Hy Lạp cứu ngân hàng, người dân và khách du lịch khốn đốn
Việc kiểm soát vốn của chính phủ nhằm bảo vệ hệ thống ngân hàng đang khiến xã hội Hy Lạp khốn đốn. Từ người dân tới doanh nghiệp, từ khách du lịch đến các dịch vụ đều đang gần như “tê liệt”, Russia Today cho biết.
Xã hội Hy Lạp đang trong những ngày khốn khó vì chuyện nợ nần – Ảnh: AFP
Cả người Hy Lạp lẫn du khách, công ty nước ngoài đều đang gặp rất nhiều khó khăn để tiếp tục cuộc sống và chuyện kinh doanh hằng ngày trong cuộc khủng hoảng nợ hiện nay, theo ghi nhận từ ngày 3.7 của đài Russia Today (Nga).
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã ban hành lệnh hạn chế rút tiền mặt tại các quầy ATM xuống còn 60 USD/ngày. Đồng thời, chính phủ hiện cũng cấm các giao dịch thanh khoản quốc tế, nhằm ngăn không cho các nhà đầu tư kéo hàng tỉ euro ra khỏi đất nước và ngân hàng do những người Hy Lạp làm chủ.
Điều này dẫn tới việc khách du lịch tại Hy Lạp gặp khó khăn trong việc chi tiêu, vì thẻ ATM của họ (với mức 60 USD) gần như không thể giải quyết các nhu cầu.
Những rắc rối cũng xuất hiện khi người Hy Lạp đi du lịch ở nước ngoài vì thẻ ngân hàng của họ đang bị các cửa hàng địa phương từ chối. Thậm chí NBC News còn dẫn trường hợp một cặp vợ chồng Hy Lạp đi New York (Mỹ), không thể thanh toán tiền và lâm vào tình cảnh như những người vô gia cư.
Theo ghi nhận của Russia Today, những công ty du lịch và chính phủ nước ngoài đã gợi ý mọi du khách đều nên mang tiền mặt thật nhiều nếu đến Hy Lạp thăm thú.
Video đang HOT
Constantine Michalos, Chủ tịch Phòng Thương mại Athens, cảnh báo rằng không chỉ tiền mặt, Hy Lạp sẽ sớm thiếu hụt những loại hàng hóa cơ bản như dược phẩm và thực phẩm.
“Chúng ta sẽ thấy những thiếu hụt này trong tuần tiếp theo… mặc dù có thể còn tiền trong tài khoản để nhập khẩu hàng hóa, và mối lo chính nằm ở những ngành cơ bản của nền kinh tế như thực phẩm và dược phẩm”, ông Constantine Michalos nói với BBC.
Hy Lạp đã tích trữ xăng và những hàng hóa cần thiết khác trong bối cảnh lo lắng về sự hỗn loạn sẽ còn gia tăng.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Du lịch Elena Kundura cho biết các công ty du lịch Hy Lạp đang chịu lỗ nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng.
Ngoài ra, việc cấm các cuộc thanh toán quốc tế đã ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người dân thường mua hàng từ nước ngoài. Khách hàng của những website kinh doanh trực tuyến như Amazon, Apple, Google, Facebook và PayPal thấy họ đã không thể thanh toán gì, kể cả việc mua một bài hát trên cửa hàng âm nhạc trực tuyến như iTunes của Apple.
Vấn đề nợ của Hy Lạp đang là đề tài nóng bỏng trên toàn châu Âu cũng như thế giới, vì nó có thể đánh dấu một cột mốc nguy hiểm cho sự sụp đổ tài chính toàn châu Âu và khối đồng euro (Eurozone) nói riêng. Ngày 30.6 qua, Hy Lạp đã xác nhận vỡ nợsau khi Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cho hay nước này sẽ không trả khoản nợ sắp đáo hạn cho IMF.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hy Lạp cần 10 tỉ euro trong vài tháng tới và thêm 50 tỉ euro trong 3 năm để đối phó với cuộc khủng hoảng.
Hôm 3.7, Thủ tướng Tsipras yêu cầu cắt giảm 30% trong các khoản nợ của Hy Lạp và một thời gian ân hạn 20 năm, theo Russia Today.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp từ chức
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis vừa tuyên bố từ chức, chỉ vài giờ sau khi đa phần người dân nước này bỏ phiếu "không", phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis - Ảnh: Reuters
Theo Bloomberg hôm nay 6.7, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cho rằng sự có mặt của ông sẽ cản trở quá trình đàm phán nợ tiếp theo của Hy Lạp.
Quyết định của ông Varoufakis được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Chính phủ Hy Lạp giành chiến thắng áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp nói rằng ông sẽ rời chức vụ này nếu người dân Hy Lạp bỏ phiếu "có", tức không ủng hộ chính quyền trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua.
"Ngay sau khi kết quả trưng cầu được thông báo, tôi nhận thức rằng vài đại biểu và đối tác châu Âu muốn tôi vắng mặt trong các cuộc họp sắp tới. Điều này, theo Thủ tướng Hy Lạp, là sẽ giúp ích ông ấy trong việc tiến đến thỏa thuận. Vì lý do này, từ hôm nay, tôi sẽ từ bỏ vị trí Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp", ông Varoufakis viết trên trang cá nhân.
Ông cho hay cuộc trưng cầu dân ý hôm 5.7 sẽ hiện diện như là thời điểm độc nhất, khi một quốc gia châu Âu nhỏ bé đứng lên trước sự kìm kẹp của nợ nần.
"Tôi coi việc giúp đỡ Thủ tướng Alexis Tsipras là bổn phận vì ông ấy chính là người phù hợp với những gì mà người dân Hy Lạp đã tin tưởng trao cho chúng tôi thông qua cuộc trưng cầu dân ý. Tôi chịu sự khinh bỉ và chán ghét của các chủ nợ với lòng tự hào", ông Varoufakis viết.
Hiện tại, các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Hy Lạp, được dẫn dắt bởi đảng Syriza, và các chủ nợ quốc tế sẽ bắt đầu lại từ đầu.
Hầu hết chuyên gia phân tích thuộc các ngân hàng hàng đầu thế giới cho rằng Hy Lạp chắc chắn sẽ vỡ nợ đối với tất cả các khoản nợ còn lại.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Sau trưng cầu dân ý, điều gì sẽ xảy ra ở Hy Lạp? 61% người dân Hy Lạp vừa từ chối gói viện trợ quốc tế, dẫn đến một loạt mệnh đề phủ định dành cho Hy Lạp trong vài tuần tới: không có các điều kiện thắt lưng buộc bụng, không có thỏa thuận cứu trợ tài chính và không có đồng euro. Hy Lạp có thể phải rời eurozone - Ảnh: Reuters Sau nhiều...