Hy Lạp đã sẵn sàng tuyên bố vỡ nợ
Hy Lạp vỡ nợ sẽ là một cú sốc chưa từng có tiền lệ đối với liên minh tiền tệ 16 năm tuổi của châu Âu…
Thủ tướng Alexis Tsipras của Hy Lạp.
Hy Lạp đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống phải tuyên bố vỡ nợ cấp quốc gia trừ phi Athens có thể đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế trong thời gian từ nay đến cuối tháng – tờ Financial Times dẫn nguồn tin thân cận với Chính phủ cánh tả của Hy Lạp cho biết.
Theo nguồn tin, Chính phủ Hy Lạp đã quyết định sẽ hoãn thanh toán số nợ 2,5 tỷ Euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 5 và tháng 6 nếu không đạt được thỏa thuận với chủ nợ. Điều này đồng nghĩa với việc Hy Lạp vỡ nợ cấp quốc gia. Hiện Chính phủ Hy Lạp đang ở trong tình trạng gần cạn kiệt quốc khố để trả lương cho công chức và người hưu trí.
“Chúng tôi đã rơi vào cảnh đường cùng… Nếu châu Âu không giải ngân tiền cứu trợ, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài tuyên bố vỡ nợ”, một quan chức Chính phủ Hy Lạp nói.
Hy Lạp vỡ nợ sẽ là một cú sốc chưa từng có tiền lệ đối với liên minh tiền tệ 16 năm tuổi của châu Âu. Mới cách đây 5 năm, Hy Lạp được nhận khoản vay đầu tiên trong hai chương trình cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và IMF dành cho Athens với tổng trị giá lên tới 245 tỷ Euro.
Video đang HOT
Cảnh báo vỡ nợ của Athens xuất hiện vào thời điểm này cũng có thể là một “chiến thuật” đàm phán nhằm giành được những điều kiện dễ chịu nhất có thể từ phía các chủ nợ. Tuy vậy, cảnh báo này cũng phản ánh thực tế là quốc khố của Hy Lạp đang dần cạn kiệt. Đây cũng là cơ sở để các chính phủ khác ở châu Âu lên kế hoạch cho trường hợp khẩn cấp.
Trong ngắn hạn, việc Hy Lạp vỡ nợ gần như chắc chắn sẽ dẫn tới việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngừng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nước này. Khi đó, các nhà băng Hy Lạp có thể sẽ phải đóng cửa hàng loạt, Athens sẽ phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn, và bất ổn kinh tế lan rộng như một hệ quả tấn yếu.
Tuyên bố vỡ nợ không đồng nghĩa với việc Hy Lạp bị buộc phải rời khỏi Eurozone ngay tức khắc, nhưng sẽ khiến Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giữ cho Hy Lạp ở trong khối Eurozone.
Duy trì chỗ đứng của Hy Lạp trong Eurozone là một điểm chính trong chiến dịch tranh cử đưa ông Tsipras và đảng cánh tả Syriza của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 1 năm nay.
Đức và các quốc gia Eurozone khác tự tin rằng khu vực đồng tiền chung này đủ mạnh để vượt qua những hệ quả của việc Hy Lạp vỡ nợ. Tuy vậy, một số quan chức thừa nhận rằng, một vụ vỡ nợ của Hy Lạp sẽ đẩy Eurozone rơi vào một tình thế không thể đoán trước.
Hôm qua (13/4), Hy Lạp đã nối lại đàm phán với các chủ nợ về các vấn đề biện pháp tài khóa, mục tiêu ngân sách, và tư nhân hóa các doanh nghiệp. Các chủ nợ cho biết sẽ không giải ngân tiền cứu trợ mà Hy Lạp cần để trả các khoản nợ sắp đáo hạn nếu như Athens không đáp ứng yêu cầu mà họ đưa ra về các vấn đề này.
Chính phủ Hy Lạp đang cố gắng tìm nguồn tiền để trả 2,4 tỷ Euro lương hưu và lương công chức tháng này. Athens cũng phải trả 203 triệu Euro cho IMF vào ngày 1/5 và 770 triệu Euro vào ngày 12/5, chưa kể 1,6 tỷ Euro đáo hạn vào tháng 6.
Theo Diệp Vũ
VNEconomy
Bị hạ tiếp xếp hạng tín dụng, Ukraine bên bờ vực vỡ nợ
Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's vừa hạ mức tín nhiệm của Ukraine thêm một bậc, từ CCC- xuống còn CC, càng khẳng định khả năng vỡ nợ nước ngoài của Ukraine 'gần như là chắc chắn', theo Russia Today.
Standard & Poor's (S&P) vừa hạ 1 bậc tín nhiệm của Ukraine từ mức CCC- xuống CC - Ảnh: Reuters
Hãng tin AFP và tờ Russia Today hôm 10.4 đưa tin một trong ba hãng xếp hạng tín dụng uy tín nhất thế giới Standard & Poor's (S&P) đã hạ 1 bậc tín nhiệm của Ukraine từ mức CCC- xuống CC. Với mức này, xếp hạng tín dụng của Ukraine hiện còn thấp hơn cả Venezuela và tệ thứ hai thế giới sau Argentina, nước bị đánh giá mức SD.
AFP dẫn lời đại diện hãng S&P: "Chúng tôi đánh giá việc tái cấu trúc khoản nợ bằng ngoại tệ của Ukraine tương đương việc vỡ nợ. Chúng tôi sẽ hạ mức xếp hạng việc cấp tín dụng bằng ngoại tệ cho Ukraine từ mức CCC- xuống CC".
Russia Today cho hay hiện tại Ukraine đang nợ tổng cộng khoảng 50 tỉ USD. Chính phủ Kiev đã bắt đầu đàm phán với các chủ nợ về việc giảm khoản nợ trị giá 15 tỉ USD cho nước này.
Ngày 12.3, Ukraine đã đạt được thỏa thuận để có một phần của gói cứu trợ tài chính 40 tỉ USD cung cấp trong vòng 4 năm của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Cụ thể, IMF đã ký chấp thuận gói vay cứu trợ tổng cộng 17,5 tỉ USD cho Ukraine, bắt đầu chuyển đến nước này từ giữa tháng 3.
Song IMF cũng đã cảnh báo lệnh ngừng bắn mong manh ở miền đông Ukraine, sự bất ổn của chính trị trong nước hay thất bại trong việc đàm phán với các chủ nợ cũng sẽ làm suy yếu tất cả các kế hoạch hỗ trợ trên.
Hôm 25.3, hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody's cũng hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm của Ukraine từ CAA3 xuống CA - tức mức "tiêu cực" - do các nhà tín dụng tư nhân quốc tế lo ngại có thể bị thiệt hại nặng vì kế hoạch tái cơ cấu nợ của Kiev.
Russia Today ngày 5.4 cũng dẫn nguồn từ AFP cho biết Moody's đánh giá khả năng vỡ nợ của Ukraine là gần 100%.
Ngân hàng trung ương Ukraine cho biết nợ công của nước này chiếm 71% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và con số này được dự báo là sẽ leo đến 94% GDP trong năm 2015, theo Russia Today.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
"Phá vây" ngoạn mục Ngày 8-4, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã tới Mátxcơva trong chuyến công du hai ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng A.Tsipras đến Nga kể từ khi đảng Cánh tả Syriza của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước thời hạn hồi tháng 1 vừa qua. Chuyến thăm diễn ra đúng lúc quan hệ giữa Mátxcơva...