Hy Lạp chấp nhận nhượng bộ chủ nợ
Hy Lạp vừa trình kế hoạch cải tổ kinh tế bao gồm nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của chủ nợ. Nước này đang cho thấy nỗ lực để đạt được gói cứu trợ mới, chặn nguy cơ vỡ nợ.
Hy Lạp vừa trình ra đề xuất cải cách kinh tế bao hàm nhiều yêu cầu của chủ nợ – Ảnh: Reuters
Theo Reuters hôm nay 10.7, chính phủ Hy Lạp đệ trình kế hoạch cải cách kinh tế gần như bao hàm toàn bộ yêu cầu của các chủ nợ đưa ra hôm 26.5 về việc thực hiện nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng. Đây là những điều khoản mà cuộc trưng cầu dân ý ngày 5.7 đã bác bỏ.
Athens cam kết sử dụng các biện pháp như thắt chặt chi tiêu công, tiết kiệm tiền lương hưu, tăng thuế trên các công ty vận tải, bãi bỏ giảm thuế cho các quần đảo nhỏ trong nước này… Đề xuất trên được gửi đến các định chế châu Âu vào rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, theo Bloomberg.
Video đang HOT
Đổi lại, Athens mong muốn các chủ nợ xem xét lại những mục tiêu thặng dư chính dành cho Hy Lạp trong 4 năm tới, đồng thời chi một gói cứu trợ khoảng 53,5 tỉ EUR, tương đương 59,2 tỉ USD để nước này trả nợ cho đến hết tháng 6.2018.
Tuy nhiên, Nhà kinh tế trưởng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Olivier Blanchard cảnh báo rằng nước này có thể cần được giảm nợ và hỗ trợ tài chính nhiều hơn cả 60 tỉ EUR mà tổ chức này dự báo vài ngày trước, theo CNBC.
Diễn biến trên gia tăng kỳ vọng Hy Lạp và châu Âu sẽ tiến đến một thỏa thuận giải cứu Athens tại cuộc họp khẩn của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 12.7. Đây là cuộc họp quyết định cho tương lai của Hy Lạp trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone)
Truyền thông Hy Lạp dẫn lời Thủ tướng Alexis Tsipras cho hay: “Chúng tôi sẵn sàng thỏa hiệp”.
Chris Scicluna, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Daiwa Capital Markets (Anh) cho biết: “Hy Lạp dường như đã có những nhượng bộ đáng kể, chấp nhận các yêu cầu gần đây nhất của chủ nợ. Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu các chủ nợ có muốn nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng hơn hay không”.
Thông tin này khiến thị trường thế giới lạc quan hơn. Chỉ số chứng khoán Nhật Bản và Mỹ cùng giá trị đồng euro đều tăng sau khi Hy Lạp đề xuất bản cải cách mới.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Người Hy Lạp nói không với các chủ nợ
Cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp đã kết thúc với kết quả cử tri thẳng thừng bác bỏ những điều kiện của các chủ nợ quốc tế.
Người ủng hộ chính phủ ăn mừng sau khi có kết quả trưng cầu - Ảnh: Reuters
Tờ Le Monde rạng sáng 6.7 dẫn thông cáo của Bộ Nội vụ Hy Lạp cho biết có 61,31% số cử tri chọn trả lời "không" đối với câu hỏi: "Bạn có đồng ý với kế hoạch do Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đề xuất hay không?". Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố: "Đây không phải là dấu hiệu của sự chia rẽ với châu Âu mà là cơ sở để tiếng nói của chúng ta mạnh mẽ hơn tại các cuộc đàm phán". Cuộc trưng cầu ngày 5.7 cũng có thể được hiểu ngầm là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với ông Tsipras, vì nhà lãnh đạo này đã kêu gọi người dân chọn "không" và gần như chắc chắn từ chức nếu kết quả ngược lại.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của người dân là điều kiện cần chứ chưa đủ để Hy Lạp có thể buộc các chủ nợ quốc tế nhượng bộ về kế hoạch thắt lưng buộc bụng hà khắc, bao gồm tăng thuế giá trị gia tăng, tăng độ tuổi về hưu, cắt giảm chi tiêu công, cắt giảm nhiều khoản trợ cấp xã hội... Thủ tướng Tsipras cho biết Hy Lạp mong muốn có thể ngồi vào bàn đàm phán "trong vòng 48 giờ" sau trưng cầu. Athens cũng yêu cầu ECB tăng mức trần của Quỹ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp để các ngân hàng nước này có thể đảm bảo hoạt động trở lại vào ngày 7.7, sau 1 tuần đóng cửa.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng cử tri Hy Lạp đã có quyết định rất mạo hiểm và có thể khiến tình trạng bế tắc thêm kéo dài. AFP hôm qua dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel cho biết sẽ khó xác định được khi nào Athens và các chủ nợ có thể nối lại đàm phán. Một hội nghị thượng đỉnh của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) sẽ được tổ chức vào ngày 7.7 và những đề xuất mới của Hy Lạp sẽ được mang ra bàn thảo. Đáng chú ý là hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis bất ngờ thông báo từ chức vì: "Nhiều người không muốn tôi dự các cuộc đàm phán sắp tới và Thủ tướng Tsipras cũng cho rằng điều đó cần thiết để đạt được thỏa thuận".
Theo giới quan sát, tất cả các bên đều muốn tránh việc Hy Lạp phải rời bỏ eurozone, còn được gọi là "Grexit". Với gánh nặng khủng hoảng kinh tế, Hy Lạp không muốn quay lưng lại với đồng minh truyền thống trong lúc những "quan hệ mới" như Nga, Trung Quốc chỉ dừng ở mức "đối tác quan trọng". Đối với EU, Grexit sẽ cho thấy liên minh không thật sự bền vững và khiến nhà đầu tư không còn tin tưởng vào đồng euro. Hôm qua, nhiều thị trường chứng khoán EU đồng loạt sụt giảm; đồng euro cũng giảm mạnh tại châu Á còn 1 euro ăn 1,0979 USD.
Lan Chi
Theo Thanhnien
Người dân Hy Lạp nói 'không' với các chủ nợ Kết quả trưng cầu dân ý tại Hy Lạp diễn ra ngày 5.7 đã có kết quả: 61% người dân chọn câu trả lời "không" trước gói viện trợ của quốc tế với những điều kiện thắt lưng buộc bụng khắc khổ, chỉ 39% là đồng ý. Những người Hy Lạp chống lại gói viện trợ đổ ra đường reo mừng sau kết...