Hy Lạp cận kề nguy cơ từ bỏ đồng euro
Cánh cửa đàm phán đã bị đóng sập khi chỉ còn 2 ngày là đến thời hạn thanh toán khoản nợ 1,6 tỉ euro của Hy Lạp với Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Dân Hy Lạp đổ xô rút tiền trước nguy cơ nước này vỡ nợ và phải từ bỏ đồng euro – Ảnh: Reuters
Theo tờ Le Figaro, Quốc hội Hy Lạp ngày 28.6 chính thức thông qua đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý về các yêu cầu của 3 chủ nợ chính là Ngân hàng Trung ương châu Âu ( ECB), Ủy ban châu Âu (EC) và Quỹ Tiền tệ quốc tế ( IMF).
Như vậy, ngày 5.7 tới, cuộc trưng cầu sẽ được tổ chức với câu hỏi: “Bạn có đồng ý với yêu cầu cải cách của các chủ nợ quốc tế hay không?”. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố “những người nói không sẽ chiếm đa số” và đây sẽ là cơ sở để tiếng nói của Athens “có trọng lượng hơn” trong các cuộc đàm phán sắp tới. Theo ông, “từ 5 tháng qua, chúng tôi rất nỗ lực để tìm tiếng nói chung nhưng các chủ nợ luôn đưa ra yêu cầu theo kiểu tối hậu thư”.
Video đang HOT
Cuối tuần qua, các bộ trưởng kinh tế – tài chính khu vực dùng đồng euro (eurozone) dự định họp bàn về kế hoạch cải cách nhằm cân bằng tài chính cho Hy Lạp. Tuy nhiên, vào giờ chót, nhận thấy những bất đồng khó giải quyết ở bản kế hoạch này, ông Tsipras đã bất ngờ thông báo tổ chức trưng cầu, gần như đồng nghĩa với “không đàm phán gì nữa”.
Theo tờ Le Monde, các chủ nợ yêu cầu Athens phải áp dụng tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 1.7 để có khoản thu tương đương 1% GDP trong năm 2015. Trong khi đó, Hy Lạp chấp nhận tăng VAT nhưng muốn áp dụng từ cuối năm nay. Một bất đồng khác là các chủ nợ đề nghị kéo dài thời hạn hỗ trợ tài chính cho nước này thêm 5 tháng với gói cho vay mới trị giá 15,5 tỉ euro. Tuy nhiên, Athens cho rằng mức này không đủ vì phần lớn phải dành để trả nợ đồng thời muốn kéo dài thời hạn hỗ trợ lên 9 tháng. Ngoài khoản 1,6 tỉ euro đến hạn vào ngày 30.6, trong năm 2015, Hy Lạp sẽ còn phải trả 1,5 tỉ euro cho IMF và 8 tỉ euro cho ECB .
Trước những diễn biến trên, Bộ trưởng Tài chính Áo Johann Georg Schelling hôm qua 28.6 nhận định trên tờ Die Presse: “Hy Lạp ra khỏi eurozone đã trở thành điều khó tránh khỏi”. Cùng ngày, BBC dẫn nguồn tin riêng cho biết có thể ECB cũng sẽ tạm ngưng quỹ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho Hy Lạp.
Những tuần qua, ELA liên tục được tăng mức trần để giúp các ngân hàng nước này cầm cự với việc người dân ồ ạt rút tiền. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis chỉ trích rằng nếu tin này chính xác thì ECB sẽ “đi ngược lại nguyên tắc nhất thể hóa tiền tệ lâu nay”. Ông cũng cho biết chính phủ sẽ xem xét tạm đóng cửa các ngân hàng từ hôm nay 29.6 để ứng phó, theo BBC.
Gần như rất khó đạt được thỏa thuận để Hy Lạp được vay khẩn cấp trước ngày 30.6. Theo nhiều chuyên gia, lý do khiến nước này tỏ ra cứng rắn trước mọi đòi hỏi của các chủ nợ phương Tây là quan hệ ngày càng được tăng cường với Nga lẫn Trung Quốc. Mới đây, Thủ tướng Tsipras đã ký kết với Tổng thống Nga Vladimir Putin hợp đồng xây dựng đường ống dẫn khí đốt tại Hy Lạp với kinh phí dự trù lên đến 2 tỉ euro. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, các công ty Trung Quốc đã đầu tư ồ ạt vào Hy Lạp, đặc biệt là ở các cảng biển và sân bay.
Lan Chi
Theo Thanhnien
Đàm phán nước rút giữa Hy Lạp và các chủ nợ
Liên tiếp trong 2 ngày qua, đoàn đàm phán của Hy Lạp với các chủ nợ quốc tế đã họp liên tục để tìm hướng giải quyết những bất đồng khiến các bên chưa thể đạt được thỏa thuận về việc giải ngân gói vay khẩn cấp trị giá 7,2 tỉ euro cho nước này, theo tờ Le Monde.
Hy Lạp đứng trước nguy cơ bị vỡ nợ và có thể phải ra khỏi khu vực sử dụng đồng euro - Ảnh minh họa: Reuters
Nếu không được giải ngân, Athens khó có khả năng thanh toán khoản nợ 1,6 tỉ euro đáo hạn vào ngày 30.6 cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Do phải "chạy đua với thời gian", chỉ trong 1 ngày trước khi hội nghị chính thức được tổ chức vào hôm qua ở thủ đô Brussels của Bỉ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã phải 2 lần họp trù bị với đại diện nhóm chủ nợ quốc tế, bao gồm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde.
Kết quả của 2 cuộc họp nói trên không mấy khả quan dù tại hội nghị thượng đỉnh của EU hồi cuối tuần qua, ông Tsipras đã công bố một kế hoạch cải cách được nhiều chuyên gia đánh giá là "mở đường cho đối thoại": gia tăng nhiều khoản thuế để mang lại cho ngân sách khoảng 8 tỉ euro từ nay đến hết năm 2016.
Tuy nhiên, IMF không đồng ý với kế hoạch này vì cho rằng Athens chỉ trông chờ vào tăng thuế mà không chú trọng cắt giảm chi tiêu ngân sách.
Trong khi đó, dù cũng là một chủ nợ nhưng EU đóng vai trò là trung gian và đang nỗ lực giúp các bên đạt được thỏa thuận, tránh "thảm họa" Hy Lạp bị vỡ nợ và có thể phải ra khỏi khu vực sử dụng đồng euro.
Lan Chi
Theo Thanhnien
Hy Lạp - EU: Bên cần, bên vội Hội nghị cấp cao mới rồi của EU tuy chưa đưa lại thỏa thuận về gói cứu trợ tài chính tiếp theo cho Hy Lạp nhưng xem ra đã giúp giảm bớt mức độ bi quan về triển vọng sẽ đạt được sự nhất trí cần thiết giữa Hy Lạp, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế...