Hy hữu: Phẫu thuật thay khớp háng 2 bên cho cụ ông 92 tuổi
Gãy 1 bên khớp háng đã là tổn thương rất nặng nề, đặc biệt lại là đối với người già. Trường hợp bệnh nhân trên 92 tuổi, gãy đồng thời cả hai bên khớp háng là một trường hợp hiếm gặp.
Các bác sỹ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnamplus)
Các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiến hành phẫu cùng một lúc thay khớp háng 2 bên cho cụ ông đã 92 tuổi bị ngã và gãy cổ xương đùi cả hai bên.
Ngày 5/8, phó giáo sư Nguyễn Mạnh Khánh – Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Phó viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, đây là lần đầu tiên các bác sỹ phẫu thuật cho bệnh nhân đồng thời cả 2 bên khớp háng.
Theo bác sỹ Khánh, gãy 1 bên khớp háng đã là tổn thương rất nặng nề, đặc biệt lại là đối với người già. Trường hợp bệnh nhân trên 92 tuổi, gãy đồng thời cả hai bên khớp háng là một trường hợp hiếm gặp. Trên thế giới, y văn cũng cực kỳ hiếm gặp.
Cổ xương đùi là phần yếu nhất của khớp háng, chịu lực chính cho trọng lượng cơ thể, thông thường người bệnh bị gãy 1 bên khớp háng. Đây là một tổn thương dẫn đến xương không thể liền lại được, bệnh nhân không thể ngồi dậy, đứng dậy hay đi lại được mà phải nằm 1 chỗ. Khi bệnh nhân nằm 1 chỗ lâu sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như: loét lưng, loét mông, loét gót ở những vùng tì đè; đại tiểu tiện khó khăn, người bệnh phải đặt xông tiểu sẽ nhiễm trùng tiết niệu.
“Người già gãy cổ xương đùi nếu không được phẫu thuật sớm thì chắc chắn sẽ tử vong do các biến chứng gây ra. Nếu thay từng bên một, bệnh nhân sẽ phải chờ thêm 1, 2 tuần khi 1 bên sau phẫu thuật đã ổn định, như vậy thời gian chăm sóc sẽ kéo dài, người bệnh vẫn đau đớn và phải chống chọi với những biến chứng do nằm lâu,” bác sỹ Khánh phân tích.
Vào 14 giờ ngày 5/8, các bác sỹ của bệnh viện đã tiến hành thay cùng lúc cả hai bên khớp háng cho bệnh nhân.
Phim chụp X-quang của bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnamplus)
Video đang HOT
Thay khớp háng cả hai bên đối với bệnh nhân trẻ tuổi đã là một thách thức rất lớn vì đòi hỏi mổ rất nhanh, gây mê hồi sức đảm bảo, trang thiết bị đầy đủ, theo dõi và hồi sức sau phẫu thuật chu đáo và cẩn thận mới đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Vì vậy, để phẫu thuật thành công thay khớp háng cả hai bên cùng 1 lúc cho cụ ông đã 92 tuổi, các bác sỹ phải tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa, đảm bảo nhiều yếu tố: gây mê, hồi sức trước, trong và sau mổ; dự trù máu, dịch truyền, điều trị các bệnh nội khoa phối hợp như tim mạch, đái tháo đường…
Các bác sỹ đã dùng phương pháp thay khớp háng bán phần không ximăng với kỹ thuật đường mổ nhỏ, ít xâm lấn, vết mổ chỉ từ 4-5cm (đường mổ rất ngắn), gây tê ngoài màng cứng, giảm đau ngoài màng cứng. Người bệnh trong mổ vẫn tỉnh táo, ít đau, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, chăm sóc hậu phẫu dễ dàng hơn. Ca phẫu thuật kéo dài trong 1 giờ đồng hồ.
Sau phẫu thuật người bệnh tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao.
Dự kiến sau một ngày phẫu thuật bệnh nhân có thể ngồi dậy được, sau 2 ngày phẫu thuật bệnh nhân có thể tập đi sớm với sự hỗ trợ của nạng, khung trợ đỡ./.
Theo Vietnamplus
Bị trật khớp háng bẩm sinh, một bé gái may mắn được phẫu thuật và đã có thể đi lại, chạy nhảy bình thường
Trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh chiếm tỷ lệ hiếm gặp (1/800 - 1/1000 trẻ), nhưng nếu không được bố mẹ phát hiện sớm sẽ dẫn tới hậu quả lâu dài cho trẻ.
Tìm lại được nụ cười cho trẻ khi được chạy nhảy lại bình thường
Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã từng phẫu thuật khớp háng thành công cho bệnh nhân Nguyễn Hồng Ngọc - 4 tuổi (ở Yên Thành - Nghệ An).
Cách đây hơn 2 năm, gia đình đã đưa cháu Ngọc vào bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khám với triệu chứng dáng đi tập tễnh, kiểu chân thấp - chân cao. Sau khi thăm khám và chụp phim, cháu được chẩn đoán là trật khớp háng bẩm sinh, có chỉ định phẫu thuật và đã được tiến hành phẫu thuật.
