếu được thông qua, Hy Lạp sẽ tiếp tục được kéo dài gói cứu trợ hiện tại, dự định kết thúc vào ngày 28/2, thêm 4 tháng nữa. Trong 4 tháng đó, chính phủ Hy Lạp sẽ phải đưa ra lộ trình chi tiết để thực hiện các cải cách đã cam kết sẽ vẫn phải chịu sự giám sát của các định chế quốc tế.
Video đang HOT
Trong trường hợp các Bộ trưởng Tài chính EU phủ quyết danh sách này, Hy Lạp sẽ đứng trước nguy cơ vỡ nợ và thậm chí phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu- eurozone. Tuy nhiên, các tín hiệu phát đi từ Brussels cho thấy châu Âu tương đối hài lòng với danh sách cải cách này vì trên thực tế vẫn giữ nguyên các đòi hỏi trước đây của nhóm troika.
Như phân tích của nhiều chuyên gia châu Âu, rốt cục thì cũng đã đến thời điểm tân chính phủ Hy Lạp trở lại với thực tại. Kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc bầu cử hôm 25/1, tân chính phủ của đảng Syriza đã tìm mọi cách thay đổi cuộc chơi với các chủ nợ bằng cách đưa ra các yêu cầu mà giới chức châu Âu đánh giá là “ngạo mạn” và “không thể chấp nhận được”. Sau 3 tuần với vô số các cuộc đàm phán căng thẳng, thậm chí đổ vỡ về mặt quan hệ cá nhân (như giữa Bộ trưởng Tài chính Đức, Wolfgang Schauble và Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis), Hy Lạp đã phải “trở lại với các luật chơi”.
Hầu hết các tham vọng mà tân Thủ tướng Alexis Tsipras đưa ra khi tranh cử đều sẽ không được thực hiện, ít nhất trong 4 tháng tới. Sẽ không có chuyện xóa nợ cho Hy Lạp, dù chỉ một phần. Cũng không có chuyện tăng lương tối thiểu, vì như lập luận của ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, “nếu Hy Lạp tăng lương tối thiểu lên 750 euro thì sẽ có ít nhất 6 nước EU khác có mức lương tối thiểu thấp hơn Hy Lạp mà vẫn phải cứu trợ tiền cho nước này. Đó là điều không thể chấp nhận”.
Những “thắng lợi” với ông Alexis Tsipras, nếu có, cũng rất hạn chế và hầu hết mang tính biểu tượng. Đáng chú ý nhất là việc Hy Lạp giờ đây được chủ động hoạch định các cải cách thay vì thụ động tiến hành dưới sự áp đặt của châu Âu. Tuy nhiên, việc này chỉ dừng ở mức “đề xuất” còn việc tiến hành vẫn phải đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của châu Âu. Thắng lợi tinh thần thứ hai, như chính phủ Hy Lạp tung hô, là việc từ bỏ được từ “troika” mà thay vào đó là từ “các định chế” bởi tân chính phủ của ông Tsipras cho rằng từ “troika” mang tính xúc phạm người dân Hy Lạp.
Nhưng, như nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thắng lợi lớn nhất là việc tân chính phủ Hy Lạp đã trở lại thực tại, có thêm 4 tháng cứu trợ để tránh đất nước rơi vào cảnh vỡ nợ, dù điều này đồng nghĩa với việc đảng Syriza đã gần như thất hứa hoàn toàn với các cử tri đã đưa họ lên nắm quyền./.
Theo Thùy Vân/VOV-Paris
Quan hệ nước lớn 2014 và những tác động
Năm 2014 qua đi với những gam màu sáng - tối đan xen trong cục diện chính trị - kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong quan hệ giữa các nước lớn Mỹ, Trung Quốc, Nga - yếu tố có tác động lớn đến quan hệ quốc tế và lợi ích của từng quốc gia.
Mỹ - Trung: Cạnh tranh xen hợp tác
Quan hệ Mỹ - Trung trong năm 2014 tiếp tục mang đậm đặc trưng "đối thủ cạnh tranh" xen lẫn "đối tác hợp tác", với điểm nhấn là việc cả hai nước đều cố gắng không để trục quan hệ có tầm quan trọng nhất trên thế giới này đi vào thế đối đầu gay gắt, trực diện, vượt tầm kiểm soát.
Nhân tố cạnh tranh xuất phát từ chính vai trò, vị thế của mỗi nước, nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sau hơn 30 năm cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã có bước tiến dài, chính thức vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP) - theo đánh giá của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Quan hệ giữa các nước lớn có tác động lớn đến cục diện quốc tế
Quyền lực về kinh tế đi kèm với sức nặng chính trị là tiền đề để quốc gia đông dân nhất thế giới vươn mình ra bên ngoài, khẳng định vị thế cường quốc tầm châu lục và thế giới. Từ bỏ phương châm "giấu mình chờ thời", Trung Quốc giờ đây không ngần ngại nói đến vị thế mới cho riêng mình. Lãnh đạo nước này đã nhiều lần nói đến khái niệm "châu Á là của người châu Á" mà ẩn đằng sau đó là vai trò lãnh đạo của riêng Trung Quốc. Sự phát triển này đương nhiên không làm Mỹ - nước tự xem mình là cường quốc duy nhất được thừa nhận trên thế giới, bằng lòng, vì đó là sự va chạm về mặt quyền lực và quyền lợi.
Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều chủ động "chừa ra" dư địa cho việc tăng cường hợp tác song phương, khi mà hai nước ràng buộc khá chặt chẽ với nhau trên nhiều lĩnh vực. Mỹ và Trung Quốc hiện đều là những đối tác kinh tế lớn nhất của nhau, với kim ngạch thương mại song phương vượt 500 tỉ USD/năm. Trung Quốc đang nắm giữ một lượng trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá khoảng 1.300 tỉ USD, là "chủ nợ" lớn nhất của Mỹ.
Hơn nữa, Mỹ và Trung Quốc đều cần đến nhau trong nhiều vấn khác như biến đổi khí hậu, thương mại toàn cầu... Điều đó giải thích tại sao lãnh đạo hai nước muốn hướng đến một tầm nhìn chiến lược cho quan hệ song phương, tiếp tục thúc đẩy mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới, không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng. Đặc biệt, Washington và Bắc Kinh đã đạt được một loạt những thỏa thuận quan trọng tại cuộc gặp cấp cao bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC vừa qua ở Bắc Kinh. Nổi bật nhất trong số này là cam kết tránh đối đầu quân sự tại châu Á, thỏa thuận thương mại về công nghệ thông tin trị giá 1.000 tỉ USD.
Nga - Trung: Lợi ích song trùng
Hợp tác Nga - Trung có bước phát triển mạnh trong năm 2014 trên nền tảng đã được xác lập từ trước. Lãnh đạo hai nước đã có hơn 10 cuộc tiếp xúc cấp cao, đi liền với đó là việc ký kết hơn 50 văn kiện hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố quan hệ Nga - Trung đang ở giai đoạn "tốt nhất" trong lịch sử. Hợp tác kinh tế diễn ra sôi động, nổi bật là việc ký kết hai hợp đồng Nga cung cấp 68 tỉ m3 khí đốt/năm cho Trung Quốc, trị giá hàng trăm tỉ USD.
Chuyển động bước ngoặt trong quan hệ Nga - Trung được khơi nguồn từ việc cả hai bên đều thuận theo quan điểm không chấp thuận một thế giới đơn cực, ủng hộ cục diện đa cực, mà ở đó Nga và Trung Quốc là cực trung tâm. Đặc biệt, mối bang giao này có thêm xung lực mới sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Trước việc bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phong tỏa, cô lập về kinh tế thông qua hàng loạt các lệnh cấm vận, Nga đã đẩy mạnh các bước tiến về phía Đông mà ở đó Trung Quốc nổi lên là đối tác đặc biệt quan trọng.
Nga xem Trung Quốc là thị trường tiêu thụ năng lượng chủ chốt, là đầu mối cung cấp các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và là nhà "cung cấp vốn" quan trọng cho các dự án, chương trình phát triển kinh tế lớn của Nga, trong bối cảnh thị trường và nguồn vốn từ các nước phương Tây tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Về phần mình, Trung Quốc cũng thu được các lợi ích to lớn trong hợp tác với Nga. Quan hệ hợp tác với Nga giúp Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình hội nhập Á - Âu, tạo đối trọng trước chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương. Nó cũng giúp Bắc Kinh có thêm điều kiện thuận lợi để gia tăng hợp tác quân sự với Moskva nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội - một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược "Bốn hiện đại hóa". Trên nền tảng lợi ích song trùng như vậy, cả Nga và Trung Quốc sẽ có được tiếng nói và sức mạnh thống nhất trong các thiết chế đa phương để phản đối các biểu hiện của lối hành xử đơn phương.
Tuy nhiên, được định hình và thúc đẩy bởi yếu tố tình thế nên quan hệ Nga - Trung có thực sự bền chặt hay không vẫn sẽ là một dấu hỏi lớn.
Nga - Mỹ: Một gam màu xám
Quan hệ Nga - Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô, thậm chí có đánh giá cho rằng hai nước đã tiến đến một cuộc Chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0. Thực trạng này phản ánh một thực tế: Việc chính quyền Tổng thống Obama tuyên bố "cài đặt lại" quan hệ với Nga hơn một năm trước đây thực chất chỉ là cách nói mang tính "sáo ngữ".
Rạn nứt giữa Washtington và Moskva thoạt nhìn có nguyên nhân sâu xa từ cuộc khủng hoảng Ukraine, khi mà cả hai đều kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình tại quốc gia có tầm quan trọng chiến lược này. Mỹ và đồng minh phương Tây ủng hộ phe đối lập Ukraine tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych dưới "khẩu hiệu" tăng cường liên kết và hội nhập với châu Âu. Mục đích chính là tạo lập một chính quyền Kiev thân Mỹ, giúp Washington vươn tầm ảnh hưởng tới sát nách nước Nga. Đó là điều mà Moskva không chấp nhận, đối đầu Nga - Mỹ vì thế tăng nhiệt.
Thế nhưng, việc Crimea sáp nhập vào Nga suy cho cùng chỉ là "điểm nút", làm phát lộ những mâu thuẫn tích tụ lâu nay giữa Moskva và Washington. Quan hệ Nga - Mỹ đã "chết" trước khi nổ ra khủng hoảng Ukraine - như đánh giá của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Nguyên do chủ yếu là việc hai bên "thiếu lòng tin, thừa sự nghi ngại".
Làm suy yếu và chia rẽ nước Nga vẫn luôn là mục tiêu nhất quán của nhiều đời Tổng thống Mỹ. Nó thể hiện qua việc Mỹ đã âm thầm lôi kéo các nước thuộc không gian hậu Xô Viết gia nhập khu vực ảnh hưởng của phương Tây, thúc đẩy các phong trào dân chủ trong lòng nước Nga, thông qua vai trò của các tổ chức phi chính phủ. Trong thông điệp liên bang 2014, Tổng thống Putin đã không ngần ngại nói thẳng rằng, hơn một thập kỉ qua Mỹ luôn tìm cách hạ thấp vai trò của Nga trong các vấn đề toàn cầu và "sẵn sàng áp dụng các kịch bản Nam Tư để chia cắt và làm phân rã nước Nga".
Những tác động lớn
Chuyển động qua lại theo các chiều hướng khác nhau trong quan hệ tam giác Mỹ - Trung Quốc - Nga năm 2014 có tác động lớn đến cục diện quốc tế, trên cả hai khí cạnh chủ yếu sau.
Thứ nhất, nó gây ra những biến chuyển địa chính trị, địa kinh tế và tác động trực tiếp đến lợi ích của các nước khác. Xu hướng nóng lên hay dịu đi tại các điểm nóng tranh chấp lãnh thổ tại Biển Hoa Đông, Biển Đông, khủng hoảng bên trong châu Âu trong vấn đề Ukraine, bất ổn tại Trung Đông... ở một góc độ nào đó đều mang dấu ấn của sự dịch chuyển, cọ xát trong quan hệ giữa các nước lớn.
Kinh tế toàn cầu cũng chứng kiến đà lao dốc của giá dầu, xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, mà một phần nguyên nhân được cho là do hệ quả của "trò chơi" giữa các nước lớn. Vô hình trung, khủng hoảng Ukraine đã gây tác động không nhỏ tới quốc gia cách đó cả nghìn dặm là Venezuela, khi quốc gia Nam Mỹ này phải mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, khan hiếm hàng hóa, tiềm ẩn bất ổn xã hội do ngân sách phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu dầu.
Thứ hai, nó đặt ra nhiều thách thức đối với các nước nhỏ trong xử lý quan hệ với các nước lớn. Khủng hoảng Ukraine nổ ra vì nhiều nguyên nhân, nhưng trên hết là việc nhiều thế hệ lãnh đạo Kiev đã bế tắc và thất bại trong việc dung hòa quan hệ với Nga và phương Tây dựa trên nền tảng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Thế "tiến thoái lưỡng nan" như vậy cũng là tình cảnh mà nhiều nước như Serbia, Moldova, Hungary, Bulgaria... đang gặp phải.
Theo Hoài Thanh/baotintuc.vn
Thỏa thuận hòa bình Ukraine: Mong manh như đèn trước bão Sau 16 giờ đàm phán căng thẳng, cuối cùng nhóm "Bộ tứ Normandie" cũng đã ký được một thỏa thuận hòa bình toàn diện cho Ukraine, trong đó việc ngừng bắn ở miền Đông. Tuy nhiên, với những mâu thuẫn cốt lõi giữa các bên, tương lai của văn kiện này chẳng khác gì ngọn đèn trước bão. Lãnh đạo 4 nước đàm...