Bé Ngọc sau khi đã được phẫu thuật khớp háng.
Bác sỹ Lê Như Dũng - Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An chia sẻ: "Hôm nay hẹn cháu vào tái khám, đã hơn 2 năm nhưng tôi vẫn nhớ dáng đi tập tễnh của cháu hồi đó. Gặp cháu tôi ngạc nhiên quá vì thấy cháu chạy nhảy, đi lại bình thường như các cháu khác, không còn dáng đi tập tễnh như trước, cháu đứng thẳng không còn vẹo người 1 bên như trước đây nữa... Kết quả chụp phim của cháu thấy khớp háng đã hoàn toàn bình thường. Nhìn cháu vui cười, chạy nhảy bình thường trên đôi chân của mình mà tôi giống như tôi là bố mẹ của cháu. Cuộc đời bác sỹ của chúng tôi hạnh phúc khi được nhìn thấy bệnh nhân của mình được khoẻ mạnh".
Trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh chiếm tỷ lệ hiếm gặp
Bác sỹ Lê Như Dũng trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh chiếm tỷ lệ hiếm gặp (1/800-1/1000 trẻ), nhưng nếu không được bố mẹ phát hiện sớm sẽ dẫn tới hậu quả lâu dài cho trẻ như dáng đi bất thường, vẹo cột sống, biến dạng khung xương chậu làm ảnh hưởng tới khả năng sinh đẻ sau này đối với bé gái.
Trật khớp háng bẩm sinh là bệnh có thể phát hiện ngay sau sinh hoặc trong vài tuần đầu sau sinh. Tuy nhiên, trật khớp háng ở trẻ thường không được phát hiện sớm, bởi khi bị bệnh, trẻ không cảm thấy đau, không quấy khóc. Đa số các gia đình chỉ đưa con đi khám khi bé đã biết đi hoặc có các dấu hiệu như đi tập tễnh, một chân yếu hẳn so với chân còn lại... dẫn tới điều trị khó khăn.
Trật khớp háng bẩm sinh nếu được phát hiện kịp thời ngay sau sinh và được điều trị đúng cách, khả năng khỏi hoàn toàn của bé là khoảng 90-95% mà không cần phải can thiệp phẫu thuật.
Bác sỹ Lê Như Dũng có 8 dấu hiệu bố mẹ cần lưu ý để phát hiện bệnh của bé ngay sau sinh như:
- Chênh lệch chiều dài hai chân, chân bị trật khớp háng ngắn hơn chân còn lại, tuy nhiên sẽ khó phát hiện khi trật khớp háng cả hai bên;
- Nếp lằn mông, đùi ở chân bên trật ít hơn và cao hơn bên lành;
- Bàn chân đổ ngoài khi trẻ nằm duỗi chân;
- Tư thế gấp gối, khớp gối bên trật thấp hơn;
- Hạn chế gấp và dạng khớp háng bên trật;
- Dáng đi khập khiễng nếu trật khớp háng hai bên;
- Khi gấp và khép háng, chỏm xương đùi trượt ra ngoài ổ khớp tạo nên tiếng kêu "lục cục" (ở trẻ dưới 6 tháng tuổi);
- Khi dạng và duỗi khớp háng, chỏm xương đùi trượt ra khỏi ổ khớp tạo nên tiếng kêu "lục cục" (ở trẻ dưới 6 tháng tuổi).
Bên cạnh đó, khi chụp khớp háng hoặc siêu âm khớp háng có thể giúp chẩn đoán trật khớp háng.
Nếu được phát hiện bệnh kịp thời ngay sau sinh, bé chỉ cần duy trì tư thế khớp háng dạng và đầu gối thấp trong khoảng 2 tháng như đóng bỉm vệ sinh, dùng tã gấp dày để giữ cho khớp háng dạng ra; Cõng hoặc địu trẻ; Đặt trẻ nằm sấp khi ngủ. Với những cách này thông thường sau từ 3 đến 4 tuần, khớp háng sẽ trở lại vị trí bình thường.
Các bác sĩ khuyến cáo, sau khi sinh, bác sĩ sản khoa cần so chân để kiểm tra cho trẻ, nếu có nghi ngờ về bệnh trật khớp háng bẩm sinh thì cần đưa trẻ đi siêu âm tầm soát để có thể phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo Helino
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm ở dân văn phòng Việc ngồi lâu một chỗ, sử dụng máy tính trong thời gian dài, khiến cột sống trở nên yếu dần, áp lực bị dồn ép nhiều lên các đốt xương. Theo Erik Waardenburg, bác sĩ chuyên khoa Trị liệu Thần kinh Cột sống tại phòng khám ACC, nhiều người nghĩ thoát vị đĩa đệm là tình trạng chỉ gặp ở người lớn tuổi,...